Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/2006/CT-UB

Hà Nội, ngày 07 tháng 04 năm 2006 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Thực hiện Quyết định số 152/1999/QĐ-TTg ngày 10.7.1999 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020. Công tác quản lý chất thải rắn độ thị trên địa bàn Hà Nội đã từng bước chuyển biến tích cực. Các chất thải rắn đô thị, công nghiệp và y tế đã được thu gom, xử lý theo quy định. Cơ sở kỹ thuật hạ tầng phục vụ cho việc quản lý và xử lý chất thải rắn được Thành phố tập trung đầu tư. Môi trường đô thị đang dần được cải thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của Thủ đô.

Nhằm đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về chất thải rắn đô thị, công nghiệp và y tế trên địa bàn Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo cơ sở triển khai Chiến lược quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp đến năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị số 23/2005/CT-TTg ngày 21.6.2005) và của Thành uỷ (Thông tri số 22-TT/TU ngày 04.8.2005), UBND Thành phố giao các ngành, các cấp tổ chức thực hiện việc tăng cường công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn Hà Nội theo quy định hiện hành của Nhà nước và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:

1/. Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất.

- Xây dựng, sửa đổi, bổ sung và hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn đô thị, công nghiệp và y tế trên địa bàn Hà Nội.

- Hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm Quy định quản lý chất thải công nghiệp theo Quyết định số 152/2004/QĐ-UB ngày 27.9.2004 của UBND Thành phố.

- Huy động các nguồn lực đầu tư của các tổ chức, cá nhân và các dự án của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các dự án hợp tác quốc tế phục vụ cho công tác quản lý chất thải rắn đô thị.

- Đề xuất các dự án đầu tư đổi mới công nghệ xử lý, tái chế và sử dụng chất thải rắn, nhằm tiết kiệm diện tích đất chôn lấp chất thải.

- Chỉ đạo Thanh tra chuyên ngành thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất thải rắn đô thị.

- Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của UBND Thành phố về kết quả và những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về quản lý chất thải rắn trên địa bàn Hà Nội.

2/. Sở Giao thông công chính.

- Hướng dẫn nhân dân đổ rác thải đúng thời gian và địa điểm quy định, từng bước thực hiện việc phân loại rác thải tại hộ gia đình. Tổ chức lực lượng thu gom, xử lý rác, tránh gây ô nhiễm môi trường. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế thực hiện công tác xã hội hóa về các dịch vụ bảo vệ môi trường theo chương trình, dự án cụ thể.

- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông công chính tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh môi trường Thủ đô. Xây dựng, bổ sung và hoàn chỉnh các quy định về tiêu chuẩn, kỹ thuật thu gom, phân loại và xử lý rác thải trên địa bàn Hà Nội.

3/. Sở Y tế.

Rà soát, thống kê các nguồn chất thải rắn y tế và hướng dẫn việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải y tế trên địa bàn Thành phố theo quy định. Chi đạo lực lượng Thanh tra y tế tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về chuyên ngành.

4/. Sở Nông nghiệp và PTNT.

Chỉ đạo Chi cục bảo vệ thực vật Hà Nội chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thu gom các loại vỏ bao bì, chai lọ sau khi sử dụng để xử lý theo quy định. Chỉ đạo lực lượng Thanh tra chuyên ngành thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật theo thẩm quyền.

5/. Sở Thương mại.

Chỉ đạo các bản quản lý chợ, các trung tâm thương mại lập kế hoạch thu gom các nguồn chất thải rắn; phối hợp với lực lượng Thanh tra liên ngành kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm về quản lý rác thải rắn tại các chợ và trung tâm thương mại.

6/. Sở Xây dựng.

Chỉ đạo lực lượng Thanh tra xây dựng kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về vận chuyển, đổ chất thải rắn, phế thải xây dựng không đúng quy định.

7/. Sở Văn hóa Thông tin.

Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị và duy trì việc thực hiện Chỉ thị số 04/CT-UB của UBND Thành phố về tổng vệ sinh hàng tuần. Phối hợp với các ngành, các cấp và các tổ chức xã hội tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường.

8/. Sở Quy hoạch Kiến trúc.

Lập Quy hoạch các địa điểm tập trung xử lý rác thải rắn đô thị giai đoạn 2006 – 2020, gồm: các trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt, các bãi chôn lấp rác thải rắn hợp vệ sinh, trạm xử lý phân bùn bể phốt và cơ sở xử lý chế biến rác thải sinh hoạt tại khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn giai đoạn 2.

9/. Sở Tài chính.

Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực xử lý chất thải rắn. Nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh định mức đơn giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.

10/. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Bố trí vốn đầu tư cho các chương trình, dự án về quản lý, thu gom, xử lý chất thải rắn và xây dựng cơ chế khuyến khích hoạt động xã hội hóa thu gom, xử lý rác thải rắn và bảo vệ môi trường.

11/. Các ban quản lý khu công nghiệp tập trung.

Hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp tập trung thực hiện nghiêm túc Quyết định số 152/2004/QĐ-UB ngày 27.9.2004 của UBND Thành phố về việc phân loại, thu gom, lưu giữ và vận chuyển chất thải công nghiệp.

12/. UBND các quận, huyện.

Phối hợp với các sở, ngành liên quan: chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện nghiêm những quy định về thu gom, xử lý chất thải rắn theo quy định hiện hành của Nhà nước.

UBND Thành phố yêu cầu các ngành, các cấp tùy theo chức trách, chủ động phối hợp với các đoàn thể, các tổ chức xã hội tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Sở Tài nguyên và Môi trường và Nhà đất chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm Chỉ thị này và tổng hợp, báo cáo kết quả, những khó khăn vướng mắc khi thực hiện, báo cáo UBND Thành phố để xem xét, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ TN và MT
- TT T/ủy, TT HĐND TP
- Đ/c Chủ tịch UBND TP (để báo cáo)
- Các đ/c PCT UBND TP
- Văn phòng T/ủy, Ban Tuyên giáo T/ủy
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể
- UBND các quận, huyện
- Đài PT và TH Hà Nội
- Báo KT và ĐT, Báo Hà Nội mới
- VPUB: CPVP, các tổ CV, phòng TH
- Lưu VT

TM/ ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KT/ CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
 



Lê Quý Đôn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 07/2006/CT-UB về việc tăng cường công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn Thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 07/2006/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 07/04/2006
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Lê Quý Đôn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản