Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 2023

 

CHỈ THỊ

NÂNG CAO NĂNG LỰC CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN NINH, AN TOÀN HÀNG KHÔNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Trước diễn biến phức tạp của tình hình khủng bố, cũng như hoạt động tội phạm quốc tế trên toàn cầu, thực hiện khuyến cáo của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh hàng không (ANHK) và phòng chống khủng bố nhằm vào hàng không dân dụng, ngày 03 tháng 8 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1360/QĐ-TTg thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia (Ủy ban ANHK), đã được kiện toàn theo Quyết định 2083/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ. Sau 12 năm hoạt động, Ủy ban ANHK đã khẳng định được vị trí, phát huy rất tốt vai trò giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về bảo đảm ANHK dân dụng; chỉ đạo, chỉ huy đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng.

Qua Báo cáo tổng kết, đánh giá 10 năm (giai đoạn 2010 - 2020) hoạt động của Ủy ban ANHK, ý kiến đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực bảo đảm ANHK trong tình hình mới, như sau:

1. Nhiệm vụ chung của các bộ, ngành, địa phương

a) Quán triệt, thực hiện nghiêm mục tiêu, nguyên tắc bảo đảm ANHK như sau:

- ANHK là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành hàng không dân dụng Việt Nam, cần được quan tâm thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, phù hợp với tình hình an ninh quốc tế ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường;

- ANHK được đặt trong tổng thể hệ thống an ninh quốc gia, được xây dựng trên nền tảng của nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân;

- Công tác bảo đảm ANHK phù hợp với điều kiện Việt Nam, đáp ứng tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế; mở rộng hợp tác quốc tế trong bảo đảm ANHK;

- Xây dựng hệ thống bảo đảm ANHK vững mạnh, hiệu quả; lực lượng kiểm soát ANHK có hệ thống tổ chức độc lập, hoạt động thống nhất, chuyên nghiệp, đủ năng lực thực hiện các biện pháp bảo đảm ANHK đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp pháp luật Việt Nam;

- Xây dựng kết cấu hạ tầng bảo đảm ANHK đồng bộ, hiện đại, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế;

- Ủy ban ANHK cần tiếp tục đổi mới hoạt động, phát huy hơn nữa vai trò, vị trí là cơ quan chỉ đạo chiến lược, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong công tác bảo đảm ANHK;

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có cảng hàng không, sân bay phát huy vai trò quản lý Nhà nước tại địa phương; tích cực, chủ động thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn bảo đảm an ninh trật tự, an ninh, an toàn hàng không. Thực hiện nguyên tắc 4 tại chỗ, bao gồm: Phương án đối phó tại chỗ; lực lượng tại chỗ; trang thiết bị tại chỗ; hậu cần tại chỗ.

b) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, các văn bản hướng dẫn, các tiêu chuẩn về ANHK, đặc biệt, tập trung hoàn thiện Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Rà soát, kiến nghị bổ sung, sửa đổi các quy định của pháp luật về ANHK; các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác. Hoàn thiện hệ thống tài liệu hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, tiêu chuẩn về ANHK;

c) Thực hiện nghiêm quy định về công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội; Chỉ thị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản quy định liên quan về tăng cường quản lý, giám sát và thiết lập khu cấm bay, hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; các quy định về cấm sử dụng tia laser, nguồn sáng có công suất lớn. Nghiên cứu báo cáo rủi ro ANHK do Hội đồng quản lý rủi ro ANHK quốc gia ban hành, triển khai áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro ANHK phù hợp;

d) Các cơ quan, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, đơn vị Công an, Quân đội và Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không trong công tác bảo đảm ANHK; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại cảng hàng không, sân bay;

đ) Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về tổ chức, tham gia tổ chức diễn tập đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng;

e) Đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm ANHK. Tham gia tích cực các diễn đàn, các chương trình hỗ trợ các nước thành viên của ICAO trong việc phòng ngừa và đối phó với nguy cơ đe dọa ANHK. Tăng cường hợp tác song phương, đa phương trong trong đào tạo, chuyển giao công nghệ, trao đổi thông tin; kiểm soát an ninh đối với giấy tờ sử dụng đi tàu bay; bảo đảm an ninh vùng trời; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ bảo đảm ANHK; chia sẻ kết quả Chương trình thanh tra ANHK toàn cầu (USAP) của ICAO giữa các quốc gia thành viên.

2. Bộ Giao thông vận tải

a) Hoàn thiện hệ thống quản lý, bảo đảm ANHK: Rà soát, hoàn thiện tổ chức, biên chế của bộ phận ANHK của Cục Hàng không Việt Nam, Cảng vụ hàng không phù hợp với chức năng Nhà chức trách hàng không và quy định của pháp luật về ANHK; xây dựng đội ngũ tham mưu, giám sát viên ANHK chuyên sâu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát, chỉ đạo, điều hành công tác bảo đảm ANHK; kiên quyết chỉ đạo, đôn đốc, giám sát các doanh nghiệp hàng không xây dựng hệ thống quản lý ANHK theo quy định của pháp luật; xây dựng chương trình chuẩn đào tạo đội ngũ giám sát viên ANHK, chuyên viên làm công tác tham mưu, giúp việc trong công tác đảm bảo ANHK;

b) Chủ trì, chỉ đạo tổ chức lại lực lượng kiểm soát ANHK hoặc đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc tổ chức lực lượng kiểm soát ANHK để cung cấp dịch vụ bảo đảm ANHK theo thông lệ quốc tế và thực hiện nhiệm vụ chính trị theo quy định của pháp luật, đảm bảo nguyên tắc độc lập, thống nhất, chuyên nghiệp, không cổ phần hóa, đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng;

c) Chủ trì, phối hợp và đề xuất Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xây dựng cơ chế, quy định mở các khóa đào tạo chính quy trong hệ thống học viện, nhà trường của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cho các đối tượng là chỉ huy, quản lý, điều hành lực lượng kiểm soát ANHK, giám sát viên ANHK của ngành hàng không;

d) Chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác bảo đảm ANHK, an toàn hàng không bằng nhiều hình thức; xây dựng bản tin (tài liệu thông tin chuyên môn, nghiệp vụ nội bộ) về công tác bảo đảm ANHK, phòng chống can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng; xây dựng, củng cố văn hóa ANHK, nâng cao đạo đức công vụ, trách nhiệm nghề nghiệp trong bảo đảm ANHK, xây dựng tài liệu biên niên sử hình thành, phát triển của lực lượng kiểm soát ANHK;

đ) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành hàng không nhanh chóng hoàn thành việc xây dựng, thẩm định và trình phê duyệt Hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin theo đúng quy định của pháp luật đối với các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động hàng không dân dụng. Tăng cường tổ chức diễn tập thực chiến về an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin tại các cảng hàng không, sân bay;

e) Tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo đảm ANHK.

3. Bộ Công an

a) Chủ trì triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm đến an ninh, an toàn hàng không;

b) Chủ trì, chỉ đạo, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng điều hành, tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm ANHK đặt trong tổng thể hệ thống an ninh quốc gia, xây dựng trên nền tảng quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân theo quy định trong Luật An ninh quốc gia, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh mạng và các văn bản pháp luật liên quan.

Xây dựng, hoàn thiện và ban hành Đề án “Công tác công an bảo đảm an ninh hàng không”. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Tổ chức và hoạt động của lực lượng An ninh trên không; Đề án thành lập Đồn Công an tại các cảng hàng không, sân bay trọng điểm; tăng cường ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử theo lộ trình của Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030.

c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và đơn vị chủ quản hệ thống thông tin trong công tác điều phối ứng phó sự cố an ninh mạng, an toàn thông tin hàng không;

d) Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan Công an tỉnh, huyện nơi có cảng hàng không, sân bay về nguyên tắc, cơ chế phối hợp giữa cơ quan công an địa phương và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngành hàng không về bảo đảm an ninh trật tự, ANHK;

đ) Tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo đảm ANHK.

4. Bộ Quốc phòng

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Phương án ứng phó tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng và phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương liên quan về việc giám sát, cưỡng chế hạ cánh khẩn cấp đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm hoạt động hàng không dân dụng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

- Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các địa phương liên quan đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 18/2020/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ thiết lập khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng.

- Tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo đảm ANHK.

5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cảng hàng không, sân bay

Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc khoản 3 Điều 48 Luật Hàng không dân dụng Việt NamĐiều 41 Nghị định số 92/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về An ninh hàng không, tập trung vào một số giải pháp cụ thể:

a) Bằng nhiều hình thức, tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự xã hội an ninh, an toàn hàng không, bổ sung vào chương trình công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm của các địa phương; tăng cường tuần tra kiểm soát khắc phục tình trạng cò mồi, taxi dù tại các cảng hàng không, sân bay. Triển khai, tăng cường các tuyến xe buýt, dịch vụ vận chuyển hành khách kết nối các trung tâm đô thị, trung tâm du lịch đi, đến cảng hàng không, sân bay;

b) Triển khai các phương án ngăn chặn, ứng phó việc sử dụng nguồn sáng công suất lớn, đèn chiếu laser, thả diều, tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; quản lý tốt hoạt động của các câu lạc bộ dù lượn, tránh uy hiếp an toàn hàng không;

c) Hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung kế hoạch khẩn nguy đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng của từng địa phương. Chủ động rà soát việc mua sắm vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, tài liệu và đảm bảo các điều kiện khác để thực hiện nguyên tắc 4 tại chỗ. Tiến hành sơ kết 05 năm việc triển khai thực hiện Quyết định số 16/2017/QĐ-TTg về Phương án khẩn nguy tổng thể đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng và Quyết định số 01/2019/QĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 16/2017/QĐ-TTg để tổng kết, rút kinh nghiệm, tham mưu Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung sửa đổi phù hợp với tình hình thực tế hiện nay;

d) Tích cực phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực hàng không đóng tại địa phương để triển khai thực hiện có hiệu quả, đồng bộ các biện pháp bảo đảm ANHK.

6. Các doanh nghiệp có lực lượng kiểm soát ANHK

a) Căn cứ quy định của pháp luật, rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các quy định cụ thể về tiêu chuẩn sức khỏe, trình độ chuyên môn, nhân thân, phẩm chất chính trị và đạo đức đối với lực lượng bảo đảm ANHK. Tổ chức thực hiện việc tuyển dụng, bố trí sử dụng, sàng lọc lực lượng bảo đảm ANHK một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt theo quy định;

b) Đào tạo, tập huấn nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn, kỹ năng chuyên nghiệp, ngoại ngữ, ý thức chấp hành pháp luật, quy định nội bộ của nhân viên ANHK, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế;

c) Rà soát hệ thống cơ sở đào tạo, huấn luyện về ANHK đạt tiêu chuẩn quốc tế; chuyên nghiệp hóa các cơ sở được giao đào tạo ban đầu nhân viên kiểm soát ANHK;

d) Xây dựng, ban hành tiêu chuẩn cơ sở về ANHK. Nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, phương tiện, trang bị, thiết bị ANHK: hoàn thiện hệ thống hàng rào vành đai, các cổng, cửa, các lối ra vào khu vực hạn chế, hệ thống bốt gác, đường tuần tra canh gác, chiếu sáng, bãi đỗ biệt lập theo tiêu chuẩn áp dụng tại các cảng hàng không, sân bay, công trình hàng không trên toàn quốc. Tiêu chuẩn hóa, đầu tư trang bị đầy đủ hệ thống phương tiện, trang bị, thiết bị ANHK; phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an chủ động ứng dụng công nghệ mới về nhận diện sinh trắc học đối với người Việt Nam và nước ngoài: giải pháp về ki-ốt tự động, camera nhận diện khuôn mặt; từng bước hiện đại hóa hệ thống thiết bị ANHK theo công nghệ tiên tiến của thế giới; tập trung nâng cấp hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát hệ thống bảo đảm ANHK, xử lý khẩn nguy và thực hiện các biện pháp an ninh phòng ngừa.

7. Các đơn vị, doanh nghiệp hàng không

Tích cực xây dựng các giải pháp tăng cường hiệu quả kinh doanh, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế sau đại dịch COVID-19. Tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác và có các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo sức khỏe cán bộ công nhân viên người lao động.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cảng hàng không, sân bay tổ chức triển khai và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện nghiêm Chỉ thị này.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- BCĐ phòng, chống khủng bố Quốc gia;
- Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia;
- Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia;
- Ủy ban Quốc gia ứng phó SC, TT & TKCN;
- Các Bộ: Giao thông vận tải, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế;
- UBND các tỉnh, thành phố có CHK, SB;
- Các TCT: HKVN, Cảng HKVN, Quản lý bay VN;
- Các Công ty CP HK: VietJet, Pacific, Tre Việt, Vietravel Airlines;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ: KTTH, QHQT, NC, QHĐP, ĐMDN, KGVX, TH, PL;
- Lưu: VT, CN (2).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trần Lưu Quang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 06/CT-TTg năm 2023 về nâng cao năng lực công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 06/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 24/02/2023
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Trần Lưu Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/02/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản