- 1Chỉ thị 30/2005/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 34/2005/CT-TTg về tập trung sức triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả kế hoạch hành động khẩn cấp phòng, chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Chỉ thị 16/2006/CT-TTg về biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng ở gia súc do Thủ tướng chính phủ ban hành
- 4Pháp lệnh Thú y năm 2004
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2007/CT-UBND | Thị xã Cao Lãnh, ngày 01 tháng 02 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRÊN GIA SÚC, GIA CẦM TỈNH ĐỒNG THÁP
Công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cho ngành chăn nuôi phát triển và bảo vệ sức khoẻ cho mọi người. Trong năm 2006, bệnh lở mồm long móng xuất hiện lẻ tẻ trên đàn trâu, bò, heo và dê; dịch bệnh diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan rộng và gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Nguyên nhân của tình trạng này là ổ dịch cũ chưa được xử lý triệt để, công tác tiêm phòng, tiêu độc sát trùng triển khai chưa đều khắp, đồng bộ và đúng quy định, giám sát phát hiện bệnh chưa thường xuyên, việc vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm không được kiểm soát chặt chẽ. Công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm hiện nay vẫn còn tùy tiện, phân tán, nhỏ lẻ, một số địa phương chưa thực hiện tốt việc quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.
Thực hiện Chỉ thị số 34/2005/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung sức triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người; Chỉ thị số 30/2005/CT-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Chỉ thị số 16/2006/CT-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp cấp bách, phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng trên gia súc.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nhằm góp phần hạn chế dịch bệnh, tiến tới tiêu diệt mầm bệnh trên đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi xảy ra dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm phát triển bền vững là sự nghiệp chung, là trách nhiệm của toàn dân, đặc biệt ở các cấp chính quyền, Uỷ ban nhân dân Tỉnh chỉ thị:
1. Công tác giám sát dịch bệnh:
a. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chỉ đạo Chi cục Thú y phối hợp với Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Thú y và Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã), các ngành liên quan, Thú y cấp xã, người chăn nuôi gia súc, gia cầm theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là các ổ dịch cũ, vùng bị uy hiếp, vùng giáp biên giới.
- Phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Tỉnh, Báo Đồng Tháp, Đài Truyền thanh huyện, thị xã và các đoàn thể có hình thức tuyên truyền, vận động, giáo dục cụ thể đến từng khu dân cư, từng cán bộ, đảng viên và nhân dân để mọi người hiểu rõ tính chất nguy hiểm và tác hại của dịch bệnh gia súc, gia cầm đối với hoạt động kinh tế, đời sống của nhân dân. Thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về diễn biến, nguy cơ dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống để mọi người dân biết và chủ động phòng chống dịch nhằm bảo vệ sức khoẻ của bản thân, cộng đồng và đảm bảo an toàn cho sự phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ở cấp tỉnh và huyện phải lập đường dây điện thoại nóng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.
b. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã:
Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, các ngành liên quan và lực lượng chuyên môn về thú y giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi. Nếu để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn mà không phát hiện kịp thời, không áp dụng các biện pháp bao vây, khống chế, dập dịch để dịch bệnh lây lan ra diện rộng thì người đứng đầu chính quyền ở cơ sở và nhân viên thú y cơ sở đó phải chịu trách nhiệm.
c. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã):
Phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể: tổ chức thực hiện việc giám sát dịch bệnh tới tận hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi, giao trách nhiệm giám sát dịch bệnh cho trưởng khóm, ấp và nhân viên thú y xã. Ở mỗi thôn, khóm, ấp phải thông báo địa điểm, địa chỉ của những người có trách nhiệm tiếp nhận thông tin của nhân dân về dịch bệnh. Đề nghị các tổ chức đoàn thể ở địa phương cùng tham gia giám sát, phát hiện bệnh. Có hình thức xử lý những trường hợp vi phạm và khen thưởng kịp thời đối với những người cung cấp thông tin về dịch bệnh gia súc, gia cầm sớm nhất.
2. Công tác tiêm phòng:
a. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Thú y):
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức tiêm phòng vắc xin bắt buộc cho đàn gia súc, gia cầm trong toàn tỉnh (chú ý vùng ổ dịch cũ và vùng có nguy cơ cao). Chỉ đạo Chi cục Thú y phối hợp các ngành có liên quan tiến hành xây dựng và triển khai kế hoạch tiêm phòng đàn gia súc, gia cầm đảm bảo đúng tiến độ thời gian, tỷ lệ tiêm phòng đạt hiệu quả cao, không để xảy ra thất thoát, lãng phí vắc xin (đạt tỷ lệ 100% trong diện tiêm đối với các bệnh phải tiêm phòng bắt buộc, bao gồm: lở mồm long móng; cúm gia cầm; dịch tả heo; tụ huyết trùng trên trâu, bò, heo; dại; niu cát xơn (Newcastle); dịch tả vịt).
- Chủ động xây dựng kế hoạch, đảm bảo kịp thời cung ứng vắc xin, thuốc tiêu độc khử trùng… đến huyện, thị xã.
b. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, các ban, ngành phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền vận động người chăn nuôi hưởng ứng việc tiêm phòng đàn gia súc, gia cầm theo quy định. Có biện pháp xử lý các hộ chăn nuôi cố tình không chấp hành tiêm phòng bắt buộc đàn gia súc, gia cầm theo quy định của Pháp lệnh Thú y.
- Chỉ đạo Trạm Thú y phối hợp với Thú y cấp xã tổ chức tiêm phòng đàn gia súc, gia cầm ở địa phương mình quản lý, đảm bảo đúng thời gian, đúng quy trình kỹ thuật, tỷ lệ tiêm phòng đạt hiệu quả cao, không để xảy ra thất thoát, lãng phí vắc xin.
3. Công tác chăn nuôi gia súc, gia cầm:
a. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Tổ chức, quy hoạch chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm phát triển ngành chăn nuôi bền vững, giảm thiểu chăn nuôi nhỏ lẻ trong hộ gia đình, khuyến khích chuyển đổi phương thức chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp hay bán công nghiệp. Hướng dẫn người dân khi chăn nuôi gia súc, gia cầm phải có chuồng trại cách xa khu, cụm, tuyến dân cư, nguồn nước sinh hoạt và phải đảm bảo an toàn sinh học. Tuyệt đối không được chăn nuôi gia súc, gia cầm trong nội ô thị xã, thị trấn, khu đô thị, chợ, cụm, tuyến dân cư, khu tiểu thủ công nghiệp, bệnh viện, trường học, khu tập trung đông người.
b. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã:
Quy định khu vực được và không được chăn nuôi gia súc, gia cầm cho người dân biết để chấp hành. Kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định cấm nuôi gia súc, gia cầm trong nội ô, nội thị và khu dân cư tập trung. Quản lý chặt chẽ đàn gia súc, gia cầm của địa phương nhất là vịt đàn. Không cho phép chăn thả vịt đàn trên sông, kênh, rạch, nguồn nước sinh hoạt của nhân dân, nghiêm cấm nuôi thả rong và nuôi vịt chạy đồng. Địa phương nào để xảy ra tình trạng chăn nuôi gia súc, gia cầm trong nội ô, nội thị, cụm tuyến dân cư, nơi tập trung đông người, chăn thả vịt chạy đồng và trên nguồn nước sinh hoạt của nhân dân thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân địa phương đó chịu trách nhiệm.
c. Con giống phải đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng, xuất phát từ vùng an toàn dịch bệnh và phải thực hiện tiêm phòng bắt buộc theo quy định của ngành thú y. Kiểm tra và kiên quyết xử lý đối với các cơ sở ấp trứng sản xuất con giống, tái đàn vịt, ngan, ngỗng và chim cút trái phép trên địa bàn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
d. Người chăn nuôi phải tuyệt đối chấp hành những quy định của ngành thú y và của các cơ quan chức năng trong việc chăn nuôi gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi và thực hiện việc đăng ký nuôi, tiêm phòng, báo cáo tình hình dịch bệnh…
4. Công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng:
a. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Chỉ đạo Chi cục Thú y hướng dẫn, giám sát việc vệ sinh tiêu độc khử trùng. Kiểm tra thực hiện điều kiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; chuẩn bị hóa chất tiêu độc, khử trùng, cung cấp thuốc tiêu độc, khử trùng, hướng dẫn người chăn nuôi tiêu độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đồng bộ các biện pháp an toàn sinh học vệ sinh tiêu độc, khử trùng kết hợp tiêm vắc xin phòng bệnh gia súc, gia cầm trong thời gian nuôi.
b. Ban Quản lý chợ: tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng tại các chợ thực phẩm, nơi mua, bán gia súc, gia cầm sống, sản phẩm gia súc, gia cầm theo hướng dẫn của ngành thú y.
c. Đài Phát thanh và Truyền hình Tỉnh: lập kế hoạch phối hợp với ngành nông nghiệp tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên tiêu độc, sát trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi. Khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện đồng bộ các biện pháp an toàn sinh học.
5. Công tác kiểm tra việc mua bán vận chuyển và giết mổ gia súc, gia cầm:
a. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Phối hợp với các ngành liên quan tổ chức kiểm soát chặt chẽ về thú y đối với việc vận chuyển gia súc, gia cầm ra, vào địa phương. Chỉ đạo nghiêm ngặt công tác kiểm tra vệ sinh thú y trong việc giết mổ gia súc, gia cầm, vận chuyển, tiêu thụ gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm. Tổ chức các điểm kiểm dịch thú y để kiểm tra, kiểm soát về thú y trong việc vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm. Cấm vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm, mua bán gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch của ngành thú y. Khắc phục ngay tình trạng tái diễn việc giết mổ, mua bán gia súc, gia cầm phân tán trong khu đô thị và khu dân cư tập trung đông người.
- Tăng cường giám sát quản lý, kiểm tra, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ chặt chẽ theo các quy định bắt buộc về vệ sinh thú y, kiểm tra việc kinh doanh gia súc, gia cầm, sơ chế động vật và sản phẩm động vật. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật đối với gia súc, gia cầm. Không tiến hành giết mổ tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung không qua kiểm soát của ngành thú y, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
- Phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Hải quan ngăn chặn và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới. Tiến hành tiêu huỷ gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc theo quy định của pháp luật.
b. Sở Thương mại và Du lịch:
Phối hợp với ngành thú y các địa phương tiến hành quy hoạch khu vực kinh doanh gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm khi đã qua kiểm dịch, kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y. Tiếp tục chỉ đạo việc xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại các địa phương, nghiêm túc thực hiện việc không giết mổ gia súc, gia cầm tự do trong nội ô, nội thị, khu dân cư tập trung. Quy định rõ các chợ và khu vực được phép buôn bán gia súc, gia cầm ở nông thôn, nghiêm cấm việc mua bán gia súc gia cầm trong nội ô, nội thị. Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường, Ban Quản lý chợ thường xuyên kiểm tra việc vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm và mua bán sản phẩm gia súc, gia cầm ở các chợ theo quy định.
c. Công an Tỉnh, Quản lý thị trường hỗ trợ tích cực cho ngành thú y trong kiểm tra việc mua bán, vận chuyển và giết mổ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch của ngành thú y, không đảm bảo vệ sinh thú y.
d. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã: khẩn trương triển khai các chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và phát triển chăn nuôi an toàn dịch bệnh gắn với việc giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Triển khai việc xây dựng và thực hiện quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo Pháp lệnh Thú y, Nghị định và Chỉ thị của Chính phủ, hướng dẫn và quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y, Uỷ ban nhân dân Tỉnh phù hợp với từng địa phương và phương án xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm của ngành thú y, đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng và môi trường sinh thái.
6. Khi có dịch xảy ra:
a. Các địa phương có dịch xảy ra trên địa bàn phải công bố dịch theo quy định hiện hành của Pháp lệnh Thú y. Tập trung chỉ đạo kiên quyết và huy động mọi nguồn lực địa phương để triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và quy định của pháp luật về thú y; xác định công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền các cấp đặc biệt là bệnh lở mồm long móng và cúm gia cầm.
b. Sở Tài chính:
Chủ động bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách dự phòng để phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; hỗ trợ người chăn nuôi khi có gia súc, gia cầm bị tiêu huỷ và bồi dưỡng lực lượng tham gia phòng, chống dịch trong thời gian công bố dịch. Cân đối ngân sách để đảm bảo chi theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm như: vật tư, trang thiết bị, hóa chất để tiêu độc khử trùng, trang bị bảo hộ lao động, tài liệu thông tin tuyên truyền, vắc xin tiêm phòng định kỳ, bao vây, dập dịch. Hướng dẫn các sở, ban ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã lập dự trù kinh phí phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và kiểm tra việc thanh, quyết toán đung theo quy định hiện hành.
c. Duy trì thường xuyên hoạt động của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ở các cấp để kịp thời chỉ đạo các thành viên tham gia phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có hiệu quả. Phân công cụ thể các thành viên của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi phụ trách và giám sát chặt chẽ từng địa bàn.
d. Đoàn Kiểm tra Liên ngành thường xuyên kiểm tra việc, mua bán vận chuyển giết mổ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm xuất nhập trên địa bàn Tỉnh, nhất là các chợ thực phẩm theo quy định. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
đ. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng phản ứng nhanh ở từng địa phương để kịp thời xử lý nhanh, triệt để khi có dịch bệnh xảy ra (tiêu huỷ gia súc, gia cầm trong ổ dịch, tiêu độc, khử trùng, khoanh vùng, bao vây ổ dịch…) và trang bị các điều kiện, cơ sở vật chất như thuốc tiêu độc sát trùng, trang bị bảo hộ lao động… cho công tác phòng, chống dịch.
e. Sở Y tế:
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có khả năng lây lan sang người để chủ động kịp thời đối phó khi tình huống xấu xảy ra, đồng thời xây dựng phương án và kế hoạch hành động khẩn cấp khi xảy ra đại dịch cúm ở người; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, thuốc chữa bệnh để sẳn sàn ứng phó khi xảy ra đại dịch cúm trên người. Chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện các giám sát tình hình sức khoẻ đối với lực lượng tham gia tiêm phòng, chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh, sản xuất có liên quan đến gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm. Kiểm tra công tác bảo hộ lao động; hướng dẫn công tác tiêu độc, sát trùng môi trường xung quanh khu vực xảy ra trường hợp nhiễm, nghi nhiễm bệnh từ gia súc, gia cầm lây sang người. Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đài Phát thanh và Truyền hình, Sở Văn hóa Thông tin, Sở Giáo dục và Đào tạo, các đoàn thể… tổ chức xây dựng nội dung tuyên truyền, phổ biến, sinh hoạt trong nhân dân, trường học, cơ quan.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 13/2005/CT-UBND ngày 09 tháng 11 năm 2005 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành Tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã phối hợp với các đoàn thể tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1Chỉ thị 15/CT-UBND năm 2009 về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản trong chăn nuôi, thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 2Chỉ thị 31/CT-UBND năm 2009 tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 3Chỉ thị 36/CT-UBND năm 2009 về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y động vật và sản phẩm động vật do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 4Quyết định 2612/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh An Giang
- 5Kế hoạch 5408/KH-UBND năm 2017 về phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2018 do tỉnh Ninh Thuận ban hành
- 1Chỉ thị 30/2005/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 34/2005/CT-TTg về tập trung sức triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả kế hoạch hành động khẩn cấp phòng, chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Chỉ thị 16/2006/CT-TTg về biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng ở gia súc do Thủ tướng chính phủ ban hành
- 4Pháp lệnh Thú y năm 2004
- 5Chỉ thị 15/CT-UBND năm 2009 về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản trong chăn nuôi, thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 6Chỉ thị 31/CT-UBND năm 2009 tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 7Chỉ thị 36/CT-UBND năm 2009 về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y động vật và sản phẩm động vật do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 8Quyết định 2612/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh An Giang
- 9Kế hoạch 5408/KH-UBND năm 2017 về phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2018 do tỉnh Ninh Thuận ban hành
Chỉ thị 05/2007/CT-UBND về triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tỉnh Đồng Tháp
- Số hiệu: 05/2007/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 01/02/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
- Người ký: Trương Ngọc Hân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 11/02/2007
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết