Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 04/CT-BGTVT

Hà Nội, ngày 11 tháng 04 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG VÀ THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Năm 2012 là năm có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giao thông vận tải. Với sự cố gắng của Tập thể Lãnh đạo Bộ và các cơ quan tham mưu, Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của Bộ đã đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay (hoàn thành 100% kế hoạch đối với văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 95,8% đối với Thông tư của Bộ trưởng). Chất lượng văn bản tiếp tục được nâng cao, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật từng bước đi vào nề nếp đã góp phần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước của ngành giao thông vận tải nói chung cũng như đóng góp vào kết quả bước đầu trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng và theo dõi tình hình thi hành pháp luật về giao thông vận tải vẫn còn những hạn chế như việc lấy ý kiến góp ý của người dân, các tổ chức kinh tế-xã hội... đối với dự thảo văn bản QPPL còn nặng về hình thức; việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý thực hiện chưa nghiêm túc; chưa chủ động, kịp thời và chưa có phương pháp phù hợp trong việc cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội nên còn tình trạng hiểu nhầm, hiểu không thống nhất, chưa đồng thuận với những chính sách mới trong lĩnh vực giao thông vận tải; việc tổ chức triển khai, theo dõi tình hình thi hành văn bản QPPL mới ban hành chưa được các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ quan tâm đúng mức.

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, tiếp tục cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng, theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Thực hiện nghiêm túc Quy chế sử dụng phần mềm xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ (TransLegal). Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo và nắm tình hình thực hiện của cơ quan, đơn vị mình.

Ngoài việc cập nhật tình hình thực hiện bằng phần mềm TransLegal, các cơ quan, đơn vị phải gửi Vụ Pháp chế 01 bản Tờ trình Bộ (đối với cơ quan chủ trì soạn thảo) hoặc văn bản Bộ gửi cơ quan có thẩm quyền đề nghị ban hành văn bản (đối với cơ quan tham mưu trình) để Vụ Pháp chế theo dõi tiến độ và nội dung văn bản;

Vụ Pháp chế có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện Chương trình xây dựng văn bản QPPL của Bộ, hàng tháng báo cáo Bộ trưởng và các Thứ trưởng kết quả thực hiện.

2. Tuân thủ đúng trình tự, thủ tục xây dựng văn bản QPPL quy định tại Thông tư số 32/2010/TT-BGTVT ngày 11/10/2010 và Thông tư số 21/2012/TT-BGTVT ngày 26/6/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2010/TT-BGTVT quy định về soạn thảo, thẩm định, ban hành, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về giao thông vận tải.

Vụ Tài chính, Văn phòng Bộ, các Tổng cục, Cục có trách nhiệm bố trí đủ kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định từ nguồn ngân sách và các nguồn kinh phí hỗ trợ khác.

3. Nâng cao chất lượng việc xin ý kiến góp ý đối với dự thảo văn bản QPPL trên Trang tin điện tử của Bộ Giao thông vận tải:

- Đối với tất cả các dự thảo văn bản QPPL khi đăng tải trên Trang tin điện tử của Bộ để xin ý kiến, cơ quan tham mưu trình phải phân tích, nêu rõ những chính sách cơ bản, đặc biệt là những chính sách mới và những nội dung cần tập trung xin ý kiến. Ngoài dự thảo văn bản, phải đăng kèm Dự thảo Tờ trình, Báo cáo đánh giá tác động của văn bản, các tài liệu tham khảo (nếu có).

- Cơ quan tham mưu trình phải tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý của cá nhân, tổ chức gửi về, có giải trình cụ thể lý do không tiếp thu hoặc tiếp thu các ý kiến góp ý. Bản giải trình phải được đăng tải trên Trang tin điện tử của Bộ trước khi trình ký ban hành văn bản.

- Trung tâm Công nghệ thông tin chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế chỉnh sửa, nâng cấp chuyên mục “Lấy ý kiến về dự thảo văn bản QPPL”, bảo đảm giao diện thân thiện, dễ theo dõi, dễ sử dụng.

4. Đổi mới việc cung cấp thông tin về các chính sách mới trong dự thảo văn bản QPPL:

- Cơ quan tham mưu trình văn bản QPPL trước khi công bố rộng rãi dự thảo văn bản QPPL phải phối hợp với Báo Giao thông vận tải để chủ động đưa tin, bảo đảm thông tin nhanh chóng về những chính sách cơ bản của dự thảo văn bản, đặc biệt là những quy định có tác động trực tiếp đến người dân hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Báo Giao thông vận tải có trách nhiệm đưa tin kịp thời, chính xác về dự thảo văn bản QPPL theo những nội dung do cơ quan tham mưu trình văn bản QPPL cung cấp.

- Trường hợp cần thiết, cơ quan tham mưu trình dự thảo văn bản QPPL báo cáo Thứ trưởng phụ trách quyết định tổ chức họp báo, chủ động cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc của người dân. Văn phòng Bộ phối hợp với Vụ Pháp chế và cơ quan tham mưu trình dự thảo văn bản QPPL tổ chức họp báo.

5. Đối với công tác tổ chức triển khai và theo dõi tình hình thực hiện văn bản

- Chậm nhất sau 10 ngày làm việc kể từ ngày văn bản QPPL được ký ban hành, cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện và theo dõi thi hành văn bản; đồng thời chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch. Kế hoạch phải được gửi cho các cơ quan, tổ chức có liên quan, đồng thời gửi Vụ Pháp chế và Văn phòng Bộ để theo dõi, đôn đốc.

Trước ngày 23 hàng tháng, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản phải thực hiện chế độ báo cáo việc triển khai thực hiện Kế hoạch, gửi về Bộ (qua Vụ Pháp chế) để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ.

- Các cơ quan, đơn vị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được phân công cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật, đặc biệt là việc thực hiện các quy định về thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan phổ biến đến từng cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- VPCP;
- Đảng ủy Bộ GTVT;
- Bộ Tư pháp;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp VN;
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;
- Báo GTVT;
- Trung tâm CNTT;
- Lưu VT, PC.

BỘ TRƯỞNG




Đinh La Thăng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 04/CT-BGTVT năm 2013 nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng và theo dõi tình hình thi hành pháp luật về giao thông vận tải do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 04/CT-BGTVT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 11/04/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/04/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản