Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 03/CT-BTC

Hà Nội, ngày 31 tháng 08 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VỀ HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA KINH DOANH TẠM NHẬP TÁI XUẤT

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất ở một số cơ quan Hải quan cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Qua công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Tài chính, của Tổng cục Hải quan ở nhiều cơ quan Hải quan và từ thực tế hoạt động thấy nổi lên một số tồn tại, bất cập trong cơ chế quản lý và trong công tác tổ chức thực hiện của cơ quan Hải quan. Nhằm tăng cường công tác quản lý về Hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu:

1. Tổng cục Hải quan thực hiện nghiêm túc yêu cầu, đầy đủ kịp thời các kết luận kiến nghị của Thanh tra Bộ về thanh tra chuyên đề đối với hàng tạm nhập tái xuất theo báo cáo kết quả thực hiện với đồng chí Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ trước ngày 30/11/2012.

2. Tổng cục Hải quan chủ trì tổ chức thanh tra, kiểm tra việc làm thủ tục hải quan loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất đối với tất cả các Cục Hải quan tỉnh, thành phố có làm thủ tục hải quan cho loại hình này, xử lý kết quả thanh tra, kiểm tra và báo cáo kết quả với Lãnh đạo Bộ trước 30/11/2012; Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, rà soát phân loại, xử lý, truy thu thuế đầy đủ, kịp thời theo quy định pháp luật đối với các trường hợp tạm nhập tái xuất quá hạn chưa thanh khoản, báo cáo kết quả với Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục Hải quan trước 15/12/2012.

3. Tổng cục Hải quan triển khai ngay việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất thuộc thẩm quyền của Tổng cục. Trước mắt tiến hành sửa ngay Quyết định số 209/QĐ-TCHQ ngày 29/01/2011 về quy trình nghiệp vụ quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhâp khẩu chuyển cửa khẩu; hướng dẫn thống nhất việc xác nhận “hàng hóa đã xuất khẩu” giữa thủ tục hải quan truyền thống và thủ tục hải quan điện tử; quy định rõ trách nhiệm việc gửi và hồi báo thông tin hàng tạm nhập tái xuất giữa hải quan cửa khẩu tạm nhập và hải quan cửa khẩu tái xuất, có giải pháp, biện pháp khắc phục ngay những sơ hở về pháp lý, về thủ tục hải quan trong khâu hồi báo thông tin giữa hai cửa khẩu; trước 30/12/2012 phải xây dựng xong hệ thống quản lý ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hồi báo giữa các cơ quan Hải quan; phòng chống hiệu quả việc làm giả chứng từ thanh khoản; trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc thanh khoản tờ khai tạm nhập...; quy định rõ, cụ thể trách nhiệm cá nhân nhất là trách nhiệm người quản lý trong từng khâu của quy trình thủ tục hải quan, rõ trách nhiệm quản lý của Hải quan từng cấp theo kết luận và kiến nghị của Thanh tra Bộ Tài chính.

4. Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc:

4.1. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải tổ chức thực hiện kiểm tra sau thông quan đối tất cả các doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập tái xuất có dấu hiệu rủi ro, có tờ khai chưa thanh khoản quá hạn để kịp thời phát hiện, xử lý, chấn chỉnh những sai phạm, yếu kém của khẩu thông quan;

4.2. Tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu đối với địa bàn, mặt hàng trọng điểm của loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất như xăng, dầu, ôtô, hàng có thuế suất cao, hàng cấm...; lực lượng Chống buôn lậu chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng quản lý liên quan (quản lý thị trường, công an...) kiểm soát chặt chẽ hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất trong quá trình lưu thông trong nội địa để kịp thời phát hiện, xử lý những vụ việc vi phạm.

4.3. Thực hiện nghiêm các quy định về giám sát, quản lý của hải quan trong quá trình làm thủ tục hải quan tạm nhập, vận chuyển trên đường, lưu giữ trong nội địa, tái xuất, thanh khoản, đưa loại hình tạm nhập - tái xuất vào diện trọng điểm, có độ rủi ro cao để kiểm tra giám sát chặt chẽ chống thẩm lậu vào nội địa, trốn thuế...; kịp thời khắc phục những tồn tại, yếu kém nêu trong kết luận thanh tra của Bộ Tài chính.

5. Tổng cục Hải quan chủ trì, Vụ Pháp chế, Vụ Chính sách thuế và các đơn vị chức năng thuộc Bộ phối hợp đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính về quản lý hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất, cụ thể: Khẩn trương sửa đổi một số nội dung của Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010, Thông tư số 165/2010/TT-BTC ngày 26/10/2010, Thông tư số 126/2011/TT-BTC ngày 07/9/2011, Thông tư số 163/2009/TT-BTC ngày 13/8/2009 và Thông tư số 117/2011/TT-BTC ngày 15/8/2011 của Bộ Tài chính để khắc phục những bất cập, sơ hở đã phát hiện, tập trung vào các vấn đề sau: quy định rõ thời điểm điều kiện đăng ký tờ khai; quy định hàng tạm nhập tái xuất phải khai tờ khai trị giá khi tạm nhập; sửa đổi các nội dung liên quan đến giám sát, quản lý hàng tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu nhằm tạo thuận lợi đồng thời đáp ứng được yêu cầu quản lý chặt chẽ, thống nhất…, thời hạn trình Bộ dự thảo Thông tư sửa đổi trước ngày 30/9/2012.

6. Tổng cục Hải quan chủ trì, phối hợp Vụ Pháp chế, Vụ Chính sách thuế rà soát, trình Bộ kiến nghị với Bộ Công Thương những quy định cần sửa đổi, bổ sung về quản lý hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất theo hướng: Rút ngắn thời hạn hàng tạm nhập tái xuất được lưu giữ tại Việt Nam từ 120 ngày xuống 30 ngày và không cho phép gia hạn thời gian lưu tại Việt Nam; không cho phép chuyển loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất sang nhập khẩu để tiêu thụ nội địa đối với nhóm mặt hàng có thuế tiêu thụ đặc biệt cao và hàng tạm nhập tái xuất theo giấy phép của Bộ Công Thương; chỉ được làm thủ tục tạm nhâp tái xuất tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính hoặc các cửa khẩu khác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; quy định điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập tái xuất…, thời hạn trình Bộ trong tháng 9/2012.

7. Vấn đề phối hợp tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thông qua tạm nhập tái xuất bằng đường bộ, đặc biệt tạm nhập tái xuất xăng dầu bằng đường biển: Phối hợp với các lực lượng Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển (như: ký kết, triển khai quy chế phối hợp giữa lực lượng Hải quan và Biên phòng và tiếp tục triển khai, phối hợp thực hiện các quy chế đã ký kết).

8. Tổ chức thực hiện:

8.1. Tổng cục Hải quan tổ chức quán triệt cho cán bộ công chức trong toàn hệ thống và xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị, định kỳ hàng quý có báo cáo kết quả với Lãnh đạo Bộ.

8.2. Các đơn vị chức năng thuộc Bộ có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Hải quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong Chỉ thị này./

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng Vương Đình Huệ (để b/cáo);
- Lãnh đạo Bộ Tài chính;
- Văn phòng Chính phủ (để b/cáo);
- TCHQ, Cục HQ tỉnh, thành phố (để t/hiện);
- Các đơn vị thuộc Bộ (để thực hiện);
- Lưu: VT, TCHQ.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 03/CT-BTC năm 2012 tăng cường công tác quản lý về hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 03/CT-BTC
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 31/08/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản