Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 03/CT-UBT-97

Cần Thơ, ngày 17 tháng 01 năm 1997

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA HOẠT ĐỘNG KINH DOANH ĂN UỐNG, GIẢI KHÁT VÀ CÁC DỊCH VỤ VĂN HÓA GIẢI TRÍ, THỰC HIỆN CÓ HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG CÁC TỆ NẠN XÃ HỘI

Trong tình hình tệ nạn xã hội gây hậu quả xấu trên nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội, đặc biệt làm xói mòn đến đạo đức và thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Đảng, Nhà nước luôn coi công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội là một nhiệm vụ quan trọng cấp bách và đã ban hành nhiều chủ trương, biện pháp tổ chức thực hiện phòng, chống tệ nạn xã hội có hiệu quả. Trên cơ sở đó, công tác phòng chống tệ nạn xã hội ở địa phương tiếp tục được quan tâm, củng cố, tệ nạn xã hội nghiêm trọng cơ bản được khắc phục, các tệ nạn xã hội từng bước bị thu hẹp, tạo bước chuyển biến trong quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên tình hình tệ nạn xã hội như mua, bán dâm, hút, chích ma túy đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, tinh vi và có tổ chức nhằm chống đối sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng; nhiều tụ điểm nhà hàng, khách sạn, vũ trường, massage, quán giải khát... không chấp hành các chính sách pháp luật về quản lý văn hóa đã tạo điều kiện cho các tệ nạn xã hội phát triển.

Để tiếp tục phát triển các văn bản pháp luật về phòng chống các tệ nạn mại dâm, ma túy và tăng cường quản lý hoạt động văn hóa trên địa bàn, UBND tỉnh Cần Thơ yêu cầu các ngành, các cấp và đơn vị có liên quan thực hiện tốt những nội dung sau đây:

1- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác phòng chống các tệ nạn xã hội, đặc biệt phòng chống các tệ nạn xã hội nghiêm trọng như mại dâm, ma túy, cờ bạc, số đề, bảo đảm toàn dân biết và tự giác thực hiện. Đồng thời tăng cường hoạt động kiểm tra, quản lý các tụ điểm, kinh doanh dịch vụ trên lĩnh vực chấp hành pháp luật về hoạt động văn hóa, phòng chống tệ nạn xã hội.

2- Các cá nhân, đơn vị kinh doanh, dịch vụ ăn uống, giải khát, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, vũ trường karaoke, massage (sau đây gọi tắt là cơ sở kinh doanh dịch vụ) chỉ được hoạt động khi có giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nghiêm cấm lợi dụng ngành nghề kinh doanh để kinh doanh trái pháp luật hoặc tạo môi trường cho tệ nạn mại dâm, ma túy, cờ bạc và các tệ nạn xã hội khác phát triển.

Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ có sử dụng lao động đều phải ký hợp đồng lao động với người lao động; người lao động phải khám sức khỏe định kỳ, được hưởng lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật; cá nhân ở địa phương khác đến tỉnh Cần Thơ để kinh doanh, làm tiếp viên phục vụ viên đều phải đăng ký tạm trú, tạm vắng theo quy định của pháp luật.

3- Khu vực kinh doanh, dịch vụ phải đảm bảo độ sáng theo quy định của Nhà nước; mặt bằng sử dụng ăn uống, tiếp khách không được ngăn ô hoặc che chắn, nếu sử dụng máy lạnh thì phải có cửa kính trong, không sử dụng rèm che hoặc đèn mờ. Nghiêm cấm ciệc sử dụng hệ thống báo động ngầm, gác xép, hầm ngầm, tầng ngầm để đối phó với sự kiểm tra của cơ quan chức năng.

Đối với các phòng karaoke ngoài việc đảm bảo các yêu cầu chung, còn phải được cách âm, không gây tiếng ồn ra ngoài, không được mang rượu, bia, thức ăn vào phòng karaoke.

4- Các nhà hàng, khách sạn có phục vụ ăn uống thì chỉ một tiếp viên phục vụ một phòng. Tiếp viên (nhân viên phục vụ) khi phục vụ phải mang bảng tên, mặc đồng phục trang nhã, kín đáo. Nghiêm cấm tiếp viên ngồi chung bàn hoặc ca hát chung với khách.

Các quán bia, ăn uống bình dân, các điểm cà phê - giải khát nhỏ không được sử dụng tiếp viên (gia đình tự phục vụ) phải được bố trí tập trung ở những nơi dễ quan sát, không bố trí ghế đôi rải rác dưới các tán, lùm cây hoặc các vật khác nhằm che chắn người kinh doanh phải đảm bảo ánh sáng cho khách ngồi, thời gian được phục vụ khách được tính từ 7 giờ sáng đến 23 giờ hàng ngày.

5- Xử lý vi phạm: các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý hoạt động văn hóa, phòng chống các tệ nạn xã hội thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính (Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 88/CP ngày 14-12-1995 của Chính phủ) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước mà vi phạm thì phải xử lý nghiêm khắc theo tinh thần của Chỉ thị số 33/TC-TW ngày 01-03-1994 của Ban Bí thư, Nghị định 53/CP ngày 28-06-1994 của Chính phủ, ngoài ra còn phải chịu trách nhiệm kỷ luật hoặc trách nhiệm hình sự.

Nhận được Chỉ thị này các ngành các cấp và các đơn vị có liên quan phối hợp với Chi Cục phòng chống tệ nạn xã hội, Đội kiểm tra liên ngành 814 kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở các điểm kinh doanh dịch vụ thực hiện tốt các quy định của nhà nước về công tác phòng chống các tệ nạn xã hội, đồng thời xử lý theo thẩm quyền những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hoạt động văn hóa.

Quá trình thực hiện có những vướng mắc phát sinh, đề nghị báo cáo về UBND tỉnh xem xét để có ý kiến chỉ đạo cụ thể.

 

 

TM. UBND TỈNH CẦN THƠ
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Hữu Trí

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 03/CT-UBT-97 năm 1997 tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh ăn uống, giải khát và dịch vụ văn hóa giải trí, thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống tệ nạn xã hội do Ủy ban nhân dân tỉnh Cần Thơ ban hành

  • Số hiệu: 03/CT-UBT-97
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 17/01/1997
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cần Thơ
  • Người ký: Bùi Hữu Trí
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản