Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2002/CT-UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 04 năm 2002 |
CHỈ THỊ
VỀ TỔ CHỨC THI HÀNH PHÁP LỆNH LUẬT SƯ NĂM 2001TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Ngày 25 tháng 7 năm 2001, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Luật sư và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 10 năm 2001, thay thế Pháp lệnh tổ chức Luật sư năm 1987. Ngày 12 tháng 12 năm 2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2001/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Luật sư và ngày 22 tháng 01 năm 2002, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 02/2002/TT-BTP hướng dẫn thi hành Nghị định số 94/2001/NĐ-CP.
Pháp lệnh Luật sư 2001 là một bước phát triển quan trọng trong quá trình hoàn thiện thể chế luật sư ở nước ta, nhằm bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự ; đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về tư vấn pháp luật của các tổ chức, cá nhân ; nhằm củng cố và phát triển đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, có đạo đức và trình độ chuyên môn cao ngang tầm với luật sư các nước trong khu vực và trên thế giới.
Để việc triển khai thực hiện Pháp lệnh Luật sư, Nghị định số 94/2001/NĐ-CP và Thông tư số 02/2002/TT-BTP đạt hiệu quả, Ủy ban nhân dân thành phố Chỉ thị :
1. Sở Tư pháp thành phố có trách nhiệm :
- Tổ chức thực hiện việc cấp và thu hồi giấy đăng ký hoạt động cho các tổ chức hành nghề luật sư ; quản lý việc thay đổi, tạm ngừng và chấm dứt hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư ; cung cấp thông tin liên quan đến việc đăng ký hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư cho các cơ quan Nhà nước, tổ chức và cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật.
- Có ý kiến và trình Ủy ban nhân dân thành phố về đề án chuyển đổi Đoàn Luật sư ; có ý kiến tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố về việc giải thể Đoàn Luật sư ; giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến tổ chức, hoạt động của Đoàn Luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư.
- Chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường xã, Cục Thuế thành phố, Đoàn Luật sư và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động hành nghề luật sư. Có biện pháp chấn chỉnh hoạt động dịch vụ pháp lý bất hợp pháp trên địa bàn thành phố. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, Sở Tư pháp chịu trách nhiệm tham mưu xử lý theo quy định pháp luật.
- Thông báo về việc đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung hoạt động, tạm ngừng, chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư cho Cục Thuế thành phố, Đoàn Luật sư, Ủy ban nhân dân phường, xã nơi tổ chức hành nghề luật sư đặt trụ sở để phối hợp quản lý.
- Ra quyết định và thông báo về việc thu hồi con dấu của các tổ chức hành nghề luật sư để Công an thành phố thực hiện việc thu hồi con dấu trong trường hợp các tổ chức này bị thu hồi giấy đăng ký hoạt động, sáp nhập, hợp nhất hoặc chấm dứt hoạt động.
2. Ủy quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp thành phố thực hiện một số việc quản lý Nhà nước về tổ chức luật sư và hành nghề luật sư trên địa bàn thành phố như sau :
- Chủ động lập kế hoạch và chủ trì thực hiện việc kiểm tra hoạt động của Đoàn Luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư.
- Định kỳ báo cáo Bộ Tư pháp về tình hình tổ chức luật sư và hành nghề luật sư.
3. Đoàn Luật sư thành phố có trách nhiệm :
- Xây dựng đề án chuyển đổi Đoàn Luật sư (chậm nhất đến 30 tháng 6 năm 2002) gởi Sở Tư pháp thành phố xem xét trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt ; sau khi đề án được phê duyệt, chậm nhất đến 30 tháng 9 năm 2002, tổ chức Hội nghị toàn thể luật sư thông qua Điều lệ, bầu Ban Chủ nhiệm mới, Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn Luật sư.
- Hướng dẫn các Chi nhánh của Đoàn Luật sư thực hiện các bước chuẩn bị cho việc chấm dứt hoạt động khi Đoàn tổ chức Hội nghị toàn thể luật sư như : Thanh lý các hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký kết với khách hàng; thanh toán các khoản nợ, các nghĩa vụ thuế ; chấm dứt hợp đồng lao động với luật sư, nhân viên, thanh lý hợp đồng thuê trụ sở.... Giải quyết các khiếu nại (nếu có) đối với chi nhánh sau khi chấm dứt hoạt động.
- 30 ngày trước khi tổ chức Hội nghị toàn thể luật sư, Đoàn Luật sư lập danh sách các Chi nhánh của Đoàn, tổ chức thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc các Chi nhánh chấm dứt hoạt động sau khi Đoàn tổ chức Hội nghị toàn thể luật sư để các tổ chức, cá nhân có liên quan và nhân dân cùng biết.
- Lập danh sách những người được công nhận là luật sư theo quy định của Pháp lệnh tổ chức luật sư năm 1987 gởi về Bộ Tư pháp để làm thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề luật sư (thời hạn theo quy định của Bộ Tư pháp).
- Lập danh sách các luật sư là cán bộ, công chức gởi Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp thành phố. Hết thời hạn chuyển tiếp, nếu luật sư là cán bộ, công chức không chứng minh được họ đã thôi làm cán bộ, công chức để hành nghề luật sư thì Đoàn Luật sư hướng dẫn luật sư đó làm thủ tục ra khỏi Đoàn và đề nghị Bộ Tư pháp rút chứng chỉ hành nghề ; đồng thời báo cáo tình hình chuyển tiếp của luật sư là cán bộ, công chức (danh sách luật sư tự nguyện xin ra khỏi Đoàn vì còn là cán bộ, công chức, danh sách luật sư đã thôi làm cán bộ, công chức để hành nghề luật sư) gởi về Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp thành phố để thực hiện quản lý các vấn đề liên quan đến việc đăng ký hoạt động hành nghề luật sư.
4. Cục Thuế thành phố có trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức hành nghề luật sư thực hiện các quy định pháp luật hiện hành về thuế.
- Định kỳ hàng năm thông báo cho Sở Tư pháp thành phố về tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của các tổ chức hành nghề luật sư. Thông báo kịp thời cho Sở Tư pháp thành phố về những hành vi vi phạm pháp luật về thuế (nếu có) của các tổ chức hành nghề luật sư.
- Cung cấp thông tin về việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các tổ chức hành nghề luật sư xin tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động...
5. Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã phối hợp với Sở Tư pháp thành phố trong việc quản lý hoạt động hành nghề luật sư trên địa bàn, kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân hành nghề dịch vụ pháp lý bất hợp pháp, xử lý hoặc báo cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
6. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố phối hợp với các báo, đài tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc ban hành Pháp lệnh Luật sư ; các nội dung cơ bản của Pháp lệnh Luật sư và các văn bản liên quan ; đặc biệt là các quy định về các tổ chức hành nghề luật sư hợp pháp để nhân dân hiểu rõ các quy định và liên hệ đúng chỗ khi cần.
7. Công an thành phố tạo điều kiện khắc dấu, thu hồi con dấu của các tổ chức hành nghề luật sư theo quy định của pháp luật.
8. Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố không giải quyết cho các doanh nghiệp đăng ký với tên gọi có thể gây nhầm lẫn với các tổ chức hành nghề luật sư như Công ty luật, dịch vụ pháp lý và các tên gọi có thể gây ngộ nhận khác.
9. Chậm nhất đến 30 tháng 9 năm 2002, các luật sư đang là chuyên viên tư vấn pháp luật tại các Văn phòng tư vấn pháp luật thuộc các tổ chức chính trị - xã hội muốn hành nghề luật sư phải chuyển sang hoạt động theo các hình thức tổ chức hành nghề luật sư được quy định tại Pháp lệnh Luật sư năm 2001. Sở Tư pháp thành phố phối hợp với Hội Luật gia thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố và các tổ chức chính trị-xã hội có Văn phòng tư vấn pháp luật để theo dõi, đôn đốc thực hiện việc này.
Chỉ thị này có hiệu lực từ ngày ký./.
Nơi nhận : | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 07/2002/CT-UB thi hành Pháp lệnh Luật sư năm 2001 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 07/2002/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 15/04/2002
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Mai Quốc Bình
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra