Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UBND

Bắc Giang, ngày 04 tháng 4 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM CỦA LÃNH ĐẠO VÀ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CÁC CẤP TRONG TIẾP NHẬN, XỬ LÝ CÁC VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VÀ DOANH NGHIỆP VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH.

Thực hiện kế hoạch cải cách hành chính của Tỉnh, thời gian qua việc tiếp nhận, xử lý ý kiến của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính đã được nhiều Sở, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo, nhìn chung có tiến bộ, một số mặt chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, quan phản ánh của các doanh nghiệp vẫn còn tình trạng lãnh đạo và cán bộ công chức một số Sở, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, UBND huyện, thành phố khi nhận được ý kiến, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính chưa xử lý kịp thời, dứt điểm; cá biệt có trường hợp cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, chậm trễ trong thực hiện thủ tục hành chính đối với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Để khắc phục tình trạng trên, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhân dân; thực hiện Quyết định số 22/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao nhiệm vụ xử lý các vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị:

1. Lãnh đạo các Sở, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:

- Tổng rà soát các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành, địa phương; nghiên cứu những vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính để xem xét, sửa đổi, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bãi bỏ những thủ tục hành chính không còn phù hợp với thực tiễn, gây cản trở đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhân dân.

- Trực tiếp chỉ đạo, thực hiện việc tiếp nhận và xử lý dứt điểm những vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính theo thẩm quyền. Giải quyết kịp thời, đúng thời gian các vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, giải quyết nửa chừng hoặc dây dưa kéo dài.

- Tăng cường và có biện pháp quản lý, giáo dục, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý công tác tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa” hoặc tại các phòng, ban, bộ phận có liên hệ, tiếp xúc với tổ chức, doanh nghiệp và công dân. Xử lý nghiêm, kịp thời và thực hiện việc sắp xếp lại những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, chậm trễ trong thực hiện thủ tục hành chính đối với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

2. Định kỳ trước ngày 15 của tháng cuối quý, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh tình hình và kết quả xử lý những vướng mắc và kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm của ngành, địa phương.

3. Giao cho Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư giúp Chủ tịch UBND tỉnh tiếp nhận và xử lý các vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của UBND và Chủ tịch UBND tỉnh; theo dõi, đôn đốc các Sở, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố trong việc thực hiện; định kỳ hàng quý, tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và tham mưu để Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình và kết quả xử lý các vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính.

4. Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh và Sở Tư pháp tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc tổng rà soát các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực tại các Sở, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố; phát hiện và yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong tỉnh xử lý dứt điểm những thủ tục hành chính mà cơ quan, địa phương hoặc cán bộ, công chức thuộc cơ quan, địa phương đó tùy tiện đặt thêm gây khó khăn, phiền hà cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp; báo cáo và kiến nghị với Chủ tịch UBND tỉnh biện pháp xử lý trách nhiệm đối với Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị vi phạm các quy định trong việc tiếp nhận và xử lý các thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, tổng hợp kết quả báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh./.

 

 

CHỦ TỊCH




Thân Văn Mưu

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2006 về tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo và cán bộ, công chức các cấp trong tiếp nhận, xử lý các vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính do tỉnh Bắc Giang ban hành

  • Số hiệu: 06/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 04/04/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang
  • Người ký: Thân Văn Mưu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản