Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UBND

Đắk Nông, ngày 08 tháng 4 năm 2021

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG CƠ SỞ DỮ LIỆU LÝ LỊCH TƯ PHÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG

Luật Lý lịch tư pháp được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 17/6/2009 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2010. Sau hơn 10 năm triển khai thi hành, công tác xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Công tác phối hợp liên ngành giữa Sở Tư pháp với các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Công an, Thi hành án dân sự trong việc tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp được chú trọng thực hiện. UBND cấp huyện, UBND cấp xã đã chủ động cung cấp các thông tin về cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên, thông tin chứng tử. Số lượng cấp Phiếu lý lịch tư pháp ngày một tăng (bình quân từ năm 2016 đến nay, năm sau số lượng hồ sơ tăng so với năm trước khoảng 35%), góp phần thực hiện chính sách tái hòa nhập cộng đồng đối với người đã chấp hành xong hình phạt.

Tuy nhiên, công tác xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: nhận thức của một số cơ quan có liên quan trong công tác tra cứu, xác minh, trao đổi và cung cấp thông tin lý lịch tư pháp có lúc, có nơi chưa kịp thời, đầy đủ; việc tạo lập Lý lịch tư pháp, cập nhật thông tin lý lịch tư pháp bổ sung trên Hệ thống Lý lịch tư pháp dùng chung vẫn thực hiện theo phương thức thủ công, mất nhiều thời gian, công sức, kinh phí, không đảm bảo thông tin đầy đủ, đồng bộ và toàn diện; tình trạng thông tin lý lịch tư pháp tồn đọng chưa được xử lý vẫn còn nhiều; thời gian xác minh đối với hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp có thông tin về án tích chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật... Thực trạng này đã ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, thời gian giải quyết hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp có thông tin về tiền án, tiền sự trễ hạn gây bức xúc cho người dân.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, bất cập nêu trên là do nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác lý lịch tư pháp nói chung, công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp nói riêng; số lượng thông tin lý lịch tư pháp được tiếp nhận ngày càng nhiều trong khi nguồn nhân lực để thực hiện cập nhật, phân loại và xử lý còn khá mỏng, thường xuyên có sự điều động, luân chuyển; công tác phối hợp, tra cứu, xác minh, trao đổi và cung cấp thông tin lý lịch tư pháp còn bị động; trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp còn hạn chế.

Để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác lý lịch tư pháp trong thời gian tới, bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nội dung, cụ thể như sau:

1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung của Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản có liên quan nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức và người lao động về vị trí, vai trò của công tác lý lịch tư pháp.

2. Sở Tư pháp

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các quy định của Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản có liên quan.

b) Chủ động phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Công an, Thi hành án dân sự và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tra cứu, xác minh, trao đổi và cung cấp thông tin lý lịch tư pháp, bảo đảm thông tin lý lịch tư pháp được cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.

c) Tăng cường xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh; tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp do Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, các cơ quan, đơn vị có liên quan cung cấp; chủ động lập Lý lịch tư pháp, cập nhật thông tin lý lịch tư pháp bổ sung, từng bước xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định; thực hiện đúng quy định việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo thẩm quyền. Có giải pháp kiểm tra, kiểm soát công tác xử lý, cập nhật thông tin, bảo đảm tính chính xác, đầy đủ các dữ liệu lý lịch tư pháp.

d) Chủ động kiện toàn, bố trí hợp lý công chức, bảo đảm biên chế chuyên trách làm công tác lý lịch tư pháp. Quan tâm, ưu tiên, bảo đảm sử dụng hợp lý, hiệu quả những cán bộ, công chức đã qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ lý lịch tư pháp.

đ) Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí, trang thiết bị, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ hiệu quả hoạt động xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh.

3. Công an tỉnh

a) Chỉ đạo các Phòng, bộ phận chuyên môn liên quan thực hiện cung cấp thông tin lý lịch tư pháp đầy đủ, kịp thời cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp để xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; đồng thời tra cứu, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về án tích đảm bảo thời gian theo quy định.

b) Chỉ đạo Công an các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Thi hành án hình sự, Hướng dẫn số 05/HD-C81-C83 ngày 20/8/2015 của Bộ Công an về cấp Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt cho người đã hết thời hạn chấp hành án tại xã, phường, thị trấn trước ngày 01/7/2011.

4. Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân

Chủ động trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp đầy đủ, kịp thời theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp và Thông tư liên tịch so 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/5/2012 của liên Bộ: Tư pháp - Tòa án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Công an - Quốc phòng hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho Sở Tư pháp để xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân đảm bảo thời gian theo quy định.

5. Cục Thi hành án dân sự

a) Chỉ đạo các phòng, bộ phận chuyên môn; Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thành phố cung cấp đầy đủ, kịp thời cho Sở Tư pháp các Quyết định thi hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản, án phí và các nghĩa vụ dân sự khác của người bị kết án; Quyết định đình chỉ thi hành án; Giấy xác nhận kết quả thi hành án; Thông báo kết thúc thi hành án trong trường hợp người bị kết án đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình để xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân đảm bảo thời gian theo quy định.

b) Hướng dẫn Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc Công văn số 648/TCTHADS-NV2 ngày 03/3/2020 của Tổng cục Thi hành án dân sự về việc thi hành án đối với trường hợp người phải thi hành án tự nguyện thi hành án để đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích, tạo điều kiện cho người chấp hành xong hình phạt được tái hòa nhập cộng đồng.

6. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí đảm bảo nhiệm vụ xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp phục vụ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho cá nhân, tổ chức theo quy định.

7. UBND các huyện, thành phố

Chỉ đạo Phòng Tư pháp; UBND cấp xã cung cấp đầy đủ, kịp thời cho Sở Tư pháp bản sao Trích lục thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên, bản sao Trích lục chứng tử và phối hợp xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản có liên quan.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị này. Giao Sở Tư pháp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị, đồng thời tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia;
- Cục công tác phía Nam - Bộ Tư pháp;
- TT. Tỉnh ủy;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành;
- Các Cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh;
- Báo Đắk Nông;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, TTĐT, NCK.STT (Dg).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Xuân Hải

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2021 về tăng cường công tác xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

  • Số hiệu: 06/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 08/04/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông
  • Người ký: Trần Xuân Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/04/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản