Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/CT-BYT | Hà Nội, ngày 06 tháng 7 năm 2015 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CHẤT THẢI Y TẾ TRONG BỆNH VIỆN
Trong những năm qua, ngành Y tế và các địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý chất thải y tế. Nhiều bệnh viện đã được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế; thực hiện phân loại chất thải ngay tại nơi phát sinh, thu gom và lưu giữ tạm thời chất thải rắn y tế tại các bệnh viện; thực hiện việc chuyển giao và xử lý chất thải y tế đảm bảo đúng theo quy định. Tuy nhiên, thời gian gần đây qua thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đã phát hiện một số bệnh viện chưa làm tốt công tác quản lý chất thải y tế, còn có hiện tượng để chất thải y tế lọt ra bên ngoài. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quản lý chất thải y tế cho cán bộ, nhân viên bệnh viện chưa được thường xuyên. Lãnh đạo nhiều bệnh viện còn chưa quan tâm đến công tác quản lý chất thải y tế. Nhiều địa phương chưa bố trí đủ kinh phí để đầu tư xây dựng, vận hành thường xuyên hệ thống xử lý chất thải cho các bệnh viện.
Để kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý chất thải y tế trong các bệnh viện nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu:
1. Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành tiếp tục tăng cường công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về quản lý chất thải bảo vệ môi trường gồm các nội dung:
a) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Lãnh đạo Bộ, ngành: Ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế cho các bệnh viện trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để thực hiện đúng tiến độ Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới; Bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho các cơ sở y tế khác trên địa bàn để thực hiện Quyết định số 2038/QĐ-TTg ngày 15/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020;
b) Tăng cường phối hợp liên ngành, tiến hành thanh tra, kiểm tra giám sát công tác quản lý chất thải y tế để bảo vệ môi trường; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu bệnh viện.
c) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến chính sách, pháp luật về quản lý chất thải y tế. Tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn về quản lý chất thải y tế cho đội ngũ cán bộ và nhân viên y tế.
d) Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị về Cục Quản lý môi trường y tế để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế.
2. Giám đốc các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Bộ ngành khác và các bệnh viện của địa phương (sau đây gọi tắt là bệnh viện) tích cực chỉ đạo triển khai các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý chất thải bảo vệ môi trường tại bệnh viện gồm các nội dung:
a) Tăng cường công tác quản lý chất thải y tế của bệnh viện theo đúng các quy định hiện hành và theo đúng các nội dung trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Đề án bảo vệ môi trường hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường của bệnh viện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
b) Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải rắn y tế, không để tình trạng lọt chất thải rắn y tế nguy hại ra ngoài. Xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị vi phạm các quy định hiện hành về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế.
c) Chỉ đạo đơn vị vận hành thường xuyên hệ thống xử lý nước thải, hệ thống xử lý chất thải rắn (nếu có). Định kỳ kiểm tra giám sát tình trạng hoạt động của hệ thống xử lý chất thải của bệnh viện; đánh giá chất lượng nước thải sau xử lý để kịp thời khắc phục những sự cố của hệ thống xử lý; báo cáo cơ quan quản lý về môi trường theo quy định. Nếu nước thải y tế sau xử lý không đảm bảo theo QCVN 28:2010/BTNMT hoặc khí thải lò đốt chất thải rắn y tế của bệnh viện (nếu có) không đảm bảo theo QCVN 02:2012/BTNMT, bệnh viện phải có kế hoạch khắc phục phù hợp để đảm bảo nước thải sau xử lý, khí thải của lò đốt đạt quy chuẩn theo quy định. Trường hợp không tự xử lý chất thải y tế, bệnh viện phải ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân có giấy phép phù hợp để thu gom và xử lý chất thải y tế theo đúng quy định của pháp luật.
d) Tổ chức phổ biến, hướng dẫn kịp thời các quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế cho cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện. Tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác vận hành hệ thống xử lý chất thải y tế.
đ) Giao trách nhiệm chính về quản lý chất thải, bảo vệ môi trường của bệnh viện cho một khoa, phòng cụ thể. Bổ nhiệm một cán bộ phụ trách về quản lý chất thải, bảo vệ môi trường để giúp Giám đốc bệnh viện về công tác này.
e) Triển khai thực hiện các thủ tục về bảo vệ môi trường gồm đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; xin cấp phép xả nước thải vào môi trường; lập và trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định Đề án bảo vệ môi trường hoặc Báo cáo đánh giá tác động môi trường; thực hiện quan trắc, giám sát môi trường định kỳ và báo cáo cơ quan quản lý theo các quy định của pháp luật hiện hành.
f) Hàng năm bố trí kinh phí để mua sắm các dụng cụ, phương tiện phục vụ việc phân loại thu gom, vận chuyển, lưu giữ tạm thời chất thải trong bệnh viện đúng chủng loại; kinh phí mua hóa chất phục vụ việc xử lý chất thải y tế; kinh phí chi trả cho các hoạt động dịch vụ để xử lý chất thải y tế của bệnh viện theo đúng quy định.
g) Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị về cơ quan quản lý cấp trên để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế.
3. Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế làm đầu mối phối hợp với Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương và các đơn vị liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, tăng cường đưa tin về những bệnh viện, địa phương làm tốt công tác quản lý chất thải y tế, bảo vệ môi trường và những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đưa kết quả thực hiện về quản lý chất thải, bảo vệ môi trường vào nội dung thi đua khen thưởng hàng năm.
4. Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế làm đầu mối tham mưu cho Lãnh đạo Bộ bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; hướng dẫn các Sở Y tế, các bệnh viện tuyến Trung ương trong việc bố trí kinh phí cho xử lý chất thải y tế của các bệnh viện hàng năm.
5. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung các tiêu chí về quản lý chất thải y tế trong đánh giá chất lượng bệnh viện.
6. Các Viện: Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Pasteur Nha Trang, Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh chủ động hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về quản lý chất thải y tế cho các địa phương; Phối hợp với các Vụ, Cục của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng để thanh tra, kiểm tra giám sát công tác quản lý chất thải tại các tỉnh trên địa bàn quản lý.
7. Cục Quản lý môi trường y tế làm đầu mối phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế, Cục Quản lý khám, chữa bệnh và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; định kỳ hàng năm tiến hành đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị và báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1Quyết định 2575/1999/QĐ-BYT về Quy chế quản lý chất thải y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 2Quyết định 43/2007/QĐ-BYT về quy chế quản lý chất thải y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 3Công văn 2205/BYT-MT năm 2015 tăng cường công tác quản lý chất thải y tế trong bệnh viện do Bộ Y tế ban hành
- 4Quyết định 108/QĐ-K2ĐT năm 2014 về bộ chương trình và tài liệu "Quản lý chất thải y tế" do Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo ban hành
- 5Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT quy định về quản lý chất thải y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 6Quyết định 277/QĐ-BYT năm 2013 Quy trình thanh tra về Quản lý chất thải y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 7Công văn 102/MT-YT năm 2021 hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 do Cục Quản lý môi trường y tế ban hành
- 1Quyết định 2575/1999/QĐ-BYT về Quy chế quản lý chất thải y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 2Quyết định 43/2007/QĐ-BYT về quy chế quản lý chất thải y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 3Quyết định 2038/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 1788/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Công văn 2205/BYT-MT năm 2015 tăng cường công tác quản lý chất thải y tế trong bệnh viện do Bộ Y tế ban hành
- 6Quyết định 108/QĐ-K2ĐT năm 2014 về bộ chương trình và tài liệu "Quản lý chất thải y tế" do Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo ban hành
- 7Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT quy định về quản lý chất thải y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 8Quyết định 277/QĐ-BYT năm 2013 Quy trình thanh tra về Quản lý chất thải y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 9Công văn 102/MT-YT năm 2021 hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 do Cục Quản lý môi trường y tế ban hành
Chỉ thị 05/CT-BYT năm 2015 về tăng cường quản lý chất thải y tế trong bệnh viện do Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 05/CT-BYT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 06/07/2015
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Nguyễn Thị Kim Tiến
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/07/2015
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra