Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/CT-UBND

Phú Yên, ngày 16 tháng 3 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC SOẠN THẢO, BAN HÀNH, KIỂM TRA, XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN

Trong thời gian qua, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, hệ thống văn bản QPPL từng bước được hoàn thiện, phát hiện và xử lý nhiều văn bản không còn phù hợp, trái pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, việc tham mưu xây dựng văn bản của một số cơ quan, đơn vị vẫn chưa đảm bảo trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cùng một thời điểm nhưng một cơ quan trình UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản để điều chỉnh cùng một nội dung; tình trạng sao chép văn bản cấp trên, văn bản của các địa phương khác còn khá phổ biến, nhiều văn bản soạn thảo không có cơ sở pháp lý hoặc không phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; văn bản soạn thảo chưa đúng thể thức; văn bản hành chính ban hành có nội dung chứa QPPL; việc báo cáo giải trình tiếp thu của cơ quan soạn thảo sau khi có báo cáo thẩm định của cơ quan tư pháp có lúc chưa được thực hiện nghiêm túc đầy đủ; nhiều văn bản sau khi được ban hành không gửi các cơ quan để thực hiện công tác kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát theo quy định (một số văn bản cấp xã không gửi về Phòng Tư pháp cấp huyện; văn bản cấp huyện không gửi về Sở Tư pháp; văn bản của tỉnh không gửi về Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp theo Công văn số 539/KTrVB-CSDL ngày 05/10/2016 của Cục Kiểm tra văn bản QPPL; các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện chưa thực hiện tốt công tác tự kiểm tra, đề nghị xử lý văn bản trái pháp luật thuộc lĩnh vực mình phụ trách, mà chủ yếu do Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp phát hiện, đề nghị xử lý...Những hạn chế trên đã làm cho chất lượng các văn bản chưa đáp ứng yêu cầu, tính khả thi chưa cao.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, đảm bảo thực hiện tốt quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND ngày 15/02/2017 của UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp xây dựng, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Phú Yên, kịp thời chấn chỉnh công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra, xử lý văn bản trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo như sau:

1. Trách nhiệm của một số cơ quan, ban ngành, địa phương trong công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra, xử lý văn bản QPPL:

- Lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện nghiên cứu, nắm bắt văn bản thuộc chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý nhà nước do mình phụ trách và quy trình xây dựng văn bản QPPL của HĐND, UBND để chủ động tham mưu xây dựng văn bản QPPL của HĐND, UBND đúng thời gian, đúng quy định, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương. Khi tham mưu cho HĐND, UBND ban hành văn bản quy phạm pháp luật phục vụ yêu cầu của công tác quản lý thuộc ngành, lĩnh vực mình phụ trách phải tuân thủ trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND. Cơ quan tham mưu xây dựng văn bản không kịp thời hoặc chậm tham mưu sửa đổi, bổ sung, thay thế những văn bản không còn phù hợp thuộc lĩnh vực mình phụ trách, thì thủ trưởng cơ quan đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

- Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện kiểm tra, đánh giá trình độ chuyên môn, am hiểu pháp luật của công chức, viên chức của cơ quan, địa phương mình để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục hạn chế trong việc tham mưu xây dựng văn bản QPPL. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, kỹ năng soạn thảo, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, bố trí những người có trình độ chuyên môn, am hiểu sâu trong các lĩnh vực để thực hiện công tác tham mưu soạn thảo văn bản.

- Về trách nhiệm trong soạn thảo, trình dự thảo văn bản QPPL: Cơ quan được giao chủ trì soạn thảo văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp cần căn cứ vào thẩm quyền chung về nội dung được quy định tại Điều 27, Điều 28, Điều 30 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các quy định có liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành, nghiên cứu kỹ, cụ thể hóa các nội dung thuộc thẩm quyền, tránh tình trạng văn bản được chuẩn bị sơ sài, chung chung, sao chép lại các quy định của cấp trên, sao chép nguyên văn bản địa phương khác không phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, không đáp ứng yêu cầu đề ra. Cơ quan, cá nhân được HĐND, UBND tỉnh, cấp huyện, cấp xã giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản QPPL chịu trách nhiệm về nội dung, thời gian trình đối với dự thảo văn bản theo quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; trước khi yêu cầu Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp thẩm định, cơ quan soạn thảo phải đảm bảo thời gian gửi lấy ý kiến theo quy định. Về nội dung Tờ trình gửi UBND tỉnh xem xét đối với dự thảo văn bản QPPL phải đảm bảo đầy đủ các nội dung theo Mẫu số 3 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ như nêu rõ sự cần thiết ban hành văn bản, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để làm căn cứ ban hành văn bản; cơ quan soạn thảo nêu cụ thể quan điểm (thống nhất hay không thống nhất) của cơ quan soạn thảo trong báo cáo giải trình, tiếp thu các ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp để UBND tỉnh có cơ sở xem xét, quyết định. Trên cơ sở báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp, báo cáo giải trình tiếp thu của cơ quan soạn thảo, dự thảo văn bản đã được điều chỉnh và các tài liệu khác có liên quan, Văn phòng UBND tỉnh xem xét, đánh giá, tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định tại Khoản 2 Điều 33 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

2. Việc áp dụng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ, Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND ngày 15/02/2017 của UBND tỉnh cần lưu ý một số nội dung sau:

- Về ghi địa danh trong văn bản QPPL: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 59 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ thì địa danh ghi trên văn bản do các cơ quan nhà nước ở địa phương ban hành là tên gọi chính thức của đơn vị hành chính của cơ quan ban hành văn bản đó chẳng hạn như văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh ban hành thì ghi địa danh “Phú Yên”. Riêng những đơn vị hành chính được đặt theo tên người, bằng chữ số hoặc sự kiện lịch sử thì phải ghi tên gọi đầy đủ của đơn vị hành chính đó chẳng hạn như văn bản quy phạm pháp luật do UBND phường 1 ban hành thì địa danh ghi “Phường 1”.

- Về văn bản dùng làm căn cứ ban hành trong văn bản QPPL: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 61 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP thì “Căn cứ ban hành văn bản là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn đang có hiệu lực hoặc đã được công bố hoặc ký ban hành chưa có hiệu lực nhưng phải có hiệu lực trước hoặc cùng thời điểm với văn bản được ban hành. Căn cứ ban hành văn bản bao gồm văn bản quy phạm pháp luật quy định thẩm quyền, chức năng của cơ quan ban hành văn bản đó và văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn quy định nội dung, cơ sở để ban hành văn bản”, không dùng các văn bản hành chính, các văn bản chỉ đạo, điều hành của cơ quan Đảng, văn bản hành chính của cơ quan nhà nước cấp trên làm căn cứ ban hành văn bản QPPL.

- Về trách nhiệm trong đề nghị xây dựng Quyết định của UBND tỉnh cần thực hiện theo đúng quy định tại Điều 127 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Riêng đối với các văn bản quy định về điều chỉnh, bổ sung giá đất hoặc hệ số điều chỉnh giá đất do Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Tài chính tham mưu ban hành thì cần phối hợp các huyện, thị xã, thành phố để có phương án, kế hoạch chủ động tham mưu điều chỉnh, bổ sung giá đất hoặc bổ sung, điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất trong cùng một văn bản sửa đổi, bổ sung, hạn chế tình trạng bị động mà phải ban hành nhiều văn bản QPPL sửa đổi, bổ sung cùng nội dung trong một khoảng thời gian ngắn. Các đường, đoạn đường mới phát sinh trong năm cần điều chỉnh, bổ sung mà chưa có trong phương án, kế hoạch gửi về các Sở thì phải xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý trước khi thực hiện; ngoài ra, việc ban hành văn bản về giá đất, điều chỉnh giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất được thực hiện theo trình tự đặc thù theo quy định hiện hành.

- Về thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã được quy định tại Điều 30 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, theo đó “Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao”. Như vậy, kể từ ngày 01/7/2016 (ngày có hiệu lực của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015) HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã chỉ được ban hành nghị quyết, quyết định để quy định những vấn đề được giao trong Luật, không phải trong các loại văn bản khác. Trường hợp văn bản QPPL của cấp huyện, cấp xã được ban hành trước ngày 01/7/2016 để cụ thể hóa các văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên như Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ,… thì vẫn tiếp tục có hiệu lực thi hành cho đến khi có văn bản thay thế hoặc bãi bỏ; việc một số địa phương tiến hành sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản QPPL hiện hành mà Luật không giao thẩm quyền quy định sẽ không đảm bảo phù hợp với quy định, tinh thần của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 là phải được Luật giao. Trường hợp HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh, quản lý nhà nước theo yêu cầu thực tế địa phương nhưng không được Luật giao thì có thể kiến nghị UBND tỉnh ban hành văn bản để điều chỉnh trong phạm vi địa bàn theo quy định tại Khoản 1 Điều 127 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

- Về xác định hình thức một số văn bản cụ thể do UBND tỉnh, UBND cấp huyện ban hành: đối với quyết định quy định về tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện thì được ban hành theo trình tự, thủ tục của văn bản QPPL, vì thẩm quyền của UBND cấp huyện đã được Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 giao quy định.

- Về việc gửi văn bản để thực hiện công tác kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 67 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP thì văn bản quy phạm pháp luật phải được gửi đến “cơ quan giám sát, cơ quan kiểm tra, cơ quan ban hành văn bản, cơ quan Công báo và các cơ quan, tổ chức khác, tùy theo nội dung của văn bản”. Đối với văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành (hoặc văn bản do UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành) được gửi đến Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản (Sở Tư pháp), văn bản do HĐND, UBND cấp huyện ban hành phải gửi Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản (Sở Tư pháp) và Phòng Tư pháp, văn bản do HĐND, UBND cấp xã ban hành phải gửi Phòng Tư pháp và Công chức tư pháp - hộ tịch để thực hiện công tác kiểm tra, tự kiểm tra văn bản theo quy định. Cơ quan, cá nhân phát hành văn bản QPPL chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã về việc gửi văn bản QPPL đến các cơ quan thực hiện kiểm tra, tự kiểm tra văn bản theo quy định.

3. Tổ chức thực hiện:

- Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; HĐND, UBND cấp huyện; HĐND, UBND cấp xã chú trọng thực hiện tốt công tác tham mưu, ban hành văn bản QPPL; xem công tác soạn thảo, ban hành văn bản QPPL đúng quy định là một trong những tiêu chí để đánh giá công tác thi đua của đơn vị, địa phương. Tăng cường công tác tự kiểm tra văn bản QPPL và văn bản có nội dung chứa QPPL thuộc lĩnh vực, địa phương mình quản lý theo quy định, chú trọng lĩnh vực kinh tế - xã hội có nhiều bức xúc. Kịp thời kiến nghị và kiên quyết xử lý văn bản có nội dung trái pháp luật; tham mưu sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản QPPL không còn phù hợp.

- Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, các xã, phường, thị trấn bố trí biên chế, kinh phí và các điều kiện bảo đảm khác phục vụ công tác soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, kiểm tra văn bản QPPL theo đúng quy định của pháp luật.

- Giao Sở Tư pháp chủ trì giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện nội dung Chỉ thị này; định kỳ kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, báo cáo kết quả về Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Trà

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2017 về chấn chỉnh công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Phú Yên

  • Số hiệu: 04/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 16/03/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
  • Người ký: Hoàng Văn Trà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/03/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản