Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/2001/CT-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 4 năm 2001

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP NHẰM ĐẨY MẠNH VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM

Hội Luật gia Việt Nam là một tổ chức nghề nghiệp mang tính chính trị xã hội sâu sắc của những người hoạt động trong lĩnh vực pháp luật. Qua 45 năm hoạt động và trưởng thành, Hội Luật gia Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết rộng rãi những người đã và đang làm công tác pháp luật trong các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế, xã hội, những người hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật, phát huy tiềm năng và trí tuệ của các luật gia trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tham gia công tác xây dựng pháp luật, tuyên truyền phổ biến pháp luật, đưa pháp luật vào đời sống, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Hội đã tích cực mở rộng quan hệ với các tổ chức và luật gia các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Thực hiện Chỉ thị số 56/CT-TW ngày 18 tháng 8 năm 2000 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam, phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của các luật gia trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc củng cố và phát triển về tổ chức của Hội Luật gia Việt Nam, cụ thể là:

a) Ở những nơi đã thành lập tổ chức Hội Luật gia cần quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Hội Luật gia củng cố, phát triển hội viên, thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các hoạt động của mình theo đúng mục đích, tôn chỉ của Hội.

b) Ở những nơi có đủ điều kiện mà chưa thành lập tổ chức Hội Luật gia, cần hỗ trợ cho việc thành lập tổ chức Hội Luật gia và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hội.

c) Ở những nơi có cán bộ, công chức là luật gia đang công tác, làm việc mà họ chưa phải là Hội viên của Hội Luật gia thì cần quan tâm và tạo điều kiện để họ sớm gia nhập Hội và tích cực tham gia vào các hoạt động của Hội.

2. Bộ Tư pháp có trách nhiệm:

- Phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các biện pháp nhằm phát huy khả năng của Hội Luật gia trong các hoạt động xây dựng pháp luật, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giám sát việc thi hành pháp luật, hoà giải các tranh chấp ở cơ sở, làm tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, góp phần phát huy dân chủ ở cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tập thể và công dân, tích cực tham gia thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; vận động nhân dân tham gia có hiệu quả cuộc vận động "Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật".

- Chủ trì, phối hợp với Trung ương Hội Luật gia Việt Nam và các Bộ, cơ quan hữu quan khẩn trương trình Chính phủ ban hành các Nghị định và soạn thảo Pháp lệnh sau đây:

+ Nghị định ban hành quy chế quản lý luật sư;

+ Nghị định về tư vấn pháp luật, trong đó chú trọng và tăng cường hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách của Hội Luật gia;

+ Dự thảo Pháp lệnh trọng tài và các văn bản hướng dẫn thi hành pháp lệnh để chuẩn bị trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.

3. Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương Đảng và Trung ương Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác với các tổ chức luật gia và luật gia tiến bộ ở các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng; tuyên truyền đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước ra nước ngoài góp phần tạo môi trường pháp lý quốc tế thuận lợi phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, giữ vững độc lập, chủ quyền và an ninh quốc gia; giúp Hội Luật gia Việt Nam xây dựng kế hoạch cụ thể vận động luật gia là người Việt Nam định cư ở nước ngoài đóng góp xây dựng đất nước.

4. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào chức năng, quyền hạn của mình phối hợp với Hội Luật gia có biện pháp cụ thể hỗ trợ Hội Luật gia các cấp về cán bộ chuyên trách, kinh phí, cơ sở vật chất cần thiết khác (trụ sở, phương tiện hoạt động) theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các chế độ hiện hành của Nhà nước tương xứng với vị trí, vai trò của Hội trong giai đoạn mới.

5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này. Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 06/2001/CT-TTg về thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành

  • Số hiệu: 06/2001/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 09/04/2001
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 17
  • Ngày hiệu lực: 24/04/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản