ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/CT-UBND | Gia Lai, ngày 29 tháng 12 năm 2023 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP ĐẢM BẢO ĐÓN TẾT NGUYÊN ĐÁN GIÁP THÌN 2024 VUI TƯƠI, LÀNH MẠNH, AN TOÀN, TIẾT KIỆM
Năm 2023, mặc dù tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và tinh thần chủ động, khẩn trương, quyết liệt, cùng với sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân toàn tỉnh, nên các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được triển khai tốt, trật tự xã hội được đảm bảo, quốc phòng an ninh được giữ vững.
Nhằm tổ chức tốt các hoạt động trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, để mọi người dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực vào cuối năm và dịp Tết Nguyên đán; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn quản lý tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Giáp Thìn 2024, Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Công văn số 1268-CV/TU ngày 21/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024. Trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Đảm bảo cân đối cung cầu hàng hoá, dịch vụ; phát triển sản xuất, kinh doanh:
a) Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Cục Quản lý thị trường tỉnh, các sở, ngành liên quan và các địa phương:
- Theo dõi sát, nắm chắc tình hình thị trường; có phương án chuẩn bị nguồn cung ứng hàng hóa, dịch vụ, nhất là các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao, đảm bảo chất lượng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, gián đoạn gây tăng giá đột biến. Khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có phương án chủ động nguồn hàng, cung ứng liên tục, đầy đủ cho thị trường với giá hợp lý. Triển khai chương trình bình ổn thị trường, các hoạt động kết nối cung cầu, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, các chương trình khuyến mãi, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng…. chú trọng các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán, tuyệt đối không để thiếu hụt trong mọi tình huống; tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động cung ứng xăng dầu, khí hoá lỏng để góp phần ổn định thị trường, phục vụ Nhân dân; kiểm tra chất lượng, đo lường, giá bán, việc sử dụng hoá đơn.
- Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, các cơ quan báo chí và chính quyền các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; đảm bảo nguồn điện phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân, không để thiếu điện trong mọi tình huống.
b) Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum, các sở, ngành liên quan và các địa phương: Đẩy mạnh việc thu ngân sách nhất là thu qua hoá đơn điện tử các mặt hàng như xăng dầu, hàng ăn. Kiểm soát chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước, quản lý tài sản công; theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, nhất là những mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, hàng bình ổn giá; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá. Đảm bảo kinh phí để giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách cho các đối tượng, các cơ quan, đơn vị theo quy định.
c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương:
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024; chủ động các phương án phòng chống thiên tai, dịch bệnh cây trồng vật nuôi để hạn chế thiệt hại; kịp thời hỗ trợ sản xuất, phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai để người dân nhanh chóng phục hồi, ổn định sản xuất, bảo vệ môi trường, ổn định đời sống Nhân dân vui xuân, đón Tết.
- Phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, các địa phương đảm bảo nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm để ổn định giá, nhất là gạo, thịt lợn và các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu trước, trong và sau tết Nguyên đán 2024, tránh tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, thực hiện tốt công tác kiểm dịch và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định. Kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới.
- Tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hồ, đập, các công trình thuỷ lợi; sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời, đảm bảo cung cấp nguồn nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2023-2024. Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống cháy rừng, quản lý bảo vệ rừng; có giải pháp ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.
d) Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương:
- Tăng cường công tác điều tiết, quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải có kế hoạch điều phối, tăng cường phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, phương thức bán vé, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, không để xảy ra tình trạng người dân về quê ăn Tết chậm do không có phương tiện. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải, giá vé xe và bán đúng theo giá niêm yết, không để xảy ra tình trạng tăng giá vé bất hợp lý, tình trạng xe chở quá số người quy định, vi phạm tốc độ. Đảm bảo vận chuyển hàng hóa thông suốt, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng, an toàn kỹ thuật các phương tiện tham gia giao thông; có biện pháp ngăn chặn việc vận chuyển trái phép hàng cháy nổ, hàng nguy hiểm, các sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc và không có chứng nhận kiểm dịch y tế trên các phương tiện vận tải.
- Kiểm tra, rà soát hệ thống biển báo, báo hiệu giao thông, thiết bị cảnh báo phản quang, hành lang an toàn giao thông, các công trình kết cấu hạ tầng giao thông…. có biện pháp cảnh báo, khắc phục kịp thời; tăng cường các điều kiện để bảo đảm cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố, tai nạn.
- Phối hợp với các cơ quan báo, đài tuyên truyền về kế hoạch phục vụ vận tải Tết; thông báo công khai về kế hoạch công tác phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân và số điện thoại đường dây nóng của cơ quan, đơn vị trong ngành giao thông vận tải, Ban An toàn giao thông để tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh của hành khách và người dân.
đ) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và các địa phương: Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh việc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; có giải pháp triển khai kế hoạch đầu tư công ngay từ đầu năm 2024.
e) Sở Y tế chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và các địa phương: Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Tuyên truyền, phổ biến các quy định, kiến thức về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng trong bảo đảm an toàn thực phẩm.
g) Công ty Điện lực Gia Lai, các công ty cấp nước, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đảm bảo cung cấp điện, nước, xăng dầu ổn định và liên tục, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp. Tuyệt đối không để thiếu hụt, gián đoạn trong mọi tình huống.
h) Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh: Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong dịp cuối năm 2023 và đầu năm 2024; hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, dự trữ hàng hoá phục vụ Tết, góp phần bình ổn thị trường; bảo đảm nguồn tiền để chi trả lương, thưởng và các nhu cầu trong dịp Tết. Vận hành hệ thống ATM/POS hoạt động ổn định, an toàn, hiệu quả; bảo đảm cung ứng dịch vụ thanh toán thông suốt; quản lý sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ hợp lý, tiết kiệm; đảm bảo an ninh, an toàn kho quỹ.
- Phối hợp với Công an tỉnh và các ngành chức năng, chính quyền các địa phương phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen; tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.
2. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, các địa phương chủ động phối hợp, triển khai kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, theo đúng tinh chỉ đạo tại Văn bản số 75/BCĐ389- KTTH ngày 29/11/2023. Tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, dự báo tình hình; chủ động phối hợp, xây dựng phương án, tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát biên giới, cửa khẩu và nội địa, trọng tâm là các mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, giả mạo xuất xứ, nhãn mác; đặc biệt lưu ý các mặt hàng tiêu dùng trong dịp Tết, như thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, đường cát, bánh kẹo, hoa quả, hàng điện tử, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, gia súc, gia cầm, pháo nổ, pháo hoa nhập lậu... Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng phương tiện vận tải để vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu.
3. Về tổ chức các hoạt động văn hóa - xã hội:
a) Sở Lao động –Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh và các địa phương tập trung thực hiện công tác bảo đảm an sinh xã hội trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tập trung rà soát, nắm tình hình đời sống của các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn (trẻ em, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số, công nhân, người lao động, người bị mất việc làm...) để quan tâm, chăm lo, kịp thời có chính sách hỗ trợ phù hợp. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà đúng đối tượng, đúng chế độ, công khai, minh bạch, tránh trùng lặp, chồng chéo, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, bảo đảm tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước Tết, không để ai không có Tết.
Tăng cường kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; kiểm soát chặt chẽ các cơ sở cai nghiện ma tuý; bảo đảm công chức, viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng và bố trí nghỉ Tết đúng chế độ theo quy định.
b) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương: Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán, bảo đảm phục vụ nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch xây dựng kế hoạch, chủ động chuẩn bị các điều kiện để phục vụ khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán; niêm yết công khai giá dịch vụ; triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho khách du lịch; tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng dịch vụ.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị, địa phương có liên quan chuẩn bị tốt các điều kiện để biểu diễn và tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 phục vụ người dân, đảm bảo ý nghĩa, an toàn.
c) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương:
- Bảo đảm tuyệt đối an toàn mạng lưới, thông tin liên lạc thông suốt đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Cử cán bộ kỹ thuật trực theo dõi, giám sát an toàn thông tin liên tục trong suốt kỳ nghỉ Tết; chỉ đạo kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện. Tổ chức rà soát, sắp xếp các bộ phận sản xuất khoa học, hợp lý nhằm bảo đảm kịp thời lưu thoát thư, gói, kiện hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thất lạc, ứ đọng, mất mát gây phát sinh khiếu nại của khách hàng, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
- Hướng dẫn các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các thành tựu của đất nước, của tỉnh và các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội trong dịp Tết; cập nhật diễn biến thời tiết, cảnh báo thiên tai, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy trong dịp Tết. Kiểm soát chặt chẽ thông tin, không để thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người dân và bất ổn thị trường.
d) Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và sử dụng pháo; nâng cao kỹ năng về phòng chống tai nạn, thương tích, phòng tránh các tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm việc phân công trực và bảo vệ cơ quan, trường học dịp nghỉ Tết; có giải pháp bảo đảm kế hoạch nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 sau kỳ nghỉ Tết; bảo đảm an toàn tuyệt đối cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng, chống cháy nổ.
đ) Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và các địa phương:
Tổ chức, thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, các hộ nghèo người dân tộc thiểu số theo đúng quy định. Chủ động nắm bắt tình hình, ổn định các hoạt động sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số; thông tin, báo cáo kịp thời các vụ việc phát sinh trong lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là tình hình thiếu đói dịp giáp hạt, các điểm nóng về an ninh trật tự trước, trong và sau Tết. Tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
e) Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và các địa phương: Tăng cường tuyên truyền, quán triệt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm các quy định về văn hoá công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng. Hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa và phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc.
g) Sở Y tế chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và các địa phương:
- Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra vào mùa Xuân, sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm tốt công tác an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh.
- Tổ chức tốt công tác khám, chữa bệnh, thực hiện ứng trực 24/24 giờ. Chủ động các phương án sẵn sàng nhân lực, đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị…; bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị, cấp cứu, nhất là tai nạn giao thông, cháy nổ, thương tích, ngộ độc thực phẩm và điều trị người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết.
- Đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc; tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc, phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi đầu cơ, tích trữ, buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành.
4. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các sở, ngành và các địa phương có biện pháp đảm bảo trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn trong dịp Tết theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 3357/UBND-NC ngày 29/11/2023 và các văn bản có liên quan; trong đó tập trung một số nhiệm vụ sau:
- Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cho nhân dân trên địa bàn vui Tết. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, địa bàn trọng điểm, các địa điểm vui chơi giải trí, những nơi tập trung đông người như các địa điểm tổ chức lễ hội, các khu vực công cộng. Mở đợt cao điểm đấu tranh, trấn áp quyết liệt các loại tội phạm; tập trung trấn áp các loại tội phạm hình sự, các đối tượng, băng, nhóm gây án manh động, nguy hiểm, sử dụng “vũ khí nóng”, vật liệu nổ gây án, tội phạm liên quan “tín dụng đen”....
- Đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ,…Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, không để xảy ra tình hình phức tạp liên quan đến mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.
- Tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nhất là liên quan đến sử dụng rượu, bia, chất ma túy; không để xảy ra đua xe trái phép; tăng cường các giải pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông.
- Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; chủ động nắm chắc tình hình trên không, biên giới, nội địa, ngoại biên, không gian mạng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý các tình huống xảy ra; giữ vững trật tự xã hội, an ninh biên giới, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Bảo đảm kịp thời thông tin liên lạc, cơ yếu cho các nhiệm vụ. Tổ chức tuần tra, kiểm soát, đấu tranh phòng chống tội phạm nhất là tội phạm ma túy, buôn lậu và ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới, cửa khẩu.
5. Thanh tra tỉnh và các địa phương tổ chức tốt việc tiếp công dân, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc đông người, phức tạp, tồn đọng kéo dài; bảo đảm ổn định tình hình an ninh, trật tự.
6. Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương:
- Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Chỉ thị này; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách.
- Tổ chức tốt việc thăm hỏi, chúc Tết cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với nước, nhân sĩ, trí thức, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, các đơn vị lực lượng vũ trang, lực lượng thường trực làm nhiệm vụ trong ngày Tết, nhất là ở biên giới, vùng khó khăn, địa bàn phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo mọi người, mọi nhà đều có điều kiện vui Xuân, đón tết.
- Các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nghiêm việc không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi; không dự lễ chùa, lễ hội nếu không được phân công; không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan. Bảo đảm công chức, viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng và bố trí nghỉ Tết đúng chế độ quy định.
- Tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra; xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, phiền hà người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công vụ. Tăng cường kiểm soát giá cả hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu.
- Các cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thành việc tổng kết công tác năm 2023 trước ngày 10/01/2024 để tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị năm 2024 ngay từ đầu năm và chăm lo Tết cho nhân dân; tổ chức, phân công trực Tết và thực hiện chế độ báo cáo, bảo đảm các hoạt động thông suốt trong dịp Tết Nguyên đán. Thực hiện nghiêm kỷ luật lao động, bắt đầu trở lại làm việc ngay sau kỳ nghỉ Tết; thi đua, phấn đấu thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ ngay từ những tháng đầu năm.
7. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Thực hiện chỉnh trang đô thị, các công trình ghi công liệt sỹ, đảm bảo cung cấp điện, nước, viễn thông ổn định và liên tục, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp; tăng cường công tác thu gom và xử lý chất thải, vệ sinh môi trường, nhất là các khu vực chợ, chăn nuôi, giết mổ…; theo dõi giá cả, thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống cháy, nổ. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc sử dụng pháo, vật liệu nổ theo đúng quy định; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của người dân.
- Tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng, các cấp chính quyền cơ sở thực hiện có hiệu quả các giải pháp nêu tại Chỉ thị này, đặc biệt chú trọng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông và quan tâm, hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bảo đảm mọi người dân đón Tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách; thăm hỏi, tặng quà cho người nghèo, đối tượng chính sách; nắm chắc tình hình đời sống của người dân để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, không để hộ dân nào đói trong dịp Tết; vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ người nghèo.
8. Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương báo cáo kết quả tình hình trước, trong, sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 về UBND tỉnh qua Văn phòng UBND tỉnh (Thời gian cụ thể có thông báo sau). Giao Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nắm tình hình, tổng hợp các hoạt động, kịp thời báo cáo UBND tỉnh theo dõi chỉ đạo và báo cáo Chính phủ theo quy định.
9. Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân liên quan phát huy tinh thần trách nhiệm, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị này và các quy định pháp luật có liên quan./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2022 về tăng cường biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm do tỉnh Gia Lai ban hành
- 2Chỉ thị 7/CT-UBND năm 2022 về tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm do tỉnh Phú Thọ ban hành
- 3Chỉ thị 01/CT-UBND tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 vui tươi, đầm ấm, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm do tỉnh Phú Thọ ban hành
- 1Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2022 về tăng cường biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm do tỉnh Gia Lai ban hành
- 2Chỉ thị 7/CT-UBND năm 2022 về tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm do tỉnh Phú Thọ ban hành
- 3Chỉ thị 26-CT/TW năm 2023 về tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 4Chỉ thị 30/CT-TTg năm 2023 tăng cường biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Chỉ thị 01/CT-UBND tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 vui tươi, đầm ấm, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm do tỉnh Phú Thọ ban hành
Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2023 tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm do tỉnh Gia Lai ban hành
- Số hiệu: 06/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 29/12/2023
- Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
- Người ký: Trương Hải Long
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 29/12/2023
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết