Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/1998/CT-TTg

Hà Nội, ngày 23 tháng 1 năm 1998

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ TRẺ EM, NGĂN NGỪA VÀ GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG TRẺ EM LANG THANG, TRẺ EM BỊ LẠM DỤNG SỨC LAO ĐỘNG

Sau 5 năm thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã có tiến bộ cả về nhận thức và tổ chức thực hiện. Tuy vậy, số lượng trẻ em lang thang, trẻ em bị lạm dụng sức lao động gia tăng đang là vấn đề xã hội bức xúc hiện nay. Đây là những đối tượng có nguy cơ cao bị xâm hại bởi các tệ nạn xã hội. Sự gia tăng này một phần là do các nguyên nhân kinh tế - xã hội : tình trạng thiếu việc làm, thất học, sự tăng khoảng cách giầu nghèo, sự xuống cấp về đạo đức trong một số gia đình...; mặt khác cũng do sự phối hợp và tập trung giải quyết của các ngành, các cấp có liên quan chưa đúng mức, đồng bộ và có hiệu quả.

Để thực hiện tốt hơn Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Nghị quyết kỳ họp thứ 10 ngày 25 tháng 11 năm 1996 của Quốc hội khóa IX, Nghị quyết số 05/CP ngày 11 tháng 01 năm 1997 của Chính phủ, Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em và hưởng ứng tuyên bố của các Hội nghị Quốc tế ở Stockhom, Oslo nhằm thực hiện mục tiêu ngăn ngừa, giải quyết có hiệu quả và giảm nhanh số lượng trẻ em lang thang, trẻ em bị lạm dụng sức lao động vào năm 2000, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1 - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội soạn thảo và trình Chính phủ trong quí I năm 1999 Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên; chủ trì, phối hợp với ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng đề án ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị lạm dụng sức lao động và trình Thủ tướng Chính phủ trong quí III năm 1998; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thi hành và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật Lao động liên quan đến lao động chưa thành niên.

2 - Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu điều chỉnh chế độ học phí, xây dựng chính sách khuyến học thích hợp đối với học sinh nghèo, đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo và những vùng có khó khăn và trình Thủ tướng Chính phủ trong quí III năm 1998; mở rộng hình thức giáo dục thích hợp nhằm thu hút hầu hết trẻ em trong độ tuổi được đến lớp và được phổ cập tiểu học.

3 - Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, biên giới, vùng có khó khăn.

4 - Bộ Văn hóa-Thông tin chủ trì, phối hợp với Ủy ban Thể dục Thể thao, ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng chính sách và tổ chức nâng cao đời sống văn hóa và tinh thần, thể chất lành mạnh cho trẻ em; xây dựng đề án về các cơ sở tập luyện, bồi dưỡng năng khiếu, vui chơi cho trẻ em ở cộng đồng, ưu tiên đầu tư cho các vùng khó khăn và trình Thủ tướng Chính phủ trong quí III năm 1998.

5 - Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý hộ khẩu ở xã, phường, đặc biệt chú ý quản lý, kiểm tra những tổ chức và cá nhân có sử dụng lao động trẻ em để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật; bổ sung mục tiêu và biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn trẻ em làm trái pháp luật vào chương trình phòng chống tội phạm.

6 - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có kế hoạch cân đối ngân sách cho công tác ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị lạm dụng sức lao động.

7 - Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng chính sách bảo vệ và giúp đỡ trẻ em lang thang, trẻ em bị lạm dụng sức lao động báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 1998; tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách này; chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa-Thông tin và các cơ quan liên quan, đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội xây dựng kế hoạch, tổ chức thí điểm các mô hình hoạt động và tăng cường vận động các nguồn lực trong và ngoài nước, các tổ chức nhân đạo, từ thiện góp phần hỗ trợ công tác ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị lạm dụng sức lao động và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quí II năm 1998; hoàn thiện Chương trình hành động bảo vệ đặc biệt trẻ em và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 1998; phối hợp với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng kế hoạch, tổ chức vận động các thành viên của Mặt trận tham gia thực hiện chủ trương của Đảng : toàn dân chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phấn đấu hạn chế trẻ em lang thang, trẻ em bị lạm dụng sức lao động thông qua phong trào ''Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư''; phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức nghiên cứu và phổ biến kiến thức về gia đình và vai trò, vị trí của các thành viên trong gia đình, trong cộng đồng.

8 - Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam, Bộ Văn hóa-Thông tin, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia hướng dẫn các Đài địa phương, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật, về chính sách liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, về quyền và bổn phận của trẻ em, về trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng, về phương pháp giáo dục con trong gia đình, về các gương người tốt việc tốt trong công tác ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang lang, trẻ em bị lạm dụng sức lao động.

9 - Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và tổ chức xã hội đẩy mạnh công tác vận động tuyên truyền, giáo dục thực hiện pháp luật đến từng gia đình, từng người dân nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người trong việc quản lý, giáo dục các thành viên trong gia đình, trong cộng đồng, đặc biệt là trẻ em gái, với những người chưa thành niên, tránh cho họ phải bỏ nhà đi lang thang hoặc phải làm thuê sớm. Công tác này cần phải làm thường xuyên, liên tục nhằm tạo ra phong trào toàn dân bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
10 - Vấn đề ngăn ngừa, giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị lạm dụng sức lao động phải là một trong các mục tiêu của chương trình kinh tế-xã hội của địa phương được thể hiện một cách cụ thể thông qua các chương trình xóa đói giảm nghèo, giúp nhau làm kinh tế gia đình, Ngân hàng phục vụ người nghèo,... tạo điều kiện giúp các gia đình khó khăn thóat khỏi đói, nghèo. ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng nắm vững tình hình trẻ em lang thang, trẻ em bị lạm dụng sức lao động để có kế hoạch, biện pháp giải quyết đồng bộ, hiệu quả; tham gia chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư'' và "Người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan"; phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để duy trì và phát triển các tổ hòa giải ở thôn, bản, ấp, tổ dân cư vận động hạn chế tình trạng ly hôn, giúp hàn gắn hạnh phúc gia đình.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và hàng năm báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ./.

 

 

 

Phạm Gia Khiêm

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 06/1998/CT-TTg về tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thanh, trẻ em bị lạm dụng sức lao động do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 06/1998/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 23/01/1998
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Gia Khiêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: 07/02/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản