Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2002/CT-UB

Bến Tre, ngày 28 tháng 02 năm 2002

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC NGHỊ ĐỊNH 59, 60, 61 NGÀY 30/10/2000 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH THI HÀNH BIỆN PHÁP GIÁO DỤC TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI; CẢI TẠO KHÔNG GIAM GIỮ VÀ HÌNH PHẠT TÙ CHO HƯỞNG ÁN TREO

Sau khi Bộ luật hình sự năm 1999 được ban hành và có hiệu lực áp dụng (ngày 01/7/2000), Chính phủ đã ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự, cụ thể:

- Nghị định số 59/2000/NĐ-CP quy định việc thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội.

- Nghị định số 60/2000/NĐ-CP quy định việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ.

- Nghị định số 61/2000/NĐ-CP quy định việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo.

Đây là những nghị định quan trọng hướng dẫn việc áp dụng, thực hiện những biện pháp và hình phạt không tước tự do của người phạm tội được quy định tại Bộ luật hình sự nhằm mục đích tạo điều kiện cho người phạm tội được lao động, học tập tại cộng đồng và chứng tỏ sự hối cải, hoàn lương của mình ngay trong môi trường xã hội bình thường dưới sự giám sát, giáo dục và giúp đỡ của cơ quan, tổ chức và gia đình.

Qua một năm tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh các nghị định nói trên, thực tế áp dụng cho thấy hình phạt tù cho hưởng án treo được Toà án áp dụng tương đối nhiều, còn hình phạt cải tạo không giam giữ và biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì rất ít. Mặc dù Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai quán triệt nội dung các nghị định cho lãnh đạo các ngành, các cấp trong tỉnh, nhưng thực tế việc thi hành cho thấy vẫn chưa đạt được mục đích đặt ra, cụ thể: có một số địa phương có người phạm tội bị Toà án áp dụng các loại hình phạt và biện pháp nói trên nhưng chính quyền chưa tổ chức quản lý, giáo dục theo các nghị định nói trên; Một số địa phương khác việc giám sát, giáo dục người phạm tội còn quá lỏng lẽo; các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm giám sát, giáo dục chưa làm tốt vai trò của mình; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình của người phạm tội với các cơ quan, tổ chức hữu quan và cộng đồng dân cư nơi người phạm tội cư trú trong việc giám sát, giáo dục, giúp đỡ họ cải tạo, sửa chữa lỗi lầm để hoàn lương.

Để tổ chức thi hành tốt biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; hình phạt cải tạo không giam giữ và hình phạt tù cho hưởng án treo, góp phần tăng cường hiệu lực và hiệu quả của công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở thực hiện tốt những nội dung sau đây:

1. Sở Tư pháp có kế hoạch phối hợp với các ngành chức năng và các đoàn thể tổ chức học tập, quán triệt sâu sắc nội dung các Nghị định số 59, 60, 61 cho các ngành, các cấp và quần chúng nhân dân nắm vững những nguyên tắc, quy trình được quy định tại 3 Nghị định trên để thực hiện việc giám sát, giáo dục người phạm tội và kịp thời có kế hoạch phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khi được phân công trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ người phạm tội học tập, rèn luyện.

Các cơ quan thông tin đại chúng: Sở Văn hoá thông tin, Đài Phát thanh – truyền hình, Báo Đồng Khởi, Bản tin Tư pháp, Đài Truyền thanh huyện, xã...tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, quần chúng nhân dân nội dung các nghị định nói trên để mọi người nắm vững và hiểu rõ được chủ trương và chính sách hình sự lớn của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay đối với những người phạm tội, đó là “Trừng trị kết hợp với giáo dục”

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã thường xuyên chỉ đạo cho Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phải tổ chức thi hành ngay các bản án khi nhận được quyết định thi hành án do Toà án chuyển đến, bảo đảm thực hiện đúng trình tự, thủ tục và các vấn đề khác theo quy định (nếu đã nhận được quyết định thi hành án mà chưa nhận được sổ theo dõi thi hành án thì yêu cầu Toà án gửi sổ). Riêng đối với các quyết định thi hành án đã nhận được trước đây chưa hết hạn thi hành án mà chưa tổ chức thi hành thì phải tổ chức thi hành theo quy định chung. Mỗi loại án phải nộp hồ sơ thi hành án riêng (gồm bản án, quyết định thi hành án và các giấy tờ khác có liên quan). Hồ sơ, sổ sách thi hành án phải được quản lý chặt chẽ, lâu dài nhằm phục vụ cho công tác theo dõi, tra cứu về sau.

Để cho việc theo dõi, quản lý, giáo dục người phạm tội có hiệu quả, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn cần phải xây dựng quy chế phối hợp thực hiện các hoạt động quản lý, giáo dục, giúp đỡ người phạm tội giữa cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục với giao đình người phạm tội, cơ quan, đơn vị, tổ chức hữu quan và cộng đồng dân cư nơi người phạm tội cư trú (thông qua Tổ nhân dân tự quản). Ngoài ra, chính quyền cơ sở phải phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người phạm tội thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm, có việc làm và thu nhập ổn định để sớm hoà nhập với cộng đồng.

+ Đề nghị cơ quan Toà án cung cấp đầy dủ, kịp thời, đúng thời gian quy định các bản án, quyết định thi hành án, sổ theo dõi...cho Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn nơi người phạm tội chịu sự quản lý, giáo dục.

Do tính chất quan trọng của công việc, nhằm giúp cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tốt, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh tổ chức triển khai và thực hiện tốt Chỉ thị này.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc báo cáo về Uỷ ban nhân dân tỉnh để kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện./.

 

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Huỳnh Văn Be