VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:05-VKSND/CT | Hà Nội, ngày 15 tháng 08 năm 1990 |
Đấu tranh chống tham nhũng là tiếp tục thực hiện “cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và bộ máy Nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội” theo Nghị quyết 04-NQTW ngày 12-9-1987 của Bộ Chính trị và tiến hành cuộc đấu tranh chống tiêu cực, nhất là chống tham nhũng mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ XIII (khóa VI) đã đề ra.
Ngày 26-6-1990 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có quyết định số 240-CT “về đấu tranh chống tham nhũng”.
Chỉ thị 04 ngày 24-7-1990 về nhiệm vụ, kế hoạch công tác kiểm sát 6 tháng cuối năm 1990 của đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã xác định rõ: Đấu tranh chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của ngành Kiểm sát nhân dân.
Để thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (khóa VI) và thực hiện quyết định 240-HĐBT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, toàn ngành Kiểm sát nhân dân phải thực hiện ngay một số công tác chính sau đây:
I- TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU ĐỂ QUÁN TRIỆT SÂU SẮC QUYẾT ĐỊNH 240/HĐBT
- Tất cả các Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự, các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cấp trong toàn ngành đều phải tổ chức nghiên cứu một cách nghiêm túc để quán triệt sâu sắc quyết định số 240-HĐBT và các chỉ thị 02, 04 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để thấy rõ ý nghĩa tầm quan trọng của cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong tình hình hiện nay, nhất là thực trạng của tình hình tham nhũng hiện nay, những nguyên nhân chủ yếu, yêu cầu, mục tiêu và biện pháp đấu tranh chống tham nhũng.
+ Từ đó xác định trách nhiệm chung của toàn ngành trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng làm cho mỗi cán bộ, kiểm sát viên nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp thấy rõ trách nhiệm của mình trên cơ sở chức trách nhiệm vụ được giao trong cuộc đấu tranh gay go phức tạp và quyết liệt này.
+ Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của ngành mà xây dựng kế hoạch, chương trình chống tham nhũng, một cách cụ thể thiết thực để tổ chức thực hiện nhằm đạt hiệu quả cao.
II- NHỮNG CÔNG TÁC CHÍNH CỦA NGÀNH CẦN THỰC HIỆN
1- Đấu tranh chống tham nhũng là việc làm gay go, phức tạp và quyết liệt phải được tiến hành đồng bộ bằng các biện pháp tư tưởng, chính trị - luật pháp, kinh tế, tổ chức: có sự phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp với đông đảo nhân dân. Là một trong những ngành bảo vệ pháp luật, các cấp kiểm sát phải triển khai đồng bộ các khâu nghiệp vụ kiểm sát (kiểm sát chung, kiểm sát điều tra, điều tra, kiểm sát xét xử hình sự, kiểm sát xét xử dân sự, kiểm sát xét khiếu tố…) phát hiện, điều tra, xử lý tập trung vào chống tệ tham ô, hối lộ, cố ý làm trái chính sách, pháp luật và lợi dụng chức quyền để tuỳ tiện chi tiêu trái với các quy định của Nhà nước gây lãng phí tiền bạc, tài sản Nhà nước.
2- Hoạt động kiểm sát phải phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành với sự giúp đỡ của nhân dân để chống:
- Hành vi lợi dụng chức trách, quyền hạn dưới mọi hình thức trá hình liên doanh, liên kết, môi giới, dịch vụ, lợi dụng những sơ hở trong cơ chế quản lý, lợi dụng khi chia tách, sát nhập, giải thể cơ quan, đơn vị, địa phương, lợi dụng chủ trương ưu tiên cấp vốn, vật tư… của Nhà nước đối với công trình nghiên cứu, sản xuất đặc biệt v.v… để tham ô, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
- Hành vi hối lộ dưới mọi hình thức trong tất cả các khâu: tiêu thụ sản phẩm, buôn bán vật tư, tài sản cố định, chuyển đổi tiền cho vay, cấp vốn, cấp đất, cấp nhà, cấp đăng ký kinh doanh, cấp giấp phép xuất nhập khẩu, ký kết hợp đồng, kiểm tra chất lượng hàng hóa, xét miễn giảm thuế, tuyển dụng lao động, xét duyệt đi nước ngoài.
- Hành vi cố ý làm trái chính sách, pháp luật gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản xã hội chủ nghĩa như kế toán hạch toán không trung thực, gian lận sổ sách, chứng từ, lập quỹ trái phép, giấu nguồn thu, trốn lậu thuế, rút tiền, rút hàng của Nhà nước để làm ăn phi pháp.
- Hành vi tùy tiện đặt ra chế độ, tiêu chuẩn ngoài quy định hiện hành của Nhà nước như về nhà ở, xe cộ, chi tiêu, sử dụng công quỹ lãng phí vào liên hoan, tiệc tùng v.v…
3- Trên cơ sở những hành vi vi phạm pháp luật và phạm tội nêu trên, công tác kiểm sát phải tập trung vào việc đấu tranh phát hiện điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các tội: tham ô, hối lộ, lừa đảo, cố ý làm trái… lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN, trộm cắp tài sản XHCN v.v…
Cần xác định rõ cuộc đấu tranh chống tham nhũng phải được tiến hành liên tục, thường xuyên, rộng khắp ở tất cả các tổ chức kinh tế, các cơ quan Nhà nước, các đơn vị lực lượng vũ trang, các đoàn thể chính trị, các tổ chức xã hội, không loại trừ cơ quan, đơn vị nào, nhưng đặc biệt cần tập trung vào một số trọng điểm là các cơ quan, đơn vị quản lý nhiều tiền, hàng, vật tư quý hiếm, ngoại tệ, sử dụng nguồn vốn lớn v.v…
Các khâu công tác kiểm sát trọng tâm hướng vào các ngành kinh tế trọng điểm: Ngân hàng, Tài chính, Thương nghiệp (cả xuất nhập khẩu), Dự trữ quốc gia, Giao thông vận tải, Xây dựng cơ bản, Năng lượng.
4- Phải vận dụng đồng bộ các khâu công tác kiểm sát trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng
Công tác kiểm sát chung phải tập trung phát hiện được những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, làm rõ nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm pháp luật, kiên quyết kiến nghị, kháng nghị để khôi phục hiệu lực các pháp luật đã bị vi phạm, làm rõ trách nhiệm cá nhân những người vi phạm, nhất là những người có trách nhiệm quyền hạn trong thực hiện và hoạt động quản lý để có thái độ xử lý nghiêm minh. Những vụ việc có dấu hiệu phạm pháp hình sự phải kịp thời chuyển cho bộ phận kiểm sát hình sự khởi tố, xử lý theo pháp luật. Phát hiện những thiếu sót, sơ hở trong các văn bản pháp luật hiện hành để kiến nghị sửa chữa, bổ sung nhằm từng bước lập lại trật tự kỷ cương pháp luật góp phần ổn định tình hình kinh tế xã hội.
Trong đấu tranh chống tội phạm hình sự phải đặc biệt coi trọng việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật các tội thuộc loại tham nhũng (đã nêu phần trên). Vấn đề hết sức quan trọng là phải đổi mới cải tiến việc nắm và xử lý thông tin tội phạm, làm tốt việc phân loại xử lý, chống oan, chống lọt tội phạm, góp phần làm chuyển biến một bước tình hình, lập lại trật tự kỷ cương pháp luật.
Để đấu tranh chống các tội tham nhũng có hiệu quả, các cấp kiểm sát phải làm tốt việc xác định và giải quyết án trọng điểm, tập trung lực lượng phối hợp cùng các ngành Công an, Tòa án đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, tội trạng đã rõ đến đâu thì xử lý đến đó cho kịp thời tránh để án tồn đọng, quá hạn luật định. Về đường lối xử lý phải chú ý tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật trong các quyết định khởi tố, không khởi tố, phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn, đường lối truy tố, kiểm sát các quyết định của cơ quan xét xử trong áp dụng án treo, hình phạt cải tạo không giam giữ v.v…
Đối với các vụ án do VKS điều tra theo luật định phải đảm bảo chất lượng điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Khẩn trương đào tạo điều tra viên để tiến tới thành lập phòng điều tra ở những đơn vị có đủ điều kiện để tiến hành điều tra những vụ án thuộc loại tham nhũng khi thấy cần thiết.
Công tác kiểm tra xét xử dân sự: Tăng cường kiểm sát việc điều tra, lập hồ sơ án dân sự và nâng cao chất lượng kiểm sát xét xử dân sự ở các cấp kiểm sát để phát hiện những hành vi tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động này để phối hợp với các khâu nghiệp vụ khác thực hiện tốt quyết định 240-HĐBT.
Công tác kiểm sát việc xét và giải quyết các khiếu nại tố cáo của công dân: Phải chú trọng các đơn tố cáo tội phạm nhất là các tội tham nhũng. Thông qua việc tiếp dân, giải quyết đơn để nắm thông tin vi phạm và tội phạm giúp cho việc phát hiện, điều tra được kịp thời chính xác.
5- Các cấp kiểm sát cần sớm kiện toàn bộ máy đảm bảo đủ chỉ tiêu biên chế, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ kiểm sát viên. Bố trí các cán bộ, kiểm sát viên có năng lực, có kinh nghiệm công tác, có kiến thức pháp luật vững vàng, có bản lĩnh đảm nhiệm những khâu công tác có liên quan trực tiếp đến đấu tranh chống tham nhũng. Phải rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên và cán bộ lãnh đạo các cấp, không để những người có vi phạm về phẩm chất đạo đức, vi phạm pháp luật làm công tác có liên quan đến đấu tranh chống tham nhũng. Phát hiện và xử lý kịp thời các cán bộ, kiểm sát viên sa sút phẩm chất, ăn hối lộ, nhận quà biếu của đương sự, hoặc vì vụ lợi, nể nang mà xuê xoa, xử lý sai. Cán bộ có vi phạm cần xử lý nghiêm minh; tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý hành chính hoặc truy tố trước pháp luật không để chậm trễ, kéo dài hoặc xử lý qua loa chiếu lệ. Phải coi những cán bộ kiểm sát có các hành vi như đã nêu trên là những người tham nhũng.
Cán bộ ngành kiểm sát từ trung ương đến quận, huyện phải nâng cao tinh thần đấu tranh chống tham nhũng bảo vệ công lý, pháp luật, cần khắc phục tư tưởng hữu khuynh thiếu trách nhiệm, bàng quan trước cuộc đấu tranh hoặc nể nang, né tránh, thiếu ý chí chiến đấu, thậm chí còn cản trở cấp dưới đấu tranh chống các hành vi tham nhũng. Nên những cán bộ dù ở cấp nào, xét thấy không đủ sức đảm đương nhiệm vụ phải kịp thời thay ngay.
Đối với những cán bộ, kiểm sát viên lập nhiều thành tích xuất sắc thể hiện có bản lĩnh, có ý chí chiến đấu cao, giải quyết được nhiều vụ việc có hiệu quả cần được động viên khen thưởng kịp thời. Nếu có thành tích đặc biệt xuất sắc có thể được xét phong thăng ngạch bậc kiểm sát viên vượt cấp, trước niên hạn.
III- BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng là cuộc đấu tranh phức tạp cần có những biện pháp, kiên quyết, thường xuyên, liên tục và triệt để, chống lối làm qua loa hời hợt. Viện kiểm sát các cấp phải phối hợp chặt chẽ các cấp, các ngành trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử để bảo đảm cho việc xử lý các vụ việc được nhanh chóng và chính xác. Đồng thời, phải phát động được phong trào quần chúng tham gia đấu tranh chống tham nhũng. Phải đặc biệt coi trọng sự tham gia, đóng góp của nhân dân trong cuộc đấu tranh.
Vận dụng đồng bộ các khâu công tác kiểm sát với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp trong ngành là một trong những biện pháp tích cực, có hiệu quả để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống Viện kiểm sát nhân dân góp phần làm cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả thiết thực.
Cùng với các cơ quan báo chí, ngôn luận phối hợp chặt chẽ trong việc hướng dẫn dư luận đấu tranh kiên quyết, bảo vệ tài sản Nhà nước, bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân, phê phán mạnh mẽ, sâu sắc các hiện tượng tiêu cực, tuyên truyền phổ biến pháp luật, cổ vũ các nhân tố tích cực để động viên phong trào chung.
Cần hết sức cảnh giác với các âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch, lợi dụng đấu tranh chống tham nhũng để đả kích chế độ và sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đả kích các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đồng thời bảo đảm việc đưa tin cần chính xác, đúng người, đúng tội, giúp các cơ quan chức năng điều tra, xét xử nhanh chóng thuận lợi.
Trong quá trình tổ chức thực hiện quyết định 240-HĐBT các cấp kiểm sát phải thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo thỉnh thị theo quy chế 05 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Hàng tháng Viện kiểm sát cấp dưới phải báo cáo tình hình và hoạt động chống tham nhũng vào báo cáo tháng. Khi có việc đột xuất cần báo kịp thời bằng điện, văn bản về Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Nhận được chỉ thị này yêu cầu đồng chí Viện trưởng các cấp, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc có kế hoạch triển khai thực hiện ngay để góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, từng bước lập lại trật tự, kỷ cương pháp luật, góp phần củng cố niềm tin và ổn định tình hình chính trị - kinh tế - xã hội.
- 1Nghị quyết số 176-UBTVQH9/NQ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 2Quyết định 378-TTg năm 1994 bổ sung thành viên vào Ban Thường trực công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Nghị quyết về công tác xây dựng pháp luật năm 1994 do Quốc hội ban hành
- 4Chỉ thị 08-TATC/CT năm 1990 về triển khai chống tham nhũng, chống buôn lậu qua biên giới và một số loại tội phạm kinh tế khác do Toà án nhân dân tối cao ban hành
- 5Quyết định 15/TTg năm 1993 thành lập Ban Thường trực chống tham nhũng và chống buôn lậu do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Nghị quyết số 176-UBTVQH9/NQ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 2Quyết định 240-HĐBT năm 1990 về việc đấu tranh chống tham nhũng do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3Quyết định 378-TTg năm 1994 bổ sung thành viên vào Ban Thường trực công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Nghị quyết về công tác xây dựng pháp luật năm 1994 do Quốc hội ban hành
- 5Chỉ thị 08-TATC/CT năm 1990 về triển khai chống tham nhũng, chống buôn lậu qua biên giới và một số loại tội phạm kinh tế khác do Toà án nhân dân tối cao ban hành
- 6Quyết định 15/TTg năm 1993 thành lập Ban Thường trực chống tham nhũng và chống buôn lậu do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chỉ thị 05-VKSND/CT về công tác kiểm sát phục vụ cuộc đấu tranh chống than nhũng theo Quyết định 240-CT năm 1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- Số hiệu: 05-VKSND/CT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 15/08/1990
- Nơi ban hành: Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Người ký: ***
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 30/08/1990
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định