ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/CT-UBND | Ninh Thuận, ngày 05 tháng 03 năm 2019 |
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2019-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.
Qua 07 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 24/5/2011 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới đến năm 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tổ chức Hội nghị đánh giá và kết luận:
Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 24/5/2011 của Tỉnh ủy về thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh chung có nhiều thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen. Nhưng với sự quyết tâm cao trong lãnh đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận đoàn thể các cấp, cùng với sự hưởng ứng tích cực, nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn của nhân dân trong tỉnh nên việc triển khai thực hiện Nghị quyết đã đạt được nhiều kết quả tích cực quan trọng trong công tác chỉ đạo điều hành; công tác tuyên truyền, vận động ở một số địa phương, có thời điểm đã tạo nên phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đã xuất hiện những điểm sáng về huy động nguồn lực như hiến đất, góp công, góp tiền tham gia vào xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn ở nhiều địa phương, cơ quan, doanh nghiệp và các đơn vị lực lượng vũ trang đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong tỉnh. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được triển khai nhân rộng; hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn được nâng lên, đã có bước phát triển đáng kể. Các công trình thiết yếu như: giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, điện nông thôn, trường học, trạm y tế, chợ nông thôn, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn cơ bản đáp ứng được nhu cầu người dân. Diện mạo nông thôn đã có nhiều thay đổi; đời sống vật chất, tinh thần của nông dân tiếp tục được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo trong nông thôn giảm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; dân chủ cơ sở được phát huy; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” tiếp tục được triển khai gắn với cuộc vận động “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã phát huy hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, kết quả đạt được về xây dựng nông thôn mới chưa thật sự bền vững; các tiêu chí đạt được còn thấp so với bình quân chung cả nước; chất lượng các tiêu chí chưa được nâng cao và thiếu tính ổn định; việc huy động nguồn lực xã hội tham gia vào thực hiện các mục tiêu của chương trình còn hạn chế, chưa phát triển thành phong trào mạnh mẽ trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; cơ cấu nguồn lực huy động chưa hợp lý, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, nguồn lực trong dân và doanh nghiệp để thực hiện chương trình còn thấp; công tác tuyên truyền vận động xây dựng nông thôn mới có lúc, có nơi thực hiện chưa toàn diện, thường xuyên, sâu rộng; nội dung, hình thức tuyên truyền chậm được đổi mới, chưa phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện Chương trình, còn một số bộ phận người dân trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là có sự tác động của một số yếu tố khách quan, nhưng chủ yếu là do người đứng đầu ở một số địa phương, đơn vị chưa thật sự tập trung, kiên trì, chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình; công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân chậm được đổi mới, chưa có trọng tâm, trọng điểm; hoạt động của một số ban chỉ đạo, ban quản lý cấp xã hiệu quả thấp; đội ngũ giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình còn hạn chế; công tác kiểm tra đôn đốc, phối hợp hỗ trợ địa phương của các cơ quan liên quan chưa được thường xuyên, kịp thời giải quyết vướng mắc trong chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình; chưa phát huy mạnh mẽ sự tham gia của nhân dân và các doanh nghiệp,...
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém thời gian qua, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 có 50% số xã nông thôn mới, 01-02 huyện nông thôn mới, có 01-02 thôn kiểu mẫu; nâng cao chất lượng các xã nông thôn mới, từng bước tiệm cận hạ tầng và dịch vụ của đô thị văn minh, giàu bản sắc truyền thống theo kết luận của Ban Chấp hành Tỉnh ủy tại Thông báo số 500-TB/TU ngày 28/12/2018. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Đối với công tác tuyên truyền:
- Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, tổ chức hội đoàn thể và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quán triệt, tuyên truyền, làm chuyển biến mạnh mẽ hơn, thực chất hơn nhận thức trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng trong xây dựng nông thôn mới với phương châm “phát huy nội lực là chính”, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm-làm cho được và có tính bền vững; xác định việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị, trọng tâm là phát huy vai trò lãnh đạo chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa bàn nông thôn; nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu, đảng viên ở cộng đồng dân cư; việc huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, cần xác định nguồn lực từ cộng đồng dân cư là chủ yếu, Nhà nước định hướng, hỗ trợ tích cực nhưng không làm thay, tránh sự trông chờ, ỷ lại; đồng thời phát huy tốt quy chế dân chủ, công khai, minh bạch trong sử dụng nguồn lực, có sự tham gia giám sát của người dân và cộng đồng.
- Giao Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận nghiên cứu, xây dựng chương trình “Mỗi ngày 01 câu chuyện về xây dựng nông thôn mới” theo từng chủ đề, nhóm tiêu chí, những cách làm hay trong triển khai thực hiện Chương trình gắn với các mô hình cụ thể (Tập trung vào các mô hình phát triển sản xuất, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phong trào vận động người dân, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp xây dựng nông thôn mới,...); học tập kinh nghiệm hay, cách làm tốt về công tác tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới của các tỉnh bạn để áp dụng tại tỉnh.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, xem đây là trách nhiệm của người đứng đầu ở địa bàn nông thôn; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thường xuyên, liên tục, tập trung phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị-xã hội ở nông thôn và vai trò chủ thể của người dân trong việc thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới; củng cố, kiện toàn hệ thống Ban chỉ đạo và bộ phận giúp việc các cấp; có chương trình kế hoạch, có phân công, phân cấp cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nội dung của chương trình. Thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
- Tập trung huy động, bố trí, lồng ghép các nguồn vốn và quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, đảm bảo đúng quy định, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, lãng phí; ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư cho các xã đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đến năm 2020.
- Đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 11/11/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 trên địa bàn huyện, thành phố; mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, nhất là việc chuyển giao ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, các mô hình liên kết, hợp tác về xây dựng nông thôn mới,... Đồng thời đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chính sách đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với các giải quyết việc làm, nâng cao mức thu nhập cho dân cư nông thôn và giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn,, miền núi.
- Chỉ đạo quyết liệt hoàn thành các quy hoạch chi tiết về xây dựng nông thôn mới ở các xã còn lại; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung để nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch sản xuất phải đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất trước mắt và lâu dài, hướng tới mở rộng phạm vi trên địa bàn xã, huyện để hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với thị trường tiêu thụ.
- Mỗi huyện, thành phố chủ động rà soát, lựa chọn để xây dựng thí điểm tối thiểu 01 thôn kiểu mẫu; nâng cao chất lượng của các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, từng bước tiệm cận hạ tầng và dịch vụ của đô thị văn minh, giàu bản sắc truyền thống.
- Quan tâm các tiêu chí về bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan nông thôn sáng-xanh-sạch-đẹp, hiện đại và giữ gìn được những đặc trưng và bản sắc nông thôn truyền thống. Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, khuyến khích và thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; tổ chức các hoạt động phát triển cộng đồng ở các thôn nhằm phát huy và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp nông thôn.
3. Giao Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các địa phương, các ban ngành liên quan xây dựng và thực hiện hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, nhân rộng các mô hình liên kết bảo đảm an ninh trật tự, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội ở địa bàn nông thôn.
4. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành, tổ chức hội đoàn thể và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát, điều chỉnh, bổ sung, ban hành các cơ chế chính sách, bảo đảm phù hợp và đủ mạnh để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, chú trọng các cơ chế lồng ghép, huy động nguồn lực, sử dụng nguồn vốn thu từ đất đai trên địa bàn các xã để thực hiện đầu tư trở lại; cơ chế chính sách, khuyến khích thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư trên lĩnh vực sản xuất, chế biến, bảo quản các sản phẩm từ nông nghiệp, nông thôn.
5. Giao Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh tập trung tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành và thực hành cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp, trọng tâm là cán bộ xã, thôn.
6. Đối với các Sở, ban ngành được phân công hỗ trợ các địa phương: Tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc, có kế hoạch và giải pháp cụ thể để phối hợp hỗ trợ địa phương hiệu quả, kịp thời giải quyết vướng mắc trong chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, tổ chức hội đoàn thể và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 353/QĐ-UBND năm 2016 Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 – 2020
- 2Quyết định 45/QĐ-UBND năm 2016 về thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016–2020
- 3Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2017 về tăng cường chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2017-2010
- 1Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 2Quyết định 353/QĐ-UBND năm 2016 Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 – 2020
- 3Quyết định 45/QĐ-UBND năm 2016 về thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016–2020
- 4Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2017 về tăng cường chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2017-2010
Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2019 về tăng cường công tác chỉ đạo điều hành xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019-2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- Số hiệu: 05/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 05/03/2019
- Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
- Người ký: Lưu Xuân Vĩnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 05/03/2019
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết