Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
*****

Số: 04/2007/CT-NHNN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
******

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2007

 

CHỈ THỊ

 

VỀ VIỆC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT VỀ TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG

 

Trong thời gian qua, mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều biện pháp để phòng ngừa, kiềm chế tai nạn giao thông, nhưng tai nạn giao thông vẫn xảy ra nghiêm trọng, gây thiệt hại to lớn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, trong đó có ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế. Để góp phần phòng ngừa, hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Thủ trưởng các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, Văn phòng đại diện Ngân hàng Nhà nước tại thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) các Tổ chức tín dụng, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (sau đây gọi tắt là Thủ trưởng các đơn vị) phối hợp với cấp Ủy Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông của Chính phủ, Thông báo số 90-TB/TW ngày 31/8/2007 của Ban Chấp hành Trung ương và các văn bản liên quan việc chỉ đạo, thực hiện của chính quyền, cấp ủy Đảng, đoàn thể trên địa bàn các tỉnh, thành phố về trật tự, an toàn giao thông. Trong quá trình triển khai thực hiện, cần quan tâm thực hiện tốt các công việc sau đây:

1. Thủ trưởng các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng, tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên phổ biến, quán triệt nội dung của các văn bản nêu trên về trật tự, an toàn giao thông đến từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong đơn vị, nâng cao ý thức của cán bộ, công chức, viên chức trong Ngành gương mẫu chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của cán bộ, công chức, viên chức là một tiêu chuẩn để bình xét thi đua hàng năm. Những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm, bị cơ quan chức năng gửi thông báo về cơ quan phải được xem xét hạ danh hiệu thi đua.

2. Các cơ quan báo chí tuyên truyền trong Ngành mở chuyên đề để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; biểu dương những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt; phê bình những đơn vị, cá nhân chưa thực hiện tốt hoặc còn vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

3. Giám đốc Học viện Ngân hàng, Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho sinh viên; quản lý chặt chẽ, thường xuyên nhắc nhở, xử lý nghiêm minh đối với những sinh viên vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

4. Thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo chặt chẽ việc điều động xe ô tô (kể cả xe chuyên dùng), xe phải đảm bảo an toàn kỹ thuật mới được phép điều động, phải đưa xe ô tô đi kiểm định an toàn kỹ thuật khi đến hạn, không được bố trí quá số người quy định trên xe; cần bố trí, sắp xếp đủ chỗ  trông gửi xe cho cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị và khách đến giao dịch; không để xe lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường; không thu tiền trông giữ xe (cả ngày và đêm) của khách đến giao dịch; không nhận trông giữ xe của những người không phải là khách đến giao dịch theo đúng Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 2/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước quy định của các cơ quan chức năng trên địa bàn.

5. Thủ trưởng các đơn vị cử người thường xuyên phối hợp với các Sở, Ban, Ngành chức năng trên địa bàn để theo dõi, kiểm tra, đảm bảo không để xảy ra hiện tượng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường xung quanh cơ quan theo dõi, có hình thức ngăn ngừa và xử lý các hiện tượng vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

6. Cán bộ, công chức, viên chức trong toàn Ngành có trách nhiệm tìm hiểu đầy đủ các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông để chấp hành thường xuyên, nghiêm túc; hưởng ứng các cuộc vận động về giữ gìn trật tự, an toàn giao thông do địa phương, do đơn vị và các tổ chức đoàn thể phát động; tham gia tuyên truyền vận động giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; khi tham gia giao thông bằng phương tiện mô tô, xe máy phải đội mũ bảo hiểm theo đúng quy định của pháp luật.

7. Định kỳ hàng quý, Thủ trưởng các đơn vị tiến hành sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, đề ra biện pháp thiết thực để thực hiện tốt chỉ thị này; báo cáo kết quả (gộp chung với báo cáo hoạt động hàng Quý của đơn vị) về Ngân hàng Nhà nước.

8. Cục Quản trị Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả về tình hình thực hiện trật tự, an toàn giao thông trong toàn Ngành để báo cáo Thống đốc; bố trí địa điểm, tổ chức trông giữ xe cho cán bộ, công chức và cho khách đến giao dịch tại trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước theo đúng quy định tại khoản 4 Chỉ thị này; theo dõi tình hình trật tự, an toàn giao thông tại trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước, thông báo cho Thủ trưởng các Vụ, Cục, đơn vị tại Ngân hàng Nhà nước Trung ương những trường hợp vi phạm để nhắc nhở, xử lý.

9. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Chánh văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị trong toàn Ngành chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ trưởng các đơn vị nêu tại khoản 9,
- Ban Lãnh đạo NHNN;
- UBATGTQG (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (2 bản)
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra)
- Lưu VP, Vụ PC

THỐNG ĐỐC




Nguyễn Văn Giàu

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 04/2007/CT-NHNN về chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông do Ngân hàng nhà nước ban hành.

  • Số hiệu: 04/2007/CT-NHNN
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 08/10/2007
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Nguyễn Văn Giàu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 735 đến số 736
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản