Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UBND

Yên Bái, ngày 16 tháng 3 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ VÀ THỐNG KÊ HỘ TỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI

Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 23/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024, công tác hộ tịch của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực và đi vào nề nếp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong công tác hộ tịch bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác đăng ký và thống kê hộ tịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Tình trạng lợi dụng đăng ký hộ tịch, nhất là đăng ký lại khai sinh, thay đổi, cải chính hộ tịch nhằm hợp lý hóa hồ sơ giấy tờ cá nhân vẫn còn xảy ra; việc thực hiện đăng ký, quản lý hộ tịch có nơi, có chỗ còn sai sót, vi phạm về hồ sơ, trình tự thủ tục giải quyết; việc ghi chép, lưu trữ sổ, biểu mẫu hộ tịch còn chưa khoa học; vẫn còn trường hợp yêu cầu người dân nộp nhiều giấy tờ khi đăng ký lại khai sinh, đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch, gây phiền hà cho người dân và khó khăn cho cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch các cấp, làm ảnh hưởng tới hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác hộ tịch nhất là việc thực hiện Quyết định số 101/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Các sở, ban, ngành của tỉnh

- Theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về hộ tịch. Đảm bảo mọi công dân và tổ chức liên quan hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ về đăng ký, quản lý hộ tịch.

- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang có trách nhiệm xác nhận những nội dung khai sinh cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị mình khi làm thủ tục đăng ký lại khai sinh theo điểm c khoản 1 Điều 26 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ.

2. Sở Tư pháp

- Thường xuyên triển khai, hướng dẫn nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở, đơn vị, cá nhân liên quan trong công tác hộ tịch. Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ, pháp luật hộ tịch; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về Luật hộ tịch và các văn bản liên quan, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thi hành pháp luật về hộ tịch trên địa bàn.

- Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót, đưa ra giải pháp khắc phục; xử lý hoặc kiến nghị Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi, hủy giấy tờ hộ tịch đăng ký, cấp trái quy định, xử lý các hành vi vi phạm khác theo đúng quy định của pháp luật. Chủ trì tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan.

- Tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, hoàn thiện và thống nhất quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch của tỉnh (gồm cơ sở dữ liệu giấy và cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử), trong đó ưu tiên thực hiện nhiệm vụ trọng tâm số hóa dữ liệu hộ tịch nhàm xây dựng hoàn chỉnh Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đáp ứng yêu cầu kết nối dữ liệu với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và cơ sở dữ liệu ngành, địa phương khác theo yêu cầu tại Quyết định số 2173/QĐ-BTP ngày 11/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp (Phần mềm hộ tịch dùng chung). Xây dựng, quản lý, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch của tỉnh.

3. Sở Nội vụ

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí số lượng biên chế, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch đảm bảo đúng tiêu chuẩn, điều kiện luật định, có trình độ từ cử nhân luật trở lên.

- Hằng năm, phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ hộ tịch, tin học cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tư pháp hộ tịch các cấp trên địa bàn tỉnh.

4. Công an tỉnh

- Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan Công an các cấp phối hợp với cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch thực hiện thống nhất, đồng bộ quản lý hộ tịch và dân cư như: Kiểm tra, rà soát, phát hiện trẻ bị bỏ rơi, người từ nước ngoài nhập cảnh, cư trú trên địa bàn chưa được đăng ký, quản lý hộ tịch theo quy định; xác minh nhân thân người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trong trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật.

- Đảm bảo phát huy giá trị pháp lý của Giấy khai sinh theo nguyên tắc: Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Trong trường hợp có nghi ngờ về giá trị pháp lý của Giấy khai sinh, cần chủ động hoặc phối hợp kiểm tra, xác minh làm rõ theo quy định của pháp luật.

5. Sở Y tế

- Chỉ đạo, quản lý việc cấp Giấy chứng sinh của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh bảo đảm nghiêm túc, đúng quy định. Yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp giả mạo, cung cấp thông tin sai lệch để được cấp Giấy chứng sinh, Giấy chứng tử vì mục đích trục lợi, vi phạm pháp luật như hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chế độ ưu đãi khác; cấp khống, cấp nhiều Giấy chứng sinh cho 01 người trong cùng lần sinh; sử dụng Giấy chứng sinh để hợp lý hóa hồ sơ, giấy tờ cá nhân như biến con đẻ thành con nuôi hoặc ngược lại.

- Hướng dẫn các cơ sở y tế có biện pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ và kịp thời thông báo đến Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan Công an cấp xã trên địa bàn quản lý, lập biên bản phát hiện trẻ bị bỏ rơi tại cơ sở y tế; không để xảy ra tình trạng trao đổi, buôn bán trẻ sơ sinh tại cơ sở y tế.

6. Sở Tài chính: Căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí bảo đảm thực hiện nội dung theo quy định Luật Hộ tịch trên địa bàn tỉnh, trong đó có nhiệm vụ số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh và cung cấp sổ, biểu mẫu hộ tịch thực hiện tại cơ quan đăng ký hộ tịch các cấp trên địa bàn.

7. Bảo hiểm xã hội tỉnh: Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Sở Tư pháp, cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch các cấp trong kết nối dữ liệu đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 06 tuổi; quản lý, điều chỉnh thông tin hồ sơ bảo hiểm xã hội theo quy định tại Luật hộ tịch và các văn bản có liên quan.

8. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Yên Bái, Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh và cơ quan thông tin đại chúng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Hộ tịch đến đông đảo người dân với nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Tăng cường lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác hộ tịch theo đúng thẩm quyền. Tuyển dụng, quy hoạch, bố trí, sắp xếp người làm công tác tư pháp hộ tịch cấp huyện, cấp xã đảm bảo số lượng, tiêu chuẩn và trình độ theo quy định.

- Chỉ đạo Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện công tác đăng ký các sự kiện hộ tịch, đảm bảo đúng quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết và ghi, lưu trữ sổ, hồ sơ hộ tịch để phục vụ cho việc khai thác về sau. Không để xảy ra tình trạng lợi dụng đăng ký hộ tịch để hợp thức hóa hồ sơ giấy tờ cá nhân, trục lợi hoặc trốn tránh pháp luật, hoặc sự kiện hộ tịch phát sinh trên địa bàn nhưng chậm được phát hiện, đăng ký, quản lý theo quy định.

- Chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trong giải quyết TTHC; thực hiện số hóa hồ sơ kết quả giải quyết TTHC đang còn hiệu lực để tái sử dụng nhằm giảm chi phí cho người dân, tổ chức.

- Thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính liên thông, trong đó, tập trung vào 02 TTHC liên thông có phát sinh hồ sơ thường xuyên, số lượng lớn: thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 06 tháng tuổi và thủ tục đăng ký khai tử, xóa thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí.

- Thường xuyên giám sát việc thực hiện đăng ký hộ tịch của cán bộ, công chức để kịp thời phát hiện, hướng dẫn, chấn chỉnh khi có hạn chế, sai sót. Có biện pháp hạn chế việc đăng ký lại hộ tịch; thay đổi, cải chính hộ tịch theo đề nghị của công dân trái pháp luật hộ tịch.

- Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về hộ tịch tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Kịp thời phát hiện, hướng dẫn khắc phục những khó khăn, hạn chế; không nể nang, bao che, dung túng trong thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thu hồi, hủy bỏ các giấy tờ hộ tịch do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trái quy định.

Định kỳ hằng năm, các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan báo cáo việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Quyết định số 101/QĐ-TTg và nội dung của Chỉ thị này gửi về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- TT. Tỉnh ủy; TT. HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh;
- Cơ quan; Công an tỉnh; Bảo hiểm XH tỉnh;
- Báo Yên Bái; Đài Phát thanh - TH tỉnh;
- Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Chánh, Phó Chánh VPUBND tỉnh (NC);
- Lưu: VT, NC.

CHỦ TỊCH




Trần Huy Tuấn