Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2003/CT-TTg

Hà Nội, ngày 12 tháng 3 năm 2003

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG, TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 13/2002/NQ-CP NGÀY 19 THÁNG 11 NĂM 2002 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÁC GIẢI PHÁP KIỀM CHẾ GIA TĂNG, TIẾN TỚI GIẢM DẦN TAI NẠN GIAO THÔNG VÀ ÙN TẮC GIAO THÔNG

Sau hơn 3 tháng thực hiện Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP của Chính phủ, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn cả nước, nhất là ở các thành phố, thị xã lớn đã có chuyển biến tích cực. Tai nạn giao thông (cả số vụ, số người chết và bị thương) có giảm, (tuy phương tiện giao thông đã tăng lên gần 2 triệu) so cùng kỳ năm 2002; tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn đã được hạn chế; ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông có tiến bộ; trật tự kỷ cương trong giao thông có chuyển biến tốt hơn.

Tuy nhiên, đây mới là kết quả bước đầu, tai nạn giao thông còn rất lớn, nạn ùn tắc giao thông trong phạm vi toàn quốc vẫn còn rất phổ biến, tiếp tục gây nhiều tổn thất về người và tài sản. Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 24 tháng 02 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ nhằm kiềm chế, tiến tới giảm dần tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông, lập lại trật tự an toàn giao thông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện tốt những công việc sau:

1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Tổ chức ngay việc sơ kết để đánh giá, kiểm điểm, rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ thời gian qua, gắn với việc quán triệt Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 24 tháng 02 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Bổ sung kế hoạch, giải pháp cụ thể để tiếp tục chỉ đạo thực hiện kiên quyết, đồng bộ, kiên trì và có hiệu quả hơn ở địa phương mình. Phải xem đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên.

b) Sớm kiện toàn Ban An toàn giao thông các cấp. Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn và trực tiếp làm Trưởng Ban an toàn giao thông cùng cấp theo đúng Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 24 tháng 02 năm 2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị quyết số 02/2003/NQ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ.

c) Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các thành phố, thị xã phải đẩy nhanh việc phát triển vận tải khách công cộng, trước mắt là xe buýt để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân; đồng thời chủ động đề ra các biện pháp phù hợp để hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân (ô tô, xe máy). Tiếp tục tập trung chỉ đạo xây dựng phương án tổ chức lại giao thông cho phù hợp, điều hành chặt chẽ nhằm khắc phục ùn tắc giao thông.

d) Giải quyết bằng được tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang bảo vệ công trình giao thông; tổ chức tốt địa điểm giải quyết xử phạt hành chính và trông giữ phương tiện giao thông vi phạm bị tạm giữ.

đ) Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện; phát huy việc tổ chức đoàn thể quần chúng phối hợp tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông.

2. Bộ Công an:

a) Chỉ đạo Công an các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuần tra kiểm soát và kiên quyết xử lý mọi hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông theo Nghị định số 14/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường bộ và Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ. Xử lý nghiêm và ngăn chặn bằng được tình trạng tụ tập đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng hoặc đuổi nhau trên đường và các hành vi gây rối trật tự an toàn giao thông khác. Các đối tượng đua xe trái phép phải truy tố, xét xử trước pháp luật theo quy định của Bộ luật Hình sự.

b) Ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện một số quy định tại Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp vi phạm ngoài việc phạt tiền cần áp dụng hình thức tạm giữ hoặc tịch thu phương tiện giao thông, đánh dấu số lần vi phạm Luật Giao thông đường bộ trên giấy phép lái xe, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn và không thời hạn.

c) Phối hợp với Bộ Tài chính lập dự toán trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kinh phí trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ phục vụ cho công tác tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông; khẩn trương trình Chính phủ phê duyệt Đề án "tăng cường biên chế, trang thiết bị, đào tạo, chế độ, chính sách cho lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ". Đồng thời phải tăng cường giáo dục xây dựng lực lượng Cảnh sát giao thông trong sạch, vững mạnh, xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực, gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân.

d) Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và ủy ban nhân dân các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực của cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ trong các khâu công tác: tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe và kiểm định kỹ thuật an toàn phương tiện giao thông.

đ) Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông triển khai thực hiện việc quy định mỗi người chỉ đăng ký một xe mô tô nhằm khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng và hạn chế sự gia tăng số lượng mô tô, xe máy.

3. Bộ Giao thông vận tải:

a) Chỉ đạo tổ chức tốt việc đào tạo, thi lấy giấy phép lái xe; thường xuyên kiểm tra các cơ sở đào tạo lái xe, đình chỉ ngay những cơ sở đào tạo không đúng quy định.

b) Tăng cường kiểm tra công tác kiểm định kỹ thuật an toàn phương tiện, bổ sung, điều chỉnh các quy định cụ thể theo hướng nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác kiểm định; thực hiện đúng các quy định về niên hạn sử dụng xe kinh doanh vận tải khách tại Nghị định số 92/2001/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô; sớm xây dựng trình Chính phủ Nghị định về niên hạn sử dụng xe ô tô tải.

c) Đẩy nhanh công tác quy hoạch giao thông nói chung và giao thông đô thị nói riêng; xây dựng chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển hợp lý các loại phương tiện giao thông đường bộ, xây dựng và sớm trình Chính phủ các chính sách nhằm ưu tiên phát triển vận tải khách công cộng, hạn chế phù hợp phương tiện giao thông cá nhân. Triển khai cải tạo, nâng cấp ngay các đoạn đường thường xảy ra tai nạn giao thông.

4. Bộ Tài chính hướng dẫn sử dụng tiền xử phạt vi phạm hành chính theo hướng dành toàn bộ cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chủ yếu là chi bồi dưỡng cho lực lượng Cảnh sát giao thông và các lực lượng trực tiếp tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông; bổ sung kinh phí trang bị phương tiện, xăng dầu cho Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát; phát hành biên lai xử phạt tại chỗ theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính; ban hành quy định tăng lệ phí đăng ký, lệ phí trước bạ phương tiện cơ giới đường bộ theo Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ.

5. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo và tổ chức kiểm tra việc tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học; không để học sinh không đủ tuổi điều khiển mô tô, xe máy tới trường; đối với sinh viên không được điều khiển mô tô, xe máy không có giấy phép lái xe, đua xe, cổ vũ đua xe. Những trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm Luật Giao thông, ngoài việc phải chịu hình thức xử phạt chung theo Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định áp dụng bổ sung các hình thức kỷ luật khác của nhà trường.

6. Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương phải dành chuyên mục tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng việc thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 24 tháng 02 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002, các Nghị định số 14 và số 15/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ và Chỉ thị này của Thủ tướng Chính phủ; kịp thời đưa tin những địa phương, đơn vị, cá nhân thực hiện tốt và chưa tốt để động viên, rút kinh nghiệm chung và tạo phong trào toàn dân tham gia lập lại trật tự an toàn giao thông. Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia in các tài liệu, văn bản chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về an toàn giao thông tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân.

7. Cán bộ, công chức nhà nước, các đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội, trước hết phải gương mẫu thực hiện, đồng thời giáo dục, nhắc nhở người thân trong gia đình nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông. Cán bộ, công chức nhà nước, các đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội khi vi phạm pháp luật giao thông ngoài việc xử phạt theo pháp luật còn phải chịu kỷ luật của cơ quan, đoàn thể.

8. Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, các địa phương thực hiện và 3 tháng một lần tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 04/2003/CT-TTg thực hiện CT 22-CT/TW của Ban Bí thư trung ương Đảng, thực hiện NQ 13/2002/2003 về các giải pháp kiềm chế gia tăng, tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 04/2003/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 12/03/2003
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 03/04/2003
  • Số công báo: Từ số 19 đến số 20
  • Ngày hiệu lực: 18/04/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản