Hệ thống pháp luật

BỘ THUỶ SẢN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/2004/CT-BTS

Hà Nội, ngày 30 tháng 06 năm 2004 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG THUỘC BỘ THỦY SẢN

Thời gian qua, công tác quản lý đầu tư và xây dựng cơ bản thuộc Bộ đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong toàn Ngành, bước đầu đã đầu tư xây dựng hệ thống cảng cá, bến cá, một số cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, các trạm, trại, các trung tâm sản xuất giống thủy sản quốc gia, các cơ sở vật chất kỹ thuật của các cơ quan quản lý; các Viện, Trường; mua sắm thêm nhiều trang thiết bị khoa học kỹ thuật cần thiết. Qua đó, cơ sở vật chất kỹ thuật của Ngành được tăng cường đáng kể. Nhiều công trình đã đưa vào sử dụng, bước đầu phát huy hiệu quả vốn đầu tư, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế và thúc đẩy quá trình phát triển Ngành Thủy sản.

Tuy nhiên, công tác quản lý đầu tư và xây dựng cơ bản trong Ngành Thủy sản thời gian qua còn nhiều hạn chế: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Ngành Thủy sản chưa được phê duyệt, việc triển khai lập dự án đầu tư xây dựng gặp nhiều khó khăn; nhu cầu đầu tư lớn, trong khi vốn cân đối rất hạn hẹp; bố trí kế hoạch đầu tư và xây dựng cơ bản còn dàn trải, chưa tập trung cho trọng điểm; thiếu cân đối đầu tư theo vùng, theo lĩnh vực phù hợp với chiến lược phát triển Ngành; các Ban quản lý dự án làm kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm quản lý đầu tư và xây dựng cơ bản, năng lực chuyên môn yếu; một số dự án đấu thầu chưa theo đúng quy định của Nhà nước; quá trình quản lý từ khâu lập dự án đầu tư xây dựng, lập thiết kế kỹ thuật-tổng dự toán đến thẩm định chưa thật nghiêm túc, còn thiếu cơ sở khoa học; năng lực tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công yếu nên nhiều dự án, công trình phải điều chỉnh, bổ sung khối lượng, phải khắc phục các lỗi trong thi công do chất lượng công trình không đảm bảo; công tác báo cáo định kỳ chưa tuân thủ theo quy định; việc lập hồ sơ quyết toán công trình hoàn thành còn chậm; thủ tục bàn giao, quản lý sử dụng, vận hành khai thác công trình sau đầu tư xây dựng còn lúng túng, một số công trình chưa phát huy hiệu quả.

Nguyên nhân của những tồn tại trên là do nhận thức của cán bộ làm công tác quản lý đầu tư và xây dựng về các quy định quản lý đầu tư và xây dựng của Chính phủ chưa đầy đủ; thói quen làm việc nể nang, tuỳ tiện còn phổ biến; năng lực cán bộ quản lý đầu tư và xây dựng cơ bản từ Bộ đến các đơn vị trực thuộc còn yếu, thiếu cán bộ, chuyên gia chủ chốt ở một số vị trí quan trọng; cơ chế chính sách về quản lý đầu tư xây dựng của Chính phủ luôn điều chỉnh, thay đổi, bộ máy quản lý đầu tư xây dựng tiếp cận, cập nhật không đầy đủ, không kịp thời.

Để chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư và xây dựng thuộc Bộ Thủy sản, nhằm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 29/2003/CT-TTg ngày 23/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chính quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn Nhà nước; các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành của Chính phủ, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cá nhân, các đơn vị trong lĩnh vực quản lý đầu tư và xây dựng, Bộ trưởng Bộ Thủy sản chỉ thị:

1. Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản tập trung lực lượng, trí tuệ của cán bộ khoa học trong và ngoài Viện, phối hợp với các Viện nghiên cứu khoa học trong và ngoài Ngành hoàn chỉnh Quy hoạch tổng thể, các quy hoạch vùng, quy hoạch các lĩnh vực sản xuất thuộc Ngành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2004.

2. Các chủ đầu tư căn cứ vào Thông tư số 15/2000/TT-BXD ngày 13/11/2000 của Bộ Xây dựng hướng dẫn các hình thức quản lý thực hiện dự án; Quyết định số 19/2003/QĐ-BXD ngày 03/7/2003 của Bộ Xây dựng ban hành Quy định điều kiện năng lực hoạt động của các Ban quản lý dự án xây dựng để kiện toàn bộ máy Ban quản lý dự án ngay trong quý 3 năm 2004, nhằm tăng cường năng lực quản lý thực hiện dự án của các chủ đầu tư.

3. Thủ trưởng các đơn vị được giao làm chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án nêu cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm sự khách quan, trung thực, nghiêm túc trong xét chọn tư vấn khảo sát, lập dự án, lập thiết kế kỹ thuật-tổng dự toán, đáp ứng yêu cầu chất lượng của báo cáo nghiên cứu khả thi, của thiết kế kỹ thuật-tổng dự toán khi trình duyệt.

4. Thủ trưởng các đơn vị, các chủ đầu tư, trưởng Ban quản lý các dự án phải tuyệt đối tuân thủ quy chế đấu thầu; nghiêm cấm các biểu hiện tiêu cực trong đấu thầu để lựa chọn nhà thầu dưới bất cứ hình thức nào.

Trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư và xây dựng, các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án phải thường xuyên tăng cường kiểm tra, đôn đốc nhà thầu, tư vấn giám sát về chất lượng công trình, thực hiện đầy đủ thủ tục và tuân thủ các quy định, quy trình nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành. Kiên quyết chống tình trạng quan liêu, không theo dõi sát công trình thi công xây dựng; nghiêm cấm tuyệt đối nghiệm thu khống khối lượng, gian lận trong thanh toán.

Các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án phải thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ hàng tháng, hàng quý, báo cáo năm. Trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư và xây dựng, nếu có vướng mắc về phát sinh, bổ sung thiết kế, khối lượng và giá trị, yêu cầu chủ đầu tư cùng các bên tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, nhà thầu phải thực hiện lập đầy đủ các thủ tục biên bản, xác nhận tại hiện trường và báo cáo kịp thời cho Bộ để xem xét xử lý.

Khi kết thúc đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án phải khẩn trương tổ chức nghiệm thu tổng thể, thực hiện thủ tục bàn giao đưa công trình vào vận hành sử dụng; đồng thời, hoàn tất hồ sơ hoàn công, lập đầy đủ hồ sơ quyết toán theo quy định của Bộ Tài chính gửi về Bộ Thủy sản xem xét phê duyệt theo thẩm quyền.

Các chủ đầu tư, trưởng Ban quản lý dự án không thực hiện kịp thời chế độ báo cáo quyết toán công trình và hạng mục công trình hoàn thành, báo cáo quyết toán tài chính năm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật (theo quy đ 883;nh của Thông tư 45/2003/TT-BTC ngày 15/5/2003 của Bộ Tài chính “Hướng dẫn quyết toán vốn đầu tư”).

5. Vụ Kế hoạch - Tài chính có trách nhiệm:

a/ Rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư thuộc Bộ quản lý để chấn chỉnh kịp thời công tác quản lý đầu tư và xây dựng; củng cố, kiện toàn công tác lập kế hoạch và phân bổ kế hoạch đầu tư xây dựng; nghiêm chỉnh tuân thủ nguyên tắc chỉ bố trí kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cho các dự án, chương trình khi đã có đầy đủ thủ tục được phê duyệt. Sau khi dự án đã được phê duyệt, Vụ Kế hoạch – Tài chính phải bố trí đủ thời gian cần thiết cho công tác thiết kế kỹ thuật và lập tổng dự toán, nhằm bảo đảm chất lượng tư vấn thiết kế và chất lượng công trình;

b/ Nêu cao trách nhiệm trong chọn thầu tư vấn thiết kế; chấn chỉnh và tăng cường chất lượng công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật-tổng dự toán các công trình; thực hiện tốt công tác tham mưu cho Bộ ban hành các quyết định phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế kỹ thuật-tổng dự toán và các văn bản liên quan đến đầu tư và xây dựng đảm bảo đủ cơ sở khoa học, có chất lượng, đúng pháp luật và các quy định hiện hành;

c/ Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ để củng cố, tăng cường bổ sung cán bộ, kiện toàn lại bộ phận quản lý đầu tư và xây dựng của Vụ, bảo đảm về phẩm chất, đủ năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Bộ trong công tác quản lý đầu tư và xây dựng;

d/ Bổ sung tăng cường cán bộ cho bộ phận tài chính, bảo đảm về phẩm chất và chuyên môn để tập trung xử lý dứt điểm hồ sơ báo cáo quyết toán các công trình và hạng mục công trình hoàn thành trình Bộ xem xét phê duyệt đúng thời gian quy định, không để tình trạng tồn đọng kéo dài;

đ/ Chủ trì phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị liên quan hàng năm lập chương trình tập huấn, bồi dưỡng công tác quản lý dự án đầu tư và xây dựng cho các Ban quản lý dự án, các cán bộ làm công tác quản lý đầu tư xây dựng, nhằm phổ biến kịp thời những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, những điều chỉnh, thay đổi của các chế độ, các quy định quản lý đầu tư và xây dựng .

6. Thanh tra Bộ tăng cường công tác thanh tra thường xuyên và đột xuất các công trình đầu tư và xây dựng cơ bản; có kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng của Chính phủ, việc triển khai thực hiện các quyết định của Bộ trưởng trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng ở các đơn vị trực thuộc Bộ Thủy sản.

7. Thủ trưởng các Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng; Viện trưởng các Viện, Giám đốc các Trung tâm; Hiệu trưởng các trường Trung học Thủy sản, Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc các Tổng công ty, Giám đốc các doanh nghiệp, Trưởng các Ban quản lý dự án trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

Vụ Kế hoạch - Tài chính và Thanh tra Bộ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện của các đơn vị và báo cáo Bộ trưởng Bộ Thủy sản tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị này.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY SẢN




Tạ Quang Ngọc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 07/2004/CT-BTS chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư và xây dựng thuộc Bộ Thủy sản do Bộ Thủy sản ban hành

  • Số hiệu: 07/2004/CT-BTS
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 30/06/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Thuỷ sản
  • Người ký: Tạ Quang Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 27 đến số 28
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản