Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/CT-CT

Bắc Ninh, ngày 02 tháng 03 năm 2006 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 158/2005/NÐ-CP NGÀY 27/12/2005 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ HỘ TỊCH

Công tác đăng ký và quản lý hộ tịch có một vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình quản lý nhà nước của chính quyền các cấp; có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Ðăng ký và quản lý hộ tịch để xác định những sự kiện pháp lý cơ bản về tình trạng nhân thân của mỗi con người từ khi sinh ra đến khi mất đi. Ðồng thời là cơ sở để giúp chính quyền các cấp trong việc quản lý, theo dõi thực trạng và sự biến động về hộ tịch nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi cá nhân và gia đình, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh, trật tự, thực hiện tốt các chính sách về dân số, kế hoạch hoá gia đình.

Trong những năm qua, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh đã được các cấp chính quyền quan tâm và từng bước đi vào nề nếp. Tuy nhiên do một số quy định của pháp luật về hộ tịch còn bất cập so với thực tế nên đã gây ra một số khó khăn, vướng mắc cho công dân.

Với định hướng cải cách hành chính trong lĩnh vực hộ tịch, ngày 27/12/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 158/2005/NÐ-CP về dang ký và quản lý hộ tịch để thay thế cho Nghị định số 83/1998/NÐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ. Nghị định 158/2005/NÐ-CP có nhiều điểm mới quan trọng quy định về trách nhiệm, thẩm quyền của các cấp, các ngành; trình tự, thủ tục, hồ sơ trong việc đăng ký và giải quyết các vấn đề về hộ tịch. Nghị định mới sẽ giải quyết được những bất cập, hạn chế đang tồn tại; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và công dân khi đăng ký hộ tịch; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đăng ký và quản lý hộ tịch.

Ðể triển khai Nghị định 158/2005/NÐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác này trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1- Các cấp, các ngành cần nhận thức đúng đắn vai trò, tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác đăng ký và quản lý hộ tịch. Tập trung tuyên truyền, phổ biến và quán triệt sâu rộng những nội dung cơ bản của Nghị định; tạo sự chuyển biến về ý thức tôn trọng và chấp hành tốt các quy định về đăng ký hộ tịch của cán bộ và nhân dân trong tỉnh.

2- Sở Tư pháp, cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý về công tác hộ tịch, có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hộ tịch; phối hợp với Sở Nội vụ định kỳ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tư pháp, hộ tịch ở cơ sở;

- Hướng dẫn, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đối với UBND cấp huyện và UBND cấp xã;

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện và uốn nắn những sai sót trong quá trình thực hiện đăng ký và quản lý hộ tịch ở cơ sở; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm về hộ tịch theo thẩm quyền được giao;

- Thực hiện đăng ký các việc về hộ tịch theo thẩm quyền; thống nhất quản lý biểu mẫu, sổ sách hộ tịch trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật.

3- Thủ trưởng các Sở, ngành thuộc UBND tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp, UBND các huyện, thị xã giải quyết các yêu cầu hộ tịch của công dân theo các quy định của pháp luật về hộ tịch.

4- UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm:

- Tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn. Chỉ đạo Phòng Tư pháp, các cơ quan chuyên môn làm tốt công tác tuyên truyền; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ trực tiếp làm công tác hộ tịch.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện đúng các quy định về đăng ký, quản lý hộ tịch tại địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những khuyết điểm, tồn tại trong công tác quản lý, đăng ký hộ tịch.

- Bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch. Ðịnh kỳ 6 tháng, hàng năm tiến hành sơ kết, tổng kết; báo cáo tình hình, thống kê số liệu về hộ tịch ở địa phương về Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

5- Ðề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định về đăng ký hộ tịch; thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát trong việc đăng ký, quản lý hộ tịch ở các cấp, góp phần từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; ý thức chấp hành pháp luạt của nhân dân.

6- Ðề nghị Báo Bắc Ninh, Ðài Phát thanh truyền hình tỉnh, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Sở Tư pháp đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tạo sự tác động sâu rộng đến các cấp uỷ dảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân đối với công tác đăng ký và quản lý hộ tịch.

Giao Sở Tư pháp phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh có xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai; thường xuyên theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện chỉ thị này; định kỳ tổng hợp, báo cáo kết qủa thực hiện về UBND tỉnh./.

 

 

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Tuý

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 03/CT-CT thực hiện Nghị định 158/2005/NÐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch do Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành

  • Số hiệu: 03/CT-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 02/03/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh
  • Người ký: Trần Văn Tuý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản