Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/2004/CT-NHNN

Hà Nội, ngày 09 tháng 2 năm 2004

 

CHỈ THỊ

CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC SỐ 03/2004/CT-NHNN NGÀY 09 THÁNG 02 NĂM 2004 VỀ VIỆC CHO VAY VỐN ĐỐI VỚI NÔNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH

Nông, lâm trường quốc doanh là loại hình doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, đã và đang tiến hành tổ chức lại sản xuất, có nhiều đóng góp tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Trong thời gian qua, các tổ chức tín dụng cho vay vốn đối với các nông, lâm trường quốc doanh và các hộ công nhân nhận khoán (dưới đây gọi tắt là nông, lâm trường và các hộ nhận khoán) phù hợp với việc tổ chức lại sản xuất, tạo điều kiện cho các nông, lâm trường chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, rừng, hình thành các vùng chuyên canh nông, lâm sản gắn với chế biến, xuất khẩu và giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn.

Tuy nhiên, hoạt động tín dụng ngân hàng đối với các nông, lâm trường còn gặp một số trở ngại: vốn tự có của các nông, lâm trường ít và việc tổ chức lại sản xuất tiến hành chậm; hiệu quả sản xuất, kinh doanh phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và biến động giá cả thị trường trong và ngoài nước. Do đó, quan hệ tín dụng giữa các tổ chức tín dụng và nông, lâm trường gặp khó khăn; các khoản cho vay có tỷ lệ nợ xấu cao; còn có trường hợp xác định, thỏa thuận thời hạn cho vay, định kỳ hạn trả nợ và gia hạn nợ chưa phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh của cây trồng, vật nuôi, thời hạn hoàn vốn của dự án đầu tư và khả năng nguồn vốn cho vay trung và dài hạn của tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, các nông, lâm trường được vay vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước khá lớn (tín dụng hỗ trợ phát triển của Nhà nước, Chương trình 327, Chương trình tín dụng hỗ trợ giải quyết việc làm 120), nhưng cũng đang gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế tín dụng ưu đãi, như thời hạn cho vay, định kỳ hạn trả nợ, giải ngân vốn vay.

Để việc mở rộng cho vay vốn đối với nông, lâm trường và các hộ nhận khoán được an toàn và hiệu quả, phù hợp với Nghị quyết của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh và Quyết định số 179/2003/QĐ-TTg ngày 03/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình, kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị - Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện một số biện pháp như sau:

1. Các tổ chức tín dụng chủ động tiếp cận, thẩm định các phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư để bố trí nguồn vốn đáp ứng cho các nhu cầu vay vốn có hiệu quả, có khả năng hoàn trả nợ của các nông, lâm trường và các hộ nhận khoán, trên cơ sở khả năng huy động vốn của tổ chức tín dụng và tinh thần tự chủ kinh doanh, tự chịu trách nhiệm về các quyết định cho vay của mình.

2. Việc cho vay vốn đối với các nông, lâm trường thực hiện theo cơ chế tín dụng hiện hành quy định tại Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999 và Nghị định số 85/2002/NĐ-CP ngày 25/10/2002 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay, Thông tư số 05/2002/TT-NHNN ngày 27/9/2002 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Việc xác định, thỏa thuận thời hạn cho vay, định kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ đối với các khoản vay của nông, lâm trường áp dụng cụ thể như sau:

a) Đối với các khoản vay để chăm sóc cây trồng, vật nuôi, khu rừng đã đưa vào kinh doanh, việc xác định và thỏa thuận thời hạn cho vay, định kỳ hạn trả nợ phù hợp với chu kỳ kinh doanh, bao gồm thời gian sinh trưởng, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm của từng loại cây trồng, vật nuôi, khu rừng.

b) Đối với các khoản vay để chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ hoặc trồng mới rừng theo kế hoạch, được ngân sách nhà nước cấp kinh phí, thì các tổ chức tín dụng xem xét, cho vay và thỏa thuận với nông, lâm trường về thời hạn cho vay, định kỳ hạn trả nợ gốc và lãi phù hợp với kế hoạch giải ngân kinh phí của tổ chức quản lý ngân sách nhà nước.

c) Đối với các khoản vay để thu mua nông, lâm sản của hộ công nhân nhận khoán và hộ dân trong vùng dự án, thì việc xác định và thỏa thuận thời hạn cho vay, định kỳ hạn trả nợ phù hợp với thời gian dự trữ, chế biến và tiêu thụ nông, lâm sản.

d) Đối với các khoản vay để đầu tư các dự án trồng mới cây công nghiệp, rừng nguyên liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm gắn với chế biến, thì các tổ chức tín dụng xem xét cho vay trên cơ sở nguồn vốn cho vay trung và dài hạn của mình; việc xác định, thỏa thuận thời hạn cho vay, định kỳ hạn trả nợ phù hợp với thời gian ân hạn (thời gian xây dựng cơ bản) và thời hạn hoàn vốn của dự án.

đ) Trường hợp các nông, lâm trường gặp khó khăn, không trả được nợ vay đúng hạn cả gốc và lãi do thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả thị trường, thì các tổ chức tín dụng xem xét, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc gia hạn nợ cho nông, lâm trường.

3. Đối với các nhu cầu vay vốn của hộ nhận khoán, các tổ chức tín dụng xem xét, cho vay phù hợp với quy định tại Quyết địnóaos 67/1999/QĐ-TTg ngày 30/3/1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn và Thông tư số 05/2002/TT-NHNN ngày 27/9/2002 của Ngân hàng Nhà nước. Việc xác định và thỏa thuận thời hạn cho vay, định kỳ hạn trả nợ phù hợp với chu kỳ kinh doanh của cây trồng, vật nuôi, khả năng hoàn trả nợ của hộ công nhân nhận khoán và thời hạn mua bán nông, lâm sản theo hợp đồng đã ký kết với các nông, lâm trường.

4. Tiến hành rà soát, phân loại các khoản nợ xấu, làm rõ nguyên nhân để xử lý theo cơ chế hiện hành. Trường hợp các nông, lâm trường còn nợ xấu do nguyên nhân khách quan, có nhu cầu vay vốn để đầu tư phương án sản xuất, kinh doanh hoặc dự án đầu tư được thẩm định là có hiệu quả, có khả năng trả nợ, thì các tổ chức tín dụng xem xét, cho vay để tạo điều kiện cho các nông, lâm trường mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

5. Tiến hành phân tích, đánh giá về tình hình vay và khả năng trả nợ các khoản vay ưu đãi theo chính sách của Nhà nước do tổ chức tín dụng trực tiếp giải ngân để có giải pháp thu hồi nợ vay và kiến nghị với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc về cơ chế cho vay, phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của các nông, lâm trường.

6. Tổ chức thực hiện

a) Chỉ thị này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

b) Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng có trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

 

 

Phùng Khắc Kế

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 03/2004/CT-NHNN về cho vay vốn đối với nông, lâm trường quốc doanh do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 03/2004/CT-NHNN
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 09/02/2004
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Phùng Khắc Kế
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: 02/03/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 12/08/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản