Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2007/CT-UBND

Buôn Ma Thuột, ngày 11 tháng 5 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Sau ba năm triển khai thực hiện Nghị định số 05/2005/NĐ-CP, ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản và sau gần một năm thực hiện Chỉ thị số 18/2006/CT-TTg, ngày 15/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Nghị định số 05/2005/NĐ-CP; hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả của công tác bán đấu giá tài sản ngày càng được nâng cao; quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản được bảo đảm tốt hơn.

Tuy nhiên, một số quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản vẫn chưa được các ngành, các cấp triển khai thực hiện hoặc thực hiện chưa nghiêm túc, tính thống nhất chưa cao. Hiệu lực quản lý Nhà nước đối với tổ chức, hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh chưa cao, ảnh hưởng không tốt đến việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản.

Để tiếp tục thực hiện Nghị định số 05/2005/NĐ-CP của Chính phủ; Chỉ thị số 18/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nghiêm túc, thống nhất, nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Chỉ thị:

1. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm:

a. Chủ trì và phối hợp cùng các ngành có liên quan của tỉnh kiện toàn lại tổ chức, bộ máy, cán bộ của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, để Trung tâm thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ bán đấu giá tài sản tại địa phương; xây dựng Đề án tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện.

b. Chỉ đạo Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản bảo đảm việc bán đấu giá tài sản vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước và tài sản thi hành án được thực hiện theo đúng quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002, Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường thực hiện các hoạt động bán đấu giá tài sản khác theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

c. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh, kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý đối với những vi phạm được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra.

2. Giám đốc Sở Tài chính có trách nhiệm:

a. Chỉ đạo cơ quan tài chính các huyện, thành phố thực hiện tốt việc tham mưu cho UBND các huyện, thành phố trong việc xử lý tài sản Nhà nước; tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

b. Phối hợp với Sở Tư pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh, kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý đối với những vi phạm được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra.

3. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm:

a. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện việc bán đấu giá tài sản của Nhà nước thông qua tổ chức bán đấu giá tài sản theo đúng quy định tại Điều 5, Điều 37 của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP, nhằm bảo đảm việc tuân thủ nghiêm chỉnh nguyên tắc, trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động bán đấu giá tài sản Nhà nước để phòng ngừa tiêu cực, làm thất thoát tài sản Nhà nước.

b. Thực hiện nghiêm chỉnh việc chuyển giao và tổ chức bán đấu giá tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước theo quy định tại Điều 61 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002; Điều 31, 32, 33, 34 của Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002; Điều 5, Nghị định số 05/2005/NĐ- CP của Chính phủ.

c. Việc xử lý tài sản Nhà nước; tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước, việc chuyển giao để bán đấu giá được thực hiện như sau:

- Tài sản có giá trị dưới 10 triệu đồng, cơ quan tài chính cấp huyện có trách nhiệm thành lập Hội đồng để tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật.

- Tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên: Tài sản Nhà nước thì cơ quan quản lý tài sản ký hợp đồng ủy quyền cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản để tổ chức bán đấu giá; tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước thì bàn giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tỉnh để tổ chức bán đấu giá.

Các đơn vị không được giữ lại tài sản để tự tổ chức bán đấu giá trái với quy định của pháp luật.

4. Giám đốc Sở Tư pháp, Sở Tài chính có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và tổng hợp tình hình báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

Giám đốc các Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phải triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính);
- Website Chính phủ;
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- CT, PCT. UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, TP;
- Báo Đăk Lăk; Đài PTTH tỉnh;
- TT. Công báo tỉnh, TT Tin học;
- Lãnh đạo VP. UBND tỉnh;
- Các BP: NC, CN, NLN, TH, VX;
- Lưu: VT, TM.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lữ Ngọc Cư

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 04/2007/CT-UBND tăng cường công tác bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

  • Số hiệu: 04/2007/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 11/05/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký: Lữ Ngọc Cư
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản