Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CT-BTC

Hà Nội, ngày 06 tháng 04 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC TỔNG KẾT, ĐÁNH GIÁ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC TÀI CHÍNH ĐẾN NĂM 2020 VÀ CÁC CHIẾN LƯỢC NGÀNH, LĨNH VỰC TRONG GIAI ĐOẠN 2011-2015

Ngày 18/4/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Tài chính đến năm 2020 (sau đây gọi là Chiến lược Tài chính), trong đó đề ra Mục tiêu tổng quát, 06 nhiệm vụ cụ thể và 08 nhóm giải pháp để triển khai thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2020. Các chiến lược theo ngành, lĩnh vực như thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, dự trữ quốc gia, quản lý nợ, chứng khoán, bảo hiểm, kế toán - kiểm toán cũng đã được xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thực hiện các Mục tiêu và giải pháp nêu trên, ngày 30/01/2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 224/QĐ-BTC về việc phê duyệt Chương trình hành động của Ngành tài chính triển khai thực hiện Chiến lược Tài chính, đồng thời từ năm 2014 đến nay, hàng năm Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã ban hành các Quyết định phê duyệt các Chương trình hành động trung hạn (3 năm) để làm căn cứ cho việc triển khai, theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược Tài chính theo hình thức cuốn chiếu.

Việc triển khai thực hiện Chiến lược Tài chính và các chiến lược ngành, lĩnh vực trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; đổi mới mô hình tăng trưởng; tái cơ cấu nền kinh tế; hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới; phát triển đồng bộ các loại thị trường và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Chiến lược Tài chính và các chiến lược ngành, lĩnh vực cũng xuất hiện nhiều yếu tố không thuận lợi như kinh tế thế giới biến động phức tạp, khó lường tác động trực tiếp đến việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính, ngân sách; kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong khi khả năng nắm bắt, phân tích, dự báo còn hạn chế nên nhiều chính sách, giải pháp đề ra còn chưa kịp thời.

Đại hội Đại biểu lần thứ XII của Đảng đã thông qua Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, trong đó đã đề ra các Mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp và nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong giai đoạn 5 năm tới với nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước. Đặc biệt, Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng XII đã xác định cơ cấu lại ngân sách nhà nước là một nội dung quan trọng không chỉ liên quan đến chiến lược phát triển của Ngành tài chính mà còn tác động đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì vậy cần phải có sự chủ động chuẩn bị ngay từ đầu nhiệm kỳ của Kế hoạch 5 năm tới.

Để kịp thời đề ra các định hướng nhằm cụ thể hóa các Mục tiêu, nhiệm vụ về tài chính - ngân sách xác định tại các văn kiện nói trên cũng như các định hướng phát triển dài hạn của Ngành tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ thị cho các đơn vị thuộc Bộ tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chiến lược Tài chính và các chiến lược ngành, lĩnh vực trong giai đoạn 2011-2015 và đề xuất các Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm tập trung thực hiện có hiệu quả Chiến lược Tài chính và các chiến lược theo ngành, lĩnh vực đến năm 2020 và đảm bảo thực hiện có kết quả các Mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XII của Đảng, như sau:

1. Mục đích yêu cầu

- Đánh giá việc triển khai thực hiện Chiến lược Tài chính và các chiến lược ngành, lĩnh vực giai đoạn 2011-2015 một cách khách quan, trung thực; xác định rõ các kết quả đã đạt được, những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan.

- Phân tích đánh giá tình hình bối cảnh trong nước, quốc tế hiện tại và dự báo xu hướng giai đoạn 2016-2020, đặc biệt là các yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế - tài chính của quốc gia.

- Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và kết quả đánh giá thực hiện Chiến lược Tài chính và các chiến lược ngành, lĩnh vực giai đoạn 2011-2015, đề xuất việc Điều chỉnh, bổ sung Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho giai đoạn 2016-2020 một cách phù hợp, khả thi.

2. Nội dung tổng kết đánh giá

Nội dung tổng kết đánh giá tập trung vào 06 nhiệm vụ cụ thể và 08 nhóm giải pháp đã nêu trong Chiến lược Tài chính, cụ thể như sau:

2.1. Về 06 nhiệm vụ cụ thể

(1) Tiếp tục xử lý tốt mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa Tiết kiệm và đầu tư; có chính sách khuyến khích tăng tích lũy cho đầu tư phát triển, hướng dẫn tiêu dùng; thu hút hợp lý các nguồn lực xã hội để tập trung đầu tư cho hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo tiền đề đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

(2) Tổng thu từ thuế và phí giai đoạn 2011 - 2015 là 22 - 23% GDP, giai đoạn 2016 - 2020 là 21 - 22% GDP; trong đó thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) đến năm 2015 đạt trên 70% tổng thu ngân sách nhà nước và đến năm 2020 đạt trên 80% tổng thu ngân sách nhà nước.

(3) Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính công, đặc biệt nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước và thực hiện tái cấu trúc đầu tư công, tăng cường đầu tư phát triển con người; cải cách cơ chế tài chính đối với lĩnh vực sự nghiệp công, tài chính doanh nghiệp nhà nước; cải cách tiền lương; củng cố hệ thống an sinh xã hội.

(4) Phát triển đồng bộ các loại thị trường, tái cấu trúc thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; mở rộng và đa dạng hóa các hình thức hoạt động trên thị trường để động viên các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế - xã hội.

(5) Đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia; cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước; duy trì dư nợ Chính phủ và nợ quốc gia trong giới hạn an toàn; tăng cường dự trữ Nhà nước đáp ứng kịp thời các nhu cầu đột xuất của nền kinh tế.

(6) Tiếp tục hoàn thiện thể chế tài chính đảm bảo tính đồng bộ, ổn định theo nguyên tắc thị trường có sự Điều Tiết của nhà nước. Đổi mới tổ chức bộ máy ngành Tài chính theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

2.2. Về 08 nhóm giải pháp

(1) Nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực tài chính quốc gia.

(2) Nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với quá trình tái cơ cấu nền tài chính quốc gia.

(3) Đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công cùng với đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn lực xã hội phát triển dịch vụ công.

(4) Hoàn thiện chính sách, cơ chế tài chính doanh nghiệp; thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.

(5) Phát triển đồng bộ thị trường tài chính và dịch vụ tài chính.

(6) Đẩy mạnh hoạt động hợp tác và chủ động hội nhập quốc tế về tài chính.

(7) Nâng cao năng lực và hiệu quả kiểm tra, thanh tra, giám sát và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

(8) Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, hoàn thiện phương thức Điều hành chính sách tài chính.

3. Cách thức tiến hành

3.1. Đối với các đơn vị có chiến lược ngành, lĩnh vực, giao:

- Tổng cục Thuế chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020.

- Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020.

- Tổng cục Dự trữ Nhà nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020.

- Kho bạc Nhà nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020.

- Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

- Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

- Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

- Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược kế toán - kiểm toán giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030.

Việc đánh giá phải đảm bảo theo các Mục tiêu, yêu cầu và nội dung tại Mục 1 và 2. Thủ trưởng các đơn vị có chiến lược ngành, lĩnh vực chỉ đạo thực hiện đánh giá, tổng kết trình Lãnh đạo Bộ phụ trách phê duyệt trước 30 tháng 04 năm 2016 và gửi Viện Chiến lược và Chính sách tài chính để tổng hợp.

3.2. Các đơn vị không trực tiếp chủ trì xây dựng chiến lược ngành, lĩnh vực thì trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị đề nghị đánh giá theo các chuyên đề thuộc lĩnh vực quản lý sau:

- Hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính (Vụ Pháp chế).

- Đổi mới cơ cấu và phương thức quản lý Ngân sách nhà nước (Vụ Ngân sách nhà nước, Vụ Đầu tư).

- Hoàn thiện cơ chế quản lý tài sản công (Cục Quản lý công sản).

- Hoàn thiện cơ chế quản lý, Điều hành giá (Cục Quản lý giá).

- Đổi mới sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, đảm bảo hiệu quả tái cơ cấu DNNN (Cục Tài chính doanh nghiệp).

- Đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (Vụ Hành chính sự nghiệp).

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia (Thanh tra Bộ).

- Đẩy mạnh hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế về tài chính (Vụ Hợp tác quốc tế).

Thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo thực hiện đánh giá theo các chuyên đề có liên quan trình Lãnh đạo Bộ phụ trách phê duyệt trước ngày 30 tháng 04 năm 2016 và gửi Viện Chiến lược và Chính sách tài chính để tổng hợp.

3.3. Giao Viện Chiến lược và Chính sách tài chính chủ trì thực hiện tổng hợp Báo cáo “Kết quả thực hiện Chiến lược Tài chính và các chiến lược ngành, lĩnh vực giai đoạn 2011-2015 và định hướng 2016-2020” trình Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt trước ngày tháng 15 tháng 6 năm 2016.

4. Tổ chức thực hiện

- Các đơn vị chủ động tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị đảm bảo tiến độ và các Mục tiêu yêu cầu; sử dụng kinh phí theo chế độ, quy định của Nhà nước.

- Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách tài chính trình Bộ ký ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc để triển khai thực hiện đánh giá Chiến lược Tài chính và các chiến lược ngành, lĩnh vực.

- Viện Chiến lược và Chính sách tài chính chủ trì phối hợp với Văn phòng Bộ đôn đốc, theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện Chỉ thị này và báo cáo Bộ trưởng, các Lãnh đạo Bộ về tiến độ thực hiện./

 


Nơi nhận:
- Lãnh đạo Bộ (để báo cáo);
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Lưu: VT, CLTC.

BỘ TRƯỞNG




Đinh Tiến Dũng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 03/CT-BTC năm 2016 về tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện chiến lược tài chính đến năm 2020 và các chiến lược ngành, lĩnh vực trong giai đoạn 2011-2015 do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 03/CT-BTC
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 06/04/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Đinh Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/04/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản