Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/CT-UBND | Cà Mau, ngày 06 tháng 07 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIỆT HẠI DO THIÊN TAI GÂY RA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU TRONG MÙA MƯA NĂM 2016
Công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm chỉ đạo thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, do thời tiết khắc nghiệt, diễn biến bất thường, nên từ những tháng cuối năm 2015 đến đầu tháng 6 năm 2016, đã có 52.869 ha lúa, 53.094 ha tôm nuôi, 627 ha nuôi thủy sản khác và 17,45 ha rừng tràm bị thiệt hại; 119 tuyến bờ kênh mương bị sụp, lở đất; 102 vị trí thuộc các tuyến đường giao thông bị rạn nứt, sạt lở, sụp lún; 5.095 hộ thiếu hoặc có nguy cơ thiếu lương thực và 12.472 hộ thiếu nước sinh hoạt, Ủy ban nhân dân tỉnh đã công bố thiên tai cấp độ 01 gây thiệt hại trực tiếp trên lúa và cấp độ 2 gây thiệt hại trực tiếp trên tôm nuôi; đồng thời huy động các nguồn lực để kịp thời hỗ trợ khôi phục sản xuất, cung cấp nước sinh hoạt cho hộ dân vùng khó khăn và khắc phục một số đoạn, tuyến lộ giao thông bị sụp lún nghiêm trọng, với kinh phí ban đầu gần 357 tỷ đồng. Theo dự báo, tiếp theo sau El Nino, thời tiết sẽ chuyển sang hiện tượng La Nina, với mưa lớn kéo dài, bão, lốc xoáy, triều cường xảy ra với tần suất cao, cường độ mạnh và diễn biến phức tạp hơn trung bình nhiều năm. Tuy mới bước vào đầu mùa mưa năm 2016, nhưng lốc xoáy đã làm sập 54 căn và tốc mái 336 căn nhà của hộ dân.
Trước tình hình nêu trên, để hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa năm 2016, góp phần ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị thực hiện nghiêm túc các nội dung sau đây:
1. Thủ trưởng sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau khẩn trương chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn thiện và phê duyệt kế hoạch hoặc phương án phòng, chống thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn theo phương châm “04 tại chỗ”, để chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ, nhất là mưa lớn kéo dài, bão, siêu bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, triều cường, sạt lở đất ven biển, ven sông và hiện tượng sét đánh. Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo thiệt hại do thiên tai gây ra đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống, sinh hoạt của người dân; diễn biến thời tiết và biện pháp phòng, tránh thiệt hại để người dân nắm và chủ động thực hiện. Thường xuyên kiểm tra, giám sát địa bàn, kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ hộ dân khắc phục thiệt hại sau thiên tai.
2. Đài Khí tượng thủy văn Cà Mau thường xuyên cập nhật tình hình, diễn biến thời tiết, thiên tai, thông báo kịp thời đến Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau và sở, ngành, đơn vị có liên quan, để phổ biến rộng rãi đến nhân dân và chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung, triển khai kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai sát với tình hình thực tế.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau):
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau xây dựng, phê duyệt và triển khai kế hoạch hoặc phương án phòng, chống thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa năm 2016 phù hợp với từng vùng, tiểu vùng cụ thể, để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và bảo vệ sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hướng dẫn lịch thời vụ sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với quy hoạch từng vùng trong điều kiện chịu tác động của hiện tượng La Nina. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Hướng dẫn người dân chọn cây, con giống sản xuất và có kế hoạch dự phòng giống nhằm kịp thời khôi phục sản xuất sau thiên tai; chú trọng loại cây trồng, vật nuôi có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, hiệu quả kinh tế cao và có thị trường tiêu thụ ổn định. Tích cực đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên lúa, các loại cây trồng khác, gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi; trong đó lưu ý thực hiện tốt công tác tiêu độc, khử trùng tại các khu vực có ổ dịch bệnh cũ và hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, cải tạo ao đầm nuôi thủy sản, nhằm tránh phát sinh dịch bệnh.
- Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn hộ dân thực hiện việc đăng ký kê khai sản xuất với chính quyền địa phương; lưu giữ hóa đơn, chứng từ mua cây, con giống, thức ăn...; tổ chức tập huấn nghiệp vụ thống kê, xác định thiệt hại trên cây trồng, vật nuôi; đồng thời chỉ đạo thực hiện tốt công tác theo dõi, tổng hợp thông tin, số liệu về tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra, nhằm phục vụ tốt công tác chỉ đạo sản xuất và thực hiện chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất kịp thời, đúng quy định.
- Thường xuyên kiểm tra, rà soát, gia cố các vị trí xung yếu trên đê biển, đê sông và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, trang thiết bị hộ đê, khắc phục kịp thời các điểm sạt lở đất, tuyệt đối không để vỡ đê. Vận hành hợp lý hệ thống cống, đập, khẩn trương đưa các trạm bơm đã hoàn thành vào hoạt động, đảm bảo ngăn triều cường xâm nhập và tiêu thoát nước, chống ngập úng vùng ngọt hóa, nhất là trong và sau mưa lớn, bão. Riêng khu vực rừng U Minh Hạ, phải có giải pháp điều tiết nước thích hợp nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, nhưng tránh ngập úng, gây thiệt hại đối với sản xuất ngư - nông nghiệp kết hợp trên lâm phần.
- Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phục vụ neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; rà soát, bảo trì, gia cố những vị trí, hạng mục công trình hư hỏng, xuống cấp tại các khu neo đậu tránh trú bão, cảng cá, bến cá và sắp xếp luồng tuyến, nơi neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện ven biển rà soát, tuyên truyền, vận động, di dời các hộ dân tại các địa điểm có nguy cơ sạt lở đất và bị thiệt hại khi xảy ra thiên tai đến nơi an toàn; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công các khu tái định cư theo kế hoạch, dự án được duyệt để di dời, bố trí dân cư các vùng thường xảy ra thiên tai và khu vực rừng phòng hộ xung yếu, rất xung yếu.
Tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016. Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chỉ thị; đồng thời, chủ động nắm thông tin dự báo thời tiết, kịp thời cảnh báo các hiện tượng thiên tai và giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai.
4. Sở Y tế chủ động xây dựng kế hoạch hoặc phương án phòng, chống dịch bệnh trên người, kịp thời dập tắt dịch bệnh khi mới phát sinh, không để lây lan trong cộng đồng. Đồng thời, bố trí nhân lực, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ yêu cầu sơ, cấp cứu khi xảy ra thiên tai.
5. Sở Công thương thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, quản lý giá cả thị trường và triển khai các biện pháp đảm bảo cung ứng các hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra tình trạng khan hiếm dẫn đến tăng giá đột biến. Phối hợp Công ty Điện lực Cà Mau và địa phương, đơn vị có liên quan xây dựng, triển khai kế hoạch kiểm tra các điều kiện đảm bảo hành lang an toàn lưới điện; khôi phục nhanh các trụ điện bị đổ ngã; sửa chữa, khắc phục những vị trí có nguy cơ rò rỉ điện; hướng dẫn sử dụng điện an toàn nhằm tránh thiệt hại tính mạng và tài sản của người dân; đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất - kinh doanh và công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.
6. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các phương tiện giao thông đường thủy, nhất là phương tiện vận chuyển hành khách và các bến khách, không để phương tiện, bến khách không bảo đảm điều kiện, thiếu trang thiết bị an toàn hoạt động. Tập trung khắc phục nhanh các chướng ngại vật trên các tuyến giao thông thủy, bộ sau khi xảy ra thiên tai; kịp thời sửa chữa các tuyến đường hư hỏng để đảm bảo an toàn giao thông. Duy trì các điều kiện cần thiết để thực hiện tốt công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra thiên tai, sự cố.
7. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau xây dựng, phê duyệt và triển khai kế hoạch hoặc phương án đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và cơ sở vật chất phục vụ dạy học.
8. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau và sở, ngành có liên quan chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng, chống thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai và nguồn vốn đầu tư các công trình khan cấp ứng phó với hiện tượng La Nina.
9. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Công an tỉnh, theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiến hành xây dựng, phê duyệt và triển khai kế hoạch hoặc phương án bố trí lực lượng, phương tiện sơ tán, di dời dân, tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an ninh trật tự khi xảy ra thiên tai và giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân huyện ven biển quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, kiên quyết không để phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm, không đảm bảo trang thiết bị an toàn, thông tin liên lạc ra khơi; hiệp đồng với lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Cục Kiểm ngư và các tổ chức tìm kiếm cứu nạn kịp thời triển khai cứu hộ, cứu nạn trên biển.
10. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau:
- Chỉ đạo thành lập các Đoàn kiểm tra tình hình, kết quả chi trả tiền hỗ trợ cho hộ dân theo Quyết định số 671/QĐ-UBND ngày 15/4/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc hỗ trợ kinh phí khôi phục sản xuất cho người dân trong vùng bị thiệt hại do thiên tai hạn hán; xử lý nghiêm khắc các trường hợp tiêu cực, vi phạm theo quy định hiện hành; công bố công khai kết quả kiểm tra trên phương tiện thông tin đại chúng và báo cáo kết quả thực hiện đến Ủy ban nhân dân tỉnh trong tháng 7 năm 2016. Đồng thời, tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc việc chi trả tiền hỗ trợ hộ dân khôi phục nuôi thủy sản theo quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, trong đó tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, tránh để xảy ra sai sót, tiêu cực và chậm trễ.
- Chủ trì thực hiện tuyên truyền, vận động và di dời các hộ dân tại nơi có nguy cơ thiệt hại do thiên tai, sạt lở đất đến nơi an toàn. Tăng cường hướng dẫn nông dân kiểm tra, chủ động gia cố bờ bao, chuẩn bị phương tiện bơm tát nước và thực hiện các giải pháp thích hợp khác nhằm phòng tránh thất thoát thủy sản nuôi, ngập úng lúa, hoa màu khi xảy ra thiên tai.
- Ủy ban nhân dân huyện U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời tăng cường công tác kiểm tra giám sát địa bàn, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan chức năng kịp thời khắc phục nhanh tình trạng ngập úng vùng ngọt hóa khi xảy ra thiên tai. Ủy ban nhân dân thành phố Cà Mau chỉ đạo kiểm tra, khai thông cống, mương thoát nước nhằm chống ngập tại các khu dân cư tập trung và lộ giao thông trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời phản ánh đến Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tổng hợp, báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo xử lý./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Chỉ thị 03/2012/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2012 do tỉnh Lâm Đồng ban hành
- 2Chỉ thị 03/2010/CT-UBND tăng cường công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2010 do tỉnh Lâm Đồng ban hành
- 3Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2013 tăng cường công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra do tỉnh Thái Bình ban hành
- 4Quyết định 1664/QĐ-UBND năm 2016 Quy chế tổ chức, hoạt động và quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống thiên tai thành phố Hải Phòng
- 5Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2016 về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Kon Tum ban hành
- 1Chỉ thị 03/2012/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2012 do tỉnh Lâm Đồng ban hành
- 2Chỉ thị 03/2010/CT-UBND tăng cường công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2010 do tỉnh Lâm Đồng ban hành
- 3Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2013 tăng cường công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra do tỉnh Thái Bình ban hành
- 4Quyết định 1664/QĐ-UBND năm 2016 Quy chế tổ chức, hoạt động và quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống thiên tai thành phố Hải Phòng
- 5Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2016 về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Kon Tum ban hành
Chỉ thị 07/CT-UBND về đẩy mạnh công tác phòng, chống thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn trong mùa mưa năm 2016 do tỉnh Cà Mau ban hành
- Số hiệu: 07/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 06/07/2016
- Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
- Người ký: Nguyễn Tiến Hải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/07/2016
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra