Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CT-UBND

Bình Phước, ngày 04 tháng 4 năm 2024

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CHỨNG THỰC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Trong thời gian qua, việc thực hiện Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch; Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, các hoạt động chứng thực trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp, đáp ứng yêu cầu chứng thực của cá nhân, tổ chức; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động chứng thực từng bước được nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác chứng thực vẫn còn tồn tại, hạn chế như: Việc giải quyết một số yêu cầu chứng thực chưa tuân thủ đúng về trình tự, thủ tục và nội dung; tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực của một số cơ quan trong giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn xảy ra; việc thực hiện cấp bản sao điện tử theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử triển khai chưa đồng bộ, hiệu quả...

Nguyên nhân là do một số quy định về chứng thực chưa phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan; việc tổ chức thi hành pháp luật, áp dụng pháp luật về hoạt động chứng thực còn bất cập; công chức Tư pháp - Hộ tịch ở một số địa phương chưa được bố trí phù hợp với tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thường xuyên có sự luân chuyển...

Để tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động chứng thực, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động chứng thực trên địa bàn tỉnh,

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

a) Tiếp tục tăng cường phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật về chứng thực nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động chứng thực; giá trị pháp lý của văn bản chứng thực.

b) Chỉ đạo tổ chức, cá nhân trực thuộc khi tiếp nhận những hồ sơ có yêu cầu nộp bản sao các loại giấy tờ thì bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tự đối chiếu với bản chính để sử dụng, không được yêu cầu nộp bản sao có chứng thực, bản sao từ sổ gốc; trừ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có quy định phải nộp bản sao có chứng thực hoặc bản sao từ sổ gốc.

Đối với cá nhân, tổ chức thực hiện đăng ký các thủ tục hành chính trực tuyến đã có chứng thực bản sao điện tử từ bản chính hoặc đã có bản điện tử giấy tờ hồ sơ do cơ quan có thẩm quyền cấp thì cá nhân, tổ chức được sử dụng bản điện tử đó.

c) Tăng cường công tác kiểm tra việc tổ chức tiếp nhận hồ sơ tại cơ quan, đơn vị, địa phương, chấn chỉnh kịp thời tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực, bản sao từ sổ gốc trái với quy định tại Điều 6 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.

d) Quán triệt nội dung Chỉ thị này đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn mình quản lý; xử lý hoặc đề xuất xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong việc yêu cầu nộp bản sao có chứng thực, bản sao từ sổ gốc.

2. Sở Tư pháp

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông; Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về chứng thực trên các phương tiện thông tin đại chúng đến người dân và các cơ quan, tổ chức.

b) Rà soát các văn bản pháp luật do địa phương ban hành có nội dung liên quan đến công tác chứng thực để kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế những văn bản có nội dung không còn phù hợp.

c) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chứng thực, tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ.

d) Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về chứng thực thuộc thẩm quyền nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác chứng thực trên địa bàn tỉnh.

đ) Chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này; chỉ đạo, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ chứng thực cho công chức làm công tác chứng thực tại Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

Hướng dẫn, kiểm tra, các cơ sở đào tạo trong tiếp nhận hồ sơ nhập học không được yêu cầu nộp bản sao có chứng thực, bản sao từ sổ gốc đối với giấy khai sinh và các loại giấy tờ khác; không được quy định thời hạn có giá trị của bản sao có chứng thực, bản sao từ sổ gốc.

4. Sở Nội vụ

a) Cho ý kiến đối với việc rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ công chức tư pháp cấp huyện, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã và phương án kiện toàn đội ngũ công chức tư pháp cấp huyện, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã theo quy định của pháp luật.

b) Tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm, giai đoạn theo quy định của pháp luật; trong đó lồng ghép việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tư pháp cấp huyện, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã.

5. Sở Tài chính

Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí nguồn kinh phí thực hiện theo phân cấp ngân sách và căn cứ nguồn thu ngân sách tỉnh, tham mưu cấp thẩm quyền phê duyệt dự toán kinh phí triển khai Chỉ thị tiết kiệm, hiệu quả.

6. UBND các huyện, thị xã, thành phố

a) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác chứng thực tại địa phương, trong đó chú trọng kiểm tra công tác chứng thực tại UBND cấp xã, giám sát việc tuân thủ pháp luật của công chức tư pháp cấp huyện và cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ chứng thực; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của Phòng Tư pháp, UBND cấp xã và công chức tư pháp.

b) Chỉ đạo các Phòng Tư pháp, UBND cấp xã niêm yết công khai trình tự, thủ tục chứng thực, cấp bản sao và các quy định về mức thu lệ phí trong hoạt động chứng thực, cấp bản sao; không đặt thêm yêu cầu về hồ sơ, điều kiện hay từ chối chứng thực trái quy định các yêu cầu về chứng thực của tổ chức và công dân. Thực hiện cấp bản sao điện tử theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về cấp bản sao điện tử.

c) Rà soát lại biên chế, các điều kiện về cơ sở vật chất của Phòng Tư pháp và UBND cấp xã trên địa bàn để bố trí đủ nhân lực, trang thiết bị giải quyết kịp thời, đúng quy định các yêu cầu về chứng thực của công dân, tổ chức.

d) Chỉ đạo Phòng Nội vụ không quy định thời hạn của bản sao có chứng thực, bản sao từ sổ gốc đối với các hồ sơ của cán bộ, công chức, viên chức khi yêu cầu nộp hồ sơ các loại theo yêu cầu.

đ) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, trong đó chú trọng kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính để phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những vi phạm trong công tác chứng thực ở cơ sở, gắn với việc kiểm tra thực hiện chế độ trách nhiệm trong thực thi công vụ của công chức Tư pháp - Hộ tịch về công tác chứng thực.

Yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung nêu trên. Quá trình thực hiện nếu phát sinh những vướng mắc phải kịp thời báo cáo với UBND tỉnh (thông qua Sở Tư pháp) để chỉ đạo giải quyết. Giám đốc Sở Tư pháp chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ báo cáo UBND tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp;
- TTTU , TT.HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- LĐVP; PNC;
- Lưu: VT. DN01

CHỦ TỊCH




Trần Tuệ Hiền

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2024 tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động chứng thực trên địa bàn tỉnh Bình Phước

  • Số hiệu: 03/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 04/04/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Người ký: Trần Tuệ Hiền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/04/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản