Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/1997/CT-UB

Long xuyên, ngày 20 tháng 01 năm 1997

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC THU THUẾ NĂM 1997

Năm qua, tuy bị thiên tai, lũ lụt nặng nề, tiêu thụ lương thực và thuỷ sản gặp nhiều khó khăn, nhưng tình hình kinh tế xã hội tỉnh nhà tiếp tục phát triển khá toàn diện, nhiều chỉ tiêu quan trọng đã đạt và vượt kế hoạch, trong đó công tác thu thuế nói riêng và thu ngân sách nói chung đạt được những kết quả đáng phấn khởi, đã góp phần quan trọng vào việc phát triển Kinh tế - Xã hội tỉnh nhà. Tuy nhiên, còn một số nguồn thu đạt kế hoạch thấp, còn thất thu, nhất là khu vực ngoài quốc doanh, chưa tháo gỡ kịp thời một số trường hợp cụ thể để thúc đẩy sản xuất phát triển, thực sự là công cụ đòn bẩy kinh tế.

Bước vào năm 1997, bên cạnh thành tích và thuận lợi còn nhiều khó khăn thử thách, nhất là phải khắc phục hậu quả lũ lụt, đồng thời phải đẩy nhanh tốc độ phát triển Kinh tế Xã hội và ổn định đời sống theo yêu cầu nhiệm vụ kế hoạch và mục tiêu Kinh tế - xã hội năm 1997 của Tỉnh. Do đó, nhiệm vụ thu ngân sách năm 1997 nói chung và thu thuế nói riêng hết sức nặng nề, đặc biệt là năm bắt đầu thực hiện phân cấp quản lý theo Luật ngân sách mới ban hành.

Để đảm bảo yêu cầu về công tác thu thuế năm 1997. Chủ tịch UBND tỉnh Chỉ thị những vấn đề chủ yếu sau đây:

1- Cục thuế phối hợp với Sở Thương mại Du lịch và các ngành có liên quan thực hiện Chỉ thị 657/TTg ngày 13/09/1996 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh. Qua kê khai đăng ký kinh doanh, từ đó có phân loại, lập bộ thuế chính xác, phục vụ cho công tác quản lý kinh doanh theo hướng thúc đẩy phát triển Kinh tế - xã hội trên địa bàn, đảm bảo công bằng, chống đầu cơ buôn lậu.

2- Tập trung thu đúng và thu đủ các khoản thuế, phí, lệ phí theo các Luật và Pháp lệnh đã quy định. Trong đó các nguồn thu chủ yếu là: Thu từ khu vực kinh tế quốc doanh, ngoài quốc doanh, thuế nông nghiệp, các khoản phí và lệ phí.

- Đối với khu vực kinh tế quốc doanh cần tập trung:

Kiểm tra đôn đốc thu nộp theo sát nghiệp vụ kinh tế phát sinh.

Tổ chức quyết toán năm 1996, kiểm tra từng qúi năm 1997, xử lý những tồn tại để thu sát số phát sinh và tồn đọng qua quyết toán.

Thực hiện nghiêm chỉnh quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với Doanh nghiệp Nhà nước theo Nghị định số 59/CP ngày 03/10/1996 của Chính phủ.

Những trường hợp kiểm tra phát hiện Doanh nghiệp Nhà nước để tư nhân núp bóng kinh doanh trốn thuế thì phải kiên quyết đưa ra quản lý theo đối tượng là tư nhân cá thể, đồng thời có xử lý nghiêm theo luật định.

- Đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh: Tập trung những khâu chủ yếu sau:

Tổ chức thu dứt điểm thuế môn bài trong qúi I/1997, làm tốt công tác điều tra hộ, đảm bảo phải đưa hết các tổ chức cá nhân có thực tế kinh doanh vào quản lý thuế, kiên quyết chống sót hộ để thu ngoài bộ thuế.

Tập trung chỉ đạo thường xuyên thu thuế doanh thu và lợi tức, vì đây là nguồn thu chủ yếu chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu kinh tế ngoài quốc doanh. Đồng thời khắc phục những vấn đề tồn tại như: Thất thu về hộ, doanh số, tình trạng nợ đọng, quản lý ngưng nghỉ kinh doanh thiếu chặt chẽ.

Công tác quản lý thu phải tuân thủ các qui trình nghiệp vụ về điều tra khảo sát tình hình kinh doanh thực tế, tính thuế, lập bộ, thu thuế, kiểm tra uốn nắn những sai lệch và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Đẩy mạnh công tác mở sổ sách kế toán, sử dụng chứng từ hoá đơn trong kinh doanh, nhằm tính thuế đúng, đủ theo thực tế phát sinh. Chuyển đổi một bước cơ bản trong nội dung quản lý theo hướng phục vụ cho công cuộc cải cách thuế đạt kết quả tốt.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, thường xuyên chống thất thu thuế. Coi đây là một chương trình công tác trọng tâm thường xuyên để tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước và tạo công bằng trong kinh doanh, tạo ý thức chấp hành pháp luật đối với các đối tượng nộp thuế.

Mở rộng đối tượng nộp thuế qua Kho bạc Nhà nước. Tạo thành ý thức tốt về thực hiện nghĩa vụ thuế của nhân dân đối với Nhà nước. Giảm bớt lượng tiền mặt thu thuế tồn đọng trong cán bộ thuế kéo dài trái quy định; đề phòng và chống tiêu cực thất thoát hoặc các phát sinh trong quản lý tiền thuế.

Củng cố, sắp xếp, bố trí lại lực lượng quản lý trên khâu lưu thông, thực hiện có hiệu quả việc ngăn chặn nạn buôn lậu để tăng thu cho Ngân sách Nhà nước.

Đối với thuế sát sinh, cần kết hợp chặt chẽ với cơ quan thú y và quản lý thị trường để tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong tổ chức giết mổ và đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thuế chặt chẽ, kiên quyết chống trốn lậu thuế.

Về thuế sử dụng đất, tiến hành tổ chức thu đung, thu đủ theo chủ trương và quy định đối với thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất, tiền thuê đất và các khoản tiền sử dụng đất. Ngành thuế phải thông báo và hướng dẫn cụ thể, vì đây là vấn đề mới còn phức tạp.

Riêng đối với thuế sử dụng đất nông nghiệp phấn đấu hoàn thành cơ bản trong vụ đông xuân, không nên để quá thời vụ dẫn đến tình trạng nợ đọng kéo dài (trừ những khi có tình hình phát sinh đặc biệt). Sở Địa chính phải sớm hoàn thành thủ tục ký hợp đồng thuê đất trình Thường trực UBND Tỉnh phê duyệt để cấp giấy chứng nhận. Tổ chức được thuê đất phải thực hiện tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước.

3- Các ngành, các cấp phải chấp hành nghiêm túc phân cấp quản lý ngân sách theo Luật Ngân sách, không vì lợi ích cục bộ địa phương mà làm trái với quy định. Những vấn đề nảy sinh làm ảnh hưởng đến sự phát triển. Cục thuế, các nngành chức năng phối hợp nghiên cứu đề xuất chủ trương cho Uỷ ban nhân dân tỉnh để tháo gỡ, không để sản xuất kinh doanh đình đốn.

4- Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chỉ thị này.

Ngành thuế phải có kế hoạch phối hợp chặt chẽ và đồng bộ với các ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, tổ chức học tập, giáo dục trong nhân dân. Trước hết là đối với cán bộ, công nhân viên chức, các lực lượng vũ trang thông suốt Luật và các quy định về thuế, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và nhiệm vụ xây dựng ngân sách nhà nước.

Các cơ quan truyền thông, Báo, Đài phát thanh và truyền hình An Giang... có kế hoạch cụ thể và bằng các hình thức, nội dung phong phú, tổ chức phổ biến tuyên truyền, hướng dẫn và cổ vũ động viên thực hiện.

5- Giao cho Cục trưởng Cục thuế chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này và báo cáo thường xuyên về Chủ tịch UBND tỉnh.

Giám đốc các Sở ngành nêu trên và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các Huyện, Thị xã có trạch nhiệm phối hợp tổ chức triển khai thực hiện tốt tinh thần chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện có gì khó khăn, vướng mắc phải kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo và báo cáo kết quả thực hiện về Thường trực UBND tỉnh.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh uỷ (báo cáo)
- TT UBND tỉnh (báo cáo)
- Cục Thuế, Sở Địa chính, Hội Nông dân,
Các đoàn thể trong tỉnh và các ngành có
liên quan, Báo, Đài phát thanh.
- UBND các huyện, thị xã
- Hội đồng tư vấn thuế các huyện, thị xã                               
- Văn phòng UBND tỉnh (để thực hiện)
- Lưu VP

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KT. CHỦ TỊCH
 PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Nhị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 05/1997/CT-UB về công tác thu thuế năm 1997 do tỉnh An Giang ban hành

  • Số hiệu: 05/1997/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 20/01/1997
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Nguyễn Minh Nhị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản