Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
******


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
******

Số: 05/2003/CT-BYT

Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2003

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH TOÀN DIỆN TRONG CÁC BỆNH VIỆN

Chăm sóc người bệnh toàn diện là nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên trong toàn bệnh viện nhằm đảm bảo chất lượng chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh. Để tăng cường chất lượng các dịch vụ chăm sóc và niềm tin cho người bệnh, Bộ Y tế đã ban hành Quy chế chăm sóc người bệnh toàn diện trong Quy chế bệnh viện, tại Quyết định số 1895/1997/BYT-QĐ ngày 19/9/1997 và Kế hoạch tăng cường dịch vụ điều dưỡng hộ sinh đến năm 2010, tại Quyết định số 1613/2002/QĐ-BYT ngày 03/5/2002. Qua 6 năm thực hiện, công tác khám chữa bệnh và chăm sóc toàn diện đã đạt được những kết quả bước đầu: xây dựng được các quy trình kỹ thuật điều trị, chăm sóc và chống nhiễm khuẩn; áp dụng được nhiều tiến bộ khoa học công nghệ mới về chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh; nhiều bệnh viện đã xây dựng được các khoa điểm về chăm sóc người bệnh toàn diện góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, công tác chăm sóc người bệnh toàn diện chưa được nhân rộng; công tác giáo dục sức khỏe, tư vấn, hướng dẫn và giao tiếp của cán bộ y tế với người bệnh chưa được quan tâm đúng mức; công tác nuôi dưỡng và chăm sóc người bệnh còn nhiều tồn tại. Nguyên nhân của những tồn tại trên là do lãnh đạo bệnh viện nhận thức chưa đầy đủ về chăm sóc người bệnh toàn diện, chưa quan tâm xây dựng và củng cố hệ thống y tá - điều dưỡng trưởng, thiếu y tá - điều dưỡng, thiếu phương tiện chăm sóc, đồng thời về vĩ mô còn thiếu hệ thống chế độ chính sách đồng bộ cho y tá - điều dưỡng. Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị cho người bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị Giám đốc các Sở Y tế, Thủ trưởng y tế các ngành. Giám đốc các bệnh viện trong toàn quốc triển khai thực hiện các công việc sau:

1. Phải kiện toàn mạng lưới y tá - điều dưỡng trưởng ở Bộ Y tế, Sở Y tế, bệnh viện thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bệnh viện ngành, Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi là trung tâm y tế huyện), điều dưỡng trưởng khối, điều dưỡng trưởng khoa trong bệnh viện. Đảm bảo tỷ lệ 1 bác sĩ có 2,5 y tá - điều dưỡng, hộ sinh. Giám đốc bệnh viện, Giám đốc Trung tâm y tế quận, huyện, Giám đốc Trung tâm y tế ngành có giường bệnh (sau đây gọi chung là bệnh viện) phải bố trí y tá - điều dưỡng làm đúng nghề đào tạo và giao nhiệm vụ cho y tá - điều dưỡng trưởng theo quy định của Bộ Y tế. Y tá - điều dưỡng trưởng có trách nhiệm thực hiện tốt chức trách được giao.

2. Thành lập Ban Chỉ đạo chăm sóc người bệnh toàn diện trong các bệnh viện. Giám đốc bệnh viện làm trưởng ban, Trưởng phòng y tá - điều dưỡng làm thường trực; Trưởng các phòng chức năng, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn, Trưởng khoa Dược và đại diện Trưởng khoa lâm sàng (do Giám đốc bệnh viện lựa chọn) là thành viên. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện chăm sóc người bệnh toàn diện trong toàn bệnh viện.

3. Giám đốc bệnh viện có trách nhiệm tổ chức huấn luyện, cập nhật kiến thức và kỹ năng cho các bác sỹ, y tá - điều dưỡng, hộ lý về nội dung chăm sóc người bệnh toàn diện, chống nhiễm khuẩn, kỹ năng giao tiếp; đảm bảo nhân lực, trang thiết bị để thực hiện chăm sóc toàn diện; tổ chức các dịch vụ đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần cho người bệnh. Tổ chức tốt phong trào thi đua chăm sóc người bệnh toàn diện và định kỳ đánh giá kết quả thực hiện.

4. Trưởng khoa của bệnh viện có trách nhiệm tổ chức các nhóm chăm sóc toàn diện. Mỗi nhóm phải có đầy đủ bác sỹ, y tá - điều dưỡng, hộ lý và phải chịu trách nhiệm thực hiện các nội dung chăm sóc toàn diện về chẩn đoán, điều trị, theo dõi, chăm sóc, giáo dục sức khỏe, dùng thuốc hợp lý an toàn, đảm bảo nuôi dưỡng người bệnh theo chế độ bệnh lý; cung cấp đủ quần áo, đồ vải cho người bệnh; có lịch đi buồng hàng ngày để theo dõi, tiếp xúc với người bệnh.

5. Các khoa xét nghiệm, dược, chống nhiễm khuẩn và khoa dinh dưỡng phải cung cấp dịch vụ đến các khoa lâm sàng để tạo điều kiện cho y tá - điều dưỡng có nhiều thời gian trực tiếp chăm sóc, phục vụ người bệnh.

Nhận được Chỉ thị này, Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng y tế ngành, Giám đốc các bệnh viện có trách nhiệm triển khai thực hiện và báo cáo kết quả hàng năm về Bộ Y tế. Vụ Điều trị là đầu mối phối hợp với các Vụ Tổ chức - Cán bộ để chỉ đạo kiện toàn mạng lưới y tá - điều dưỡng trưởng ở các cấp và phối hợp với Vụ Y học Cổ truyền, Vụ Sức khỏe sinh sản, Thanh tra Bộ Y tế để kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

 

 

 

 

Trần Thị Trung Chiến