Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/2004/CT-BTC

Hà Nội, ngày 23 tháng 02 năm 2004 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VỀ TÀI CHÍNH

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về tài chính nói riêng có vị trí và vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, đặc biệt trong công cuộc đổi mới của nước ta hiện nay. Trong những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về tài chính trong ngành Tài chính đã được các đơn vị nhận thức, quan tâm, chỉ đạo và thực hiện kịp thời, thường xuyên. Nhu cầu thông tin pháp luật về tài chính của cán bộ quản lý tài chính, của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tài chính và nhân dân trong thời gian qua đã từng bước được đáp ứng đầy đủ.

Tuy nhiên, trước tình hình cơ chế chính sách, pháp luật về tài chính được ban hành mới và nhiều, việc phổ biến, giáo dục pháp luật về tài chính trong toàn ngành Tài chính cần phải tiến hành thường xuyên hơn, liên tục, đồng bộ, rộng khắp, có trọng tâm, trọng điểm; có cơ chế, kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thuộc Bộ; giữa Bộ với các Sở Tài chính, Cục thuế, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Dự trữ quốc gia khu vực và Cục Hải quan địa phương và các cơ quan thông tin đại chúng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành và của toàn xã hội cho mục đích tăng cường hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật về tài chính.

Để đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về tài chính, nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức tôn trọng pháp luật, bảo đảm hiệu quả thực thi pháp luật về tài chính; thực hiện Chỉ thị số 32 CT/TW ngày 9 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; cụ thể hoá chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17 tháng 1 năm 2003, Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ thị:

1- Mỗi cán bộ, công chức thuộc ngành tài chính ở Trung ương và Địa phương cũng như các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tài chính phải xác định rõ việc học tập, nghiên cứu để hiểu biết pháp luật về tài chính, thi hành nghiêm chỉnh pháp luật về tài chính là trách nhiệm của mình; gương mẫu trong việc thực hiện, chấp hành pháp luật và có trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật về tài chính trong nhân dân.

2- Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về tài chính trong phạm vi hoạt động của đơn vị mình:

a- Bố trí một cán bộ lãnh đạo đơn vị theo dõi, tổ chức việc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về tài chính.

b- Đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về tài chính đến từng loại đối tượng; việc phổ biến, triển khai thực hiện các văn bản pháp luật mới ban hành được coi là một nội dung trong chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của đơn vị.

c- Căn cứ vào chương trình hành động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2003 đến năm 2007 và của Bộ Tài chính để xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm, trong đó xác định rõ nội dung, hình thức, biện pháp thích hợp và tích cực để đẩy mạnh hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật về tài chính cho cán bộ, công chức trong phạm vi quản lý của đơn vị mình và các đối tượng khác có liên quan.

Đối với các đơn vị được tổ chức theo hệ thống dọc (Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Hải quan, Cục Dự trữ quốc gia), Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức trong toàn hệ thống.

d- Bố trí nguồn kinh phí hợp lý trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm được cơ quan có thẩm quyền giao để thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài chính.

đ- Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong năm và kế hoạch triển khai năm tiếp theo và gửi về Bộ Tài chính (Vụ Pháp chế) trước ngày 30/11 hàng năm để tổng hợp thành kế hoạch thống nhất của toàn ngành.

3- Các cơ quan báo chí của ngành Tài chính, bao gồm cả báo điện tử dành thời lượng thông tin hợp lý cho việc phổ biến, giáo dục pháp luật bằng các chuyên trang, chuyên mục về pháp luật với các hình thức thích hợp. Tăng cường đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên viết về pháp luật để cung cấp cho các báo, đài Trung ương và địa phương nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu tìm hiểu pháp luật về tài chính của nhân dân.

4- Văn phòng Bộ chủ trì phối hợp với Vụ Pháp chế xây dựng kế hoạch và biện pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về tài chính hàng năm trên các phương tiện thông tin đại chúng ngoài Bộ với các hình thức thích hợp.

5- Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với các cơ sở đào tạo thuộc ngành tài chính và các đơn vị có liên quan xây dựng trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, công chức quản lý nhà nước về pháp luật tài chính; chủ trì việc trao đổi với các Bộ, ngành liên quan để đưa nội dung pháp luật về tài chính vào thi tuyển, thi chuyển ngạch cho cán bộ, công chức tài chính phù hợp với từng loại đối tượng.

6- Giám đốc các doanh nghiệp thuộc Bộ căn cứ vào nội dung Chỉ thị này để xây dựng kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật trong đơn vị mình phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh.

7- Vụ Pháp chế có trách nhiệm:

a- Làm đầu mối phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ hướng dẫn các Sở Tài chính, Cục thuế, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục Hải quan địa phương, Dự trữ quốc gia khu vực và các tổ chức khác thuộc ngành tài chính các cấp xây dựng kế hoạch hàng năm về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về tài chính cho từng đối tượng và đưa công tác này vào nề nếp.

b- Xây dựng chương trình hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật về tài chính hàng năm và dài hạn của Bộ, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt.

c- Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ báo cáo kết quả với Bộ trưởng.

8- Việc khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài chính được thực hiện hàng năm theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Thủ trưởng các cơ quan tài chính ở địa phương có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên và phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo)
- Bộ Tư pháp (để báo cáo)
- Các đơn vị thuộc Bộ
- Sở Tài chính, KBNN, Cục thuế, Cục Hải quan, DTQG khu vực.
- VPĐU, CĐ, TN, Nữ công BTC
- Lưu: VP, PC

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
 



Nguyễn Sinh Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 03/2004/CT-BTC tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về tài chính do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 03/2004/CT-BTC
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 23/02/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/02/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản