Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI THƯƠNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06-NT

Hà Nội, ngày 14 tháng 05 năm 1969 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CẢI TIẾN TỔ CHỨC LAO ĐỘNG TRONG CỬA HÀNG

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG

Trong ngành nội thương, cửa hàng là nơi trực tiếp thực hiện các chính sách thương nghiệp và các chế độ về quản lý kinh tế tài chính của Chính phủ. Trong cửa hàng, yếu tố lao động giữ vị trí rất quan trọng, tổ chức lao động tốt không những nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm sức lao động và góp phần hạ thấp chi phí lưu thông, tạo điều kiện để hoàn thành tốt kế hoạch lưu chuyển hàng hoá mà còn góp phần tiết kiệm lao động của xã hội, phát huy chức năng phục vụ sản xuất, chiến đấu và đời sống nhân dân.

Các cửa hàng của ta hiện nay phổ biến là kinh doanh tổng hợp, mặt hàng chưa nhiều, cơ sở vật chất kỹ thuật lại rất kém, trình độ chính trị của cán bộ, nhân viên nhìn chung còn thấp. Trong hoàn cảnh chiến tranh, việc tổ chức kinh doanh không ổn định, làm cho công tác tổ chức lao động phức tạp hơn trước.

Gần đây, nhất là từ khi có Nghị quyết số 59-CP ngày 10 tháng 05 năm 1967 của Hội đồng Chính phủ về tăng cường quản lý kinh tế tài chính, bảo vệ tài sản, thực hành tiết kiệm, Nghị quyết số 161-NQ/TƯ ngày 30 tháng 06 năm 1967 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và số 103-CP ngày 06 tháng 07 năm 1967 của Hội đồng Chính phủ về công tác lao động, nhiều cửa hàng đã bước đầu sắp xếp lại lao động, cải tiến nơi công tác, cải tiến phương tiện vận chuyển công cụ lao động, chấn chỉnh tổ chức bộ máy, điều chỉnh các điểm mua bán và cũng đã chú ý chăm lo đời sống, tạo điều kiện để anh chị em phục vụ nhân dân được tốt hơn.

Nhưng nhìn chung, công tác cải tiến tổ chức lao động trong cửa hàng làm được ít, chưa đều khắp và còn nhiều khuyết điểm. Các cấp lãnh đạo trong ngành, từ trung ương đến địa phương, chưa chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người lao động. Bố trí mạng lưới và giờ giấc mua bán hàng ở nhiều nơi chưa hợp lý. Quản lý, sử dụng lao động chưa tốt, nơi công tác còn luộm thuộm, công cụ lao động thiếu, ở một số nơi điều kiện làm việc của công nhân viên, nhất là công nhân nữ, quá nặng nhọc vất vả. Nhiều loại công việc chưa có định mức lao động. Việc tổ chức đời sống chưa được quan tâm đúng mức, các chế độ về lao động, tiền lương đối với người lao động chưa được thực hiện đầy đủ, nhất là đối với lao động nữ.

Để thi hành Nghị quyết số 161-NQ/TƯ của Đảng và số 103-CP của Chính phủ về công tác lao động và khắc phục các khuyết điểm trên, Bộ chỉ thị các cấp, các ngành tiến hành việc cải tiến tổ chức lao động kết hợp với cải tiến một bước tổ chức kinh doanh và cải tiến kỹ thuật trong cửa hàng theo yêu cầu và nội dung sau đây:

Yêu cầu chung của việc cải tiến tổ chức lao động là căn cứ vào tình hình tổ chức mạng lưới và cơ sở vật chất kỹ thuật hiện nay mà khai thác mọi khả năng lao động tiềm tàng trong cửa hàng để tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng phục vụ, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ sản xuất, chiến đấu và đời sống của nhân dân, trước mắt là để hoàn thành nhiệm vụ và chi tiêu kế hoạch Nhà nước năm 1969.

Nội dung cụ thể như sau:

1. Nâng cao một bước trình độ chính trị tư tưởng và nghiệp vụ kỹ thuật cho cán bộ, nhân viên.

a) Về chính trị tư tưởng :  Yêu cầu và nội dung công tác chính trị tư tưởng đối với cán bộ, nhân viên trong ngành, Bộ sẽ nói rõ trong chỉ thị riêng. Trong việc cải tiến tổ chức lao động này nằm giải quyết hai yêu cầu cụ thể :

Một là, giáo dục cho cán bộ, nhân viên trong cửa hàng nâng cao nhiệt tình cách mạng, ý thức giai cấp và tinh thần làm chủ tập thể, biểu hiện trong việc chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật lao động, tinh thần sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến công tác, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động.

Hai là, nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân biểu hiện trong việc chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách thu mua và phân phối hàng hoá, kính trọng, khiêm tốn, niềm nở đối với khách hàng ; khắc phục thái độ cửa quyền, tệ tham ô, đặc quyền, đặc lợi.

Muốn đạt kết quả tốt, ngoài việc tổ chức học tập thường xuyên về thời sự, chính sách, cần chú trọng học người tốt việc tốt, tổ chức hội nghị khách hàng và thực hiện phê bình tự phê bình nghiêm túc từ trên xuống dưới, đồng thời chuẩn bị để tổ chức giáo dục cơ bản cho mậu dịch viên theo kế hoạch Bộ đã hướng dẫn.

b) Về nghiệp vụ kỹ thuật, tổ chức cho cán bộ, nhân viên trong cửa hàng học lại một số chế độ đã có, như :

- Điều lệ tạm thời về công tác của cửa hàng bán lẻ ở thành thị, nông thôn và khu phố nhỏ, ban hành theo Quyết định số 46-NT ngày 15 tháng 01 năm 1963 của Bộ.

- Một số quy định về chế độ trách nhiệm của tổ bán hàng, ban hành theo Quyết định số 47-NT ngày 15 tháng 01 năm 1963.

- Điều lệ tạm thời về công tác của nhân viên trong cửa hàng bán lẻ ban hành theo Quyết định số 521-NT ngày 06 tháng 06 năm 1963.

Việc học tập nghiệp vụ cần phải liên hệ đến tình hình của cửa hàng và tiến hành dưới nhiều hình thức như : báo cáo điển hình, phổ biến kinh nghiệm của đơn vị làm tốt, tổ chức thao diễn, v.v…

2. Cải tiến một bước tổ chức kinh doanh.

- Cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cửa hàng, giải quyết những điều không hợp lý về phân công mặt hàng.

- Nghiên cứu điều chỉnh các điểm bán hàng cho hợp lý, rút những điểm ở chỗ quá dày và chồng chéo, bổ sung cho những nơi chưa có. Những cửa hàng ở nơi sơ tán nếu không tiện cho việc mua bán của nhân dân thì cần bố trí lại cho hợp lý. Ở thành phố, thị xã nếu chưa có điều kiện xây dựng thêm cơ sở, có thể làm những quán hàng bằng gỗ ở vỉa hè hoặc góc phố để nhân dân mua bán được thuận tiện.

- Củng cố các tổ bán hàng, cử tổ trưởng có khả năng về chính trị, nghiệp vụ phụ trách để phát huy hơn nữa trách nhiệm của tổ về việc chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách thương nghiệp, quản lý tốt lao động, tiền, hàng, tem phiếu và tài sản khác của Nhà nước.

- Xác định rõ trách nhiệm của bộ máy quản lý là phục vụ tốt các tổ công tác trực tiếp. Bộ máy quản lý phải gọn nhẹ, có hiệu lực, làm việc phải sâu sát, khẩn trương, dứt khoát, khắc phục lối làm việc quan liêu, chậm chạp, hội họp quá nhiều. Cần tăng cường chất lượng của bộ phận lãnh đạo cửa hàng, phân công hợp lý và xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của mỗi người, thực hiện đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách dưới sự lãnh đạo toàn diện của tổ chức đảng, đồng thời phải nâng cao năng lực chỉ đạo, đi sâu vào việc tổ chức thực hiện chính sách và nghiệp vụ quản lý kinh tế, khắc phục tình trạng chỉ đạo chung chung.

3. Cải tiến công tác quản lý và sử dụng lao động.

Yêu cầu của việc quản lý, sử dụng lao động là mỗi người phải bảo đảm giờ công, ngày công đúng quy định của Nhà nước, tăng số lần phục vụ trong ngày, giảm thời gian chờ đợi mua bán hàng của nhân dân. Cụ thể :

- Chấn chỉnh lại dây chuyền lao động, phân chia khối lượng công việc và số người ở từng khâu một cách cân đối, xác định nhu cầu về số lao động ở từng tổ bán hàng.

- Có phương án bố trí linh hoạt, tập trung lao động phục vụ thật tốt lúc đông khách và kịp thời rút người đi làm việc khác lúc vắng khách. Trường hợp khách hàng tập trung quá đông để mua một số mặt hàng nào đó, cửa hàng phải điều hoà lao động, hoặc điều hoà mặt hàng giữa các quầy, nếu cần thì đề nghị công ty sử dụng thêm mạng lưới để bán mặt hàng đó.

- Chấn chỉnh lại giờ mở cửa hàng và bố trí lại ca làm việc theo nguyên tắc chung là giờ bán hàng phải thích hợp với điều kiện làm việc và sinh hoạt của nhân dân địa phương. Người lao động mỗi ngày có thể làm việc trên hoặc dưới 8 giờ, nhưng bảo đảm một tuần làm việc đủ 48 giờ và được nghỉ 1 ngày theo đúng chế độ của Nhà nước.

- Cửa hàng phải thực hiện chấm công chặt chẽ, sau 2 giờ khi ca làm việc, cửa hàng trưởng phải nắm được tình hình cán bộ, nhân viên đi làm trong đơn vị và kịp thời điều chỉnh lao động, bảo đảm cho cửa hàng đạt hiệu suất cao trong ngày làm việc. Trên cơ sở các chế độ và quy định trong điều lệ của Bộ về công tác cửa hàng bán lẻ, các cửa hàng phải xây dựng bản nội quy công tác cho từng tổ hoặc cho từng bộ phận khác nhau và thực hiện nghiêm túc các bản nội quy đó.

- Để nâng cao năng suất lao động, cần phải tập dượt cho tất cả nhân viên bán hàng thao tác bán hàng được nhanh và chính xác, nâng cao số lần phục vụ trong ngày, giảm bớt thời gian chờ đợi của khách hàng. Đối với các loại nhân viên phục vụ như : bao gói, thủ kho, áp tải và nhân viên quản lý cũng phải cải tiến việc bố trí và phân công, theo nguyên tắc chung là cân đối khối lượng công việc và thời gian làm việc, bảo đảm cho mỗi người có đủ công việc làm liên tục trong ngày với hiệu suất cao.

4. Cải tiến nơi công tác.

Cải tiến nơi công tác là điều kiện rất quan trọng để nâng cao năng suất lao động, phục vụ tốt nhân dân và bảo quản tốt hàng hoá:

- Trước hết cần phải nghiên cứu sắp xếp lại quầy tủ, các loại dụng cụ, công cụ, chất xếp hàng hoá tại quầy phải theo định vị, định lượng để nhân viên bán hàng đi lại thuận lợi và giảm động tác thừa trong khi bán hàng, phải bảo đảm đủ ánh sáng, thoáng khí cho nhân viên bán hàng.

- Luôn luôn lau chùi quầy tủ, bàn ghế, hàng hoá, dụng cụ, cửa kính, nhà cửa cho sạch sẽ. Phải chấp hành chế độ sử dụng, bảo quản các loại dụng cụ, phương tiện dùng trong cửa hàng.

- Các điểm bán hàng đều phải niêm yết giờ bán hàng, có bảng dán các thông báo cần thiết, có sổ và hộp thư để nhân dân góp ý. Nơi nào chưa có chỗ để nhân dân đứng lựa chọn mua bán hàng thì làm thêm một chỗ thích hợp để nhân dân tránh nắng mưa. Cửa hàng thực phẩm và ăn uống phải đặc biệt chú ý giữ vệ sinh, chấn chỉnh lại nơi chế biến, nấu nướng, sắp xếp lại nơi bán vé và nhận hàng cho phù hợp với lưu lượng khách hàng và chiếu cố đến tập quán của nhân dân địa phương.

- Hàng hoá đưa ra quầy phải chuẩn bị ít nhất đủ bán trong một ngày. Trước khi mở cửa, từ các loại dụng cụ đo đếm, vật liệu bao gói, giấy tờ đến nước uống và vệ sinh cá nhân, nhân viên bán hàng phải chuẩn bị chu đáo. Sổ sách ghi chép và tem, phiếu, tiền phải ngăn nắp để sau một ca làm việc có thể kiểm kê và bàn giao được nhanh.

5. Tích cực trang bị và cải tiến công cụ lao động.

Cửa hàng phải trang bị đủ các loại dụng cụ, công cụ cần thiết cho người lao động, trước mắt là giải quyết đủ các loại dụng cụ cân, đong, đo, đếm, công cụ pha cắt và chế biến thực phẩm.

Phát huy sáng kiến của quần chúng, tích cực và mạnh dạn cải tiến công cụ lao động, chú trọng ở những khâu sử dụng nhiều lao động, năng suất thấp, điều kiện làm việc vất vả, tốn nhiều công sức. Ví dụ :

- Làm hệ thống dẫn nước ở cửa hàng thực phẩm và ăn uống tại những nơi chưa có máy nước;

- Dùng các loại phương tiện cải tiến trong việc vận chuyển, bốc dỡ và đưa hàng lên xuống trong kho, thay thế cho gánh, đội;

- Thiết kế các loại dụng cụ bán hàng, lấy hàng nhanh.

Chú trọng cải tiến các hình thức phục vụ thương nghiệp, chấp hành nghiêm chỉnh phương thức mua và bán  bảo đảm thuận tiện, nhanh chóng cho khách hàng. Phải kết hợp tổ chức quan sát tại chỗ với việc lắng nghe, thu thập ý kiến rộng rãi của nhân dân để xây dựng cửa hàng. Phải nắm vững đặc điểm của từng cửa hàng để cải tiến từ việc nhỏ đến việc lớn tuỳ theo trình độ trang bị kỹ thuật của cơ sở. Các sở, ty, công ty cần phân công một số cán bộ làm nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế các loại dụng cụ cải tiến, phổ biến những kinh nghiệm và kiến thức về kỹ thuật thương nghiệp có năng suất cao.

6. Tổ chức tốt đời sống của công nhân, viên chức.

Tổ chức tốt đời sống vật chất và tinh thần của công nhân, viên chức là một công tác quan trọng, có tác dụng thúc đẩy người lao động nâng cao giờ công, ngày công để tăng năng suất lao động và phục vụ tốt nhân dân.

Hiện nay cần giải quyết một số việc trước mắt như :

- Soát lại việc thi hành các chính sách, chế độ về lao động, tiền lương, phúc lợi và phòng hộ lao động xem việc gì làm chưa đúng, chưa đủ thì kiên quyết giải quyết cho tốt.

- Củng cố và phát triển nhà ăn tập thể, bảo đảm có chỗ ăn, ăn đủ tiêu chuẩn, vệ sinh, đẩy mạnh tăng gia sản xuất để cải thiện mức ăn. Củng cố và phát triển nhà giữ trẻ, tu bổ và xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh.

Đi đôi với cải thiện điều kiện làm việc, cần khắc phục tình trạng hội họp quá nhiều để công nhân có thêm thì giờ học tập, nghỉ ngơi và giải trí.

- Cải tiến công tác y tế ở cơ sở. Nhân viên y tế ngoài công việc phát thuốc, tiêm thuốc hàng ngày, còn phải tuyên truyền, vận động mọi người phòng bệnh, thường xuyên đi kiểm tra và giải quyết tình trạng thiếu vệ sinh trong lao động và sinh hoạt, tích cực góp phần giảm bớt tỷ lệ ốm đau ở cửa hàng.

- Phải chú trọng củng cố hầm trú ẩn để phòng địch ném bom bắn phá trở lại.

7. Áp dụng định mức lao động.

Quán triệt Nghị quyết số 161-NQ/TƯ của Trung ương Đảng “tiến tới thực hiện mỗi công việc giao cho người lao động nói chung đều phải có mức”. Các cửa hàng phải kiên quyết và mạnh dạn áp dụng định mức lao động đối với các loại công việc trực tiếp có thể định mức được.

Đối tượng định mức lao động ở cửa hàng là nơi công tác hoặc quầy bán hàng (gồm có một số nơi công tác). Tuỳ theo sự phân công trách nhiệm vật chất mà giao mức cho cá nhân hoặc tập thể nhân viên bán hàng. Tuỳ tình hình cụ thể các cửa hàng tiến hành giao mức lao động bằng hiện vật hoặc bằng tiền và đều phải kèm theo hai điều kiện về chất lượng :

Một là, chấp hành đúng các chính sách thương nghiệp của Đảng, Nhà nước và chế độ quản lý kinh tế tài chính ở tất cả các khâu : gia công, thu mua, giao nhận, vận chuyển, bảo quản, phân phối…

Hai là, tinh thần thái độ phục vụ khách hàng tốt.

Trong điều kiện hiện nay, nói chung áp dụng theo phương pháp thống kê kinh nghiệm kết hợp với phân tích so sánh, cụ thể là dựa theo số liệu thống kê về năng suất lao động kỳ trước (lấy từ 03 đến 06 tháng) kết hợp với quan sát hiện trường, phân tích khả năng thực tế có thể khai thác được, để xây dựng định mức lao động, theo nguyên tắc chọn mức trung bình tiên tiến.

Để kịp thời động viên phong trào thi đua tăng năng suất, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, thời gian xét hoàn thành mức lao động  nên làm hàng quý. Cửa hàng trưởng dưới sự chỉ đạo của công ty được quyền quyết định mức, sau khi nhất trí với công đoàn, và có ý kiến của công nhân, viên chức trong đơn vị. Đối với định mức lao động tính bằng tiền, khi xét hoàn thành mức phải loại trừ yếu tố thay đổi về giá cả và tỷ trọng cơ cấu hàng hoá.

Trên đây, Bộ xác định một số điểm chính về định mức lao động đối với công việc bán hàng, các sở, ty thương nghiệp căn cứ vào đó để vận dụng cụ thể cho các loại công việc khác như : thu mua, phục vụ sửa chữa, đóng gói, thủ kho, giao nhận..

Cải tiến tổ chức lao động là một trong những công tác lớn nhằm góp phần giải quyết tình trạng buông lỏng quản lý kinh tế hiện nay. Các cấp lãnh đạo trong ngành phải đề cao tinh thần trách nhiệm, trực tiếp chỉ đạo thực hiện việc này đạt kết quả tốt.

Các sở, ty cần giao trách nhiệm rõ ràng cho các công ty, cửa hàng kèm theo kế hoạch cụ thể và sở, ty phải theo dõi, giúp đỡ từ đầu đến cuối, thực hiện chỉ đạo riêng lấy kinh nghiệm để mở rộng diện, cuối đợt có tổng kết rút kinh nghiệm.

Phương châm của việc cải tiến tổ chức lao động lần này là : cửa hàng tự làm là chính, cấp trên phải hướng dẫn giúp đỡ; phải kết hợp chặt chẽ giữa chuyên môn và công đoàn dưới sự lãnh đạo toàn diện của tổ chức Đảng ở cơ sở; thật sự dựa vào quần chúng, phát động quần chúng tích cực, mạnh dạn cải tiến; phát hiện những điều không hợp lý ở đâu phải sửa ngay ở đó. Cải tiến tổ chức lao động là để hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước và thực hiện tốt nhiệm vụ không tách rời hoặc đối lập với nhau.

Mức phấn đấu chung là từ nay đến cuối năm 1970 tất cả các cửa hàng trong ngành đều hoàn thành việc cải tiến tổ chức lao động.

Chỉ thị này áp dụng đối với cửa hàng mậu dịch quốc doanh, công tư hợp doanh, hợp tác xã mua bán huyện và lưu hành đến cửa hàng.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG
 


 
Hoàng Quốc Thịnh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 06-NT năm 1969 về cải tiến tổ chức lao động trong cửa hàng do Bộ trưởng Bộ Nội thương ban hành

  • Số hiệu: 06-NT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 14/05/1969
  • Nơi ban hành: Bộ Nội thương
  • Người ký: Hoàng Quốc Thịnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: 29/05/1969
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản