Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 06/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 02 năm 1987

 

CHỈ THỊ

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 256-CT CỦA CHỦ TỊCH HĐBT VỀ CÔNG TÁC ĐỐI VỚI NGƯỜI HOA.

Ngày 11 tháng 10 năm 1986, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ra chỉ thị số 256-CT về công tác đối với người Hoa. Căn cứ vào tinh thần nội dung chỉ thị nêu trên, xuất phát từ tình hình của thành phố nói chung và tình hình người Hoa ở thành phố nói riêng, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị 256, cần nắm vững các mặt công tác như sau:

I.- QUÁN TRIỆT TINH THẦN VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA CHỈ THỊ 256-CT.

Người Hoa đến sinh sống trên đất nước ta từ lâu đời, đại đa số là nhân dân lao động, có cuộc sống và quyền lợi gắn bó với nhân dân các dân tộc Việt Nam. Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn có chủ trương đúng đắn về vấn đề người Hoa, nên đã động viên đông đảo người Hoa đóng góp vào các thời kỳ cách mạng trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay. Tình đoàn kết gắn bó trong lao động sản xuất và chiến đấu giữa người Hoa và nhân dân các dân tộc Việt Nam ngày càng phát triển.

Nhưng các thế lực thù địch trước nay nhất là từ sau giải phóng đến nay, luôn tìm mọi cách khai thác, lợi dụng và kích động mặt tồn tại về ý thức dân tộc nhằm chia rẽ, làm mơ hồ địch ta trong một bộ phận người Hoa để phục vụ cho ý đồ đen tối của chúng đối với nước ta.

Xuất phát từ đặc điểm tình hình trên và căn cứ trên cơ sở pháp lý của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng như pháp lý quốc tế, chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tiếp tục khẳng định: “Người Hoa là công dân của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được hưởng mọi quyền và thực hiện mọi nghĩa vụ của công dân Việt Nam theo Hiến pháp và các luật lệ của Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đoàn kết người Hoa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam cùng làm chủ tập thể để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Tinh thần chính sách cơ bản trên hoàn toàn xuất phát từ lợi ích chính đáng trước mắt và lâu dài của nhân dân lao động người Hoa, hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển khách quan của đông đảo người Hoa và lợi ích của cách mạng xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Song, việc chuyển người Hoa thành công dân Việt Nam thật sự cả về cuộc sống và ý thức tư tưởng tình cảm phải là một quá trình giáo dục và xây dựng toàn diện, phải có chủ trương chính sách phù hợp cho từng thời kỳ trên từng lĩnh vực và bằng những biện pháp đồng bộ, tích cực nhằm không ngừng thúc đẩy những nhân tố mới, tiến bộ, tiêu biểu cho xu thế phát triển đi lên, từng bước đẩy lùi những mặt tồn tại, lạc hậu, yếu kém trong người Hoa. Đồng thời phải đề cao cảnh giác với mọi âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch tác động tâm lý gây tình hình không ổn định trong người Hoa và phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

II.- CẦN CHÚ Ý GIẢI QUYẾT TỐT CÁC VẤN ĐỀ CỤ THỂ ĐỐI VỚI NGƯỜI HOA Ở THÀNH PHỐ TRONG THỜI GIAN SẮP TỚI

Thành phố là trọng điểm đánh phá của các thế lực thù địch, nơi mà cuộc đấu tranh ai thắng ai giữa hai con đường gắn chặt với cuộc đấu tranh chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt đang diễn biến rất quyết liệt và phức tạp lại đang có gần nửa triệu người Hoa làm ăn sinh sống. Do đó công tác vận động người Hoa, giáo dục xác định về quyền công dân Việt Nam, chuyển họ thành công dân Việt Nam thật sự là một nhiệm vụ lịch sử to lớn, có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng.

Vì vậy, để đảm bảo thực hiện tốt chỉ thị 256-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, cần đẩy mạnh các công tác cụ thể như sau:

1/ Quán triệt trong các cấp, các ngành, các đoàn thể quần chúng và mặt trận toàn văn chỉ thị số 256-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Chỉ thị 256-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về công tác đối với người Hoa là một văn kiện quan trọng, cần được triển khai học tập sâu rộng trong các cấp, các ngành, các đoàn thể, mặt trận và trong nhân dân (cả người Kinh và người Hoa) nhằm tạo một sự chuyển biến về nhận thức tư tưởng và nghiêm chỉnh chấp hành các nội dung và những chính sách cụ thể nêu trong chỉ thị.

Các cấp, các ngành cần kiểm điểm những việc làm đúng để phát huy và kiên quyết sửa những việc làm chưa đúng và nhanh chóng triển khai bằng hội nghị ở từng cấp, từng ngành, từng đơn vị theo lịch thời gian cụ thể, nhằm tạo một sự chuyển biến mới trong công tác vận động người Hoa.

2/ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, phát động quần chúng người Hoa.

Phát động đợt tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong nhân dân nhận rõ chính sách công dân đối với người Hoa, thấy được trách nhiệm phải gần gũi đoàn kết, giúp đỡ người Hoa cùng làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ đối với người Hoa đồng thời nhận rõ và kiên quyết đập tan mọi âm mưu của các thế lực thù địch trong và ngoài nước hoạt động chia rẽ đoàn kết Việt-Hoa, chống phá cách mạng Việt Nam.

Đối với người Hoa, tăng cường giáo dục, giúp đỡ người Hoa nhận rõ vinh dự và trách nhiệm làm công dân Việt Nam để yên tâm, phấn khởi cùng nhau đoàn kết trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Qua đó, động viên phong trào người Hoa thi đua lao động sản xuất tiết kiệm, chống tiêu cực, hăng hái tham gia cải tạo xã hội chủ chủ nghĩa, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng cuộc sống mới.

3/ Chăm lo đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân lao động người Hoa.

Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng chăm lo đời sống vật chất và văn hóa của bà con người Hoa trên địa bàn dân cư. Chú ý giải quyết nhà ở, điện nước, cống rãnh đường sá, vệ sinh công cộng ở các khu lao động đông người Hoa.

Thực hiện tốt các chính sách đối với cán bộ người Hoa hưu trí, gia đình liệt sĩ, thương binh, quân nhân cách mạng, gia đình có công với cách mạng. Thực hiện tốt các chính sách khen thưởng đối với những người có thành tích trong lao động sản xuất, trong các hoạt động văn hóa xã hội và trong phong trào an ninh quốc phòng bằng các hình thức khen thưởng và các danh hiệu tương xứng như chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến, điển hình tiên tiến. Đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề lao động người Hoa chưa có công ăn việc làm, thanh niên đến tuổi lao động, thanh niên hết hạn nghĩa vụ trở về.

Củng cố và quản lý tốt hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, đội lân, ca nhạc, đoàn kịch và các hoạt động văn nghệ quần chúng… theo hướng lành mạnh tiến bộ, phục vụ sản xuất, đời sống, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tăng cường công tác y tế, chăm lo sức khỏe nhân dân lao động. Đẩy mạnh công tác giáo dục trong khu vực người Hoa, khắc phục tình trạng thất học, mù chữ Việt trong nhân dân lao động người Hoa. Mở những lớp phổ cập ban đêm cho thanh thiếu niên Hoa. Con em người Hoa được theo học trong các trường phổ thông, đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề theo quy định chung. Trong các trường phổ thông có đông học sinh Hoa, nếu có nguyện vọng học chữ Hoa thì trên cơ sở bảo đảm chương trình phổ thông chung, nhà trường tổ chức cho các em học thêm môn chữ Hoa mỗi tuần một số tiết theo quy định của Bộ Giáo dục.

4/ Các cấp, các ngành cần có kế hoạch giải quyết một số vấn đề cụ thể đối với người Hoa như sau:

Để tạo một sự chuyển biến mới trong công tác người Hoa. Các cấp, các ngành cần có kế hoạch giải quyết ngay những vấn đề tồn tại trước nay trong khu vực người Hoa, đồng thời có kiến nghị lên cấp trên những vấn đề ngoài phạm vi quyền hạn của cấp mình.

- Bộ Chỉ huy quân sự thành phố: cần nghiên cứu và có kế hoạch tuyển chọn một số thanh niên Hoa đủ tiêu chuẩn đi nghĩa vụ quân sự như thanh niên các dân tộc khác.

Cần kết hợp với lực lượng thanh niên xung phong và các đoàn thể quần chúng, có kế hoạch vận động thanh niên Hoa đến tuổi nghĩa vụ thi hành nghĩa vụ lao động xây dựng kinh tế - quốc phòng. Thực hiện tốt các chính sách và chú ý khâu tổ chức thực hiện nhằm tạo điều kiện cho thanh niên Hoa thực hiện tốt nghĩa vụ người công dân.

- Sở Lao động: cần có kế hoạch thu nhận công nhân lao động người Hoa vào các xí nghiệp quốc doanh và các cơ sở sản xuất tập thể. Chú ý đào tạo tay nghề kỹ thuật, cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật trong đội ngũ công nhân lao động người Hoa.

- Công an thành phố: cần có kế hoạch tiến hành làm chứng minh nhân dân cho số người Hoa chưa làm và số thanh niên Hoa đến tuổi. Cấp phát giấy chứng minh chính thức, khắc phục tình trạng chỉ cấp giấy tạm kéo dài như nhiều năm qua. Chú ý giải quyết nhanh chóng các đơn khiếu tố trong người Hoa.

Tăng cường công tác quản lý nhân hộ khẩu, quản lý con người, cảnh giác địch lén lút hoạt động chiến tranh tâm lý gây bất ổn định trong người Hoa.

Thực hiện các quy định đối với những người Hoa mang thẻ căn cước nước ngoài, áp dụng theo quy chế ngoại kiều của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Ngành văn hóa-thông tin: cần sơ kết tổng kết các loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ trong người Hoa (kể cả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp). Có kế hoạch nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường nội dung xã hội chủ nghĩa. Chú ý phản ảnh truyền thống cách mạng trong người Hoa, người tốt việc tốt với nội dung giáo dục thiết thực nhằm phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của thành phố, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng nhằm đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa nghệ thuật đối với người Hoa.

Cần có kế hoạch chỉ đạo thực hiện thống nhất về hoạt động văn hóa, văn nghệ trong người Hoa trên địa bàn thành phố, tránh tình trạng giải quyết khác nhau ở từng địa phương, nhất là ở các quận có đông người Hoa.

- Ngành giáo dục: cần có kế hoạch thu hút con em người Hoa vào các trường phổ thông cơ sở và thanh toán mù chữ Việt trong người Hoa. Chú ý giải quyết tốt đội ngũ giáo viên Hoa và cán bộ quản lý ở những trường có đông học sinh Hoa. Trường Sư phạm thành phố cần có kế hoạch mở lớp đào tạo đội ngũ giáo viên Hoa đủ để đáp ứng yêu cầu dạy môn chữ Hoa cho học sinh Hoa. Trước mắt cần có biện pháp cấp bách tuyển chọn giáo viên dạy chữ Hoa thông qua các lớp đào tạo ngắn hạn, tại chức, đồng thời kiến nghị lên Bộ Giáo dục để sớm giải quyết các vấn đề có liên quan đến giáo dục học sinh Hoa như: Đào tạo giáo viên dạy chữ Hoa và sách giáo khoa chữ Hoa v.v…

- Ngành quản lý nhà đất và xây dựng: Cần có kế hoạch giải quyết sớm các đơn khiếu tố về nhà ở của người Hoa, để tạo điều kiện cho các đối tượng người Hoa sớm ổn định việc ăn ở. Chú ý các trường hợp trong thời kỳ cải tạo công thương nghiệp năm 1978 không đúng đối tượng, những trường hợp đăng ký đi xuất ngoại theo phương án bán chính thức, đồng thời tích cực giải quyết nhà ở cho công nhân lao động và cải thiện một bước nhà ở và vệ sinh công cộng trong các khu lao động có đông người Hoa…

5/ Tăng cường bộ phận chuyên trách công tác đối với người Hoa.

Các ngành có liên quan nhiều đến đối tượng người Hoa phân công cán bộ chuyên trách như: Sở Giáo dục, Sở Văn hóa thông tin, Sở Thương binh xã hội, Sở Y tế, Sở Công an, Sở Lao động, Sở Nhà đất và xây dựng, Liên hiệp xã thành phố, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố… đồng thời có kế hoạch kết hợp với các đoàn thể và mặt trận trong việc triển khai vận động thực hiện các chủ trương chính sách đối với người Hoa và giải quyết các vấn đề có liên quan đến người Hoa.

III.- TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

Chỉ thị 256-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng là một văn kiện quan trọng cần được phổ biến sâu rộng trong lãnh đạo các cấp, các ngành, đoàn thể và rộng rãi trong nhân dân, theo lịch thời gian từ nay cho đến hết quý II năm 1987, thông qua các cuộc họp như sau:

- Cấp thành phố: tổ chức cuộc hội nghị cán bộ triển khai toàn văn chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và chỉ thị hướng dẫn thực hiện của Ủy ban nhân dân thành phố cho các đồng chí lãnh đạo ở các cơ quan, đoàn thể, mặt trận cấp thành phố và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các quận, huyện.

- Các ban, ngành, đoàn thể, mặt trận và cấp quận, huyện tổ chức cuộc hội nghị cán bộ triển khai tinh thần nội dung chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và chỉ thị của Ủy ban nhân dân thành phố theo hệ thống ban, ngành, đoàn thể, mặt trận và các quận, huyện.

- Cấp phường, xã và đơn vị cơ sở tiến hành phổ biến trong nội bộ tinh thần nội dung 2 chỉ thị trên. Ở những nơi có người Hoa cần kết hợp kiểm điểm rút kinh nghiệm về việc thực hiện chính sách đối với người Hoa, nhằm phát huy những ưu điểm, kịp thời uốn nắn khắc phục sửa ngay những sai sót lệch lạc, có thể giải quyết ngay những vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn, hoặc báo cáo với cấp trên xin ý kiến giải quyết.

- Kế hoạch phổ biến công khai ra dân cần phối hợp với các đoàn thể và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc có kế hoạch chuẩn bị chu đáo, xúc tiến theo điều kiện và hoàn cảnh cụ thể ở từng địa phương, có thể làm thí điểm rút kinh nghiệm sau đó triển khai rộng ra dân (cả người Việt và người Hoa).

Các cơ quan thông tin đại chúng như: báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình có kế hoạch tiến hành đợt tuyên truyền giáo dục rộng rãi trong nhân dân.

Sau đợt triển khai thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và chỉ thị của Ủy ban nhân dân thành phố, các ngành các cấp cần sơ kết tình hình và kịp thời báo cáo về Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Văn Triết

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 06/CT-UB năm 1987 thực hiện Chỉ thị 256-CT về công tác đối với người Hoa do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 06/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 20/02/1987
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Văn Triết
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/02/1987
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản