Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/2007/CT-BGTVT

Hà Nội, ngày 30 tháng 05 năm 2007 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO,SÁT HẠCH VÀ CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE

Thực hiện Nghị quyết số 13/2002/CP ngày 19 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, Chỉ thị số 22/CT-TW ngày 24 tháng 02 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với các bộ, ngành ban hành các văn bản liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX), tạo cơ sở pháp lý cho các cơ sở đào tạo, Trung tâm sát hạch, các địa phương thực hiện. Cục Đường bộ Việt Nam, các Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính (GTVT, GTCC) đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe nên đã cơ bản giải quyết tình trạng người điều khiển môtô không có giấy phép lái xe và đáp ứng nhu cầu học, thi lấy giấy phép lái xe ôtô của nhân dân; hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng được 32 trung tâm sát hạch lái xe có thiết bị tự động chấm điểm, bảo đảm chính xác, khách quan, phản ánh đúng trình độ của người lái xe, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu học, thi, sát hạch lái xe; phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra các cơ sở đào tạo và công tác quản lý sát hạch cấp GPLX, kiên quyết thu hồi giấy phép đào tạo lái xe của những cơ sở không đủ tiêu chuẩn quy định, đình chỉ hoạt động và xử lý nghiêm khắc tổ chức, cá nhân có sai phạm. Vì vậy, trong thời gian qua công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra từ đầu năm 2003 đến nay, đã thu hồi 3 giấy phép đào tạo lái xe, dừng có thời hạn 22 cơ sở đào tạo ôtô, 8 cơ sở đào tạo môtô; hạ lưu lượng 1 cơ sở đào tạo ôtô; phê bình nhắc nhở 9 cơ quan quản lý các địa phương, 9 cơ sở đào tạo lái xe ôtô; thu hồi 22 thẻ sát hạch viên, 96 giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe, 6 giấy phép xe tập lái cấp sai quy định; chất lượng công tác đào tạo chưa cao, một số cơ sở đào tạo còn cắt xén nội dung, chương trình đào tạo, khoán phần dạy thực hành cho giáo viên. Theo phản ánh của dư luận, ở một số cơ sở đào tạo, học sinh còn phải nộp thêm tiền để bổ sung phần học thực hành tay lái, thậm chí thêm tiền để được vào học sớm; công tác quản lý học viên trên lớp còn nhiều hạn chế, nhất là học viên các hạng B1, B2. Hiện tượng để người thi hộ trong sát hạch lái xe môtô vẫn còn xảy ra ở một số địa phương; thủ tục cấp, đổi GPLX còn rườm rà, chậm trễ, không bảo đảm thời gian theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX, loại bỏ các tiêu cực và tồn tại cơ bản nêu trên, góp phần kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ thị:

I. CỤC ĐƯỜNG BỘ VIỆT NAM.

1. Thống nhất với Tổng cục Dạy nghề - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn các mẫu biểu trong lĩnh vực đào tạo lái xe trên cơ sở quản lý chặt chẽ, giảm các thủ tục hành chính trong đào tạo, cấp chứng chỉ nghề; hướng dẫn các Sở GTVT, GTCC chỉ đạo các cơ sở đào tạo trong việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn nhằm nâng cao năng lực đào tạo lái xe theo hướng xã hội hoá để đáp ứng nhu cầu học của nhân dân; bảo đảm chất lượng đào tạo, nâng cao hiểu biết pháp luật giao thông đường bộ, kỹ năng thực hành lái xe.

2. Thường xuyên cập nhật, bổ sung những quy định mới, kiến thức mới, công nghệ tiên tiến vào chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy; tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo trình bảo đảm tính hợp lý, thiết thực, phù hợp với thực tế.

3. Rà soát lại đội ngũ giáo viên theo tiêu chuẩn quy định; thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho giáo viên, sát hạch viên, cán bộ quản lý trên cơ sở cải tiến việc tổ chức đào tạo, phương pháp giảng dạy hiện nay.

4. Điều chỉnh câu hỏi thi theo hướng dẫn nâng cao chất lượng đào tạo và sát hạch trên cơ sở giúp người học hiểu luật, xử lý đúng các tình huống trong quá trình tham gia giao thông, tránh học vẹt, học tủ, học chỉ để sát hạch. Nghiên cứu các biện pháp loại bỏ tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình sát hạch kỹ năng xử lý tình huống thực tế trên 2 km đường giao thông công cộng.

5. Có kế hoạch tập huấn cho giáo viên trực tiếp giảng dạy, sát hạch viên, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung về học, sát hạch lái xe môtô hạng A2 (xe môtô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên) để đáp ứng cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Phối hợp các cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng quy trình và thiết bị tự động chấm điểm để sát hạch cấp GPLX cho người học lái xe môtô hạng A2.

6. Đôn đốc. hướng dẫn, kiểm tra chặt chẽ hoạt động của các Trung tâm sát hạch lái xe, bảo đảm kết quả sát hạch chính xác, khách quan, trung thực, hướng dẫn việc hoàn thiện theo tiêu chuẩn một số Trung tâm sát hạch lái xe loại 1 trong quy hoạch nhưng tiến độ xây dựng còn chậm ở Hà Nội, Cần Thơ, Sơn La.

7. Định kỳ kiểm chuẩn hệ thống thiết bị chấm điểm tự động thực hành lái xe tại các trung tâm sát hạch để đảm bảo độ ổn định, chính xác.

8. Triển khai “Kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe ôtô, môtô” ban hành kèm theo Quyết định số 726/QĐ-BGTVT ngày 04 tháng 04 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

9. Nghiên cứu cải cách các thủ tục hành chính trong quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; giảm bớt các đầu mối trực tiếp sát hạch như hiện nay.

10. Cần tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các quy định trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch, cấp GPLX để giải toả các nhận thức tiêu cực, tiếp thu những đóng góp tích cực của nhân dân để bổ sung, sửa đổi trong quản lý và điều hành công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.

11. Tăng cường hơn nữa thanh tra, kiểm tra đột xuất công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX; xử lý các vi phạm kịp thời theo quy định.

II. CÁC SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI, GIAO THÔNG CÔNG CHÍNH.

1. Căn cứ nhu cầu và năng lực đào tạo hiện tại của địa phương để có kế hoạch hướng dẫn các cơ sở đào tạo tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn, nâng cao năng lực đào tạo; mở rộng và phát triển các cơ sở đào tạo mới theo hướng xã hội hoá công tác đào tạo; thực hiện lộ trình đổi mới xe tập lái theo quy định.

2. Các địa phương chưa có Trung tâm sát hạch lái xe chấm điểm bằng thiết bị tự động, hoặc đã có nhưng chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo, địa bàn dân cư rộng, Sở GTVT, GTCC cần có kế hoạch báo cáo UBND tỉnh, thành phố cho xây dựng trung tâm sát hạch lái xe loại 2 theo hướng xã hội hoá để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong việc học, thi lấy GPLX. Đối với Trung tâm sát hạch lái xe loại 3, Sở GTVT, GTCC tổ chức chỉ đạo xây dựng, kiểm tra xác nhận đưa vào hoạt động.

3. Tăng cường công tác quản lý, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn cho cán bộ quản lý; chỉ đạo các cơ sở đào tạo thực hiện đúng nội dung, chương trình đào tạo, không ngừng nâng cao chất lượng, thực hiện đúng các quy định hiện hành về đào tạo, sát hạch và cấp GPLX.

4. Chỉ đạo các cơ sở đào tạo tổ chức các kỳ thi cấp chứng chỉ nghề bào đảm nghiêm túc, đúng quy định, bảo đảm chất lượng đào tạo.

5. Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội kiểm tra chặt chẽ công tác đào tạo lái xe môtô của các cơ sở, bảo đảm giảng dạy đủ nội dung luật giao thông đường bộ, kỹ thuật lái xe, hướng dẫn học thực hành lái xe đủ thời gian quy định để người điều khiển xe môtô am hiểu và tự giác chấp hành Luật giao thông đường bộ; thực hiện kiểm tra thường xuyên, giám sát các kỳ sát hạch lái xe ôtô, môtô để ngăn ngừa tiêu cực xảy ra.

6. Đào tạo, bồi dưỡng và có biện pháp quản lý chặt chẽ đội ngũ sát hạch viên trường hợp có dư luận phản ánh tiêu cực thì phải xác minh và kiên quyết kỷ luật, chuyển công tác khác nếu có tiêu cực xảy ra. Sở chỉ đạo, tổ chức tốt các kỳ sát hạch lái xe không để có các biểu hiện tiêu cực trong quá trình sát hạch, nhất là lái xe mô tô hạng A1, và 2 km trên đường giao thông công cộng đối với lái xe ôtô. Kiên quyết loại bỏ các thủ tục thông qua trung gian, gây dư luận không tốt, sai sự thật trong công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX.

7. Duy trì công tác thanh tra kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất, sử lý nghiệm, kịp thời các hành vi vi phạm trong đào tạo, sát hạch, cấp GPLX theo thẩm quyền và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

III. CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO.

1. Không ngừng hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn để nâng cao năng lực đào tạo, đáp ứng nhu cầu học, thi lấy GPLX của nhân dân.

2. Thực hiện đúng nội dung, chương trình đào tạo theo quy định của Bộ Giao thông vận tải; tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghề nghiêm túc theo quy định hiện hành.

3. Niêm yết công khai các thủ tục nhập học, học phí đào tạo, phí sát hạch lái xe theo quy định; trực tiếp ký hợp đồng đào tạo có đủ nội dung quy định đối với người học; không nhận hồ sơ đào tạo, giải quyết các thủ tục cấp chứng chỉ nghề lái xe thông qua trung gian dưới bất kỳ hình thức nào.

4. Có biện pháp để phân loại trình độ từng giáo viên, nhất là giáo viên giảng dạy thực hành lái xe, trên cơ sở đó tổ chức bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, bảo đảm giảng dạy có chất lượng, giúp học sinh nắm vững kỹ năng nghề nghiệp: áp dụng các phương pháp và thiết bị giảng dạy tiên tiến, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học.

5. Quản lý việc thu, sử dụng học phí đào tạo lái xe theo quy định hiện hành.

6. Thường xuyên tự kiểm tra, chỉ đạo công tác nghiệp vụ quản lý đào tạo, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo; phát hiện, ngăn chặn, kiên quyết loại bỏ các tiêu cực trong đào tạo lái xe của cơ sở.

IV. CÁC TRUNG TÂM SÁT HẠCH LÁI XE.

1. Duy trì và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật, năng lực phục vụ, bảo đảm và tạo điều kiện thuận lợi cho các Hội đồng và thí sinh đến sát hạch và dự sát hạch lái xe.

2. Chủ động tiếp nhận công nghệ thiết bị chấm điểm tự động; thường xuyên bảo dưỡng thiết bị để duy trì sự hoạt động chính xác của hệ thống theo yêu cầu sát hạch.

3. Xây dựng, báo cáo cơ quan có thẩm quyền mức thu cho thuê sân, ôtô tập lái, thiết bị tự động chấm điểm của trung tâm sát hạch và niêm yết công khai để mọi người thực hiện, giám sát.

4. Tổ chức thực hiện công tác quản lý các hoạt động của trung tâm hạch lái xe theo quy định hiện hành.

V. CÁC VỤ VÀ THANH TRA BỘ.

1. Vụ Tài chính phố hợp các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính nghiên cứu để tham mưu, đề xuất cơ chế tài chính về mức thu học phí đào tạo lái xe để các cơ sở đào tạo có đủ điều kiện giảng dạy đúng nội dung, chương trình đào tạo và phí sát hạch lái xe để các trung tâm sát hạch lái xe duy trì và tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, thực hiện đúng quy trình sát hạch lái xe theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

2. Vụ Tổ chức cán bộ theo dõi quá trình thực hiện các quy chế của Bộ Giao thông vận tải trong lĩnh vực này; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, ý kiến từ cơ sở để phối hợp nghiên cứu, sửa đổi các quy định trong quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX nhằm không ngừng nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe và nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe.

3. Vụ Khoa học công nghệ chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng quy trình và thiết bị chấm điểm tự động áp dụng cho sát hạch lái xe môtô hạng A2.

4. Sở Y tế giao thông vận tải rà soát các đối tượng điều khiển phương tiện xe cơ giới tham gia giao thông đã được Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn sức; tham mưu, đề xuất để Bộ giao thông vận tải có ý kiến với Bộ Y tế ban hành tiêu chuẩn sức khoẻ đối với các đối tượng còn lại theo quy định của Luật Giao thông, đường bộ và chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý chặt chẽ các cơ sở y tế trong việc khám, cấp giấy chứng nhận sức khoẻ điều khiển các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bảo đảm người có đủ sức khoẻ mới được lái xe tham gia giao thông.

5. Thanh tra Bộ thanh tra kịp thời các vi phạm của các cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe khi phát hiện hoặc có phản ánh của dư luận; xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định hiện hành.

Bộ Giao thông vận tải đề nghị các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của mình phối hợp chặt chẽ với ngành giao thông vận tải trong quản lý, điều hành nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.

Yêu cầu Vụ trưởng các Vụ, Giám đốc Sở Y tế Giao thông vận tải, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính, Thủ trưởng các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe, các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai Chỉ thị này.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (thay báo cáo);
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- VPTT UB ATGT QG (để phối hợp);
- Các Bộ: Công an, Tài chính, Quốc phòng,
  LĐTBXH, Y tế, GD và ĐT (để phối hợp);
- UBND các tỉnh, thành phố (để phối hợp);
- Các Vụ, Thanh tra Bộ, Sở Y tế (để thực hiện);
- Cục Đường Bộ Việt Nam (hướng dẫn, thực hiện);
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Các Sở GTVT, GTCC (thực hiện);
- Lưu: VT, TCCB (ĐT).

BỘ TRƯỞNG



 
Hồ Nghĩa Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 07/2007/CT-BGTVT về việc tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe do Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải ban hành

  • Số hiệu: 07/2007/CT-BGTVT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 30/05/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Hồ Nghĩa Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 406 đến số 407
  • Ngày hiệu lực: 08/07/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản