Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/CT-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 8 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN ĐỒNG BỘ KẾT CẤU HẠ TẦNG, GẮN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG TRONG NƯỚC VỚI MẠNG LƯỚI HẠ TẦNG TRONG CÁC LIÊN KẾT KHU VỰC”

Thực hiện Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn phát triển kết cấu hạ tầng trong nước với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp trực thuộc thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành:

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các Sở, ban, ngành thành phố chủ động rà soát, thực hiện tốt công tác tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành trong việc hợp tác với các nước trong khu vực (đặc biệt là các nước láng giềng thực hiện các hiệp định đã ký kết giữa Việt Nam và các nước trong khuôn khổ hợp tác ASEAN) về đầu tư xây dựng, phát triển các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong khuôn khổ hợp tác khu vực; đồng thời nghiên cứu xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi thành phố quản lý, đảm bảo kết nối đồng bộ. Phối hợp tổ chức quản lý, bảo vệ các công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn thành phố.

- Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhằm góp phần nâng cao chất lượng công trình, hạ giá thành sản phẩm, rút ngắn thời gian thi công và tiếp cận được các công nghệ mới của nước ngoài. Rà soát, xây dựng và thực hiện đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình định mức kinh tế kỹ thuật trong khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu, bảo trì...các công trình hạ tầng; khuyến khích áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới.

2. Ủy ban nhân dân các quận-huyện:

- Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để hiểu rõ nhu cầu và nguyện vọng của người dân; từ đó, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời điều chỉnh và vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế. Kiến nghị kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu xây dựng và ban hành cơ chế đặc thù trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật,... để đảm bảo các công trình hạ tầng kỹ thuật được hoàn thành theo đúng tiến độ.

- Chuẩn bị sớm quỹ đất để tiến hành trước công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm của thành phố. Quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư, không để ảnh hưởng làm chậm trễ tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm của thành phố.

- Xây dựng phương án kiện toàn cơ cấu, tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ, công chức tại Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận-huyện; thường xuyên bồi dưỡng trình độ chuyên môn của cán bộ trực tiếp thực hiện công tác di dời, bồi thường giải phóng mặt bằng về các kỹ năng như: xử lý tình huống, tiếp xúc dân, vận động, kiến thức pháp lý....

3. Sở Du lịch:

- Làm tốt vai trò là trung tâm tiếp nhận khách du lịch quốc tế, trong nước và tổ chức các chương trình du lịch đến các địa phương; thúc đẩy tăng trưởng du lịch theo hướng bền vững, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch; tăng cường quảng bá xúc tiến và hợp tác quốc tế.

- Chủ động hội nhập và cạnh tranh có hiệu quả với ngành du lịch của các nước trong khu vực trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của thành phố; xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện và văn minh, giới thiệu hình ảnh một thành phố thân thiện, hấp dẫn và an toàn. Đa dạng các loại hình thương mại bán lẻ hiện đại kết hợp du lịch mua sắm.

- Tạo chuyển biến mạnh về chất lượng; nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch và đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư phát triển du lịch để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch phát triển; tăng cường công tác thông tin thông qua mở rộng mạng lưới thông tin điện tử, xây dựng biển quảng cáo tấm lớn tại cửa ngõ ra vào thành phố, tổ chức các sự kiện thương hiệu để kích cầu du lịch, quảng bá điểm đến thành phố tại các thị trường trọng điểm thông qua tham gia các hội chợ, đẩy mạnh quan hệ với báo chí quốc tế, tích cực tham gia vào các tổ chức du lịch quốc tế.

- Khai thác tiềm năng về du lịch mua sắm, du lịch MICE, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái để có sản phẩm phù hợp đáp ứng nhu cầu du khách; tích cực xúc tiến việc đưa vào khai thác chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách kết hợp với xây dựng địa điểm biểu diễn phục vụ cho khách du lịch;

- Đẩy mạnh thực hiện chương trình dịch vụ du lịch đạt chuẩn, các chương trình khuyến mãi kết hợp giữa thương mại và du lịch; nâng cấp và đa dạng hóa chương trình “city-tour”, chương trình du lịch đường thủy. Chú trọng phát triển thị trường tiềm năng và thị trường mới, đặc biệt quan tâm phát triển du lịch gắn với các giá trị văn hóa lịch sử dân tộc, du lịch xanh (du lịch đường thủy, ẩm thực, mua sắm...).

4. Giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố thuê tư vấn xây dựng đề án đổi mới trong đầu tư dự án phát triển thành phố (theo hướng phải chủ động, khai thác mạnh mẽ vốn xã hội, xây dựng cơ chế và quỹ đầu tư phát triển hạ tầng). Chú ý đầu tư hạ tầng theo nguyên tắc: Mở giao thông để phát triển mọi mặt, trong đó có du lịch, công nghiệp, thương mại dịch vụ, cụm công nghiệp.

5. Tổ chức thực hiện:

a) Chỉ thị có hiệu lực kể từ ngày ký. Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện, Chủ tịch Hội đồng thành viên, tổng giám đốc, giám đốc các doanh nghiệp trực thuộc thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị này; định kỳ hàng quý báo cáo kết quả thực hiện cho Ủy ban nhân dân thành phố, đồng gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, tổng hợp.

b) Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền, yêu cầu các đơn vị có báo cáo và đề xuất, trình Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết kịp thời./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND/TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban MTTQVN/TP;
- Các Sở, ban, ngành TP;
- Ủy ban nhân dân các quận - huyện;
- Các Tổng Công ty, Công ty trực thuộc;
- VPUB: CPVP;
- Các phòng chuyên viên;
- Lưu: VT, (ĐT-HS) XP.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Trần Vĩnh Tuyến

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2017 về thực hiện đề án Chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn phát triển kết cấu hạ tầng trong nước với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực do thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 07/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 12/08/2017
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Trần Vĩnh Tuyến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 89
  • Ngày hiệu lực: 12/08/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản