Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/CT-UBND | Lâm Đồng, ngày 27 tháng 10 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÀ PHÊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
Cà phê là cây trồng chủ lực và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp và kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, góp phần quan trọng vào nguồn thu ngân sách và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 60% dân cư trên địa bàn tỉnh là những hộ nông dân, cơ sở sản xuất có nguồn thu nhập chính từ sản xuất, kinh doanh, chế biến cà phê.
Tuy nhiên, sản xuất cà phê tại Lâm Đồng còn một số tồn tại: cà phê phát triển khá nhanh song chưa đảm bảo phù hợp quy hoạch; cơ cấu giống và chất lượng vườn cây cà phê chưa được cải thiện; việc đầu tư thâm canh và khai thác quá mức tài nguyên đất và nước gây ảnh hưởng môi trường; chất lượng cà phê nhân xô xuất khẩu chưa đáp ứng yêu cầu do tình trạng thu hoạch lẫn nhiều quả xanh, phối trộn cà phê chất lượng thấp với cà phê chất lượng cao; việc phơi sấy và bảo quản sản phẩm không đúng kỹ thuật; vẫn còn tình trạng tranh mua, tranh bán không kiểm soát được chất lượng nguyên liệu; việc phân loại cà phê nhân xô xuất khẩu chưa thực hiện đúng theo tiêu chuẩn mới và chưa phù hợp với quy định của quốc tế, từ đó ảnh hưởng xấu đến chất lượng, giá bán và uy tín của cà phê Lâm Đồng nói riêng và cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.
Nhằm nâng cao chất lượng và bảo đảm sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh có hiệu quả cao, bền vững trong giai đoạn tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng chỉ thị:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc:
a) Tổ chức rà soát diện tích cà phê ở những vùng đất không phù hợp, không chủ động nước tưới, năng suất, hiệu quả thấp để khuyến cáo người dân chuyển sang các loại cây trồng khác phù hợp và có hiệu quả kinh tế cao hơn; không mở rộng diện tích cà phê, chỉ trồng tái canh đối với diện tích cà phê già cỗi, bị sâu bệnh hại, năng suất thấp hoặc ghép cải tạo bằng các giống cà phê vối đầu dòng mới đã được công nhận; khuyến khích phát triển cà phê chè ở những vùng có điều kiện thích hợp tại các huyện Lâm Hà, Đơn Dương, Lạc Dương, Đam Rông và thành phố Đà Lạt.
b) Khẩn trương hoàn thành Đề án bảo quản và chế biến cà phê tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến 2020, trình phê duyệt để triển khai thực hiện.
c) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh cây giống cà phê; rà soát lại những cơ sở được chứng nhận nguồn giống, những cơ sở sản xuất cây giống đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên toàn tỉnh và đề xuất chế tài xử lý đối với những cơ sở không đủ điều kiện và năng lực hoạt động.
d) Tăng cường công tác quản lý sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp theo quy định; hướng dẫn danh mục thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, đảm bảo chất lượng vật tư đầu vào cho sản xuất cà phê có hiệu quả, an toàn, ít độc hại đến môi trường; kiểm tra xử lý việc dùng các loại hóa chất độc hại như 2,4D làm chất kích thích cà phê chín đồng đều.
đ) Tập trung đánh giá phân loại các cơ sở sản xuất, chế biến cà phê theo Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; xây dựng kế hoạch đào tạo kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm theo Quy chuẩn QCVN 01-06/2009/BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đề xuất các biện pháp khắc phục, xử lý đối với hành vi sai phạm từ người sản xuất đến các cơ sở chế biến không tuân thủ các điều kiện quy định, đặc biệt là hành vi sử dụng các loại hóa chất độc hại trong sản xuất, chế biến làm ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của mặt hàng cà phê.
e) Tập trung triển khai các biện pháp canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cà phê; hướng dẫn và đề xuất cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nông dân chuyển đổi giống cà phê mới; đào tạo, tập huấn, xây dựng mô hình thâm canh cây cà phê, mô hình ứng dụng công nghệ cao; hướng dẫn các hình thức chống hạn và tưới nước tiết kiệm, xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi trong các vùng sản xuất cà phê tập trung;
g) Tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ thuật, kinh phí từ các dự án trong và ngoài nước để xây dựng các vùng, liên minh sản xuất, tiêu thụ cà phê bền vững theo hướng thực hành tốt nông nghiệp (GAP), sản xuất cà phê có chứng chỉ theo bộ quy tắc chung cho cộng đồng cà phê (4C, Utz); xây dựng các liên minh, hợp tác xã nhằm liên kết các hộ nông dân sản xuất cà phê nhỏ lẻ, tạo điều kiện tiếp thu khoa học kỹ thuật, sản xuất tập trung và tiếp cận thị trường.
2. Sở Công thương chủ trì phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc:
a) Xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án chế biến cà phê theo quy hoạch phát triển công nghiệp; hướng dẫn triển khai các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ cà phê thông qua hợp đồng và chế tài xử lý vi phạm hợp đồng phù hợp với Luật Thương mại. Đồng thời, tăng cường công tác khuyến công, hướng dẫn và hỗ trợ, khuyến khích nông dân và các doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng cà phê sau thu hoạch theo tiêu chuẩn TCVN 4193: 2005;
b) Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, xây dựng và quảng bá thương hiệu đối với sản phẩm cà phê của Lâm Đồng; tăng cường công tác thông tin thị trường, theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động kinh doanh và giá cà phê trên thị trường trong nước và thế giới để kịp thời đề xuất với UBND tỉnh các giải pháp khi có biến động mạnh về giá.
c) Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra các điểm tập kết cà phê, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm như đấu trộn, ngâm ủ hóa chất trước khi xuất bán hoặc chế biến, lập biên bản xử lý theo quy định.
3. Sở Tài Nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc kiểm tra việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, chế biến cà phê, xử lý nghiêm đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh.
4. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về giống, biện pháp canh tác, bảo vệ thực vật, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng cà phê.
5. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng và triển khai việc đào tạo nghề cho nông dân vùng chuyên canh cà phê, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
6. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cân đối ngân sách tỉnh hàng năm ưu tiên cho chương trình chuyển đổi giống cà phê, chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên cây cà phê, công tác khuyến nông, khuyến công trong sản xuất, chế biến cà phê.
7. Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Lâm Đồng có kế hoạch cho vay dài hạn, trung hạn đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê. Ưu tiên cho vay đối với các hộ nông dân, trang trại có nhu cầu trồng tái canh, cải tạo vườn cà phê bằng các giống cà phê vối đầu dòng, cà phê chè; mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ cho sơ chế, bảo quản cà phê.
8. Các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh cần quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở chế biến và bố trí mạng lưới thu mua hợp lý, xây dựng vùng nguyên liệu và ký kết hợp đồng thu mua cà phê với nông dân, trang trại, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp và nông dân, tránh việc tùy tiện đánh hạ phẩm cấp gây thiệt hại cho nhà nông, đồng thời kiên quyết không thu mua cà phê non. Hạn chế tối đa việc xuất khẩu cà phê nhân xô, cà phê xuất khẩu phải được phân loại, giám định chất lượng và có chứng chỉ theo tiêu chuẩn nhà nước, trước mắt áp dụng tiêu chuẩn TCVN 4193: 2005.
9. UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn có giải pháp bảo vệ vườn cà phê vào thời kỳ thu hoạch; không thu hái cà phê non; không sử dụng các loại hóa chất độc hại trong sản xuất làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cà phê.
UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Chỉ thị này; kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền có biện pháp giải quyết những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2009 về nâng cao chất lượng cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng do Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành
- 2Quyết định 33/2013/QĐ-UBND về Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh tại huyện: Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông do tỉnh Kon Tum ban hành
- 3Quyết định 1502/QĐ-UBND năm 2013 điều chỉnh Quyết định 872/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện tái canh, cải tạo giống cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2013-2015
- 1Luật Thương mại 2005
- 2Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2009 về nâng cao chất lượng cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng do Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành
- 3Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4Quyết định 33/2013/QĐ-UBND về Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh tại huyện: Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông do tỉnh Kon Tum ban hành
- 5Quyết định 1502/QĐ-UBND năm 2013 điều chỉnh Quyết định 872/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện tái canh, cải tạo giống cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2013-2015
Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2011 nâng cao chất lượng cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- Số hiệu: 07/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 27/10/2011
- Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
- Người ký: Nguyễn Xuân Tiến
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra