Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2006/CT-UBND

Bạc Liêu, ngày 04 tháng 7 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA, BIA KỶ NIỆM VÀ NHÀ BIA GHI DANH LIỆT SĨ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU

Trong những năm qua, công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử văn hóa (gọi chung là di tích) đã được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia; các bia kỷ niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu được các ngành, các cấp quan tâm; chủ trương xã hội hóa công tác bảo tồn ngày càng được đẩy mạnh, thu hút nhiều nguồn vốn từ các nhà mạnh thường quân, các tổ chức xã hội và nhân dân đóng góp để tu bổ, tôn tạo di tích, nhất là các di tích đình, chùa, miếu, đền thờ… góp phần thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa và thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài tỉnh đến với Bạc Liêu; đặc biệt là lực lượng thanh, thiếu niên và học sinh thường xuyên tổ chức về nguồn kết hợp với sinh hoạt truyền thống, hội trại… tại các di tích lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ tỉnh nhà.

Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích, các bia kỷ niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ thiếu thường xuyên, nhiều công trình chưa được duy tu bảo dưỡng, chống xuống cấp, ảnh hưởng tới tuổi thọ và mỹ quan, làm cho công trình chưa tương xứng với giá trị của nó. Sự phối hợp giữa các Sở, Ban, ngành, Đoàn thể với chính quyền các cấp từng lúc, từng nơi thiếu chặt chẽ trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích, bia kỷ niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ. Việc tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hóa và Nghị định số: 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Di sản văn hóa chưa được quan tâm đúng mức.

Để bảo vệ, phát huy có hiệu quả các di tích và kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý các di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và nhân dân trong tỉnh tập trung thực hiện tốt một số yêu cầu sau:

1. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hóa và

Nghị định số: 92/2002/NĐ CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều trong Luật Di sản văn hóa, làm cho các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh quán triệt, nâng cao về nhận thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích, bia kỷ niệm và nhà bia ghi danh liệt sỹ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

2. Sở Văn hóa Thông tin có trách nhiệm tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn; trực tiếp quản lý, bảo vệ, tu bổ, phát huy tác dụng các di tích cấp quốc gia; nghiên cứu hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Lễ hội ở các di tích đúng theo nội dung Quy định Lễ hội của Bộ Văn hóa Thông tin ban hành, tránh phô trương hình thức, thực hiện chủ trương tiết kiệm.

Trước mắt, cần phối hợp với UBND các huyện, thị xã tổ chức tổng kiểm kê các di tích, các bia kỷ niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ trên toàn tỉnh và tổng hợp, xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh về việc tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp các di tích.

3. UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo vệ, tu bổ, duy tu, bảo dưỡng chống xuống cấp và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, các bia tưởng niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ trong phạm vi của địa phương. Ngăn chặn và xử lý kịp thời, đúng pháp luật những hành vi vi phạm đến di tích lịch sử văn hóa, bia kỷ niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ hiện có trên địa bàn. Chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch bảo quản, tu bổ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa đúng theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

4. UBND các cấp cần phối hợp chặt chẽ với Bảo tàng tỉnh trong việc quản lý bảo quản và phát huy tốt các di tích lịch sử văn hóa, bia kỷ niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ, đồng thời, vận động các tổ chức, cơ quan, cá nhân, các mạnh thường quân… tự nguyện đóng góp tu bổ, chống xuống cấp và phát huy có hiệu quản các di tích bia, nhà bia ghi danh liệt sĩ. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị di tích.

5. Sở Giáo dục Đào tạo phối hợp với Bảo tàng tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức Đoàn thể, tổ chức xã hội thường xuyên tổ chức các hoạt động thực tế để cho học sinh, sinh viên tìm hiểu lịch sử của các di tích với nhiều hình thức phong phú, thiết thực nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và nhân dân.

6. Sở Thương mại Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu các di tích lịch sử văn hóa của tỉnh nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, học tập, nghiên cứu đối với khách tham quan du lịch nhằm phát huy giá trị các di tích.

7. Sở Kế hoạch Đầu tư và Sở Tài chính có trách nhiệm cân đối ngân sách hàng năm chi cho việc tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa đã được Nhà nước công nhận trên địa bàn tỉnh để chống xuống cấp các di tích.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức Đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội tích cực phối hợp với các cấp chính quyền tuyên truyền, phổ biến cho Đoàn viên, Hội viên quán triệt và thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị này.

Sở Văn hóa Thông tin có trách nhiệm theo dõi việc triển khai thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc thì báo cáo về UBND tỉnh để chỉ đạo kịp thời. Chỉ thị có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Cao Anh Lộc