ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2007/CT-UBND | Phan Thiết, ngày 20 tháng 6 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN QUY TẮC ỨNG XỬ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC ĐANG LÀM VIỆC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Ngày 26/02/2007, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương (sau đây gọi tắt là Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức).
Nhằm tăng cường ý thức tổ chức kỷ luật, giữ nghiêm kỷ cương hành chính, chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời tình trạng quan liêu, cửa quyền, gây phiền hà của một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong việc thi hành công vụ và trong quan hệ xã hội ở địa phương, UBND tỉnh chỉ thị cho thủ trưởng các sở, cơ quan ngang sở, đơn vị thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện ngay một số công việc sau đây:
1. Tổ chức học tập quán triệt sâu, kỹ mục đích, ý nghĩa và nội dung của Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức đến từng cá nhân cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị và địa phương do mình trực tiếp quản lý; đồng thời, phải công khai niêm yết và có chế độ kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy tắc này tại đơn vị, địa phương mình cũng như tại cơ quan, đơn vị cấp dưới trực thuộc.
2. Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt chuẩn mực ứng xử trong khi thực hiện nhiệm vụ công vụ cũng như khi tham gia các hoạt động xã hội, thể hiện sự văn minh, lịch sự trong giao tiếp. Không vi phạm các chuẩn mực về thuần phong mỹ tục tại nơi công cộng để đảm bảo trật tự và tiến bộ của xã hội.
3. Kiên quyết và có hình thức xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức đối với những cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền theo phân công, phân cấp quản lý cán bộ, công chức. Đồng thời, thực hiện việc quy trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra các hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của các tổ chức và công dân, nhất là việc thực hiện các thủ tục cấp các loại giấy phép như đăng ký kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ bản, cấp quyền sử dụng đất, khai sinh, đăng ký hộ khẩu, công chứng, chứng thực…
4. Bảo vệ danh dự cán bộ, công chức, viên chức khi bị phản ánh, khiếu nại, tố cáo không đúng sự thật.
5. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải có trách nhiệm vận động cán bộ, công chức, viên chức khác thực hiện đúng các quy định tại Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức. Kịp thời phát hiện và báo cáo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền về những vi phạm Quy tắc này của cán bộ công chức, viên chức trong cùng bộ máy, trong hệ thống ngành, lĩnh vực công tác được giao.
6. UBMTTQ Việt Nam tỉnh, huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra việc niêm yết công khai Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức của các cơ quan, đơn vị và địa phương cùng cấp và việc thực hiện chuẩn mực ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong khi thi hành nhiệm vụ cũng như trong các quan hệ xã hội mà cán bộ, công chức, viên chức tham gia. Đồng thời, đề xuất biện pháp xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức không thực hiện đúng những quy định trong Quy tắc này cho cơ quan quản lý có thẩm quyền theo quy định hiện hành của pháp luật.
7. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bình Thuận, các cơ quan thông tin đại chúng khác có trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền rộng rãi Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức để các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch công tác và toàn thể nhân dân trong tỉnh được biết và tham gia giám sát thực hiện. Tích cực phản ánh đưa các tin, bài về gương người tốt, việc tốt trong ứng xử cũng như mạnh dạn góp ý, phê bình những cơ quan, đơn vị và địa phương có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm Quy tắc này.
8. Sở Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn nội dung, cần niêm yết công khai và kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy tắc này tại các cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh; định kỳ 6 tháng một lần báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức.
UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, cơ quan ngang sở, đơn vị thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp xã triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Chỉ thị này được phổ biến rộng rãi đến các xã, phường, thị trấn và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 471/2007/QĐ-UBND về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công, viên chức do tỉnh Ninh Bình ban hành
- 2Quyết định 3147/QĐ-UBND năm 2015 về Bộ Quy tắc ứng xử Nụ cười Hạ Long do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 3Quyết định 522/QĐ-UBND năm 2017 về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công, viên chức, người lao động trong cơ quan thuộc thành phố Hà Nội
- 4Quyết định 11/2017/QĐ-UBND bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành
- 5Quyết định 529/QĐ-UBND năm 2018 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận hết hiệu lực năm 2017
- 1Quyết định 03/2007/QĐ-BNV ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 2Quyết định 471/2007/QĐ-UBND về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công, viên chức do tỉnh Ninh Bình ban hành
- 3Quyết định 3147/QĐ-UBND năm 2015 về Bộ Quy tắc ứng xử Nụ cười Hạ Long do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 4Quyết định 522/QĐ-UBND năm 2017 về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công, viên chức, người lao động trong cơ quan thuộc thành phố Hà Nội
Chỉ thị 04/2007/CT-UBND về thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- Số hiệu: 04/2007/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 20/06/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
- Người ký: Huỳnh Tấn Thành
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 30/06/2007
- Ngày hết hiệu lực: 20/04/2017
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực