Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/CT-UBND | Đà Nẵng, ngày 30 tháng 7 năm 2021 |
THỰC HIỆN GIÃN CÁCH XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐỂ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều biện pháp quyết liệt để ngăn chặn, khống chế dịch bệnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, với biến chủng vi rút Delta lây nhiễm nhanh và mạnh, số ca mắc mới trong những ngày gần đây liên tục tăng, xuất hiện một số chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng có nguy cơ rất cao bùng phát dịch bệnh trên diện rộng trên toàn địa bàn thành phố. Vì vậy, cần phải có những biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt hơn trong thời gian tới nhằm sớm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, bảo vệ tính mạng, sức khỏe Nhân dân.
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch và Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 30/7/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, trên cơ sở quy định của Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 của Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc ban hành “Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch COVID-19", Chủ tịch UBND thành phố ban hành Chỉ thị thực hiện giãn cách xã hội với những biện pháp cao hơn trong công tác phòng, chống dịch theo nội dung Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ như sau:
1. Kể từ 18 giờ 00 phút ngày 31/7/2021 cho đến khi có thông báo mới, thực hiện cách ly toàn xã hội trên phạm vi toàn thành phố Đà Nẵng theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; tổ dân phố cách ly với tổ dân phố; thôn cách ly với thôn; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện.
a) Yêu cầu mọi người dân không được ra khỏi nhà. Chỉ được phép ra khỏi nhà trong những trường hợp sau:
- Đi mua lương thực, thực phẩm.
- Cấp cứu, khám chữa bệnh, xét nghiệm SARS-CoV-2, tiêm chủng, mua thuốc chữa bệnh và các trường hợp khẩn cấp khác như: Thiên tai, hỏa hoạn.
- Đi công tác/công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở nhà nước, tác nghiệp báo chí.
- Đi làm việc tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động; các nhà máy, cơ sở sản xuất được phép hoạt động.
- Tham gia điều khiển phương tiện vận chuyển giao nhận hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu.
- Thực hiện các nhiệm vụ vệ sinh môi trường đô thị, xử lý sự cố điện, nước, hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông tin, phòng chống dịch theo quy định.
- Các trường hợp đặc biệt khác khi được sự đồng ý của Chủ tịch UBND thành phố bằng văn bản.
Khi ra ngoài trong các trường hợp này, người dân cần tuân thủ:
- Có giấy tờ sử dụng đủ điều kiện lưu thông trong thời gian giãn cách xã hội: Giấy đi đường (Giấy đi đường do thủ trưởng cơ quan, đơn vị, UBND phường, xã cấp theo mẫu thống nhất trên toàn địa bàn thành phố)/Thẻ nhà báo hoặc Thẻ đi chợ kèm theo giấy tờ tùy thân.
- Thực hiện nghiêm quy định 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế); giữ khoảng cách tối thiểu 02 mét khi giao tiếp; không tụ tập quá 02 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện...; bắt buộc khai báo y tế hàng ngày.
b) Người dân không được ra khỏi thành phố trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị này. Người dân chỉ được phép di chuyển vào thành phố vì lý do công vụ, phòng, chống dịch, vận chuyển hàng hóa thiết yếu, làm việc ở các cơ sở sản xuất kinh doanh được phép hoạt động phải thực hiện khai báo y tế và tuân thủ các biện pháp giám sát, cách ly y tế theo quy định của thành phố. Các trường hợp đặc biệt khác do Chủ tịch UBND thành phố xem xét, quyết định.
c) UBND các quận, huyện ra quyết định thiết lập các chốt kiểm soát ở các khu dân cư, trên các đường giao thông chính,...; thành lập các tổ tuần tra cơ động liên ngành để kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện giãn cách và xử lý các hành vi vi phạm.
3. Yêu cầu đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ: Tạm dừng hoạt động tất cả các cơ sở kinh doanh, dịch vụ (kể cả hoạt động bán mang về của các nhà hàng, cửa hàng, quán ăn, uống), trừ các trường hợp sau đây được phép hoạt động:
a) Siêu thị, siêu thị mini, chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa bán hàng thiết yếu.
b) Cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch; cơ sở dịch vụ khám, chữa bệnh.
c) Cửa hàng kinh doanh gas, cửa hàng kinh doanh xăng dầu.
d) Ngân hàng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng, bổ trợ doanh nghiệp (như đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm, bảo hiểm...), bổ trợ tư pháp (như công chứng, luật sư, đấu giá, thừa phát lại, trọng tài thương mại, tư vấn pháp luật, quản lý, thanh lý tài sản...), kho bạc, chứng khoán.
đ) Khách sạn sử dụng là cơ sở cách ly y tế tập trung cho người có nhu cầu.
e) Dịch vụ bưu chính, viễn thông, thư tín, phát hành báo chí.
g) Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa.
h) Dịch vụ vận chuyển giao nhận hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất và xuất nhập khẩu.
i) Dịch vụ cung ứng suất ăn công nghiệp.
k) Các trường hợp đặc biệt khác do Chủ tịch UBND thành phố xem xét, quyết định.
Các cơ sở, cá nhân được phép hoạt động kinh doanh, dịch vụ phải đáp ứng điều kiện phòng, chống dịch theo quy định; chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người dân, người lao động và cộng đồng; kiểm soát toàn bộ người đến mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ; thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K; tổ chức khai báo y tế bằng mã QRCođe hoặc bằng giấy. Trường hợp thiếu trách nhiệm để xảy ra lây lan dịch bệnh sẽ bị xử lý nghiêm trước pháp luật.
Đối với các đơn vị, cơ sở kinh doanh, dịch vụ trong thời gian tạm dừng hoạt động phải bố trí nhân viên trực đảm bảo an ninh, an toàn, phòng, chống cháy nổ tại đơn vị và xác nhận, cấp Giấy đi đường để làm cơ sở cho việc tham gia giao thông trong thời gian giãn cách xã hội.
4. Yêu cầu đối với các nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình xây dựng:
a) Đối với các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất phải có phương án, kịch bản phòng, chống dịch theo quy định; cam kết đầy đủ điều kiện an toàn phòng, chống dịch; tổ chức sản xuất với phương án giãn 50% ca, kíp sản xuất, bộ phận quản lý làm việc trực tiếp không quá 50% số người tại trụ sở. Chủ cơ sở sản xuất phải chủ động dừng sản xuất khi chưa đủ các điều kiện phòng, chống dịch theo quy định; trường hợp để xảy ra lây lan dịch bệnh do thiếu trách nhiệm sẽ bị xử lý nghiêm trước pháp luật.
b) Đối với công trình xây dựng:
- Dừng các hoạt động thi công tại tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố (kể cả các hoạt động xây dựng nhà dân).
- Các công trình trọng điểm, cấp bách của thành phố chỉ được thi công khi được sự cho phép của UBND thành phố hoặc UBND các quận, huyện.
5. Yêu cầu đối với các cơ quan, công sở nhà nước:
a) Sắp xếp, bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; làm việc trực tiếp với số lượng không quá 50% tại trụ sở (trừ nhân viên y tế, lực lượng công an, quân đội và một số ngành đặc thù khác phục vụ phòng, chống dịch), đảm bảo cơ bản hoàn thành nhiệm vụ.
b) Dừng việc tiếp công dân trực tiếp tại tổ một cửa Trung tâm hành chính thành phố và quận, huyện, phường, xã (nhưng vẫn bảo đảm giải quyết, xử lý công việc của công dân và doanh nghiệp); đẩy mạnh việc giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4.
c) Dừng các hoạt động hội họp chưa thật sự cấp thiết; trong trường hợp phải tổ chức các cuộc họp, sự kiện thì phải bảo đảm giãn cách 02 mét và tập trung không quá 20 người trong 01 phòng, ngoại trừ các cuộc họp, sự kiện quan trọng được cấp có thẩm quyền cho phép.
d) Người đứng đầu đơn vị quyết định phương án bố trí công việc, số lượng người làm việc và chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch.
6. Yêu cầu đối với hoạt động vận tải:
a) Dừng tất cả các hoạt động và phương tiện vận tải hành khách bằng đường bộ, đường thủy, trừ trường hợp vận chuyển phục vụ công tác phòng, chống dịch, vận chuyển người bệnh, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia.
b) Các hoạt động vận tải được phép hoạt động phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải.
7. Yêu cầu đối với hoạt động tang lễ:
a) Không để đám tang quá 48 giờ; chỉ tổ chức nghi lễ trong phạm vi gia đình, không quá 20 người; không tổ chức các đoàn viếng.
b) Bảo đảm công tác phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.
8. Phân công tổ chức thực hiện
a) Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố khẩn trương xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai và hướng dẫn thực hiện Chỉ thị này phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ ngành, lĩnh vực được giao, báo cáo Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách lĩnh vực phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện.
b) Sở Y tế:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, hoàn thiện các kế hoạch, phương án, kịch bản, các biện pháp triển khai thực hiện theo từng cấp độ của dịch đê chủ động, sẵn sàng ứng phó trong trường hợp xảy ra các tình huống xấu trên địa bàn thành phố.
- Tiếp tục phối hợp tổ chức tốt công tác điều tra, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm, điều trị hiệu quả; có phương án huy động các nguồn lực trong công tác lấy mẫu, đảm bảo trả kết quả trong thời gian ngắn nhất để kịp thời khoanh vùng, dập dịch.
- Chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương rà soát, điều chỉnh và triển khai công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo theo Kế hoạch và phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh. Hướng dẫn các quận, huyện triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo công khai, minh bạch, an toàn tiêm chủng và an toàn phòng, chống dịch.
- Báo cáo tình hình nhân lực, sinh phẩm, vật tư y tế,... chủ động đề xuất, mua sắm, bố trí đầy đủ trang thiết bị y tế phục vụ xét nghiệm, sẵn sàng triển khai xét nghiệm trên diện rộng; phối hợp với các đơn vị đủ năng lực xét nghiệm trên địa bàn thành phố để điều phối, lấy mẫu xét nghiệm nâng công suất xét nghiệm theo các cấp độ đáp ứng trong mọi tình huống.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các quận, huyện xây dựng và kích hoạt phương án thu dung, điều trị 3 tầng theo chỉ đạo của Bộ Y tế, điều phối, phân công, bố trí nguồn lực và can thiệp y tế phù hợp tại các tầng; xem xét thời điểm phù hợp tham mưu UBND thành phố quyết định áp dụng biện pháp cách ly tại nhà đối với F1.
- Phối hợp với UBND các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đảm bảo thực hiện đúng và đầy đủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở cách ly,
c) Công an thành phố:
- Chủ trì, phối hợp với lực lượng Y tế, Quân sự, Biên phòng, Đoàn thanh niên, các hội, đoàn thể để tổ chức và duy trì hoạt động của các chốt kiểm soát dịch liên ngành tại các cửa ngõ, ra vào thành phố.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, UBND các quận, huyện và các lực lượng liên quan thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch tại khu dân cư, trên các trục đường chính,... để kiểm soát, kiểm tra việc người dân ra đường không cần thiết ngay sau khi Chỉ thị này có hiệu lực, đồng thời thường xuyên tổ chức kiểm tra, tuần tra cơ động và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng y tế trong công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập dịch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp che giấu hoặc khai báo gian dối làm lây lan dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
- Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm, phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các Trại tạm giam, Nhà tạm giữ.
d) Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố:
- Tổ chức và chỉ đạo lực lượng quân đội tham gia tại các chốt kiểm soát trên địa bàn theo hiệp đồng phương án với Công an thành phố.
- Phối hợp với lực lượng y tế tiếp tục quản lý các khu cách ly y tế tập trung trên địa bàn.
đ) Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố
- Chủ trì, phối hợp với các lực lượng kiểm soát chặt chẽ tại chốt 13 (cảng Tiên Sa) và chốt 14 (Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang); phối hợp với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại 4 chốt của ngõ thành phố (Tạ Quang Bửu, Ga Thanh Khê, Trần Đại Nghĩa và Ngũ Hành Sơn).
- Cử lực lượng tham gia phục vụ tại các khu cách ly trên địa bàn các quận, bảo đảm an ninh, trật tự tại các khách sạn sử dụng làm cơ sở cách ly y tế trên địa bàn các quận biên giới biển.
e) Sở Công Thương:
- Chủ trì triển khai công tác đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân; có phương án dự trữ trong tình huống phải kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
- Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kết nối cung cầu, tổng hợp, cung cấp thông tin, cung ứng nguồn hàng hóa thiết yếu đến các đơn vị phân phối, siêu thị, chợ, cửa hàng thực phẩm trên địa bàn thành phố phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và dự trữ hàng hóa phòng, chống dịch.
- Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách các cơ sở phân phối, các chợ, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, dịch vụ cung ứng suất ăn nhanh, các điểm kinh doanh lưu động.. .cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho người dân biết, kết nối.
- Lập danh sách các nhân viên giao nhận hàng hóa bằng các phương tiện vận chuyển của các chợ, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi.. .trên địa bàn thành phố có nhu cầu hoạt động gửi Sở Giao thông vận tải để đăng ký cấp mã xác nhận để hoạt động.
- Hướng dẫn các quy định về phòng chống dịch trong hoạt động kinh doanh tại các chợ (Thẻ đi chợ/siêu thị với tần suất 3 lần/tuần, giãn cách các gian hàng...); kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền.
g) Sở Giao thông vận tải:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Y tế, Công an thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan quy định và hướng dẫn các phương tiện vận tải được phép hoạt động theo Chỉ thị này bảo đảm công tác phòng, chống dịch.
- Phối hợp với Công an thành phố, Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan tham gia kiểm soát tại các chốt kiểm soát trên địa bàn thành phố theo phân công.
- Phối hợp với Công an thành phố và các đơn vị liên quan có phương án đảm bảo lưu thông trên các tuyến Quốc lộ 1A, 14B và đường cao tốc.
h) Sở Xây dựng:
- Chỉ đạo tạm dừng thi công các công trình xây dựng dân dụng trên địa bàn; hướng dẫn việc cho phép một số công trình trọng điểm, cấp bách được phép hoạt động.
- Chỉ đạo Công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải hoạt động đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nhân dân trên địa bàn.
- Chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính rà soát, báo cáo UBND thành phố trưng dụng các công trình xây dựng chưa đưa vào sử dụng để hoàn thiện phục vụ công tác phòng, chống dịch.
i) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chủ trì, phối hợp với UBND huyện Hòa Vang chỉ đạo duy trì sản xuất nông nghiệp, đảm bảo công tác an toàn phòng, chống dịch theo quy định.
- Xây dựng và trình UBND thành phố phê duyệt phương án phòng, chống dịch tại Cảng cá Âu thuyền Thọ Quang.
k) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Đảm bảo an sinh xã hội đối với đối tượng chính sách, người nghèo; tổ chức thực hiện Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 19/7/2021 của UBND thành phố, hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 kịp thời, đảm bảo phòng, chống dịch; đảm bảo thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp và phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố chi trả kịp thời cho người lao động.
- Chỉ đạo nghiêm việc phòng, chống dịch COVID-19 tại: Cơ sở xã hội Bầu Bàng, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần và Trung tâm Phụng dưỡng người có công Cách mạng.
l) Sở Tài chính: Tham mưu đề xuất đảm bảo kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo yêu cầu.
m) Sở Thông tin và Truyền thông:
- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí tiếp tục tổ chức tốt công tác truyền thông, cung cấp kịp thời thông tin cho người dân, góp phần huy động toàn dân đoàn kết tham gia, chấp hành nghiêm công tác phong, chống dịch COVID-19.
- Giám sát, đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp đăng tin xấu độc, gây hoang mang, hiểu nhầm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.
- Tích cực triển khai các ứng dụng công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch; phối hợp với Sở Giao thông vận tải khẩn trương xây dựng, hướng dẫn các ứng dụng để quản lý hoạt động cấp mã xác nhận các phương tiện vận tải.
n) Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp:
- Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp chịu trách nhiệm toàn diện và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại khu công nghệ cao và khu công nghiệp, đảm bảo ưu tiên hàng đầu cho công tác phòng, chống dịch, duy trì cơ bản hoạt động sản xuất hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi sản xuất.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao và các khu công nghiệp triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định. Yêu cầu tạm dừng sản xuất đối với các nhà máy, doanh nghiệp khi chưa đủ các điều kiện phòng, chống dịch.
- Lập danh sách các phương tiện và lịch trình vận chuyển công nhân, chuyên gia phục vụ tại Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp gửi Sở Giao thông vận tải để điều phối đảm bảo giao thông thông suốt.
o) Sở Tư pháp: Rà soát, tổng hợp các quy định về hành vi, mức xử phạt vi phạm phòng, chống dịch; hướng dẫn các cơ quan, địa phương thực hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Chỉ thị này.
p) Sở Nội vụ: Đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống dịch của các đơn vị; đề xuất UBND thành phố kịp thời biểu dương, khen thưởng động viên những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có những thành tích xuất sắc, có những đóng góp, ủng hộ trong công tác phòng, chống dịch.
q) UBND các quận, huyện:
- Khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai Chỉ thị này và nhanh chóng triển khai, tổ chức thực hiện đến người dân trên địa bàn.
- Chịu trách nhiệm chỉ đạo toàn diện việc tổ chức thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn. Chỉ đạo các phường, xã xây dựng kế hoạch triển khai Chỉ thị và phân công các lực lượng kiểm tra, giám sát.
- Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, phối hợp với Công an, Quân sự và các lực lượng tại địa phương ra quyết định thiết lập các chốt kiểm soát trên địa bàn khu dân cư để giám sát việc tuân thủ thực hiện Chỉ thị; đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Thành lập Tổ pháp lý để kịp thời kiểm tra, đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm.
- Phối hợp với Sở Công Thương đảm bảo việc cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân; tổ chức cung ứng và vận chuyển nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ các khu vực bị phong tỏa, các cơ sở cách ly tập trung, các khu nhà trọ công nhân, học sinh, sinh viên trên địa bàn.
- Thực hiện các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo trợ cấp xã hội cho đối tượng chính sách, người nghèo, đối tượng yếu thế không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm trong thời gian giãn cách xã hội.
- Chủ trì, phối hợp với các Ban quản lý các dự án kiểm tra, quyết định cho phép các công trình trọng điểm, động lực và cấp bách của thành phố được thi công, đảm bảo công tác phòng, chông dịch, báo cáo UBND thành phố.
- Tiếp tục thực hiện quyết liệt, khẩn trương, nghiêm túc các giải pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thành phố; hạn chế thấp nhất các ca mắc mới trên địa bàn.
r) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố và các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp với các cơ quan và chính quyền các cấp tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự giác, tích cực thực hiện tốt Chỉ thị này; tiếp tục vận động hỗ trợ cho công tác phòng, chông dịch COVID-19.
a) Các quy định biện pháp phòng, chống dịch trước đây trái với quy định tại Chỉ thị này đều được bãi bỏ.
b) Tùy tình hình diễn biến dịch bệnh và kết quả thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố có trách nhiệm đánh giá đề xuất các biện pháp bổ sung hoặc dỡ bỏ cho phù hợp.
c) Chỉ thị này được tuyên truyền, quán triệt đến người dân, các cơ quan, đơn vị, địa phương... đê tổ chức triển khai thực hiện.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và sự đồng thuận, đoàn kết của người dân Đà Nẵng, thành phố kêu gọi “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài” chung tay, chung sức cùng thành phố phòng, chống dịch. Thành phố đã chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cần thiết cung ứng ra thị trường; đề nghị người dân bình tĩnh, yên tâm, không ra ngoài, tập trung đông người để mua sắm, tích trữ hàng hóa, lương thực, thực phẩm; ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong lúc này vô cùng quan trọng, góp phần cùng các đơn vị chức năng kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Công văn 2562/UBND-KT năm 2021 về siết chặt việc cấp và sử dụng Giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội theo Công điện 18/CĐ-UBND do Thành phố Hà Nội ban hành
- 2Công văn 2718/UBND-VX năm 2021 về tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn Thành phố Hồ Chí Minh để quyết liệt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19
- 3Công văn 2647/UBND-KGVX năm 2021 về hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh không có nơi cư trú trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do thành phố Hà Nội ban hành
- 4Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2021 thực hiện chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong tình hình hiện nay
- 5Quyết định 2665/QĐ-UBND năm 2023 bãi bỏ văn bản phòng, chống dịch COVID-19 do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng ban hành
- 1Quyết định 2788/QĐ-UBND năm 2021 bổ sung và điều chỉnh một số biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 05/CT-UBND do thành phố Đà Nẵng ban hành
- 2Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2021 thực hiện chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong tình hình hiện nay
- 3Quyết định 2665/QĐ-UBND năm 2023 bãi bỏ văn bản phòng, chống dịch COVID-19 do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng ban hành
- 1Chỉ thị 16/CT-TTg năm 2020 về thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG năm 2021 ban hành "Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch Covid-19" do Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ban hành
- 3Công văn 2562/UBND-KT năm 2021 về siết chặt việc cấp và sử dụng Giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội theo Công điện 18/CĐ-UBND do Thành phố Hà Nội ban hành
- 4Công văn 2718/UBND-VX năm 2021 về tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn Thành phố Hồ Chí Minh để quyết liệt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19
- 5Công văn 2647/UBND-KGVX năm 2021 về hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh không có nơi cư trú trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do thành phố Hà Nội ban hành
- 6Kế hoạch 135/KH-UBND thực hiện hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 năm 2021 do thành phố Đà Nẵng ban hành
Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2021 về thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để phòng chống dịch COVID-19
- Số hiệu: 05/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 30/07/2021
- Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
- Người ký: Lê Trung Chinh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra