Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2007/CT-UBND | Phủ Lý, ngày 20 tháng 7 năm 2007 |
CHỈ THỊ
V/V TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ ĐẠI LÝ INTERNET CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM
Thời gian qua, hoạt động kinh doanh dịch vụ Internet trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển nhanh chóng, thu hút được nhiều đối tượng sử dụng, khai thác thông tin, góp phần nâng cao trình độ kiến thức cho nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 2.026 thuê bao Internet trong đó có 223 đại lý Internet công cộng do Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Viettel Hà Nam và Trung tâm Viễn thông điện lực Hà Nam cung cấp dịch vụ Internet.
Tuy nhiên, hoạt động cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet tại các đại lý còn nhiều bất cập, hạn chế. Mật độ thuê bao Internet còn thấp (đạt mật độ là 0,247 máy/100 dân), so với bình quân cả nước (5,1 máy/100 dân). Các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng Internet tuy đã thực hiện việc cài đặt phần mềm quản lý đại lý nhưng việc kiểm tra, giám sát chưa đạt hiệu quả cao. Một số đại lý chưa thực hiện các quy định của Nhà nước, vi phạm về thời gian, còn để xảy ra mất an toàn và để người sử dụng truy cập vào các trang tin có nội dung cấm gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Một bộ phận không nhỏ trong Thanh, thiếu niên chưa quan tâm khai thác các thông tin hữu ích trên mạng phục vụ cho học tập. Công tác phòng, chống cháy nổ chưa được chú trọng…
Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật của các đại lý và người sử dụng Internet chưa cao, các doanh nghiệp cung cấp chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp có lúc, có nơi chưa tập trung, phối hợp chưa đồng bộ hiệu quả chưa cao.
Để tiếp tục đưa công tác quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet phát triển đúng hướng và phát huy tối đa các lợi thế của Internet phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Sở Bưu chính, Viễn thông:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của Nhà nước về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Các cơ quan Báo, Đài phát thanh truyền hình của tỉnh đưa tin, tăng thời lượng phát sóng... để nhân dân hiểu được vai trò quan trọng của Internet trong quá trình hội nhập phát triển kinh tế - xã hội.
b) Chỉ đạo và hướng dẫn các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet đảm bảo thực hiện các quy định của Nhà nước đối với đại lý Internet.
c) Xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất các đại lý Internet công cộng.
d) Chủ động đề xuất các biện pháp để hoàn thiện các phần mềm quản lý đại lý Internet với các cơ quan có thẩm quyền.
đ) Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các trang tin có nội dung không lành mạnh.
e) Phối hợp với các Sở, ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã thực hiện việc thanh tra, kiểm tra xử lý các đại lý Internet vi phạm về quản lý, cung cấp và sử dụng Internet theo đúng quy định của pháp luật.
2. Công an tỉnh
a) Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác quản lý bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động Internet.
b) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sử dụng Internet cách phòng ngừa, phát hiện ngăn chặn và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý các hành vi lợi dụng Internet để truyền bá những nội dung, tư tưởng phản động gây ảnh hưởng an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
c) Chỉ đạo các đại lý Internet thực hiện công tác phòng, chống cháy nổ theo quy định.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Đẩy mạnh công tác giáo dục, định hướng cho thanh, thiếu niên nâng cao có ý thức sử dụng thông tin trên mạng theo hướng lành mạnh, tích cực; chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về sử dung dịch vụ Internet.
b) Nghiên cứu mở rộng các điểm truy cập Internet trong trường học và các trung tâm văn hoá.
c) Giao trách nhiệm cho các tổ chức đoàn, đội trong các Nhà trường phát động phong trào học sinh, sinh viên không khai thác, sử dụng thông tin có nội dung xấu trên Internet.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã:
a) Tạo điều kiện thuận lợi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đại lý Internet cho các tổ chức, cá nhân xin đăng ký khi đã có đủ điều kiện, thực hiện việc thu hồi giấy phép khi đại lý vi phạm các quy định của pháp luật trong phạm vi địa bàn quản lý.
b) Thường xuyên kiểm tra và có biện pháp xử lý kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Nhà nước về Internet công cộng. Hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh trong công tác kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm trong hoạt động Internet công cộng tại địa phương.
5. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet:
a) Thực hiện việc giảm giá cước theo Quyết định số 43/QĐ-BBCVT ngày 02 tháng 11 năm 2006 về danh mục dịch vụ viễn thông công ích và các quy định của Bộ Bưu chính Viễn thông; tạo thuận lợi cho các thuê bao có đủ điều kiện ký hợp đồng đại lý; phát triển hạ tầng cung cấp dịch vụ Internet đến vùng sâu, vùng xa, đến các Nhà văn hoá xã, thôn...
b) Xây dựng quy chế quản lý đại lý Internet công cộng.
c) Cài đặt và kiểm tra, giám sát việc sử dụng phần mềm quản lý tại doanh nghiệp và các đại lý theo đúng quy định.
d) Tổ chức tập huấn các văn bản pháp luật có liên quan và hướng dẫn các đại lý xây dựng nội quy sử dụng dịch vụ Internet.
đ) Ngừng cung cấp dịch vụ đối với các đại lý vi phạm theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
6. Các đại lý Internet công cộng:
a) Phải ký hợp đồng đại lý với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet.
b) Chủ đại lý phải xây dựng và niêm yết nội quy sử dụng dịch vụ Internet tại cơ sở đại lý của mình trong đó bao gồm các điều cấm quy định tại Điều 11 Nghị định 55/2001/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2001 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và Giám đốc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, các Chủ đại lý Internet công cộng trên địa bàn tỉnh Hà Nam triển khai thực hiện Chỉ thị này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1Quyết định 03/2009/QĐ-UBND quy định thời gian mở, đóng cửa hàng ngày của đại lý internet công cộng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh do Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành
- 2Quyết định 17/2011/QĐ-UBND Quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và trò chơi trực tuyến tại đại lý Internet công cộng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu do Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành
- 1Quyết định 43/2006/QĐ-BBCVT về danh mục dịch vụ viễn thông công ích do Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành
- 2Nghị định 55/2001/NĐ-CP về việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet
- 3Quyết định 03/2009/QĐ-UBND quy định thời gian mở, đóng cửa hàng ngày của đại lý internet công cộng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh do Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành
- 4Quyết định 17/2011/QĐ-UBND Quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và trò chơi trực tuyến tại đại lý Internet công cộng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu do Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành
Chỉ thị 05/2007/CT-UBND tăng cường quản lý đại lý Internet công cộng trên địa bàn tỉnh Hà Nam
- Số hiệu: 05/2007/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 20/07/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam
- Người ký: Trần Xuân Lộc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra