Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UBND

Lâm Đồng, ngày 30 tháng 9 năm 2022

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

Trong thời gian qua, các sở, ban, ngành, cơ quan và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp, tích cực triển khai các hoạt động nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, bảo đảm lợi ích của nông dân và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, tình trạng sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp không bảo đảm chất lượng; hàng giả, vi phạm về nhãn hàng hóa; tình trạng quảng cáo không đúng công dụng của vật tư nông nghiệp, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y không có trong danh mục còn xảy ra trên địa bàn tỉnh với diễn biến phức tạp và thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại cho người sản xuất, ảnh hưởng chất lượng nông sản, ô nhiễm môi trường.

Nguyên nhân chủ yếu là do công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa chủ động, thiếu quyết liệt, còn có địa phương chưa thực hiện tốt công tác quản lý; nguồn nhân lực tại một số địa phương còn thiếu và yếu; công tác tuyên truyền mới tập trung phản ánh vi phạm, chưa chú họng biểu dương, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp làm tốt, bảo đảm chất lượng; chưa phát huy được vai trò giám sát, phát hiện và tham gia tố giác vi phạm của các tổ chức, cộng đồng và người dân.

Để tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, quán triệt, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý vật tư nông nghiệp theo quy định của pháp luật liên quan; trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau đây:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương rà soát các văn bản, quy định của tỉnh chưa phù hợp hoặc chưa đầy đủ, còn bất cập để kịp thời ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện các văn bản về quản lý vật tư nông nghiệp, phân cấp trong công tác quản lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng sở, ban ngành, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

b) Phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, sản xuất, chất lượng vật tư nông nghiệp và pháp luật liên quan cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ và văn bản pháp luật mới cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở.

c) Chủ trì, phối hợp với với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh, chất lượng vật tư nông nghiệp; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; giải quyết khiếu nại, tố cáo các vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh, chất lượng vật tư nông nghiệp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh, chất lượng vật tư nông nghiệp theo quy định.

d) Là đầu mối trao đổi thông tin về kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp để tránh chồng chéo giữa các cơ quan quản lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là thông tin về chất lượng sản phẩm để kịp thời phối hợp kiểm tra, phát hiện vi phạm và khuyến cáo cho người sử dụng.

2. Công an tỉnh: Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố tăng cường công tác nắm tình hình về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp là hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

3. Thanh tra tỉnh: Tăng cường công tác thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, quản lý vật tư nông nghiệp nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm.

4. Cục Quản lý thị trường: Phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật; chú trọng kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với hàng lậu, hàng giả và các hành vi gian lận thương mại; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về chất lượng hàng hóa, điều kiện sản xuất, kinh doanh, bảo quản hàng hóa.

5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lâm Đồng: Phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp; công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm; nêu gương người tốt, việc tốt trong công tác đấu tranh phòng, chống, tố giác, lên án các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giả, không bảo đảm chất lượng.

6. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh: Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thành viên phối hợp tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi kinh doanh vật tư nông nghiệp không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi tích trữ găm hàng tạo khan hiếm nhằm đây giá vật tư nông nghiệp lên cao; đồng thời, xây dựng và triển khai kế hoạch chuyên đề về đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.

7. Hội Nông dân tỉnh: Chỉ đạo hội nông dân các cấp tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho nông dân sử dụng các loại vật tư nông nghiệp có thương hiệu, uy tín, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và an toàn, hiệu quả; kịp thời phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương thực hiện kiểm soát chất lượng đối với những đơn vị cung ứng sản phẩm vật tư nông nghiệp cho người dân bằng hình thức trả chậm, đặc biệt là phân bón. Xây dựng kế hoạch tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội đối với các Sở, ngành, địa phương trong công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp trên địa bàn.

8. UBND các huyện, thành phố:

a) Chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn; xác định việc quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết cần tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn; ưu tiên phân bổ kinh phí trong dự toán ngân sách địa phương để nâng cao năng lực cho lực lượng được phân công quản lý vật tư nông nghiệp, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật và tăng cường tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp lưu thông và sử dụng trên địa bàn đảm bảo hiệu quả.

b) Thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, sản xuất, chất lượng vật tư nông nghiệp và pháp luật liên quan cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn; khuyến cáo nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả, mua sản phẩm được cung cấp tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đúng quy định.

c) Hàng năm xây dựng kế hoạch, chương trình quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn để tổ chức thực hiện.

9. Các các sở, ban ngành và địa phương kịp thời khen thưởng, biểu dương các tổ chức, cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin vi phạm về sản xuất, kinh doanh và chất lượng vật tư nông nghiệp; xử lý nghiêm các trường hợp buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị này. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thực hiện của các sở, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương và định kỳ hàng năm hoặc đột xuất báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp & PTNT (b/c);
- Tỉnh ủy (b/c);
- Hội đồng nhân dân tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Ban Chỉ đạo 389 tỉnh;
- Báo Lâm Đồng, Đài PTTH tỉnh;
- UBND các huyện, TP;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NN.

CHỦ TỊCH




Trần Văn Hiệp

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2022 về tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

  • Số hiệu: 06/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 30/09/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Trần Văn Hiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản