THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/1999/CT-TTg | Hà Nội, ngày 20 tháng 1 năm 1999 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG KHẢO SÁT, THĂM DÒ, KHAI THÁC CÁT, SỎI VÀ NẠO VÉT KẾT HỢP TẬN THU CÁT, SỎI LÒNG SÔNG
Trong thời gian qua, việc khai thác cát, sỏi và nạo vét kết hợp tận thu cát, sỏi lòng sông nói chung và nhất là dọc các sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ, sông Hồng, sông Lô, sông Đáy và hệ thống sông Thái Bình đã mang lại nhiều lợi ích như đáp ứng nhu cầu thị trường vật liệu xây dựng, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, khơi thông luồng lạch.
Tuy nhiên, nhiều tổ chức, cá nhân tiến hành khai thác trái phép hoặc lợi dụng việc nạo vét kết hợp tận thu để khai thác cát, sỏi đã dẫn đến tình hình là: tranh mua, tranh bán, gây mất trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa và trật tự xã hội, tác động xấu đến môi trường, môi sinh, Nhà nước thất thu thuế; ở một số nơi đã xảy ra trường hợp tranh chấp địa bàn khai thác và chống lại người thi hành công vụ. Hoạt động khai thác, nạo vét kết hợp tận thu cát, sỏi ở nhiều nơi đã làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở, xói mòn bờ sông, đe dọa sự an toàn của đê, kè, cống. Nhiều phương tiện khai thác cát, sỏi và vận tải thuỷ không đăng ký, đăng kiểm; nhiều chủ phương tiện không có bằng lái. Tại một số địa phương, việc cấp giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông ở các khu vực chưa được thăm dò, chưa có báo cáo đánh giá tác động tới dòng chảy, đê điều và môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt diễn ra khá phổ biến, vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật.
Nguyên nhân của tình trạng này là do các Bộ, ngành có liên quan và ủy ban nhân dân các cấp chưa làm hết trách nhiệm của mình, chưa tuyên truyền, phổ biến, giáo dục sâu rộng pháp luật trong nhân dân; thủ tục hành chính trong việc cấp phép còn rườm rà; việc phân công, phân cấp quản lý nhà nước chưa rành mạch, đặc biệt là thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong việc quản lý hoạt động này.
Để nhanh chóng khắc phục tình trạng nói trên, tăng cường quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm tra thực trạng khai thác cát, sỏi lòng sông; đình chỉ để xử lý các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác cát, sỏi trái phép; đồng thời thu hồi ngay các giấy phép khai thác cát, sỏi đã cấp tại những khu vực chưa có báo cáo thăm dò địa chất và báo cáo đánh giá tác động tới dòng chảy, đê điều và môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; lực lượng cảnh sát kết hợp với thanh tra giao thông đường thuỷ, ủy ban nhân dân các địa phương và các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý các phương tiện và chủ phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi vi phạm các quy định của pháp luật; hoàn thành các công việc nêu trên và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 31 tháng 3 năm 1999.
2. Trên cơ sở tài liệu địa chất về khoáng sản hiện có và căn cứ thực trạng tình hình khai thác cát, sỏi lòng sông ở địa phương, Bộ Công nghiệp phối hợp với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc lập quy hoạch về khảo sát, thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát, sỏi lòng sông.
Giao Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức thẩm định và phê duyệt các quy hoạch nói trên.
3. Việc cấp giấy phép khảo sát, thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật trên cơ sở quy hoạch tổng thể đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác cát, sỏi ở những nơi có công trình quốc phòng và khu quân sự phải được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng trước khi cấp giấy phép.
4. Bộ Công nghiệp hướng dẫn ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấn chỉnh việc cấp phép, quản lý các cá nhân, hộ gia đình khai thác cát, sỏi lòng sông; quy định cụ thể việc lập qui hoạch và khảo sát, thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông đối với các khu vực thuộc ranh giới hai hay nhiều tỉnh.
5. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công nghiệp, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc lập và tổ chức thẩm định, phê duyệt qui hoạch tổng thể và các kế hoạch nạo vét bến cảng, khơi thông luồng lạch, điều chỉnh dòng chảy để bảo vệ đê điều có kèm theo dự kiến khối lượng cát, sỏi sẽ thu hồi theo từng đề án và kế hoạch triển khai hàng năm.
Bộ Giao thông vận tải chỉ cấp giấy phép nạo vét bến cảng, lòng sông trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch nạo vét đã được phê duyệt, báo cáo đánh giá tác động môi trường của hoạt động nạo vét đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê chuẩn và sự thoả thuận bằng văn bản về các vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công nghiệp, Bộ Khoa học, Công Nghệ và Môi trường và uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có công trình nạo vét.
Dự án khu vực nạo vét có kết hợp tận thu cát, sỏi ở trong ranh giới một tỉnh thì phải đăng ký khối lượng tại Sở Công nghiệp của tỉnh. Nếu dự án thuộc ranh giới hai hay nhiều tỉnh thì phải đăng ký khối lượng tại Cục Địa chất và Khoáng sản Bộ Công nghiệp và tại các Sở Công nghiệp có liên quan.
6. Bộ Công nghiệp cùng uỷ ban nhân dân các địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân pháp luật về các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác cát, sỏi và nạo vét kết hợp tận thu cát, sỏi lòng sông.
7. Các cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản, môi trường, an toàn giao thông, an toàn đê điều và thoát lũ của Trung ương và địa phương phải thường xuyên, định kỳ thanh tra, kiểm tra các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác, nạo vét kết hợp tận thu cát, sỏi lòng sông và xử lý các hành vi vi phạm.
Khi cần thiết, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành: Công nghiệp, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Quản lý đường sông, Phòng chống lụt bão và quản lý đê điều, Công an, Tài chính, Thuế vụ để kiểm tra và xử lý vi phạm.
Nếu phạm vi kiểm tra thuộc hai hay nhiều tỉnh thì Bộ Công nghiệp chủ trì đoàn kiểm tra liên ngành có sự tham gia của đại diện ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan; trường hợp kiểm tra nạo vét có kết hợp tận thu thì do Bộ Giao thông vận tải chủ trì. Kinh phí hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành tính trong dự toán chi quản lý nhà nước hàng năm của các đơn vị, do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, các cơ quan kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
| Ngô Xuân Lộc (Đã ký)
|
- 1Chỉ thị 31/2005/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 16/2002/CT-TTg về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác cát, sỏi và nạo vét kết hợp tận thu cát, sỏi lòng sông do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Chỉ thị 31/2005/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 16/2002/CT-TTg về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác cát, sỏi và nạo vét kết hợp tận thu cát, sỏi lòng sông do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chỉ thị 03/1999/CT-TTG về tăng cường quản lý Nhà nước đối với các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác cát, sỏi và nạo vét kết hợp tận thu cát, sỏi lòng sông do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 03/1999/CT-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 20/01/1999
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Ngô Xuân Lộc
- Ngày công báo: 28/02/1999
- Số công báo: Số 8
- Ngày hiệu lực: 04/02/1999
- Ngày hết hiệu lực: 15/08/2002
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực