Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2011/CT-UBND | Tuyên Quang, ngày 29 tháng 11 năm 2011 |
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
Trong những năm qua, hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản cơ bản đã thực hiện theo quy định của pháp luật; ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia đấu giá đã từng bước được nâng cao; quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản được đảm bảo. Những kết quả bước đầu trong hoạt động bán đấu giá tài sản đã góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước và thúc đẩy các hoạt động kinh tế nói chung, hoạt động mua bán trao đổi hàng hoá nói riêng phát triển một cách đa dạng, đóng góp quan trọng trong công tác thi hành pháp luật, đặc biệt là công tác thi hành án dân sự và xử lý vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động bán đấu giá tài sản còn có những tồn tại, hạn chế, như: việc áp dụng văn bản pháp luật về bán đấu giá tài sản của một số cơ quan, đơn vị chưa thống nhất; một số cuộc bán đấu giá tài sản chưa thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định; sự phối hợp, phân công nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị trong việc bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất có nơi, có lúc chưa cụ thể, chưa rõ ràng; việc xử lý bán đấu giá tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có trường hợp còn chậm; tình trạng tiêu cực như thông đồng, dìm giá vẫn còn xảy ra làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do các quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản chưa đồng bộ, chưa thống nhất, một số quy định còn chưa đầy đủ và chặt chẽ, thậm chí có kẽ hở; nhận thức về pháp luật bán đấu giá tài sản của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; tổ chức bộ máy của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản chưa được củng cố kiện toàn; đội ngũ công chức, viên chức làm công tác bán đấu giá tài sản còn thiếu về số lượng, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản có nơi, có lúc chưa thực sự được coi trọng.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sự nghiệp nhà nước và Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần có vốn nhà nước chiếm 51% trở lên đóng trên địa bàn tỉnh:
a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, lao động, nhân dân nội dung Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản; Thông tư số 23/2010/TT-BTP ngày 06/12/2010 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản.
b) Chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản. Nghiêm cấm việc bán tài sản không thông qua đấu giá đối với những loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán đấu giá. Các tổ chức, cá nhân không được lợi dụng việc mua tài sản bán đấu giá là khoáng sản, lâm sản để mua bán, vận chuyển khoáng sản, lâm sản trái pháp luật.
c) Việc bán đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp thực hiện bán đấu giá.
d) Các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh không có chức năng bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật mà vẫn tiến hành bán đấu giá tài sản thì cán bộ, công chức, viên chức tham mưu hoặc quyết định bán đấu giá tài sản, xử lý tài sản bán đấu giá trái pháp luật sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Sở Tư pháp có trách nhiệm:
a) Chủ trì phối hợp với các ngành, các cấp phổ biến, tuyên truyền tới cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghị định số 17/2010/NĐ-CP; Tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ bán đấu giá tài sản cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp (nếu có), Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện trên địa bàn tỉnh nhằm đưa hoạt động này đi vào nề nếp;
b) Tham mưu, giúp UBND tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh;
c) Tổ chức kiểm tra, thanh tra theo thẩm quyền; hoặc chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, các công ty nhà nước, các tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp, nhằm phát hiện sai sót để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các vi phạm hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm về tổ chức, hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật;
d) Bố trí, sắp xếp, kiện toàn Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản theo Quyết định số 360/QĐ-UBND ngày 29 tháng 10 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản Tuyên Quang;
đ) Chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính, các Sở, Ban, Ngành liên quan xây dựng và trình UBND tỉnh Đề án phát triển tổ chức hành nghề bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp và Quy chế bán đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất phù hợp với Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan;
e) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật. Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tư pháp về tổ chức và hoạt động bán đấu giá tài sản tại địa phương theo quy định.
3. Sở Tài chính có trách nhiệm:
Chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp, các Sở, Ban, Ngành, UBND cấp huyện rà soát các quy định của HĐND và UBND tỉnh về phí đấu giá tài sản đề nghị bãi bỏ những nội dung không còn phù hợp; soạn thảo, trình UBND tỉnh dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về mức thu phí, việc quản lý, sử dụng phí đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Tài chính để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh theo quy định.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất.
5. Công an tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Kiểm lâm tỉnh:
- Phối hợp với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản trong việc quản lý hoạt động bán đấu giá tài sản là khoáng sản, lâm sản bị tịch thu sung quỹ nhà nước theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
- Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với tổ chức bán đấu giá tài sản bảo đảm an ninh trật tự trong các cuộc bán đấu giá tài sản.
6. Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản:
Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Quyết định số 360/QĐ-UBND ngày 29/10/2010 của UBND tỉnh, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
Thực hiện nghiêm túc Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan. Định kỳ 06 tháng và hàng năm thực hiện báo cáo Sở Tư pháp về tổ chức và hoạt động của Hội đồng bán đấu giá tài sản do mình thành lập, các hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn huyện, thành phố.
8. Báo Tuyên Quang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Phối hợp với Sở Tư pháp tiếp tục thông tin, tuyên truyền về việc triển khai thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, các văn bản hướng dẫn thi hành và nội dung Chỉ thị này một cách sâu rộng trong cán bộ, công chức và nhân dân trên các phương tiện, thông tin đại chúng nhằm nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật.
9. Tổ chức thực hiện:
Giám đốc các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sự nghiệp nhà nước, Giám đốc các doanh nghiệp, các công ty cổ phần có vốn nhà nước chiếm 51% trở lên đóng trên địa bàn tỉnh, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Giao cho Giám đốc Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi việc triển khai thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp theo quy định.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1Chỉ thị 08/2012/CT-UBND tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 2Chỉ thị 06/CT-UBND về tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tài sản theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 3Chỉ thị 20/2011/CT-UBND về tăng cường quản lý công tác bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 4Quyết định 19/2017/QĐ-UBND về bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 5Quyết định 113/QĐ-UBND năm 2018 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành hết hiệu lực toàn bộ và một phần
- 1Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản
- 2Thông tư 23/2010/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp ban hành
- 3Chỉ thị 08/2012/CT-UBND tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 4Chỉ thị 06/CT-UBND về tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tài sản theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 5Chỉ thị 20/2011/CT-UBND về tăng cường quản lý công tác bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 6Quyết định 360/QĐ-UBND năm 2010 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Tuyên Quang
Chỉ thị 07/2011/CT-UBND tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- Số hiệu: 07/2011/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 29/11/2011
- Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
- Người ký: Chẩu Văn Lâm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 09/12/2011
- Ngày hết hiệu lực: 01/12/2017
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra