Hệ thống pháp luật

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/CT-VKSTC-TTr

Hà Nội, ngày 31 tháng 03 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG KỶ CƯƠNG, KỶ LUẬT CÔNG VỤ VÀ TRẬT TỰ NỘI VỤ TRONG NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN

Trong thời gian qua, nhiều đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân đã tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương công vụ và trật tự nội vụ nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Ngành (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức), góp Phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ở từng cơ quan, đơn vị và trong toàn Ngành. Tuy nhiên, ở một số đơn vị vẫn còn cán bộ, công chức, viên chức chưa nghiêm chỉnh chấp hành như: uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc; không sử dụng trang phục Ngành đúng quy định; tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong các vụ, việc mà mình có thẩm quyền giải quyết ngoài trụ sở cơ quan hoặc nơi tiếp dân; viết đơn thư nặc danh, mạo danh không đúng sự thật; v.v... làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành Kiểm sát nhân dân.

Nguyên nhân chủ yếu của những khuyết điểm nêu trên là do người đứng đầu đơn vị chưa chú trọng duy trì kỷ luật, kỷ cương của Ngành; ý thức chấp hành của một số cán bộ, công chức, viên chức còn yếu kém; việc xử lý các hành vi vi phạm không nghiêm.

Để khắc phục những khuyết điểm, yếu kém nêu trên, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ và trật tự nội vụ, thực hiện văn hóa, văn minh công sở, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu:

1. Cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Kiểm sát nhân dân:

a) Thực hiện nghiêm Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Kiểm sát nhân dân (Ban hành theo Quyết định số 296/2008/QĐ-VKSTC ngày 18 tháng 6 năm 2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao).

b) Chấp hành kỷ luật lao động và sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc theo quy định của pháp luật và nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị.

c) Không uống rượu, bia hoặc các loại đồ uống khác có nồng độ cồn tương đương ngay trước, trong giờ làm việc và giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực, kể cả khi tổ chức hội nghị, hội thảo, tiếp khách, liên hoan. Trường hợp đặc biệt, tiếp khách quốc tế phải xin ý kiến (bằng văn bản) và được sự đồng ý của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

d) Không hút thuốc lá tại cơ quan, công sở, nơi công cộng.

đ) Sử dụng trang phục kiểm sát và đeo phù hiệu, cấp hiệu, biển tên theo đúng quy định của Ngành trong giờ làm việc tại cơ quan, công sở và khi thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.

e) Thực hiện tốt nếp sống văn minh công sở khi làm việc và giao tiếp với công dân.

g) Nghiêm cấm các hành vi sau:

- Lợi dụng chức trách, nhiệm vụ hoặc vị trí công tác làm sai lệch hồ sơ vụ, việc hoặc cố ý kéo dài thời gian giải quyết;

- Tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong các vụ, việc mà mình có thẩm quyền giải quyết ngoài nơi quy định;

- Đưa hồ sơ hoặc tài liệu trong hồ sơ vụ, việc ra khỏi cơ quan, nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền;

- Tư vấn cho bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ, việc không đúng quy định của pháp luật;

- Can thiệp trái pháp luật hoặc lợi dụng danh nghĩa cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân để bảo lãnh hoặc tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ, việc;

- Phát ngôn hoặc cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động của ngành không đúng thẩm quyền, chức trách, nhiệm vụ được giao.

- Viết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh nặc danh hoặc mạo danh không đúng sự thật gây mất đoàn kết nội bộ và uy tín của Ngành; xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác

Khi phát hiện cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Kiểm sát nhân dân có hành vi vi phạm Chỉ thị này cần thông báo với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp cán bộ, công chức, viên chức đó biết để có biện pháp xử lý. Đối với các trường hợp vi phạm tại Trụ sở cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tối cao, người phát hiện đồng thời có trách nhiệm thông báo với Chánh Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao để có biện pháp phối hợp xử lý.

2. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp có trách nhiệm:

a) Đề cao ý thức kỷ luật, kỷ cương của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong việc gương mẫu thực hiện nghiêm túc các quy định nêu trên theo Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”.

b) Sửa đổi, bổ sung vào quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị nội dung những quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức (nêu tại Mục 1 của Chỉ thị này); đồng thời, tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức ký cam kết thực hiện.

c) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân có thành tích, đồng thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định tại Chỉ thị này.

3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức quán triệt nội dung Chỉ thị này tới cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị; phối hợp với cấp ủy Đảng, các tổ chức đoàn thể trong cơ quan, đơn vị theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này. Định kỳ 6 tháng và năm báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (qua Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao) về tình hình thực hiện Chỉ thị này.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm tham mưu giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc thi hành kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật, kỷ cương công vụ và trật tự nội vụ.

Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng có trách nhiệm tham mưu giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ sung nội dung bình xét và đánh giá, xếp loại thi đua đối với tập thể, cá nhân liên quan đến quy định tại Chỉ thị này.

Báo Bảo vệ pháp luật, Tạp chí Kiểm sát, Truyền hình Kiểm sát, Trang tin điện tử của Ngành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giám sát việc thực hiện Chỉ thị này.

Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi và tiến hành thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện; tổng hợp, báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tình hình thực hiện Chỉ thị này trong toàn Ngành.

Viện trưởng viện kiểm sát quân sự Trung ương căn cứ Chỉ thị này để triển khai thực hiện trong hệ thống Viện kiểm sát quân sự các cấp.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Lãnh đạo VKSNDTC;
- Viện kiểm sát Quân sự Trung ương;
- Các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao;
- Các VKSND tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Lưu VT, TTr.

VIỆN TRƯỞNG




Nguyễn Hòa Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 05/CT-VKSTC-TTr năm 2014 về tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ và trật tự nội vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

  • Số hiệu: 05/CT-VKSTC-TTr
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 31/03/2014
  • Nơi ban hành: Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Người ký: Nguyễn Hòa Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản