BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số 03 /2000/CT-BTC | Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 2000 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH TRIỂN KHAI CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN ÁP DỤNG ĐỐI VỚI HỘ SẢN XUẤT KINH DOANH CÔNG THƯƠNG NGHIỆP VÀ DỊCH VỤ NGOÀI QUỐC DOANH
Những năm qua, để tăng cường kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh, chống thất thu thuế, chống gian lận thương mại, ngành thuế các địa phương dưới sự chỉ đạo của UBND các cấp đã phối hợp với các ngành tích cực triển khai thực hiện chế độ kế toán đối với các hộ sản xuất kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh và đã đạt được những kết quả nhất định: cả nước đã có hàng trăm ngàn hộ thực hiện mở sổ sách kế toán, lập hóa đơn, chứng từ theo quy định; thực hiện kê khai nộp thuế theo sổ sách kế toán và hóa đơn, chứng từ góp phần hạn chế thất thu, đảm bảo sự công bằng về nghĩa vụ thuế giữa các hộ kinh doanh.
Năm 1999 thực hiện các Luật thuế mới do nhận thức tầm quan trọng của việc thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ có tác dụng quyết định việc thực hiện thành công các Luật thuế mới, đảm bảo sự công bằng và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và các hộ sản xuất kinh doanh. Ngành thuế các địa phương đã tập trung chỉ đạo triển khai mạnh mẽ hơn cả về diện hộ và chất lượng của việc thực hiện chế độ kế toán hóa đơn, chứng từ. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra như số hộ thực hiện kế toán, hóa đơn, chứng từ còn ít; việc ghi chép, phản ánh các phát sinh kinh tế trên sổ sách kế toán, trên hóa đơn, chứng từ chưa chính xác, kịp thời, vẫn còn các trường hợp bán hàng nhưng không xuất hóa đơn; hoặc ghi hóa đơn nhưng không phản ánh các chỉ tiêu quy định.
Để thực hiện tốt các Luật thuế mới, đặc biệt là Luật thuế GTGT, đảm bảo sự công bằng và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và các hộ sản xuất kinh doanh trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc ngành thuế tập trung đẩy mạnh triển khai chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ đối với các hộ kinh doanh doanh công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh, cụ thể như sau:
1. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến mục đích yêu cầu, nội dung của chế độ kế toán, chế độ lập hóa đơn chứng từ đối với các hộ sản xuất kinh doanh doanh công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh, những chính sách ưu đãi về thế đối với hộ kinh doanh thực hiện tốt chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ để các hộ sản xuất kinh doanh hiểu và tự giác thực hiện.
2. Phối hợp với các ngành ở địa phương tổ chức các lớp tập huấn về nội dung của chế độ kế toán, chế độ lập hóa đơn, chứng từ; các loại sổ sách kế toán, các loại hóa đơn, chứng từ và cách ghi chép sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ; chế độ kê khai nộp thuế, phương pháp tính thuế dựa trên sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ cho các hộ sản xuất kinh doanh biết để họ tự ghi chép, tự kê khai và tính số thuế phải nộp hàng tháng.
3. Căn cứ vào số hộ sản xuất kinh doanh cá thể trên địa bàn tiến hành phân loại, lựa chọn các hộ sản xuất kinh doanh bắt buộc phải thực hiện chế độ kế toán. Trong năm 2000 phải đưa tất cả các hộ lớn, hộ môn bài bậc 1 thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ và nộp thuế theo phương pháp kê khai. Các loại hộ khác cần khuyến khích động viên làm sổ sách kế toán để nộp thuế theo phương pháp kê khai: như tuyên truyền để hộ kinh doanh hiểu rõ tác dụng của việc thực hiện kế toán, hóa đơn, chứng từ; cung cấp đầy đủ sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ khi hộ kinh doanh yêu cầu; mở lớp tập huấn, cử cán bộ hướng dẫn, giúp đỡ hộ kinh doanh ghi chép sổ sách kế toán, lập hóa đơn, chứng từ đúng quy định.
4. Mở rộng diện hộ kinh doanh đang nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp sang nộp theo phương pháp khấu trừ. Đối với những hộ kinh doanh đã thực hiện tốt chế độ kế toán, chế độ lập hóa đơn, chứng từ cần động viên và hướng dẫn họ đăng ký để chuyển sang nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.
5. Phối hợp với các ngành chức năng (thống kê, quản lý thị trường, công an, kiểm sát...) tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm khắc những hộ kinh doanh cố tình vi phạm nhằm mục đích trốn tránh sự kiểm soát của nhà nước, dấu doanh thu, trốn thuế và các hành vi gian lận khác.
6. Triển khai kế toán đối với hộ kinh doanh là công việc khó khăn phức tạp cần có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp uỷ, UBND các cấp, sự phối hợp của các ngành và ý thức trách nhiệm cao của cán bộ công nhân viên ngành thuế vì vậy yêu cầu cơ quan thuế các cấp:
- Lập kế hoạch và biện pháp triển khai cụ thể tại địa phương trình UBND để UBND chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp thực hiện.
- Bố trí những cán bộ có trình độ chuyên môn, có ý thức trách nhiệm, có năng lực để hướng dẫn và giúp đỡ các hộ kinh doanh thực hiện.
- Hàng tháng, hàng quý có kiểm điểm rút kinh nghiệm để phát hiện các điển hình tiên tiến, những kinh nghiệm và biện pháp thực hiện có hiệu quả để nhận ra diện rộng. Đồng thời cũng thấy được những mặt còn tồn tại để uốn nắn kịp thời.
Tổng cục thuế có trách nhiệm chỉ đạo triển khai đồng bộ và thống nhất trong cả nước, thường xuyên tổng hợp tình hình và kết quả triển khai cũng như những khó khăn, vướng mắc báo cáo Bộ để xử lý kịp thời./.
| KT/ BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
Chỉ thị 03/2000/CT-BTC về đẩy mạnh triển khai chế độ kế toán áp dụng đối với hộ sản xuất kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 03/2000/CT-BTC
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 10/04/2000
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Phạm Văn Trọng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 25/04/2000
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực