Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC–CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
*****

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
******

Số: 03-CT-LT

Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 1964

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC PHẤN ĐẤU ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO THI ĐUA “2 TỐT”, CỦNG CỐ, PHÁT TRIỂN CÁC TỔ LAO ĐỘNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TRONG TOÀN NGÀNH GIÁO DỤC

I. SƠ QUA TÌNH HÌNH THI ĐUA TẬP THỂ, PHẤN ĐẤU THÀNH TỔ LAO ĐỘNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TRONG TOÀN NGÀNH GIÁO DỤC

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và của Tổng Công đoàn về việc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước đi vào tập thể, đảm bảo chất lượng cao và toàn diện, xây dựng, củng cố và phát triển các tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa, Bộ Giáo dục và Công đoàn Giáo dục Việt-nam đã đề ra nhiều hình thức vận động thích hợp, có các biện pháp hướng dẫn các ngành học, các cấp giáo dục xây dựng, củng cố và phát triển các tổ giáo viên xã hội chủ nghĩa, tổ công tác lao động xã hội chủ nghĩa gắn với nội dung tiêu chuẩn thi đua “2 tốt”.

Chỉ thị 56-CT-TH ngày 21-12-1962 của Bộ Giáo dục về việc xây dựng, củng cố, phát triển tổ lao động xã hội chủ nghĩa trong toàn ngành giáo dục là một dẫn chứng cụ thể.

Từ khi có chỉ thị trên, sơ bộ tính trong 26 địa phương và một số trường trực thuộc, đến nay toàn ngành giáo dục đã có trên 400 tổ tình nguyện ghi tên phấn đấu trở thành tổ giáo viên, tổ cán bộ giảng dạy, tổ cán bộ, công nhân viên lao động xã hội chủ nghĩa. Trong số này, đã có 148 tổ được Ủy ban hành chính tỉnh, thành công nhận có đủ điều kiện phấn đấu trở thành tổ lao động xã hội chủ nghĩa, chia ra như sau:

- Ngành giáo dục phổ thông cấp I có 48 tổ

- Ngành giáo dục phổ thông cấp II có 36 tổ

- Ngành giáo dục phổ thông cấp III có 24 tổ

- Các trường phổ thông nông nghiệp 3 tổ

- Ngành Đại học 18 tổ

- Ngành Sư phạm 8 tổ

- Ngành bổ túc văn hóa 5 tổ

- Ngành Mẫu giáo, vỡ lòng 2 tổ

- Cán bộ nghiên cứu 2 tổ

- Hành chính quản trị 2 tổ

Cộng: 148 tổ

Đại hội tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa toàn miền Bắc tháng 6-1963, ngành giáo dục đã có năm tổ được Chính phủ tặng danh hiệu tổ lao động xã hội chủ nghĩa và đều được Quốc hội khen thưởng huân chương Lao động hạng 3. Những tổ ấy là: Tổ khoa học xã hội, tổ khoa học tự nhiên trường cấp II Bắc-lý (Hà-nam), trường cấp I Hải nhân (Thanh hóa), tổ giảng dạy khoa xây dựng, tổ giảng dạy khoa toán trường Đại học Bách khoa.

Các tổ trên đây đều là những nhân tố mới, có tác dụng nòng cốt trong phong trào thi đua tập thể của toàn ngành giáo dục, có ảnh hưởng tốt đến việc thúc đẩy phong trào thi đua phấn đấu thành tổ lao động xã hội chủ nghĩa trong toàn ngành.

Tiếp đó khi kết thúc năm học 1962 – 1963, một số địa phương, thường trực thuộc Bộ đã đề nghị Chính phủ xét một số tổ thi đua đã có thành tích trong phong trào thi đua “2 tốt”. Kết quả là đầu tháng 11-1963, thường vụ Hội đồng Chính phủ đã quyết định công nhận 17 tổ giáo viên, cán bộ là tổ lao động xã hội chủ nghĩa. Những tổ ấy gồm có:

+ Ngành giáo dục phổ thông cấp I có tám tổ:

- Tổ giáo viên cấp I         Chi-lăng tỉnh Hà-đông

- Tổ giáo viên cấp I         Diễn-hoàng tỉnh Nghệ-an

- Tổ giáo viên cấp I         Tân-trào tỉnh Phú-thọ

- Tổ giáo viên cấp I         An-lâm – Hải-dương

- Tổ giáo viên cấp I         Lạc-viên  -  Hải-phòng

- Tổ giáo viên cấp I         Tiến-cường – Hải-phòng

- Các lớp 3-4 trường Nguyễn-văn-Tố, Hải-phòng

- Các lớp 3 -4 trường Cẩm-bình tỉnh Hà-tĩnh.

+ Ngành giáo dục phổ thông và bổ túc văn hóa cấp II có hai tổ:

- Tổ giáo viên khoa học tự nhiên trường cấp II Trần-cao, Hưng-yên;

- Tổ giáo viên khoa học tự nhiên trường bổ túc văn hóa cán bộ tỉnh Nghệ-an.

+ Ngành giáo dục phổ thông và bổ túc văn hóa cấp III có ba tổ:

- Tổ giáo viên vật lý trường bổ túc văn hóa công nông trung ương;

- Tổ giáo viên viết văn trường Kiều trung, Hải- phòng;

- Tổ giáo viên dạy môn sinh lý hóa trường phổ thông cấp III Hà-nam.

+ Ngành Đại học có ba tổ:

- Tổ cán bộ giảng dạy khoa chi tiết máy trường Đại học Bách khoa;

- Tổ giảng dạy khoa phương pháp dạy toán trường Đại học Sư phạm Hà-nội;

- Tổ giảng dạy khoa chính trị kinh tế học trường Đại học Kinh tế tài chính.

+ Ngành Mẫu giáo có một tổ: tổ giáo viên trường Chim non Hà-nội.

Các tổ trên đây có những thành tích biểu hiện rõ rệt về hai mặt: hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo chất lượng tốt và rèn luyện con người mới, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ về mọi mặt.

Tuy nhiên, phong trào xây dựng, củng cố, bồi dưỡng, phát triển các tổ lao động xã hội chủ nghĩa chưa đều ở các địa phương, trong các ngành học. Có nơi về mặt chỉ đạo, chưa thấy đầy đủ vị trí của các tổ công tác, tổ giáo viên là những đơn vị trực tiếp thực hiện kế hoạch, là nơi thực hiện một cách cụ thể mục đích, nguyên lý phương châm giáo dục qua công tác và giảng dạy, là cơ sở cần được củng cố mạnh mẽ phong trào thi đua tập thể. Bởi vậy có nơi chưa nắm được tổ giáo viên tiên tiến; hoặc đặt hướng xây dựng tổ lao động xã hội chủ nghĩa trong các tổ giáo viên tiên tiến và trong các đơn vị trường có phong trào thi đua tương đối khá, nhưng lại không có nội dung, biện pháp bồi dưỡng cụ thể thiết thực, khẩn trương và không đi theo đường lối quần chúng.

Tình hình trên đây dẫn đến những hiện tượng:

- Có nơi quần chúng phấn khởi thi đua có điều kiện phấn đấu trở thành tổ lao động xã hội chủ nghĩa, nhưng không có hướng dẫn nêu nhiệt tình phấn khởi của quần chúng bị giảm sút, phong trào thi đua không được đẩy mạnh.

- Có nơi, tuy đã hình thành tổ giáo viên xã hội chủ nghĩa, nhưng từ khi ra mắt đến hết năm học, có tổ đã phấn đấu tới một năm nhưng vẫn có những mặt tác dụng kém, không đạt tiêu chuẩn vì các cấp có trách nhiệm chỉ đạo ở địa phương thiếu sự bổ khuyết kịp thời, thiếu bồi dưỡng thường xuyên và kế hoạch cụ thể.

- Ở miền núi, nhất là vùng cao, vùng biên giới, ở nơi hải đảo xa xôi, ở các khu vực đào tạo bồi dưỡng cán bộ, có nhiều cán bộ, giáo viên các cấp nêu cao hương quên mình, hăng hái nâng cao chất lượng công tác và giảng dạy, đi sát quần chúng rèn luyện phẩm chất và đạo đức xã hội chủ nghĩa, nhưng các cấp lãnh đạo ở địa phương chưa quan tâm đầy đủ, chưa có những tổ chức động viên, chưa tận dụng tiêu chuẩn thi đua một cách thiết thực cho thích hợp, nên phong trào thi đua tập thể chưa được mạnh mẽ.

II. NHIỆM VỤ VÀ PHƯƠNG HƯỚNG CHUNG ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO THI ĐUA “2 TỐT”, CỦNG CỐ, PHÁT TRIỂN TỔ LAO ĐỘNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TRONG TOÀN NGÀNH GIÁO DỤC

Báo cáo của Chính phủ và Tổng Công đoàn ở Đại hội tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa toàn miền Bắc tháng 6-1963 về nhiệm vụ và phương hướng thi đua đã ghi rõ: “Phải đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước tiến lên một bước mới, cao hơn, toàn diện hơn, theo hướng thi đua tập thể, phấn đấu thành tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa”. “Trong các ngành khoa học kỹ thuật, giáo dục, y tế, văn hóa và cơ quan sự nghiệp, hành chính trên cơ sở xây dựng và củng cố các tổ công tác, mở rộng phong trào phấn đấu trở thành tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa từng bước, vững chắc, trước hết chú ý các đơn vị, cơ quan mà nhiệm vụ, chức năng và kế hoạch công tác đã được xác định rõ ràng, tổ chức ổn định …”.

Xuất phát từ tinh thần chỉ đạo thi đua của Chính phủ và Tổng Công đoàn về nhiệm vụ và phương hướng trên đây vận dụng vào ngành giáo dục, nhiệm vụ, phương hướng đẩy mạnh phong trào thi đua tập thể, củng cố, phát triển các tổ lao động xã hội chủ nghĩa trong ngành là:

Hoàn thành tốt kế hoạch phát triển các ngành học ở từng vùng và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các ngành học, nhằm:

- Thực hiện đúng đắn và có sáng tạo mục đích, nguyên lý, phương châm giáo dục, nhiệm vụ cụ thể của từng ngành học bổ túc văn hóa, giáo dục phổ thông các cấp, mẫu giáo vỡ lòng, đại học chuyên nghiệp, của từng cơ quan nghiên cứu, chỉ đạo giáo dục các cấp từ trung ương đến địa phương.

- Rèn luyện mọi cán bộ, giáo viên, cán bộ giảng dạy, học sinh, sinh viên các cấp trở thành những người có đạo đức xã hội chủ nghĩa, công tác giỏi, giảng dạy giỏi, học tập giỏi, và tiến bộ đều về các mặt.

Muốn thực hiện đầy đủ và bảo đảm chất lượng nhiệm vụ cơ bản của toàn ngành giáo dục trên đây, cần đẩy mạnh phong trào thi đua “2 tốt” đi vào tập thể vững mạnh. Cơ sở thực hiện thi đua tập thể vững chắc là dựa vào các tổ công tác, tổ giáo viên, cán bộ giảng dạy tương đối đã ổn định về hình thức, chức năng nhiệm vụ đã rõ ràng, đã có phong trào thi đua tương đối khá (không nhất thiết phải là tổ tiên tiến như trước đây quy định) toàn thể tổ viên tự nguyện phấn khởi thi đua mà hướng dẫn, bồi dưỡng, phát triển thành các tổ lao động xã hội chủ nghĩa.

III. NỘI DUNG ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO THI ĐUA “2 TỐT’, CỦNG CỐ PHONG TRÀO THI ĐUA TẬP THỂ, PHẤN ĐẤU THÀNH TỔ LAO ĐỘNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TRONG TỪNG NGÀNH HỌC, TỪNG CƠ QUAN NGHIÊN CỨU

Từ nhiệm vụ và phương hướng chung trên  đây, từng ngành học, từng cơ quan nghiên cứu, chỉ đạo giáo dục, phải lấy nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác của từng ngành, từng đơn vị trường, cơ quan làm nội dung thi đua “2 tốt”. “3 cải tiến” và làm cơ sở phấn đấu thi đua tập thể tiến lên thành tổ lao động xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, căn cứ vào yêu cầu cụ thể nâng cao chất lượng của từng ngành học, từng cơ quan nghiên cứu chỉ đạo giáo dục cần chú trọng đến những khâu trọng tâm trong nội dung thi đua. Ví dụ:

Ngành giáo dục phổ thông các cấp (kể cả mẫu giáo, vỡ lòng):

- Tăng cường việc cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy cho sát với từng đối tượng, từng lức tuổi học sinh.

- Đưa mọi hoạt động của nhà trường phục vụ đắc lực hơn nhiệm vụ chính trị, cụ thể là các cuộc vận động cách mạng: 3 xây 3 chống, cải tiến quản lý, phát triển kinh tế văn hóa miền núi … thực hiện tốt mục đích giáo dục làm cho nhà trường gắn chặt với lao động sản xuất phục vụ sản xuất, với cuộc sống của xã hội xung quanh.

Ngành Đại học chuyên nghiệp:

- Cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy tạo điều kiện thuận tiện nhất, hiệu quả nhất, để người học dễ vận dụng các kiến thức văn hóa, kỹ thuật phục vụ thiết thực cho yêu cầu cách mạng, yêu cầu sản xuất, nhất là đối với các sinh viên tốt nghiệp.

- Nghiên cứu phổ biến, vận dụng, phát minh khoa học kỹ thuật phục vụ thiết thực cho yêu cầu lao động sản xuất của xã hội.

Ngành bổ túc văn hóa (chủ yếu ở các loại trường lớp bổ túc văn hóa tập trung);

- Cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy gắn bó chặt chẽ kiến thức sách vở với lao động sản xuất, có tác dụng thiết thực đến cải tiến công tác, sản xuất cho từng đối tượng học viên ở các địa bàn công nghiệp, nông nghiệp, cơ quan xí nghiệp.

Cơ quan nghiên cứu:

Cần nghiên cứu gắn bó phong trào “3 cải tiến” với thi đua “2 tốt”. Hướng mọi nghiên cứu phục vụ đắc lực và kịp thời cho dạy và học ở cơ sở.

Yêu cầu phấn đấu chung đối với tất cả các cán bộ giáo viên, cán bộ giảng dạy chuyên nghiệp các ngành, các cấp là:

“ Không ngừng nâng cao nhiệt tình cách mạng, đoàn kết nhất trí, đề cao tinh thần tự lực cánh sinh, phát triển và thực hiện mọi biện pháp về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đi theo đường lối quần chúng, phát huy tính sáng tạo, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ về mọi mặt”.

IV. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ CẦN ĐƯỢC GIẢI QUYẾT TỐT NHẰM ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO THI ĐUA TẬP THỂ, XÂY DỰNG, CỦNG CỐ, PHÁT TRIỂN CÁC TỔ LAO ĐỘNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TRONG NGÀNH GIÁO DỤC

Qua thực tế hai năm thực hiện thi đua “2 tốt” và gần đây trong việc xây dựng củng cố tổ lao động xã hội chủ nghĩa trong ngành, chúng ta cần đặc biệt coi trọng thực hiện tốt một số vấn đề cụ thể sau đây:

1. Tiêu chuẩn phấn đấu trở thành tổ công tác, hay tổ giáo viên, tổ cán bộ giảng dạy xã hội chủ nghĩa.

Trên cơ sở tiêu chuẩn phấn đấu trở thành tổ lao động xã hội chủ nghĩa chung đối với các ngành, vận dụng vào ngành ta, Bộ để ra tiêu chuẩn phấn đấu thành tổ công tác hay tổ giáo viên, tổ cán bộ giảng dạy xã hội chủ nghĩa thích hợp với nhiệm vụ, chức năng đặc điểm của ngành giáo dục. Cụ thể là:

1. Hoàn thành toàn bộ kế hoạch công tác, giảng dạy và giáo dục hay chương trình nghiên cứu khoa học có chất lượng cao và toàn diện. Toàn tổ tích cực phát huy sáng kiến, rút đúc kinh nghiệm, thực hiện một cách sáng tạo nguyên lý phương châm giáo dục, làm cho nhà trường gắn liền với đời sống, với sản xuất, thiết thực phục vụ sản xuất. Toàn tổ không ngừng cải tiến nội dung, phương pháp giáo dục, giảng dạy và công tác, cải tiến tổ chức và lề lối làm việc.

2. Toàn tổ nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng nhà trường, xây dựng đất nước. Gương mẫu chấp hành kỷ luật lao động và quy chế nhà trường, nêu cao tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa đoàn kết, tương trợ. Kiên quyết chống tham ô, lãng phí. Có thành tích tham gia các cuộc vận động và gương mẫu chấp hành các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước.

3. Toàn tổ nêu cao tinh thần học hỏi, cầu tiến bộ, có kết quả rõ rệt trong các mặt học tập chính trị, văn hóa, kỹ thuật, nghiệp vụ, nâng cao khả năng giảng dạy và công tác, tích cực cải thiện đời sống tốt, thực hiện nếp sống mới. Trong tổ không có người chậm tiến, có nhiều lao động tiên tiến và có chiến sĩ thi đua.

Thành tích các tổ giáo viên, cán bộ giảng dạy xã hội chủ nghĩa ở các trường phải có tác dụng rõ rệt đến sự tiến bộ của học sinh, sinh viên do tổ ấy phụ trách.

Sự cần thiết là các tiêu chuẩn trên đây cần được vận dụng thành yêu cầu, mức độ, biện pháp và thời gian phấn đấu của từng tổ, từng cá nhân cho sát với chức năng nhiệm vụ, hoàn cảnh đặc điểm tình hình từng nơi, từng người và phải thể hiện thành chương trình thi đua của tổ và của từng cá nhân. Thực tế đã chứng minh rằng: dù tiêu chuẩn chỉ đạo cố gắng cụ thể đến mấy cũng phải đòi hỏi sự vận dụng thiết thực, cụ thể hơn nữa đối với từng đối tượng thi đua.

2. Điều kiện ghi tên phấn đấu thành tổ lao động xã hội chủ nghĩa.

- Các tổ công tác, tổ giáo viên, tổ cán bộ giảng dạy đã được ổn định về tổ chức, đã được xác định chức năng, nhiệm vụ rõ ràng.

- Toàn thể tổ viên có tinh thần, thái độ thi đua tốt, tự nguyện phấn đấu thi đua thành tổ lao động xã hội chủ nghĩa.

- Có sự chỉ đạo của Đảng, sự phối hợp giữa chuyên môn, Công đoàn, Đoàn thanh niên lao động (nếu có Đoàn thanh niên).

Điều kiện trên đây phù hợp với tình hình chung hiện nay. Tuy nhiên nơi nào có cơ sở thi đua tiên tiến, có nhiều lao động tiên tiến, có nhiều tổ viên tốt càng thuận tiện cho việc phát động phong trào thi đua tập thể.

3. Thủ tục về đăng ký và công nhận phấn đấu trở thành tổ lao động xã hội chủ nghĩa.

Yêu cầu chung là thiết thực, đơn giản, giảm bớt giấy tờ và cấp trung gian không cần thiết. Cụ thể là:

- Các tổ tự xét có đủ điều kiện phấn đấu trở thành tổ lao động xã hội chủ nghĩa thì báo cáo lên cấp trên (trường cấp I, II báo cáo với huyện, đồng thời báo cáo với Ty Giáo dục địa phương) đề nghị kiểm tra và trong thời gian chậm nhất một tháng cấp có trách nhiệm phải tới kiểm tra xác nhận về đề nghị Ủy ban hành chính tỉnh và Liên hiệp Công đoàn địa phương xét cho phấn đấu trở thành tổ lao động xã hội chủ nghĩa. Sự quan trọng là tổ xin đăng ký phải qua nghiên cứu mục đích ý nghĩa, vận dụng tiêu chuẩn tổ lao động xã hội chủ nghĩa thành mục tiêu, biện pháp phấn đấu, thành chương trình thi đua cụ thể của toàn tổ và của từng tổ viên.

- Đối với những tổ thi đua chưa đảm bảo thành tích toàn diện để tự nguyện xin ghi tên phấn đấu thì có thể xin ghi tên khắc phục từng mặt thiếu sót để sau này có thành tích toàn diện để ghi tên phấn đấu trở thành tổ lao động xã hội chủ nghĩa, như vậy thì hết thảy các tổ thi đua, toàn thể cán bộ, giáo viên đều có thể tham gia phong trào một cách rộng rãi.

- Sau một thời gian phấn đấu chung là một năm học (đối với giáo viên, cán bộ giảng dạy các cấp), một năm trọn vẹn khi kết thúc chương trình công tác (đối với cán bộ nghiên cứu chỉ đạo giáo dục, hành chính quản trị) thì cấp trực tiếp chỉ đạo tổ lao động xã hội chủ nghĩa được công nhận phấn đấu có nhiệm vụ kiểm tra và hướng dẫn tổ đặt tiêu chuẩn thi đua trình Ủy ban hành chính, Liên hiệp Công đoàn tỉnh xét và trình Chính phủ công nhận, đồng thời đề nghị mức độ khen thưởng cho cả tổ và từng tổ viên. Công việc đề nghị xét công nhận trình Chính phủ quyết định cần tiến hành chậm nhất vào khoảng tháng 7 hàng năm sau khi các ngành kết thúc năm học, riêng các cơ quan chỉ đạo, nghiên cứu, hành chính, quản trị có thể xét chung vào thời gian với các ngành khác vào dịp cuối năm dương lịch.

4. Tăng cường việc chỉ đạo thi đua ở các cấp.

Muốn thực hiện đúng đắn mọi nhiệm vụ, phương hướng và những việc cần giải quyết trên đây, việc chỉ đạo thi đua cần được tăng cường ở các cấp, nhất là các cấp trực triếp chỉ đạo phong trào như: tỉnh, thành, trường là khâu quyết định. Cụ thể là:

- Trên cơ sở củng cố toàn diện các tổ chuyên môn mà mở rộng diện đăng ký phấn đấu trở thành tổ lao động xã hội chủ nghĩa. Hướng dẫn các tổ xây dựng giao ước thi đua, lập kế hoạch toàn diện và chương trình phấn đấu liên tục nhằm mục tiêu cụ thể: năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều.

- Các ngành học, các cấp chỉ đạo khu, tỉnh, huyện, trường cần có hình thức thích hợp phổ biến rộng rãi tinh thần nội dung văn bản này trong tất cả cán bộ, giáo viên. Trên cơ sở ấy mà phát động phong trào thi đua phấn đấu thành tổ lao động xã hội chủ nghĩa có nội dung thiết thực trong từng ngành, từng đơn vị.

- Coi trọng việc chuẩn bị, bồi dưỡng các cơ sở có điều kiện phấn đấu trở thành tổ lao động xã hội chủ nghĩa, chú trọng các loại trường, các khoa vốn có phong trào thi đua tốt, những trường trọng điểm ở địa phương, các loại trường lớp sư phạm, thanh niên dân tộc, bổ túc văn hóa tập trung v.v…

- Riêng ở miền núi, nghiên cứu tổ chức thi đua tập thể có nội dung và tổ chức sao cho sát hợp với hoàn cảnh đại đa số giáo viên ở lẻ tẻ. Phần đông ở các vùng cao có nhiều giáo viên tốt, cần bồi dưỡng họ thi đua theo tiêu chuẩn lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua và khi xét thành tích và mức độ khen thưởng tùy theo tác dụng cụ thể của từng người cho xứng đáng với những tổ viên là giáo viên xã hội chủ nghĩa ở địa phương.

- Đặc biệt coi trọng việc kiểm tra, bồi dưỡng thường xuyên, có kế hoạch thiết thực, các tổ đã đăng ký phấn đấu thành tổ lao động xã hội chủ nghĩa và trên cơ sở đó vừa giúp đỡ phát huy tác dụng của tổ vừa kịp thời uốn nắn những sai sót lệch lạc có thể xảy ra.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Lãnh đạo tốt là biết nắm thi đua … cơ quan lãnh đạo các ngành, các cấp phải lãnh đạo chặt chẽ công việc ở cơ sở, nghĩa là lãnh đạo chặt chẽ phong trào thi đua …”.

Tinh thần chỉ thị trên của Thủ tướng Chính phủ cần được thể hiện bằng hành động trong việc chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua tập thể, phấn đấu để các tổ chức công tác, tổ giáo viên xã hội chủ nghĩa ngày càng nhiều, càng tốt trong toàn ngành giáo dục.

 

TM. BAN THƯỜNG VỤ CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT-NAM
K.T. CHÁNH THƯ KÝ
PHÓ THƯ KÝ




Trần Hậu Toàn

BỘ TRƯỞNG
BỘ GIÁO DỤC






Nguyễn Văn Huyên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 03-CT-LT về phấn đấu đẩy mạnh phong trào thi đua 2 tốt, củng cố, phát triển các tổ lao động xã hội chủ nghĩa trong toàn ngành giáo dục do Bộ Giáo dục - Công đoàn giáo dục Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 03-CT-LT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 15/01/1964
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục, Công đoàn Giáo dục Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Văn Huyên, Trần Hậu Toàn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản