Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/CT-UBND

Lai Châu, ngày 10 tháng 08 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ KIỂM SOÁT THỊ TRƯỜNG, GIÁ CẢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1120/CĐ-TTg ngày 9/7/2011 về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát trong năm 2011;

Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kiểm soát giá cả, thị trường trên địa bàn, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thị xã, các tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Các Sở, Ban, Ngành và UBND các huyện, thị xã:

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động tại Quyết định số 266/QĐ-UBND ngày 4/3/2011 của UBND tỉnh về các giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh XH. Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh và các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn xây dựng các biện pháp phù hợp, khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn hưởng ứng chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ nêu tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011.

- Tuyên truyền vận động, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí, tăng lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, bảo đảm cho nhu cầu tiêu dùng và tăng thu nhập cho nhân dân. Tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

- UBND các huyện, thị xã: Tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Quản lý thị trường, Công an, Ban quản lý các chợ… thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành các quy định quản lý Nhà nước về giá; đặc biệt là kiểm tra việc thực hiện đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá hàng hóa và bán hàng theo đúng giá niêm yết. Phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của Nhà nước về đầu cơ, lợi dụng nhu cầu tăng cao trong dịp lễ tết để tăng giá, thu lợi bất chính. Các trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp xử lý kịp thời nhằm kiểm soát giá cả thị trường. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức kiểm tra và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền và các quy định của pháp luật.

2. Sở Công Thương:

- Chỉ đạo theo dõi sát diễn biến cung cầu, hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, trước hết là lương thực, thực phẩm và các hàng hóa dịch vụ thiết yếu khác, kịp thời báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp cụ thể đảm bảo đủ lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu; không được để xảy ra mất cân đối cung cầu, gây đột biến giá cả.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu, tham mưu đề xuất UBND tỉnh có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các doanh nghiệp trong ngành thương mại về vốn, lãi suất vay để dự trữ hàng hóa thiết yếu nhằm bình ổn giá cả thị trường và đáp ứng nhu cầu phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai trong mùa mưa lũ, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, đặc biệt là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện một số nhiệm vụ sau:

+ Tổ chức kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất - kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong việc đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán đúng theo giá niêm yết nhất là đối với hàng hóa dịch vụ thiết yếu như lương thực, thực phẩm, sắt, thép xây dựng, xi măng, đường, phân bón, thuốc chữa bệnh, xăng, dầu…

+ Xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về giá, nhất là lợi dụng chủ trương của Nhà nước về điều hành giá một số mặt hàng theo cơ chế thị trường để tăng giá bất hợp lý, đưa tin thất thiệt gây tâm lý hoang mang trên địa bàn. Nghiêm cấm việc lợi dụng kiểm tra, kiểm soát thị trường làm ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu của nhân dân.

3. Sở Tài chính:

- Chỉ đạo theo dõi tổng hợp tình hình giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh, kịp thời báo cáo và tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp tài chính, tiền tệ cần thiết để ổn định giá theo thẩm quyền quản lý và sử dụng ngân sách địa phương tiết kiệm, hiệu quả.

- Phối hợp với Sở Công Thương tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh về vốn tạm ứng cho các doanh nghiệp, thực hiện thủ tục tạm ứng vốn từ ngân sách tỉnh cho các doanh nghiệp sau khi có quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định của Pháp lệnh giá và các quy định của pháp luật có liên quan đối với các hành vi vi phạm.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Phối hợp với các sở ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp, đồng thời chỉ đạo gieo trồng lúa mùa, các cây trồng vụ hè thu, cây vụ đông đúng thời vụ; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, giám sát tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, chủ động các phương án, biện pháp phòng, chống có hiệu quả dịch bệnh. Tổ chức tốt công tác kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các tuyến giao thông trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm có mầm bệnh hoặc gia cầm thuộc diện có dịch bệnh cần phải quản lý.

5. Sở Y tế:

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng và quản lý giá thuốc chữa bệnh đối với các nhà thuốc bệnh viện, nhà thuốc tư nhân đang hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền.

- Chủ động thực hiện phòng chống dịch bệnh; phối hợp với các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương tổ chức kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.

6. Sở Giao thông - Vận tải:

Đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị vận tải tăng cường năng lực vận chuyển hàng hóa và hành khách công cộng để phục vụ nhân dân đi lại thuận tiện. Kiểm tra các phương tiện giao thông, hệ thống cọc tiêu, biển báo và các công trình phòng hộ nhằm tăng cường an toàn giao thông, đặc biệt là các phương tiện vận tải hành khách. Có phương án phòng chống bão lũ và chủ động chuẩn bị vật tư dự phòng, phương tiện thiết bị, nhân lực để đảm bảo giao thông thông suốt.

7. Công an tỉnh:

Chỉ đạo các lực lượng chức năng thuộc Công an tỉnh và Công an các huyện, thị xã tăng cường công tác ngăn chặn, triệt phá các ổ nhóm buôn lậu; buôn bán, sản xuất hàng giả; hàng kém phẩm chất; đầu cơ găm hàng, nâng giá kiếm lợi bất chính. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

8. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lai Châu:

- Chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cân đối nhu cầu vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh; theo dõi và kiểm soát chặt chẽ diễn biến của thị trường tiền tệ, lãi suất huy động và cho vay, tỷ giá ngoại tệ, kịp thời đề xuất các biện pháp ổn định lãi suất;

- Tiếp tục chỉ đạo, giám sát chặt chẽ tình hình cho vay hỗ trợ lãi suất và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; kiểm tra, giám sát việc cho vay theo lãi suất thỏa thuận nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hiện tượng làm trái quy định của nhà nước.

9. Các sở: Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lai Châu:

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nội dung tuyên truyền phong phú, đa dạng, kịp thời công bố thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, các văn bản chỉ đạo điều hành của tỉnh về quản lý giá hàng hóa, dịch vụ để các tổ chức, cá nhân và nhân dân trên địa bàn tỉnh biết, nghiêm túc thực hiện; phát hiện và kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền xử lý nghiêm những đối tượng tung tin đồn thất thiệt về giá cả, thị trường nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với quá trình thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

Định kỳ ngày 25 hàng tháng, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát của đơn vị mình cùng với báo cáo Phát triển kinh tế - xã hội, gửi về sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế đóng trên địa bàn tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- VP. Chính phủ; (B/c)
- TT. Tỉnh ủy; (B/c)
- TT. HĐND tỉnh; (phối hợp)
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã;
- Các DNNN thuộc tỉnh, C.ty cổ phần;
- Báo Lai Châu, Đài PT&TH tỉnh, Website tỉnh;
- VP. UBND tỉnh: Lãnh đạo, CV các khối;
- Lưu: VT, TM.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Khắc Chử

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2011 về tăng cường công tác quản lý và kiểm soát thị trường, giá cả trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu ban hành

  • Số hiệu: 07/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 10/08/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lai Châu
  • Người ký: Nguyễn Khắc Chử
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản