Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/CT-UBND | Phú Thọ, ngày 29 tháng 6 năm 2018 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Trong những năm qua công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã dần đi vào nề nếp, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền về khoáng sản, thực hiện ký kết Quy chế phối hợp trong quản lý khoáng sản tại các khu vực có chung đường địa giới hành chính trên sông với UBND các tỉnh, thành phố giáp ranh; các sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị và UBND các xã, phường, thị trấn đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực khoáng sản được bảo đảm, chặt chẽ; việc phát hiện, xử lý vi phạm đối với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép được kịp thời và được xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Lô, sông Hồng, sông Đà, sông Bứa, tình trạng khai thác trộm quặng tại xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn. Việc để xảy ra tình trạng khai thác trái phép khoáng sản có nguyên nhân từ sự buông lỏng quản lý của chính quyền các địa phương, có thể có nguyên nhân từ sự bao che dung túng của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, ... Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm tăng cường công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Kiểm tra, rà soát, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/7/2018: Tình hình, kết quả thực hiện việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản, trong báo cáo phải nêu cụ thể, đầy đủ tổng số tổ chức, doanh nghiệp đã hết thời hạn cấp giấy phép khai thác mà đến nay chưa hoàn thành thủ tục đóng cửa mỏ khai thác theo quy định; tổng số tổ chức, doanh nghiệp được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản mà đến nay chưa thực hiện xong thủ tục để cấp giấy phép khai thác khoáng sản, trường hợp quá thời hạn theo quy định hoặc tổ chức, doanh nghiệp không tiếp tục hoàn thiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản và các thủ tục khác theo quy định thì phải đề xuất, báo cáo UBND tỉnh để thu hồi giấy phép thăm dò khoáng sản, chấm dứt thăm dò khoáng sản theo quy định của nhà nước; đề xuất báo cáo UBND tỉnh khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định; kiểm tra, rà soát, tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
b) Yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác khoáng sản:
- Phải thực hiện khai thác đúng theo quy định của giấy phép khai thác khoáng sản, đúng chỉ giới diện tích khu vực được cấp phép khai thác, đúng độ sâu khai thác; yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp phải bảo vệ khu vực được cấp phép khai thác, nếu để xảy ra tình trạng khai thác gây ảnh hưởng làm sạt lở bờ, vở sông, sạt lở đất sản xuất và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khác thì tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép khai thác phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Trong quá trình quản lý khu vực được cấp phép khai thác nếu xảy ra tình trạng khai thác trộm thì tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép phải kịp thời báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật.
- Phải thông báo kế hoạch khai thác với các cơ quan chức năng theo đúng quy định của nhà nước; cắm đầy đủ mốc giới các điểm góc khu vực được phép khai thác và ranh giới đất được thuê tại thực địa, phải đăng ký số lượng, chủng loại, số hiệu của các phương tiện khai thác (đúng theo dự án khai thác khoáng sản đã được phê duyệt) với cơ quan chức năng và UBND cấp xã nơi có mỏ để các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân cùng giám sát. Trên tất cả các phương tiện khai thác, phục vụ khai thác phải ghi rõ ràng, đầy đủ tên của tổ chức, doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác bảo đảm thuận lợi đối với việc giám sát; đối với các phương tiện khai thác cát, sỏi trên các tuyến sông chỉ được neo đậu trong phạm vi diện tích đã được cấp phép khai thác.
- Đối với việc khai thác cát, sỏi trên các tuyến sông phải lập phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý đường thủy thống nhất phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy theo quy định trước khi thực hiện khai thác, trong mùa mưa lũ phải bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông đường thủy trong suốt quá trình thực hiện khai thác, vận chuyển khoáng sản.
- Chỉ được khai thác ban ngày, thời gian từ 06 giờ 00' buổi sáng đến 18 giờ 00' buổi chiều, ngoài khoảng thời gian này tuyệt đối không được phép khai thác.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra nếu phát hiện tổ chức, doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác khoáng sản không thực hiện đúng các quy định trên (như: Vi phạm độ sâu, diện tích, thiết kế khai thác; vượt quá số lượng phương tiện, không đúng chủng loại, số hiệu của phương tiện khai thác theo dự án khai thác; làm trái quy định trong giấy phép khai thác khoán sản và các quy định của pháp luật liên quan đối với quản lý khoáng sản thì Sở Tài nguyên và Môi trường phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh để xem xét thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản, chấm dứt hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật.
2. Sở Xây dựng:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành, thị, các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh tổng số điểm mỏ đã có trong quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt đến nay chưa thực hiện cấp giấy phép khai thác, thời gian báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/7/2018.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản theo nội dung thiết kế khai thác đã được phê duyệt, kịp thời báo cáo UBND tỉnh để xem xét thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản, chấm dứt hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, doanh nghiệp vi phạm khai thác theo thiết kế đã được phê duyệt.
3. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, các sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị:
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, doanh nghiệp theo đúng quy định của giấy phép khai thác khoáng sản và các quy định của pháp luật có liên quan, nhất là đối với việc khai thác cát, sỏi trên các tuyến sông và khai thác khoáng sản trên địa bàn các huyện Thanh Sơn, Đoan Hùng, Thanh Thủy, ...
- Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với tất cả những trường hợp khai thác cát, sỏi trái phép, nhất là đối với việc khai thác trộm cát, sỏi trên sông Lô. Khi kiểm tra đối với các tổ chức, doanh nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản nếu phát hiện vi phạm quy định của giấy phép khai thác khoáng sản và các quy định của pháp luật có liên quan thì Công an tỉnh phải kịp thời đề xuất, báo cáo UBND tỉnh, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản, chất dứt hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo thực hiện xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân bao che hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
4. Sở Nông nghiệp và PTNT:
Thường xuyên kiểm tra, xử lý (hoặc báo cáo kịp thời cơ quan chức năng nếu vượt thẩm quyền) đối với các tổ chức, doanh nghiệp khai thác cát, sỏi trên các tuyến sông để xảy ra tình trạng sạt lở bở, vở sông hoặc có nguy cơ gây nguy hiểm đến an toàn đê điều, sạt lở bờ, vở sông, đất sản xuất, công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực được cấp phép khai thác.
5. Cục Thuế tỉnh:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh tình hình, kết quả thực hiện việc thu nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, thời gian báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/7/2018; hằng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả thu nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh của 6 tháng đầu năm và cả năm.
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nguồn thu từ khai thác khoáng sản thông qua sản lượng khai thác thực tế của các tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định.
6. UBND các huyện, thành, thị:
- Tăng cường công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn, quản lý chặt chẽ khoáng sản tại khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo quy định tại quyết định số 299/QĐ-UBND ngày 02/02/2018 của UBND tỉnh, thực hiện bảo vệ khoáng sản chưa khai thác quy định tại quyết định số 431/QĐ-UBND ngày 27/02/2018 của UBND tỉnh. Nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn thì Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật của nhà nước về quản lý khoáng sản.
- Quản lý chặt chẽ đối với công tác bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường nước, môi trường không khí, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực khai thác khoáng sản trong suốt thời gian khai thác cho đến khi hoàn thành việc đóng cửa mỏ khai thác khoáng sản theo quy định.
- Chỉ đạo UBND cấp xã, các cơ quan chuyên môn cấp huyện, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác giám sát đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Kịp thời phát hiện, xử lý (hoặc báo cáo kịp thời cơ quan chức năng nếu vượt thẩm quyền) đối với các tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng vi phạm quy định của giấy phép khai thác khoáng sản và các quy định của pháp luật có liên quan.
7. Sở Thông tin và Truyền thông:
Chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản và các quy định về bảo vệ khoáng sản trên các phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời thông tin về việc khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh.
8. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ:
Phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, kịp thời biểu dương trên phương tiện thông tin truyền thông đối với các tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, đồng thời phản ánh trung thực, khách quan đối với những địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm đối với công tác bảo vệ quản lý khoáng sản.
Các sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị, các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên theo dõi, định kỳ hằng quý báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện Chỉ thị./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
- 1Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2018 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 2Kế hoạch 270/KH-BCĐ về triển khai công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bến Tre năm 2018
- 3Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2018 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nam Định
- 1Quyết định 299/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
- 2Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2018 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 3Kế hoạch 270/KH-BCĐ về triển khai công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bến Tre năm 2018
- 4Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2018 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nam Định
Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2018 về tăng cường công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
- Số hiệu: 07/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 29/06/2018
- Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
- Người ký: Bùi Minh Châu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra