Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CT-UBND

Phú Thọ, ngày 2 tháng 6 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI

Những năm qua, công tác phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo sát sao, hệ thống văn bản chỉ đạo được ban hành đầy đủ, kịp thời; các cấp, ngành đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống bệnh Dại theo các Kế hoạch về phòng chống bệnh Dại giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch hằng năm của Ủy ban nhân dân tỉnh; công tác thông tin, tuyên truyền, quản lý đàn vật nuôi, giám sát, phòng ngừa, xử lý các ổ bệnh Dại động vật và điều trị dự phòng cho người bị phơi nhiễm được chú trọng, đã hạn chế nguy cơ lây lan bệnh Dại. Giai đoạn 2016 - 2022, đã phát hiện và xử lý kịp thời 100% ca bệnh Dại động vật, giảm mạnh số ca tử vong do bệnh Dại gây ra trên người còn 13 ca (giảm 30 ca so với giai đoạn 2010-2015). Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa bền vững, vi rút Dại vẫn lưu hành ở một số địa phương trong tỉnh; từ đầu năm đến nay, đã phát hiện 29 ca động vật dương tính với vi rút Dại tại 08 huyện (Tân Sơn, Thanh Ba, Lâm Thao, Phù Ninh, Thanh Thủy, Đoan Hùng, Yên Lập và thành phố Việt Trì). Nguyên nhân là do: (1) công tác chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại ở một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là quản lý việc đàn chó nuôi và thực hiện các chế tài xử phạt theo quy định; (2) tỷ lệ tiêm phòng vắc xin đạt thấp (dưới 20% tổng đàn); (3) công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bệnh Dại hiệu quả chưa cao; (4) hiểu biết và ý thức chấp hành các quy định về phòng chống bệnh Dại của phần lớn người dân chưa tốt… Dự báo, trong thời gian tới dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, có nhiều nguy cơ phát sinh lây lan, do thời tiết bắt đầu bước vào mùa nắng nóng.

Để kịp thời khắc phục những tồn tại nêu trên, hạn chế nguy cơ lây lan bệnh Dại, giảm thiểu và tiến tới không còn người chết vì bệnh Dại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống bệnh Dại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21 tháng 4 năm 2023 và Kế hoạch số 4366/KH-UBND ngày 01 tháng 10 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã đề ra: tỷ lệ chó, mèo tiêm vắc xin Dại đạt 75% tổng đàn, đến hết năm 2023 tỉnh Phú Thọ không còn là tỉnh trọng điểm về bệnh Dại… Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành liên quan, nhất là Sở Nông nghiệp và PTNT và các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo phòng chống bệnh Dại, trong đó tập trung một số nhiệm vụ sau:

1. Sở Nông nghiệp và PTNT

- Tập trung chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh Dại; tăng cường điều tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm các ổ bệnh Dại, không để tái phát, lây lan rộng. Phân công cụ thể cán bộ theo dõi, đôn đốc các địa phương trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về phòng chống bệnh Dại đảm bảo sâu sát, hiệu quả; rà soát, đánh giá thực trạng công tác phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh, xác định rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại hạn chế, xử lý hoặc kiến nghị xử lý đối với lãnh đạo, cán bộ, công chức ở cơ sở thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý, không hoàn thành nhiệm vụ;

- Tiếp tục chỉ đạo triển khai có hiệu quả Kế hoạch phòng chống bệnh Dại giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh; đề xuất các chương trình, kế hoạch xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại, nhất là tại các khu du lịch, thành phố, thị xã, khu đông dân cư theo quy định. Khẩn trương xây dựng Kế hoạch và hướng dẫn các huyện, thành, thị triển khai tiêm phòng tập trung vắc xin Dại đồng bộ, hiệu quả; trong đó, tập trung hỗ trợ vắc xin và tổ chức tiêm phòng cho đàn chó, mèo tại các ổ dịch, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, đặc biệt khó khăn…; định kỳ hằng tháng, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện;

- Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành có liên quan kịp thời chia sẻ thông tin về bệnh Dại; tăng cường công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành về đảm bảo an toàn bệnh Dại, hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ chó, mèo…; kiên quyết xử lý, xử phạt đối với các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật;

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền sâu rộng các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh Dại; biện pháp phòng chống dịch bệnh bắt buộc theo quy định, nhất là tiêm phòng vắc xin và quản lý đàn chó, mèo… rà soát, xây dựng và cung cấp các tài liệu truyền thông phục vụ công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của người dân và hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Dại;

- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo tại Chỉ thị này trên địa bàn tỉnh; tổng hợp báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác số liệu trên Hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS), báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

2. Sở Y tế

- Tiếp tục chỉ đạo tăng cường phối hợp liên ngành trong giám sát, phát hiện sớm bệnh Dại, chú trọng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cung cấp, chia sẻ thông tin với cơ quan thú y để kịp thời điều tra, xử lý ổ dịch theo quy định;

- Đảm bảo việc tiếp cận vắc xin, huyết thanh kháng Dại điều trị cho người bị phơi nhiễm; chỉ đạo các cơ sở y tế tích cực tư vấn cho người bị phơi nhiễm điều trị dự phòng kịp thời; kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sử dụng các kỹ thuật y tế chưa được công nhận (bài thuốc đông y, thuốc cổ truyền, thuốc gia truyền…) để khám và điều trị cho người mắc bệnh Dại hoặc người bị chó, mèo cắn.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và Sở Y tế xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch truyền thông học đường về phòng, chống bệnh Dại.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại; các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên người và động vật, các quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh bắt buộc như: tiêm vắc xin phòng bệnh Dại, ký cam kết khai báo, nuôi nhốt chó mèo, đảm bảo vệ sinh thú y và các điều kiện an toàn (đeo rọ mõm và có người dắt) khi đưa chó ra nơi công cộng… nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của người dân trong phòng chống bệnh Dại.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị

- Trên cơ sở hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT, giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp xã trong tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại; trong đó, khẩn trương rà soát, đánh giá, làm rõ thực trạng công tác phòng chống bệnh Dại, những tồn tại, hạn chế trên địa bàn quản lý; có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, đảm bảo hoàn thành mục tiêu kế hoạch đã đề ra. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện trên địa bàn;

- Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc quản lý đàn chó nuôi theo quy định: tổ chức thống kê chính xác số hộ nuôi và số chó, mèo ở từng xã, khu dân cư; hướng dẫn, yêu cầu các chủ hộ nuôi chó, mèo ký cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuân viên gia đình, khi đưa cho ra nơi công cộng phải đảm bảo an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm hoặc xích giữ, có người dắt, đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo quy định. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với các cơ quan chuyên ngành thú y tổ chức tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn, đảm bảo tỷ lệ tiêm vắc xin đạt trên 75% tổng đàn; đối với các xã phát hiện chó, mèo mắc bệnh Dại, yêu cầu tiêm phòng 100% số chó, mèo thuộc diện tiêm phòng;

- Chủ động bố trí kinh phí để triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo kế hoạch phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn quản lý; tập trung hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn chó, mèo tại các ổ dịch, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, đặc biệt khó khăn…

- Phối hợp chặt chẽ với các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh Dại trên đàn chó, mèo, kịp thời phát hiện, xử lý các ổ dịch bệnh Dại không để dịch bệnh lây lan; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, đảm bảo kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình dịch bệnh theo quy định;

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thú y cấp huyện, cấp xã; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về phòng chống bệnh Dại, hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ chó, mèo trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y;

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người nuôi chó, mèo nhận thức được tính chất nguy hiểm, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại và có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống bệnh Dại. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phát huy lợi thế của hệ thống truyền thanh cơ sở và mạng xã hội (Facebook, zalo, youtube…), tuyên truyền trực tiếp tại các trường học…

- Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể vận động, hướng dẫn các khu dân cư xây dựng quy ước, hương ước về nuôi chó, phòng chống bệnh Dại; lập các Tổ cộng đồng tham gia quản lý chó, mèo nuôi và vận động chấp hành tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo.

6. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể cấp tỉnh: Chỉ đạo các cấp hội phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế, các sở ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị tăng cường tuyên truyền, vận động các hội viên, đoàn viên, cộng đồng dân cư tích cực thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dại theo quy định; xây dựng các quy ước, hương ước của khu dân cư về nuôi chó, mèo và phòng chống bệnh Dại; giám sát, vận động chủ vật nuôi thực hiện khai báo, không thả rông, tiêm phòng đầy đủ vắc xin theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và các đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Hải

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2023 về tăng cường biện pháp phòng, chống bệnh Dại do tỉnh Phú Thọ ban hành

  • Số hiệu: 02/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 02/06/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Người ký: Nguyễn Thanh Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/06/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản