Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CT-UBND

Bến Tre, ngày 02 tháng 6 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ỔN ĐỊNH GIÁ CẢ CÁC HÀNG NÔNG THUỶ SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

Thời gian gần đây, tình hình thị trường tiêu thụ hàng nông thuỷ sản trong tỉnh có nhiều biến động bất lợi, giá cả một số mặt hàng có chiều hướng giảm, không ổn định, nhất là giá dừa trái nguyên liệu, làm ảnh hưởng đến đời sống của đại bộ phận người nông dân trong tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí vận chuyển tăng, giá nguyên liệu một số mặt hàng nông thuỷ sản trong nước cao hơn so với các nước trong khu vực và do thay đổi cơ chế kiểm hoá của Hải quan; trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến các mặt hàng nông thuỷ sản trong tỉnh vẫn sản xuất, kinh doanh ổn định, hoạt động thu mua hàng hoá bình thường và tình hình Biển Đông không có ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhằm ổn định giá cả của một số mặt hàng nông thuỷ sản trong thời gian tới, ngăn chặn tâm lý hoang mang của nhân dân, góp phần ổn định đời sống, thu nhập của người nông dân và nhất là tạo nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, đẩy mạnh xuất khẩu, mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, người nông dân và hiệu quả chung cho toàn xã hội; Uỷ ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:

1. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Báo Đồng Khởi, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để các doanh nghiệp an tâm sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu ổn định; kịp thời định hướng dư luận, ngăn chặn các thông tin sai lệch làm ảnh hưởng đến hoạt động thu mua của các thương lái.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Tăng cường công tác quản lý sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch nhằm tránh tình trạng nuôi, trồng tràn lan, phá vỡ quy hoạch dẫn đến cung vượt cầu, tạo ra tình trạng giá cả giảm sút, ảnh hưởng đến đời sống người nông dân.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện tốt chương trình liên kết bốn nhà trong sản xuất tiêu thụ hàng nông thuỷ sản của nông dân, trước mắt là tổ chức liên kết giữa đại diện nông dân và doanh nghiệp để từng bước giảm dần khâu trung gian, góp phần tiêu thụ sản phẩm của nông dân theo hướng ổn định.

c) Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác nuôi, trồng các sản phẩm nông thuỷ sản để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Hướng dẫn việc sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, ... để nâng cao giá trị hàng hoá.

3. Sở Công Thương:

a) Tăng cường theo dõi diễn biến tình hình thị trường các mặt hàng nông thuỷ sản để kịp thời thông tin cho người nông dân và các doanh nghiệp trong tỉnh.

b) Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng mới, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, nhất là không để lệ thuộc vào một thị trường duy nhất. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp đưa hàng vào hệ thống siêu thị để mở rộng thị trường tiêu thụ.

4. Sở Giao thông vận tải: Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và Ban Quản lý các khu công nghiệp tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh xúc tiến quan hệ với cơ quan Hải quan để thành lập Tổ Hải quan tại tỉnh nhằm hỗ trợ cho việc xuất khẩu các mặt hàng nông thuỷ sản trên địa bàn tỉnh được thuận lợi, tăng cường xuất khẩu chính ngạch, giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch.

5. Sở Tài chính:

a) Tăng cường công tác theo dõi tình hình giá cả hàng hoá nông thuỷ sản trong tỉnh để kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và thông tin đến Sở Công Thương để phối hợp đề xuất các giải pháp xử lý trong trường hợp có biến động xảy ra.

b) Phối hợp Cục Thuế giải quyết các phản ánh của các doanh nghiệp về thuế và các thủ tục mua hoá đơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.

6. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh: Chỉ đạo các Ngân hàng thương mại xem xét, hỗ trợ các doanh nghiệp gia hạn các khoản nợ đáo hạn; triển khai chương trình ưu đãi cho vay để giảm tổn thất trong nông nghiệp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng kho dự trữ hàng hoá.

7. Công an tỉnh: Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố có kế hoạch, biện pháp bảo vệ hoạt động của các doanh nghiệp, ngăn chặn, xử lý các hành động phá hoại, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tránh để các phần tử xấu xúi giục, lợi dụng dẫn tới hành động vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, an ninh kinh tế và an toàn xã hội.

8. Đề nghị Hiệp hội Dừa và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Tăng cường nối kết các doanh nghiệp để hỗ trợ, chia sẻ thông tin, tránh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, chào giá bán thấp hơn so với mặt bằng giá của thị trường, nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và đảm bảo việc thu mua, chế biến các mặt hàng nông sản của tỉnh tốt hơn, giảm thiểu sự biến động giá cả; đẩy mạnh việc thu mua sản phẩm từ nông dân thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản với đại diện của nông dân nhằm giảm bớt khâu trung gian.

Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các ngành, các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh, vướng mắc báo cáo ngay về Uỷ ban nhân dân tỉnh để kịp thời xem xét, giải quyết.

Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

CHỦ TỊCH




Võ Thành Hạo

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2014 về ổn định giá cả hàng nông thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Bến Tre

  • Số hiệu: 03/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 02/06/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Võ Thành Hạo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/06/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản