Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2002/CT.UBNDT | Sóc Trăng, ngày 16 tháng 7 năm 2002 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP, TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ HỘI NÔNG DÂN CÁC CẤP THAM GIA GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA NÔNG DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG.
Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền đã phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân cùng cấp tổ chức triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, đổi mới bộ mặt nông thôn và đưa nền nông nghiệp tỉnh nhà phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt làm được, một số nơi chính quyền địa phương chưa phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân để giải quyết có hiệu quả các khiếu nại, tố cáo liên quan đến nông dân.
Để phát huy những kết quả đạt được, đặc biệt là triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg, ngày 9/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ thị:
1/- Trên cơ sở quán triệt Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg, ngày 9/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân và Kế hoạch số 12-KH/TU, ngày 11/6/2002 của Tỉnh ủy Sóc Trăng về thực hiện Chỉ thị số 59-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam, Thủ trưởng các Sở, ngành chức năng có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị có trách nhiệm tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quyết định số 163/2001/QĐ.UBNDT, ngày 27/11/2001 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc ban hành Quy định về trình tự giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, góp phần thắt chặt mối đoàn kết “Tình làng, nghĩa xóm”, giữ gìn an ninh trật tự xã hội ở nông thôn.
2/- Thủ trưởng các Sở, ngành có trách nhiệm căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao để đề ra nhiệm vụ và biện pháp phối hợp tạo điều kiện cho Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến nông dân, cụ thể là:
- Sở Tư pháp có trách nhiệm căn cứ Chương trình phối hợp thực hiện Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg giữa Bộ Tư pháp và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam để phối hợp với Hội Nông dân tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, giúp nông dân nâng cao nhận thức pháp luật, giảm bớt các khiếu kiện vượt cấp và không đúng theo quy định của pháp luật.
- Thanh tra tỉnh có trách nhiệm căn cứ Chương trình phối hợp thực hiện Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg giữa Thanh tra Nhà nước và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tham gia giải quyết các vụ tranh chấp, khiếu kiện của nông dân theo luật định. Đồng thời, tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ Hội để Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu kiện có hiệu quả.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn một cách toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời, tuyên truyền, vận động nông dân và các thành phần kinh tế tích cực tham gia phong trào thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, nâng cao đời sống và làm đổi mới bộ mặt nông thôn.
- Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo và việc làm ở nông thôn. Chú trọng phát triển các ngành nghề truyền thống, thu hút nhiều lao động; tổ chức dạy nghề tại chỗ cho nông dân trên cơ sở phù hợp với đặc điểm và điều kiện thực tế của từng vùng, từng địa phương, từng đối tượng.
- Sở Văn hóa Thông tin có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, các ngành chức năng có liên quan và các địa phương có kế hoạch triển khai thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” ở địa bàn nông thôn. Đặc biệt là tăng cường vận động nông dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương và ý thức tự quản trong cộng đồng dân cư; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao,.... với nhiều hình thức phong phú, lành mạnh để thu hút đông đảo nông dân tham gia.
- Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm căn cứ Công văn số 5671 TC/HCSN, ngày 10/6/2002 của Bộ Tài chính để xem xét, bố trí kinh phí để Hội Nông dân tỉnh tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến nông dân, trình Chủ tịch UBND tỉnh.
3/- Ủy ban Nhân dân các huyện, thị, xã, phường, thị trấn có trách nhiệm:
- Phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, trong đó có công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, gắn với chương trình phát triển kinh tế xã hội, góp phần giữ gìn an ninh trật tự xã hội, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống cho nông dân.
- Tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở theo tinh thần Chỉ thị số 08/2000/CT.UBNDT, ngày 12/10/2000 của UBND tỉnh Sóc Trăng để mọi mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nông dân được hòa giải hoặc giải quyết ngay tại cơ sở, không để xảy ra khiếu kiện vượt cấp lên trên.
- Các cấp chính quyền khi giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến nông dân phải tham khảo ý kiến của Hội Nông dân cùng cấp về quan điểm xử lý; đối với các vụ việc do Hội Nông dân chuyển đến thì các cơ quan có thẩm quyền cần tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm. Khi có nông dân trực tiếp đến khiếu kiện thì mời Hội Nông dân cùng cấp đến tiếp, nghe phản ánh về tâm tư nguyện vọng, các đề nghị, kiến nghị của nông dân để có biện pháp giải quyết dứt điểm.
- Tổ chức sơ kết 4 năm thực hiện Quyết định số 17/1998/QĐ-TTg, ngày 24/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc tạo điều kiện để các cấp Hội Nông dân Việt Nam hoạt động có hiệu quả và xây dựng phương hướng hoạt động trong thời gian tới.
4/- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên theo chức năng, nhiệm vụ được giao tích cực phối hợp với các cấp chính quyền, các ngành chức năng có liên quan tuyên truyền, vận động, giáo dục các tầng lớp nông dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là động viên nông dân nghiêm chỉnh thi hành Luật khiếu nại, tố cáo; phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
5/- Hội Nông dân tỉnh cần tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức các cấp Hội, nhất là ở cơ sở, bảo đảm hoạt động có hiệu quả. Tăng cường kiểm tra, nắm chặt tình hình nông nghiệp, nông thôn và tình hình nội bộ của nông dân, nhất là giám sát việc thi hành Luật khiếu nại, tố cáo để kịp thời phản ánh, đề xuất, kiến nghị với các cấp chính quyền có biện pháp giải quyết. Tích cực tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân đúng theo luật định, chú trọng tiến hành các biện pháp hòa giải ngay từ cơ sở hoặc trong các giai đoạn khi có khiếu kiện, không để xảy ra các điểm nóng; đồng thời vận động các bên thực hiện nghiêm chỉnh các quyết định giải quyết đúng pháp luật, có hiệu lực thi hành của cơ quan có thẩm quyền.
Căn cứ Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg, ngày 9/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ và nội dung Chỉ thị này, Thủ trưởng các Sở, ngành chức năng có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị, xã, phường, thị trấn có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể và phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân cùng cấp triển khai thực hiện.
Giao Chánh Thanh tra tỉnh Sóc Trăng chịu trách nhiệm phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này và thường xuyên báo cáo tình hình, kết quả về Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Nơi nhận: | TM. UBND TỈNH SÓC TRĂNG |
- 1Chỉ thị 01/CT-UBND năm 2014 tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
- 2Quyết định 38/2014/QĐ-UBND về thụ lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi
- 3Quyết định 1174/QĐ-UBND năm 2017 thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 81/2014/QĐ-TTg do thành phố Hà Nội ban hành
- 1Quyết định 17/1998/QĐ-TTg về trách nhiệm của các Bộ, các cấp chính quyền trong việc tạo điều kiện để các cấp Hội nông dân Việt Nam hoạt động của hiệu quả do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật Khiếu nại, tố cáo 1998
- 3Chỉ thị 26/2001/CT-TTg về việc tạo điều kiện để Hội nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Chỉ thị 01/CT-UBND năm 2014 tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
- 5Quyết định 38/2014/QĐ-UBND về thụ lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi
- 6Chỉ thị 08/2000/CT.UBNDT về tăng cường hoạt động hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
- 7Quyết định 1174/QĐ-UBND năm 2017 thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 81/2014/QĐ-TTg do thành phố Hà Nội ban hành
Chỉ thị 08/2002/CT.UBNDT tăng cường biện pháp, tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
- Số hiệu: 08/2002/CT.UBNDT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 16/07/2002
- Nơi ban hành: Tỉnh Sóc Trăng
- Người ký: Nguyễn Thanh Bình
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/07/2002
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra